Trong đời sống tâm linh người Việt thì: Đình là nơi sinh hoạt công cộng của làng xã nước ta thời xưa, là nơi làm việc của chức dịch địa phương, và cũng là nơi thờ Thành hoàng của mỗi làng; Chùa là nơi thờ Phật , nơi trụ trì của các tín đồ Phật giáo tín ngưỡng; Đạo quán là nơi các tín đồ Đạo giáo thờ các vị thần tiên; Đền miếu là nơi thờ phụng những vị thần trong huyền thoại các nhân vật lịch sử được thần thánh hoá và cả những ân nhân được tôn sùng; Hội quán của người Hoa là nơi tụ hội đồng hương, thờ cúng tiên hiền. Nơi giành cho việc tưởng niệm tổ tiên là Từ đường.
Từ đường (H: 祠堂,A: The ancestral temple, P: Le temple des ancêtres) là nhà thờ tổ tiên của một dòng họ. Bất cứ gia đình, dòng tộc nào cũng có Từ Đường, nơi được coi như nhà Tổ, nhà quy tụ con cháu dòng họ, đồng thời cũng là nơi thờ tự ông bà tổ tiên, nhất là các ngày giỗ trọng. Trong đó có riêng một thần chủ (H: 神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort) để thờ vĩnh viễn 永世辰主 và là của thuỷ tổ dòng họ 肇祖, tức Bài vị (H :簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) không chuyển giao cho ai 百世不祧支主. Gia từ chỉ có bài vị của bốn đời: cao, tằng, tổ, khảo. Hộp thần chủ được đặt trong long khám (龍位, có chạm hình rồng quấn xung quanh, được sơn son thếp vàng), chỉ khi nào cúng tế mới mở ra. Theo tục lệ “ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主, nên khi có ông mới mất, thần chủ vị cao tổ sẽ bị nhấc đi để nhường chỗ cho vị mới. Các vị tằng, tổ, khảo còn lại sẽ dần dần mỗi vị lên một bậc, vì có thêm vị khảo mới thay cho vị cũ được đưa lên hàng tổ. Có nhà đơn giản, không bày thần chủ, chỉ thờ bằng một bộ ỷ.
Lễ Ký xưa đã quy định về nhà thờ tổ như sau:
– Nhà thờ tổ to nhỏ tùy theo giai cấp và chức tước.
– Nhà thờ tổ của bậc Thiên tử có bảy miếu: ba miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, ba miếu ở phía phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía Tây, để thờ vị Thái tổ đã lập ra dòng họ.
– Nhà thờ của các bậc chư hầu có năm miếu thờ: hai miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, hai miếu ở phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ được vua phong hầu và ban cấp Thái ấp.
– Nhà thờ của bậc đại phu có ba miếu: một miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, một miếu ở phía nam gọi là Mục và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ.
– Nhà thờ của các bậc quan sĩ, chỉ có một miếu.
– Thứ dân không có miếu thờ riêng và thờ tổ tiên ngay trong nhà.
Ngày nay, các quy định trên đã nới lỏng. Theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nếu chưa có hoặc Từ đường đã xuống cấp thì con cháu toàn dòng họ tham gia ý kiến và nhiệt liệt hưởng ứng (trong việc xây mới, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa). Ví dụ từ đường Lương tộc bị bom cháy năm 1947. Sau bao năm, đến dịp giỗ Tổ rằm tháng Giêng Kỷ Mão 1999 quan viên họ đã thống nhất việc xây lại Từ đường. Đến 12/3 Canh Thìn (16/4/2000) hoàn thành. Mọi đóng góp (đất, tiền của, công sức, hiện vật, ý tưởng, thiết kế...) của bà con dù nhiều ít đều được cấp giấy ghi nhận công đức, ghi chép minh bạch lưu danh vào sổ vàng dòng họ, lập bia lưu niệm tại từ đường:
Góp quỹ xây dựng Tổ đường
Trồng cây Phúc Lộc nối dòng cháu con.
Theo cá nhân tôi trong thời hiện đại, khi kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì Từ đường, việc họ, giỗ họ, góp họ, công đức họ, khuyến học của Họ cũng đã khác ngày xưa và cần phải đổi mới rất nhiều. Do vậy Từ đường cần bổ sung chức năng và có thể gồm các chức năng như sau :
- Gốc nhà thờ họ là để thờ Thuỷ tổ hoặc thờ vọng về Thuỷ tổ họ mình.
- Nơi tiếp nhận công đức của con cháu (nội, ngoại) xa quê mà ở quê gốc không con ruột thịt. Ví dụ từ ngày có Từ đường Phạm tộc, Lương tộc ở quê mỗi dịp đi công tác qua anh em tôi đều vào dâng hương và hỏi thăm bà con đồng tộc.
- Bảo tàng dòng họ, trong đó nên ghi Danh các Liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với nước, với dân hoặc lưu giữ Chứng chỉ của Đảng và Nhà nước những người làm to hoặc thành Danh của dòng họ mình .
- Nhà văn hoá, lưu giữ hình ảnh, hiện vật, tổ chức nói chuyện về truyền thống dòng Họ mình, những gương sáng, những nết tốt cần nêu gương cho toàn họ học tập, Nơi nêu gương học tập tốt và thành tích xuất sắc cần khuyến học, cần ghi Danh những người đỗ đạt, vượt khó học giỏi.. .
- Hội trưòng: Nơi gặp gỡ để bàn việc Họ. Nếu tụ tập ở một nhà nào cũng rất chật chội. Có việc gì cần bàn kéo ra nhà thờ họ bàn việc riêng của họ là hợp lý. Có thể cểi họp trưởng chi , hoặc chỉ họp hội đồng gia tộc hoặc họp toàn Họ.
Đồ thờ (tự khí) thường gồm có lư hương, đèn nến, bình hoa, mâm quỳ, mâm bồng, đài rượu, đài hoa quả, hộp trầu, một bộ chén nhỏ… bằng đồng hoặc bằng gỗ sơn son thếp vàng. Nhà giàu có thêm hoành phi, câu đối thếp vàng hoặc khảm xà cừ, bát bửu. Nhà bình thường có lư hương bằng sứ, đôi đèn nến sơn son, treo hoành biển đơn giản hơn và dán đôi liễn bằng giấy đề chữ Hán…
Tùy sự giầu nghèo của gia tộc mà 祀器 Tự khí trong Từ đường có Tam sự, Ngũ sự có khi có cả Bát bửu.
Bộ Tam sự: Gồm 3 vật dụng: Bát hương: hay lư hương (tượng trưng cho bầu Thái cực, hương thắp lên là tượng trưng cho các vì tinh tú, khói hương là vạch nối âm dương); Hai con hạc đội đèn (hoặc sáp), hoặc hai cây đèn (hoặc sáp) khi thắp lên là “nhật nguyệt quang minh” (mặt trời, mặt trăng đều sáng); Cái tam sơn đặt rượu và trầu cau, là biểu thị của “tam đài”: Thiên - Địa - Nhân.
Bộ Ngũ sự: Bát hương; Hai cây đèn (hoặc con hạc), hoặc hai cây sáp; Lọ lộc bình cắm hoa; Mâm bồng đặt ngũ quả; Cái kỷ hay còn gọi là cái tam sơn (Ở giữa nhô cao lên đủ để đặt bộ đài con ba chiếc đựng 3 chén rượu cúng, Hai bên thấp hơn đựng hai đài lớn, một bên đặt đĩa trầu cau, một bên đặt bát nước cúng).
Bát bửu: Trong ban thờ nội điện nối với tiền tế còn có một nhang án thứ hai có ở đền và đình làng, hai bên đặt bát bửu (bảo) gồm có 8 thứ quý là: Quả bầu eo, Giỏ quả, Cái bút, Thanh kiếm, Cái quạt hình quả vả, Cái khánh hoặc phất trần, Ống sáo (tiêu), Bàn cờ.
Mỗi thứ được tạo thành mảng chạm lộng, đặt trên đầu một cán dài sơn son thếp vàng, cắm vào hai cái giá đặt hai bên trong gian giữa tiền tế. Phía đầu hàng có hai biển 靜宿 “Tĩnh túc” (yên lặng, trang nghiêm) và 迴 避 “Hồi tị” (tránh ra xa), dùng đi đầu trong lễ rước.
Bàn thờ là nơi thiêng liêng. Dù túng thiếu cũng tránh mang cầm cố đồ thờ. Trước đây, khi người nghèo vay nợ đến 30 tháng chạp chưa có tiền trả, chủ nợ thuê nặc nô (lưu manh chuyên đi đòi nợ thuê) đến nhà con nợ ngồi lên bàn thờ hoặc bắt nợ bằng thần chủ gia tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!