[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


27 tháng 2 2010

Rằm tháng Giêng với tộc Lương Đức


Theo âm lịch 阴历, lịch dựa trên các chu kỳ của tuần trăng) mỗi tháng có một ngày Rằm (trăng tròn) nên một năm có mười hai cái rằm, riêng ngày Rằm tháng Giêng có nhiều ý nghĩa với nhiều căn nguyên và tên gọi khác nhau.
1. Tên gọi:
- Theo Tam nguyên 三元thì ngày này được gọi là lễ Thượng nguyên 上元, Rằm tháng Bảy là lễ Trung nguyên 中元 và Rằm tháng Mười là lễ Hạ nguyên 下元.
- Theo các nhà Nho học thì Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Trạng nguyên 狀元节vì dịp này nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Đồng thời đây còn là ngày kỷ  niệm Thánh đản 誕日của vua Nghiêu (帝堯, Thiên Quan Tứ Phúc 天官賜福)
- Với Phật giáo, ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành và các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.
- Đêm Rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới theo Âm lịch nên còn gọi là Tết Nguyên tiêu 元宵节, Nguyên tịch 元夕, Nguyên dạ 元夜.
- Đêm hôm đó, trong dân gian TQ từ trước đến nay đều có treo hoa đăng, vì vậy còn gọi là tết “Hoa Đăng” 华燈节.
2. Nguyên ủy:
Theo sử sách và truyền thuyết Trung Hoa, Nguyên Tiêu khởi nguồn từ thời nhà Hán (漢朝, 206 tCn-220), thực sự phát triển và trở thành ngày hội lớn của dân gian từ thời nhà Đường (唐朝, 618-907).
Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Chuyện rằng năm 180 trước Công nguyên, vua Hán Văn đế Lưu Hằng (劉恆漢文帝, 202 tCn157 tCn) thời Tây Hán (西漢, 206 tCn 9) lên ngôi đúng vào ngày Rằng tháng Giêng. Để chúc mừng, nhà Hán Văn đế quyết định lấy ngày này là ngày hội Hoa Đăng. Hàng năm vào tối ngày đó, nhà vua ra khỏi cung để đi dạo cùng chung vui với người dân. Nhà nhà, trên khắp các ngả đường, thôn xóm đều treo đủ các loại đèn với muôn hình nghìn vẻ để mọi người thưởng thức. Đến năm 104 tCn, tết Nguyên Tiêu đã chính thức trở thành ngày tết lớn của nhà nước. Quyết định này, khiến quy mô của ngày tết Nguyên Tiêu được mở rộng hơn nữa. Theo quy định, ở những nơi công cộng và nhà nào nhà nấy đều phải chăng đèn kết hoa, nhất là những khu phố đông đúc và trung tâm văn hóa phải tổ chức hội Hoa Đăng, triển lảm Hoa Đăng rất long trọng; Già trẻ gái trai đi xem Hoa Đăng, đoán câu đối trên Hoa Đăng, múa đèn Rồng thâu đêm về sau năm nào cũng vậy, dần dần thành thói quen và truyền từ đời này sang đời khác. Theo ghi chép, năm 713, ở kinh thành Trường An trong đời nhà Đường đã làm “núi đèn” rất lớn cao khoảng 7 mét, với hơn 50 nghìn các loại đèn màu.
3. Ý nghĩa:
Dân gian ta có câu: “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy”; “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”; “Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” để nói lên tập quán cùng sự hệ trọng của từng cái Rằm.
4. Tập tục:
- Với người Hoa: Một trong những hoạt động sôi nổi nhất trong ngày Nguyên Tiêu và được duy trì đến tận bây giờ là Hội Hoa Đăng, một lễ hội có xuất xứ từ đạo Phật. Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Nguyên, để tỏ lòng thành với Phật, Hán Minh Đế (漢明帝, 28 – 75) hạ chỉ cứ vào ngày Rằm của tháng đầu năm là phải thắp nến trong cung và các nhà chùa để “dâng Phật”, sau dần trở thành Hội hoa đăng trong dân gian. Đến thời Đường Huyền Tông (唐玄宗, 685-762), hội Hoa Đăng từ kinh thành Tràng An lan rộng ra và cuối cùng biến thành ngày hội truyền thống của cả nước. Ngay từ thời đó, Hội Hoa Đăng đã có quy mô đáng kể và xuất hiện nhiều kiểu đèn khác nhau, có hình vật nuôi, có đèn kéo quân, có nơi còn trồng hàng trăm ngọn đèn lên nhau thành những giàn đèn cao đến 150m, rộng bằng 20 gian nhà. Được yêu chuộng là những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, mười hai con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích. Trên đèn người ta trổ các chữ: “Nhất bản vạn lợi” (一本万利, Một vốn vạn lời), “Phong điều vũ thuận” (风調雨顺, Mưa thuận gió hòa), “Hải yến hà thanh” (海晏河清, Sông trong biển lặng) hay “Bách Phúc lai thành” (百福来成, Mọi Phúc đều nên), “Nhân khang vật thịnh” (人健物盛, Người yên của nhiều)...
Ngoài việc mở rộng hình thức lẫn quy mô, số ngày lễ dành cho Hội hoa đăng cũng được kéo dài thêm: Thời nhà Đường là 3 ngày và được ấn định vào “trước và sau Thượng Nguyên”; đến nhà Tống (宋朝, 950-1279) lại được kéo dài thêm 2 ngày nữa bắt đầu từ ngày 16; đến thời Minh (明朝, 1368-1644) tiếp tục nới rộng thành 10 ngày, khởi đầu từ ngày mồng 8 Tết cho đến hết ngày 18. Dưới triều Thanh (清朝, 1636-1912), lễ thắp đèn lồng trong cung bị loại bỏ, nhưng tục truyền chơi đèn lồng trong lễ Hội hoa đăng vẫn được duy trì cho tận bây giờ, chỉ khác chăng là số ngày hội đã rút ngắn còn 5 ngày.
Hội hoa đăng ngoài treo đèn còn có hoạt động “Đố đèn”, nghĩa là người làm đèn viết hoặc dán lên mặt đèn những câu đối hoặc lời thơ để thách đố mọi người, bên cạnh đó còn có cả múa lân, múa rồng, đua thuyền, đi cà kheo và múa tập thể... không khí náo nhiệt của ngày hội đầu xuân không kém gì mấy ngày Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên Tiêu ăn bánh trôi cũng là một tập tục lớn. Vào khoảng đời nhà Tống khi ăn Tết này, trong dân gian bắt đầu thịnh hành một loại thức ăn mới lạ. Nhân bằng các loại hoa quả, bên ngoài lấy bột gạo nếp gói thành từng viên tròn, rồi nấu chín, ăn thơm ngon, ngon miệng. Về sau, phần lớn các khu vực ở miền Bắc TQ đều gọi loại thức ăn này là “Nguyên Tiêu” còn miền Năm thì gọi là “bánh trôi” (gọi là “thang viên” - viên tròn trong nước). Truyện kể rằng thời Hán Vũ Đế (漢武帝, 156-87 tCn)có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu đã qua nhiều Tết mà không được đoàn tụ với gia đình, vì buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc (東方朔, 154-93 tCn), viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Để thỏa lòng cô gái, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ “16 tháng giêng sẽ bị lửa thiêu”, rồi tối ngày 13 tháng giêng sẽ có một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà Vua để tìm cách thoát nạn. Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó, Đông Phương Sóc vờ nghĩ một lúc rồi tâu với Vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay có thể giao cho cô làm bánh, đồng thời lệnh cho dân Tràng An đến ngày đó mỗi nhà treo trước cửa chiếc đèn lồng đỏ, để Ngọc Hoàng tưởng dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ lửa thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời để ghi ơn “dẹp nạn hỏa” của cô gái mà đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên “Nguyên Tiêu”, đồng nghĩa với “Tết đoàn viên” hay “Tết tình yêu”.
Ngoài ra còn những tập tục khác như : cúng tế cầu an cầu phước, thi đoán hình thù trên lồng đèn, ngâm thơ, đi cà kheo, múa sư tử... Người Đài Loan臺灣 còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người còn coi đây là mùa Valentine phương Đông, tương tự như lễ Thất Tịch (七夕, ngày Lễ Tình yêu 07.7 âm)). Thơ Đường xưa đã viết: 元宵之夜花弄月 “Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt”, mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ cũng là dịp Ngưu Lang Chức Nữ 牛郎織女hiện đại gặp gỡ se duyên.
- Với Phật giáo: Có ba dịp lễ lớn trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy: Magha Puja là ngày lễ Rằm tháng Giêng, kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết kệ Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo), là căn bản cho các giới luật sau này; Vesakha Puja là ngày lễ Rằm tháng Tư, tức là ngày lễ Tam Hợp Đản Sinh - Thành Đạo - Đại Niết Bàn; và Asalha Puja là ngày lễ Rằm tháng Sáu, kỷ niệm ngày Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp Luân, và sau đó, chư Tăng Nam tông bắt đầu mùa An cư Kiết hạ. Như vậy, Rằm tháng Giêng còn gọi là ngày Phật Di Chúc, kỷ niệm ngày Đức Phật tuyên bố xác định nền tảng của giáo pháp và giới luật đã thiết lập vững vàng, và Ngài sẽ nhập diệt (bát niết bàn) 3 tháng sau ngày đó.
- Với người Việt: tuy ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhưng cha ông ta từng có nhiều cách lý giải về Lễ Rằm tháng Giêng: Những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; Tết muộn cho những người thân đi làm ăn xa do tính chất công việc không kịp về quê ăn Tết nguyên đán; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn tết “bù”... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.
Theo sử liệu thì từ trước thời nhà Trần (陳朝, 1225-1400), người Việt đã có tục Lễ Rằm tháng Giêng. Tương truyền, ngày này chư Phật từ cõi Cực lạc giáng lâm chùa chiền để chứng độ lòng thành của những tín đồ. Người đến chùa tụng kinh, lần tràng hạt kể hạnh (tức là những bài ca thuật lại sự tích của các Phật, các bồ tát) và khuyến thiện, răn đe tội lỗi, ca ngợi sự hy sinh cho đồng bào, đồng loại. Vì vậy ngoài ý nghĩa là cái Tết muộn, đây còn là ngày hướng tới Đức Phật của người Việt.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Trung Vũ, Rằm tháng Giêng cũng được coi là ngày vía Thiên quan nên người dân thường cúng sao giải hạn trong năm. Ở đồng bằng Bắc bộ, các cụ bà thường lập hội, góp quỹ, luân phiên dâng lễ ở chùa cầu cho Quốc thái dân an.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày Rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Cuộc sống với sự cạnh tranh ngày càng lớn, con người càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì vậy nhu cầu ăn một cái Tết muộn không còn nhiều như trước mà thay vào đó là nhu cầu tâm linh. Người dân không quá cầu kỳ chuẩn bị việc ăn Tết mà chủ yếu dành thời gian, tiền bạc để đi lễ chùa và giải hạn đầu năm.
Bởi coi đây là ngày vía Thiên quan nên Rằm tháng Giêng cũng là dịp người người, nhà nhà muốn “dâng sao giải hạn” (Cửu diệu) tại Chùa để cầu Phật cho một năm làm ăn gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, mọi người nên đi cầu an để bày tỏ thành kính với Phật, không cần sắm lễ nhiều, chủ yếu là thành tâm.
- Với dòng họ Lương Đức gốc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng thì Rằm tháng Giêng là dịp Giỗ Thủy tổ của dòng họ.
-->
Lương Đức Mến (ST và TH từ nhiều nguồn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!