[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


01 tháng 2 2010

Gia đình đi theo Đảng

Một cách tự nhiên, từ sau 1930, nhất là từ sau 1950, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó máu thịt với từng gia đình đất Việt. Gia tộc tôi cũng không ngoại lệ. Sự gắn bó đó, theo tôi, không đơn thuần là “cho” như lâu nay vẫn nói và viết mà là sự “đem lại” của Đảng và quá trình phấn đấu của mỗi con người theo lý tưởng của Đảng để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người khác.

Đời ông tôi không có chuyện đáng kể bởi ông rời làng ra đi từ khi chưa có Đảng.

1. Bố tôi, sinh Sinh năm Khải định Thứ 8 (Quí Hợi-1923).

Thủa nhỏ theo ông bác là Cụ Hội Khuê Lương Đức Khuông học chữ Nho. Chịu khó học và học khá. Năm hơn 10 tuổi, đi ở cho nhà Bạch Thái ngoài Hải Phòng và đây là dịp giúp người có điều kiện đọc nhiều truyện cổ Trung Quốc, Truyện Kiều, truyện Nôm khuyết danh...

Khi CM Tháng Tám thành công, phần vì nhiệt thành, phần chữ đẹp, được xã cử làm Giáo viên bình dân học vụ, trong Ban bầu cử QH khoá I của xã Cảnh Hưng (chính quyền Cách Mạng lập mới trên cơ sở các xã: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng của tổng Cao Mật cũ).

Trong kháng chiến, đặc biệt là sau trận càn 8/1947 hay trong chiến dịch “con quỷ” DIABLE tháng 12/1949 cùng gia đình và đoàn thể xã tản cư sang Tiên Lãng. Chính tại đây, được ông Phạm Văn Quang[1] giới thiệu đi dự một lớp huấn luyện 15 ngày sau đó đưa về quê hoạt động. Trong trận bính vận đánh đồn Khuể cuối tháng 9/1950 cả 2 bố và chú tôi đều góp công[2]. Đây là một trận đánh hay cả về cách thức cũng như hiệu quả, nó tạo bước ngoặt quan trọng trong việc huyện quyết định thành lập xã và mang tên “Chiến Thắng” trên cơ sở nhập Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng) vào ngày 15/10/1950 như ngày nay. Khi đó, với cương vị Trưởng ban kinh tài có nhiệm vụ thu thuế gửi ra vùng tự do nộp cho cấp trên không thiếu một xu. Lạ cái là ngày đó chưa có hệ thông sổ sách như sau này mà người dân nộp rất tự giác, người thu đem nộp cấp trên rất đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều lần phải vượt qua bốt Khuể sang bên vùng tự do ở Tiên Lãng nộp tiền, bố tôi vẫn đi không quản ngại. Hoặc trận bộ đội, du kích dùng mưu lấy súng của địch tại nhà thờ Kim Côn tháng 11/1950 chính bố tôi đã nhiều đêm nằm tại nhà bác tôi là Phạm Văn Ký để nắm tình hình.

Gần cuối cuộc kháng chiến, Chi bộ đã đặt vấn đề bồi dưỡng kết nạp Đảng cho bố tôi nhưng trong thôn có một vài người năng lực công tác và văn hoá kém bố tôi lại có ý ganh nên vin vào việc ông Nội tôi từng là Lý trưởng nên đã đề xuất “cần ngâm cứu tiếp”.

Sau ngày 20/7/1954, địa bàn Chiến Thắng là một đầu mối giao thông quan trọng trong Khu vực tập kết 300 ngày nên cụ đã cùng những cốt cán chống âm mưu dụ dỗ đồng bào di cư.

Những năm CCRĐ, khôi phục sau chiến tranh, thành lập HTX Nông nghiệp hay giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất bố tôi là Trưởng ban Địa chính xã, dạy Bổ túc văn hoá, tham gia văn nghệ rất hăng hái. Tuy công tác tích cực, có uy tín nhưng vì bực với cháu họ mà không làm lí lịch lần nữa. Chuyện rằng ông anh họ tôi vốn thành phần cơ bản, được bầu là Tổ trưởng Đảng nhưng hay cờ bạc. Trong một lần đang say gỡ, anh hỏi vay tiền thuế do bố tôi giữ, người không giải quyết. Khi xét kết nạp, chính anh đưa ra ý kiến: “Trường hợp ông cháu nên để lại thử thách thêm”. Thế rồi thôi. Anh này sau anh này vẫn nghèo, con cái không thành đạt gì mấy.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) và Nghị quyết Hội nghị đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An, Lào Cai về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh (ngày 12/11/1961), đợt 02/1964 xã Chiến Thắng có 9 hộ, 56 khẩu đi khai hoang. Trong đó có gia đình tôi. Trong ban lãnh đạo HTX An Phong (dân Chiến Thắng và dân Mỹ Đức, An Thọ cùng huyện lên Phong Niên lập ra) thì Ông Ơn (người An Thọ) làm Chủ nhiệm, Ông Nhỡ là phó, người là Kế toán. Hàng tháng ra Huyện làm sổ sách (18 Km đường rừng). Người còn đứng ra mở lớp dạy vỡ lòng cho các cháu ở thôn. Năm 1967 An Phong sát nhập với Vĩnh Hồ (dân Vĩnh Bảo lên từ 1963) thành HTX An Hồ, làm Kế toán. Sau đó làm Trưởng ban Thống kê xã.Khi hợp nhất toàn xã làm Phó chủ nhiệm kế hoạch.

Mặc dù qua nhiều cương vị công tác, rất có tín nhiệm, Chi bộ từng đặt vấn đề nhưng ông nói già rồi nên cuối đời (21/01/1997) ông vẫn là người ngoài Đảng. Trong dịp Tết 1996 (cái Tết cuối cùng) ông nói: bởi mấy thằng cháu không ưa tính tôi nói thẳng hay nhòm ngó công quỹ tôi giữ không được nên cản không cho tôi vào Đảng nhưng có 5 trai thì 4 đã là ĐV và còn hơn nữa. Như vậy còn hơn khối ông tiếng là ĐV đấy nhưng con cái chẳng nên công trạng gì, có khi còn vô tù hay tiếp cảnh làm thuê làm mướn !. Đúng vậy, đến 2008 thì ông đã có 5 con trai, 2 cháu nội đứng trong hàng ngũ Đảng !

Từ ý này và từ thực tế gia đình, khi con trai tôi được kết nạp vào Đảng (Thứ Tư ngày 12/04/2006 , tức Rằm tháng Ba Bính Tuất) tại Chi bộ SV Học viện CSND) tôi đã viết một bài thơ chép ở cuối bài này.

Còn mẹ tôi thì đọc chưa thông, viết chẳng được chỉ chăm lo việc nhà giúp chồng nuôi con. Bà hiểu Đảng qua những việc làm cụ thể và lạ là khi nói đến Đảng luôn gọi là đảng Lao động. Cụ thường đọc :

Vì đâu ta có ngày nay,
Nhờ Đảng Lao động, nhờ tay Cụ Hồ.

Năm 1998, dịp mừng thọ bà tuổi 75 tôi đã viết :

Nín nhịn vén thu việc gia đình,
Chưa từng tuyên thệ chốn Quang vinh.
Năm trai của Mẹ thành Chi bộ,
Gánh việc xóm thôn, tới Tỉnh Thành.

2. Tôi sinh ra và lớn lên khi quê hương đã hoà bình:

Chuyện Cụ tôi là Phó Tổng, ông là Lý trưởng chỉ nghe kể và chẳng có ảnh hưởng gì tới kinh tế, chính trị bản thân. Bởi ông tôi bỏ làng đi từ khi bố tôi mới 5,6 tuổi và kịp bán hết ruộng, vườn chi cho việc đánh bạc và thú thả diều ! Đồng thời cũng chỉ là thứ « chức dịch mua » lại thương dân.

Đang học dở lớp 2, tôi theo gia đình lên ở tại An Phong. Năm sau sang Sơn Hải ở nhờ nhà Cô học lại, rồi về Phong Niên học lớp 3,4 và cấp 2. Đó là những năm tháng vất vả bởi xa nhà và rừng rậm, ít bạn học. Sau khi TN Cấp 3 Phố Lu (5/1970), tôi được tuyển vào LLCA lên học tại Bất Bạt, Hà Tây. Từ 9/1974 chuyển về học Khoá 69 Đại học Quân y tại Hà Đông (nay là Học viện Quân y).

Khoá này, 20 học sinh do Bộ CA gửi đào tạo đều là HS phổ thông, học lực khá, các phong trào tham gia tích cực. Bản thân tôi từng nhiều lần được Giấy khen, Thư khen. Năm thứ 4 có một số HS phổ thông do QĐ tuyển được kết nạp vào Đảng. Nhưng không thấy ai nói gì tới bọn tôi, mặc dù chúng tôi liên tục là Đoàn viên ưu tú, đạt danh hiệu HS Khá, Giỏi.

Thắc mắc được Chi bộ giải thích: chúng tôi là do CA gửi, Trường chỉ giúp đào tạo chuyên môn! Tôi và Cao Quang Hồng đem thắc mắc này chất vấn Chủ nhiệm Chính trị (là bố Hoàng Xuân Lập, từ D5-ĐHAN sang cùng dịp, sau này công tác và giữ chức Phó Giám đốc BV 198-Bộ CA) thì cụ bảo Trường không có định hướng đó. Sau đấy Chi bộ đã chú ý đến chúng tôi.

Nhưng do Chiến tranh Biên giới xảy ra (17/02/1979) hồ sơ của tôi không thể gửi thẩm tra lên Lào Cai được, phải làm lại. Mãi sau khi thực tập vòng II tại QYV 175 ở thành phố Hồ Chí Minh (21/3-24/11/1979) ra Chi bộ mới tiếp tục xác minh xong. Lạ một điều là việc xác nhận Lý lịch tôi tại quê lại do chính ông anh họ từng ngăn cản việc bố tôi vào Đảng năm nào viết. Nhưng chữ anh quá xấu, chả ai đọc được trôi chẩy nhưng đủ hiểu là không có vi phạm gì về lai lịch gia đình. Ngày 21/11/1980 tôi được kết nạp vào ĐCSVN và là một trong 5 HS CA được kết nạp trước. Đến khi ra trường vẫn còn 4 bạn chưa được kết nạp. Khi TƯ có chủ trương cấp Thẻ Đảng viên tôi được cấp đợt đầu với số Thẻ là 1690616 ngày 03/02/1984 tại đảng bộ CA tỉnh Hoàng Liên Sơn (tôi về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát ĐTXH từ 21/10/1981) .

Như thế, tôi giống cha là việc vào Đảng là do mình phấn đấu bằng năng lực và sự luyện rèn của bản thân và đều không suôn sẻ ngay từ bước đầu. Song tôi khác cụ là tôi đấu tranh để được đứng trong hàng ngũ có lý tưởng mình theo đuổi, không như cụ cáu giận, buông xuôi bất cần.

Đến nay, qua nhiều cương vị từ cơ sở lên, nhiều Khoá liên tục làm Bí thư Chi bộ, hiện là Đảng uỷ viên Đảng bộ Công an tỉnh tôi không có gì hối hận lý tưởng mình đã theo và sự phấn đấu, đấu tranh cho việc thực hiện lý tưởng đó.

3. Trưởng tộc Lương Chiến Thắng :

Lương Đức Nghiễn (Đời thứ Tám) sinh ngày 01/01/1930, nhà nghèo học tại trường làng. Đến năm 1955 làm vệ sinh viên thôn, tham gia dân quân. Tới 1959-1964 được bầu là Đội trưởng SXNN Phương Lạp, sau đó là Phó Chủ nhiệm HTX, được kết nạp 17/3/1965 nhưng do cùng tập thể BQT giấu sản chia cho xã viên nên 1967 bị khai trừ Đảng chuyển làm nhân viên HTX mua bán xã. Năm 1969 phục hồi Đảng trở thành Tổ trưởng rồi Phó Chủ nhiệm HTX mua bán xã, Bí thư Chi bộ thôn.

Như thế con đường trở thành Đảng viên của Trưởng họ cũng khá vất vả và cũng chính vì thương dân, dấu sản nên từng bị khai trừ. Nhưng do kiên trì và sau này có sự chuyển biến về nhận thức đã được phục hồi. Anh mất 20 giờ tối thứ 5 ngày 3 tháng 9 năm 2009 tức là ngày 15 tháng Bẩy năm Kỷ Sửu tại quê nhà, hưởng thọ 79 tuổi. Nhưng anh đã kịp cùng quan viên họ khôi phục đưa việc họ vào nền nếp và dựng Từ đường Lương tộc khánh thành vào ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000).

4. Con cháu bố tôi :

Ngoài tôi ra, 4 em trai tôi đều đứng trong hàng ngũ Đảng. Con trai và cháu gọi tôi bằng bác ruột cũng đã trở thành Đảng viên.

Đây là bài thơ tôi viết khi nhận tin vào thứ Tư ngày 12/04/2006 (Rằm tháng Ba Bính Tuất) con trai tôi, Hải Thương (cháu sinh ngày 01/11/1985) được kết nạp tại Chi bộ SV Học viện CSND :

Hai mươi nhăm năm trước,
Tại Học viện Quân y
Nghiêm trang trước Đảng kì
Cha nói lời tuyên thệ.

Nay tròn Hai mốt tuổi,
Con vừa đọc lời thề.
Nghe tin, mẹ ướt mi:
Bõ những ngày tần tảo.

Cha vội thắp nén nhang,
Yết cáo cùng Tiên tổ.
Dưới suối vàng nếu nghe,
Chắc ông mừng lắm đó.

Thủa Chín năm gian khó,
Hai lần từng viết Đơn.
Nhưng ông vẫn chân trơn,
Bởi thói đời ganh ghét.

Tuy không trong đội ngũ,
Lý tưởng ông vẫn theo.
Năm trai dẫu còn nghèo,
Đã thành người Cộng sản.

Nay đến con vào Đảng,
Xứng là cháu đích tôn.
Phải cố gắng luôn luôn,
Tất cả còn phía trước.

Qua chuyện gia đình, gia tộc tôi và qua những chuyện mà tôi từng biết đến tôi nghiệm ra một điều: sự phấn đấu của bản thân là quan trọng, sự nâng đỡ của là cần thiết song chưa đủ. Mỗi người cần phải biết tự khẳng định và chọn bước đi thích hợp. Sâu xa hơn tôi thấy, trong buổi ban sơ cần tập hợp lực lượng, Đảng dựa vào quần chúng cần lao là đúng. Song trong những năm tháng dựng xây, kiến thiết điều đó chưa đủ. Ta hay nói đến truyền thống, đến lòng yêu nước, phẩm chất tốt dẹp của người lao động...Điều đó quá đúng. Nhưng thực tế phản ánh yếu tố gia đình dòng tộc, vùng miền, kể cả "thế đất" rất quan trọng. Những gia đình vốn chuyên làm thuê thủa trước, dù có được chia ít ruộng hay cho chia thóc kiểu bình quân thời cào bằng thì nhiều nhà mãi vẫn dừng ở đó. Gia đình nào vốn có truyền thống, có "đất phát" thì dù có bị gục ngã, bị trù úm gặp thời cũng sẽ bứt phá vực dậy được. Đây không hẳn là duy tâm song đó là thực tế chiêm nghiệm từ gia đình, chi họ và dòng tộc. Cái cốt lõi tốt nếu được phát huy, chăm bẵm ắt sẽ cho hoa thơm trái ngọt!

Nhân Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng CSVN (1930-2010)


Ghi chú:
[1] Theo họ Phạm Cốc Tràng, tôi gọi bằng Cậu, đã mất năm 2004.
[2] Khi trước nghe bố tôi kể: chú Rật chèo đò, bố tôi liên lạc và gặp người lính quen chuyển thư..Nhưng các chuyện này ngày đó tôi chưa có ý thức chép lại. Nay các cụ đã mất, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Chiến Thắng, viết năm 2008 rất sơ lược tôi cũng không có căn cứ bổ sung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!