[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 2 2010

Ngày Giỗ Tổ họ Lương xã Chiến Thắng

Ngày giỗ Tổ họ Lương Đức có lịch sử và nghi lễ gắn với một giai thoại đẹp.
1. Lai lịch :
Cụ Lương Công Nghệ là Đệ Nhất đại Tổ họ Lương ở Chiến Thắng (Cao Mật xưa) 梁高密第一代 mất ngày 19 tháng 5 năm (?) và để ghi nhớ, tri ân vị Tổ khai sinh ra dòng họ hậu thế đã tưởng niệm bằng nhiều hình thức.
Nhưng ngày đó đúng vào dịp thu chiêm, cấy mùa bận rộn của nhà nông nên khó tập trung đông đủ. Hơn nữa theo nguyên tắc “Ngũ đại mai Thần chủ五代埋唇主 thì 5 đời hợp giỗ 綜忌, dồn vào “Chạphết, không nhất thiết phải cúng vào ngày kị.
Do đó sau này quan viên họ đã lấy ngày Ngoại Tổ xuống thuyền trên sông Văn Úc[1] ra đi đánh trận[2] không về (Rằm tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ[3]. Việc đó vừa linh thiêng tưởng niệm người có công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con[4]. Tuy nhiên Bài vị 牌位 Bách thế bất diêu chi chủ 百世不祧 支主 ở Từ đường vẫn là “Lương môn lịch đại tổ tôn thân Thần chủ” 梁門歷代祖宗唇主 (tức Thần chủ các đời của tổ tiên họ Lương) của Nội Tổ 梁高密肇祖 梁公宅.
Như thế, cùng với Núi Voi, sông Văn Úc gắn bó mật thiết với quê hương và dòng tộc là vậy:
象山德基門戶詩禮憑舊蔭: Tượng sơn đức cơ môn hộ thi lễ bằng cựu ấm;
郁江人脈亭皆芝玉惹莘香: Úc giang nhân mạch đình giai chi ngọc nhạ tân hương.
(Tạm dịch: “Núi Voi xây nền đức, gia tộc dòng dõi bởi nhờ ơn đời trước;  Sông Úc tạo nguồn nhân, cả nhà giỏi tài vì sức gắng lớp sau).
Lại truyền rằng : “Tử vu ha tặc trận vong. Hậu hữu linh dị, mỗi phùng tật dịch thiết đàn phụng sự đắc an”. Tạm dịch: “Sau khi tử trận, Cụ rất linh thiêng, con cháu ai có tật bệnh bày hương án cầu xin sẽ qua khỏi”. Cũng vì thế mà ngày giỗ của cụ được chọn làm ngày Chạp Tổ và tiến hành khá linh đình.
2. Nghi thức :
Các bậc cao niên trong họ kể rằng: khi thịnh vượng, có ruộng họ (嗣田, Tự điền, 忌田 Kỵ điền) nên tổ chức Giỗ to, được quan viên họ coi trọng và nhiệt tâm. Trước tiên là lễ Yết Tổ vào ngày 14 có làm quần áo, thuyền giấy đặt vào nong, nia.
Khi tế xong rước ra bến Khuể thả xuống sông Văn Úc để trôi ra bể. Tối hôm đó các trưởng Chi, trưởng thượng và chức dịch, sau bữa “thụ lộc” đánh Tổ tôm, bàn việc họ, có lần còn mời cả phường trò về hát diễn cho con cháu xem.
Hôm sau, vào ngày Rằm mới làm Giỗ Tổ chính thức. Cỗ bàn thường sắm lễ tam sinh (Lợn, Gà, Cá) và không thể thiếu món nem (thịt nạc lợn sống, bì luộc chín thái chỉ bóp tỏi, trộn thính). Chỉ con trai và con dâu được dự Giỗ Tổ; mỗi xuất đinh đều đóng góp tùy thời giá.
Khi hành lễ có đọc Chúc văn; Trưởng tộc, Bồi tế, các bậc Trưởng Chi đều khăn đóng, áo dài.
Tế xong hạ cỗ bàn, con cháu “thụ lộc”. Sau đó các chức sắc, đại diện các tiểu ban, chi phái họp công khai tài chính, bàn bạc, quyết định các công việc tiếp theo[5].
3. Hiện nay :
Bởi nhiều lí do (người tổ chức, kinh phí, người hiểu biết…) mà có thời kì (những năm 196x, 197x) việc Giỗ Tổ bị xao nhãng. Sau 1986 phong trào giỗ Tổ của họ dần được phục hồi và duy trì.
Ban đầu, quỹ họ được đóng bằng thóc sau đó, vào những năm 199x, khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được khắc chế thì việc đóng góp của các trai đinh (trên 18 tuổi) được tính bằng tiền, gái được miễn, nhưng những người có lòng muốn đóng bao nhiêu tùy tâm. Tiền đó cho vay, gửi tiết kiệm, Trưởng Họ sẽ trích lãi hàng năm để cúng.
Theo thông lệ: Mỗi năm một ngành luân phiên nhau làm “bếp trưởng” lo phục vụ, nấu nướng cho quan viên họ. Trong ngày đó, con cháu Nội, Ngoại về trước 10 giờ đều được dự, kinh phí góp theo xuất ăn, tuỳ thời giá.
Lâu rồi chưa tiến hành được kì  Giỗ Tổ lần nào cho toàn vẹn như lệ cũ. Việc bầu ra Hội đồng tộc biểu, lập Tộc ước, định Qui chế làm việc, soạn Gia phả, đặt Tộc kỳ, cử các Tiểu ban, gây và sử dụng Quĩ họ, giỗ toàn Đại tôn... chưa được bàn kỹ.
4. Lời bàn:
Việc các Chi, Ngành chung giỗ cụ Tổ khai cơ gọi là Hợp tế 合祭, tức là giỗ “Vĩnh thế thần chủ”, 永世辰主 hay giỗ Cụ Tổ khai sáng, 梁皋密肇祖.
Theo tôi nên lập lại những tập tục tốt đẹp để răn dạy cháu con, phát huy truyền thống Tổ tiên và cần mỗi dịp Giỗ Tổ nên ôn lại lịch sử cội nguồn và sự phát triển của dòng họ.
 Nhưng do tình hình thời nay đã khác nên có thể thay lễ Tế tự kéo dài, lắm nghi thức bằng việc Tưởng niệm Công Đức Tổ tiên được thực hiện toàn Gia tộc trong những năm Giỗ chẵn (x5 năm kể từ khi Tổ tạ thế), Giỗ tròn (x0 năm kể từ năm Tổ tạ thế). Còn những năm khác hoặc với các gia đình, chi ở xa có thể Giỗ vọng, cúng riêng mà không Hợp tự.
Do đó cần nhất là tìm được năm mất hay năm khởi nghiệp của Tổ để định ra cấp độ các Kì Giỗ, con cháu xa tiện theo. Nhưng cũng tránh những phiền phức do “rượu vào lời ra”, tị nạnh sự đóng góp, “bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng nam”; kính chẳng bõ phiền !




[1] Tôi đoán chứng Người xuôi thuyền ra cửa bể Kiến Thuỵ để ngược lên phía Đồ Sơn thời đó có nhiều “phản loạn” và phải chăng có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa ghi ở các phần trên và chú thích ngay sau.
[2] Giữa thế kỷ XVIII, vùng Hải Dương có khởi nghĩa nông dân của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ phối hợp với Vũ Thác Oánh ở vùng Thất huyện Hải Dương, nơi đầu tiên là Chí Ninh và giương cao cờ Ninh Dân. Cùng thời còn có khởi nghĩa nổi tiếng của Quận He Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751) từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn.
[3] Hai điểm trùng hợp: -Ngày Giỗ Tổ chung (Rằm tháng Giêng) và Tổ Ngành 3 (19/2) đều không phải ngày kị của Nội Tổ, -Ngày Giỗ Tổ (Rằm tháng Giêng) và ngày Kị ông Nội tôi (29-Giêng) chỉ là ngày tưởng nhớ khi Người rời nhà ra đi,cả 2 cụ đều “Thuỷ táng”.
[4] Đáng tiếc là các cụ không truyền lại việc đó xẩy ra năm nào nên hiện nay khó định cấp giỗ cho từng năm. Bản phiên âm Gia phả Lương Hoàn có ghi “đệ niên Chính nguyệt Thập Ngũ nhật”, tôi đồ chừng thiếu một chữ chỉ thứ tự  (niên hiệu vua) ở sau chữ “đệ”. Nếu tìm thấy bản gốc có thể đoán định được năm Ngoại Tổ hy sinh.
[5] Nghe bố tôi nói các cụ xưa kể lại. Hồi nhỏ tôi được dự  1 lần . Từ khi lên Lào Cai, năm 2012 mới códịp.
!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!