[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


17 tháng 2 2010

Lễ Hóa vàng ngày Tết

Theo quy luật, cái gì có mở đầu cũng có kết thúc. Tết cũng vậy và kết thúc Tết người Việt làm Lễ Hóa vàng. Lễ này được gọi là Lễ tạ hay còn gọi là Tết Khai hạ. Đây chính là ngày làm lễ dâng hương “bế mạc” dịp Tết Nguyên đán để mọi người tiếp tục công việc thường ngày.

Để đón mừng Tổ Tiên về ăn tết, ngay từ đêm 30, mọi nhà đều làm cơm để dâng lên tổ Tiên, nôm na gọi là Lễ Cúng cơm. Lễ này kéo dài suốt trong các ngày Tết cho tới ngày "hóa vàng". Trong mấy ngày Tết, Tổ Tiên đã về ngự trị ở trên bàn thờ, ngày hai bữa, người ta làm cơm cúng với những món quý nhất và ngon nhất như các món nấu cỗ: măng, nấm, miến, bong bóng, giò chả, bánh chưng.... Đặc biệt trên bàn thờ gia tiên đèn hương lúc nào cũng phải nghi ngút và không được để tắt. Do vậy, người ta thường dùng thứ hương đặc biệt là hương vòng hay hương sào (là những thứ hương có nhiều chiều dài và thân hương thật to có thể cháy với một thời gian khá lâu). Ngày nay nhiều nhà dùng hương điện thực ra chỉ để trang trí chứ không có hiệu quả về tâm linh. Lễ vật đặc biêt cúng gia tiên ngày Tết là một con gà luộc. Người ta thường giữ lại đôi chân gà này, treo lên để cho chân gà khô đi và sau này có dịo nhờ các thầy tướng số đoán hộ vận mạng năm mới may hay rủi. Cúng cơm cũng là tục cổ truyền mang đậm bảm sắc Việt Nam.

Đã dâng hương cúng lễ Giao thừa hay sáng Mồng Một Tết thì không thể bỏ qua làm Lễ Khai hạ (Hóa vàng), mời họ hàng thân thích, bạn bè cùng đến dự và bàn tính dự kiến công việc đầu năm. Đây chính là dịp: tạ lễ Trời, Đất, Thần, Phật, Gia tiên… đã về chứng giám cho lòng thành và sự vui vẻ của những người đang sống nhân dịp tết đầu năm và cầu xin các đấng cao minh, tiên tổ gia cát, phù hộ độ trì cho mọi người trong gia đình tiếp tục bước vào cuộc sống may mắn, phát đạt mọi bề suốt cả năm mới.

Theo tục xưa thì Lễ tạ được tiến hành vào ngày mồng Bảy tháng Giêng âm lịch. Theo sách “Phương sóc chiêm thú” sở dĩ Lễ tạ được tiến hành vào ngày mồng 7 tháng giêng là vì ngày thứ bảy đầu năm mới là “ngày của Người” (人日, nhân nhật); còn các ngày khác từ mồng 1 Tết Nguyên đán đến mồng 8 tháng Giêng là các ngày của các giống động vật và thực vật: Mồng 1 là ngày của giống Gà, mồng 2 của giống Chó, mồng 3 của giống Lợn, mồng 4 của giống Dê, mồng 5 của giống Trâu, mồng 6 của giống Ngựa, mồng 8 của giống Lúa.

Vào chiều ngày ấy, ngày nào đẹp trời thì giống thú hay thực vật của ngày ấy sẽ khỏe mạnh, tốt đẹp trong cả năm đó. Hiện nay vẫn có nhiều người tin vào những “điềm” báo trước ấy để có những “tiên đoán” cho cả năm.

Ngày nay tùy hoàn cảnh công việc của mỗi nơi, từng gia đình ngày hoá vàng không nhất định, có thể tiến hành Lễ tạ vào các ngày khác như ngày mồng Hai, mồng Ba vv… chứ không cứ phải mồng Bảy. Gia đình tôi có giỗ bác ruột bố tôi vào mồng 4 nên thường kết hợp tiến hành hóa vàng vào dịp này. Nhưng năm 2008 Hội người cao tuổi chúc Thọ Mẹ tôi vào mồng 2, năm 2010 chúc thọ Dì tôi vào mồng 3 Tết nên chúng tôi thực hiện nghi lễ hóa vàng vào ngày đó để bớt đi lại nhiều lượt cho con cháu.

Các vật phẩm dâng cúng dịp tết như tiền vàng, bánh chưng, mứt kẹo, ngũ quả, trầu cau… cũng chỉ được phép hạ xuống vào sau buổi lễ dâng hương Khai hạ, trừ các lễ cúng mặn không thể để dài ngày như xôi thịt, cơm canh thì có thể hạ lễ sau mỗi lần dâng cúng vào các buổi mỗi ngày.

Trước khi hạ toàn bộ vật phẩm dâng cúng trong dịp hết một tuần hương thì trước tiên phải thực hiện việc hóa tiền vàng. Mỗi lễ tiền, vàng dâng cúng đều được hóa riêng theo thứ tự: Gia thần trước, Gia tiên sau từ các bậc cao nhất đến thấp hơn. Trước khi hạ mỗi lễ như vậy đều cần vái ba vái và khấn:con xin thiêu hóa tiền, vàng, quần áo vv… thỉnh vong linh nhận chút lễ bạc. Tâm thành kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới. Sang năm Xuân mới, lại kính rước về”.

"Vàng mã" thường là: giấy vàng, giấy bạc (là một thứ tiền giả vàng và bạc lá làm bằng giấy) vàng thoi (những thoi vàng giả làm bằng giấy), bạc thoị...Người ta tin rằng nếu đốt các đồ vàng mã này đi thì người chết ở thế giới bên kia mới nhận được những lễ vật của mình dâng cúng. Có người còn cẩn thận đổ một chén rượu cúng vào đống tro vàng mã để những đồ cúng không bị thất lạc khi chuyển cho người nhận! Cẩn thận hơn, người ta còn hơ các cây mía tươi trên ngọn lửa hóa vàng để các cụ (tức Tổ tiên) có gậy chống về .... âm phủ!

Theo dân gian, lễ có tên gọi hóa vàng bắt nguồn từ việc sau những bữa cơm cúng ngày Tết, con cháu mang các đồ vàng mã trên bàn thờ đi đốt. Bởi theo quan niệm của người đời xưa, người chết cũng cần ăn uống, nhà cửa, quần áo, hút thuốc, ăn trầu, cũng cần tiền xe, cần tiền đi lại và mọi khoản chi dùng như khi còn sống... Người chết cũng được chia một phần gia tài. Từ việc cúng tế bằng đồ thật, dần dần mới sinh ra lễ đốt vàng mã, tức là thay thế bằng các đồ vật làm bằng tre, gỗ, rơm, rạ, đất sét hoặc giấy tượng trưng, nhưng kích thước thu nhỏ lại để người cõi âm mang đi, nhờ có “Phép thiêng biến ít thành nhiều”, có câu tục ngữ “Đi theo ma mặc áo giấy”. Cổ nhân còn tin rằng người chết cũng có mua bán nên sinh ra “Tiền âm phủ”. Tiền này thường dùng tiền giấy in hình đồng tiền thật, hoặc in hình tiền có những chữ 金錢萬 “Kim tiền vạn quan”. Còn gọi tiền này là “dạ tiền” (tiền ban đêm). Nhớ khi Hóa phải có gậy để khêu đảo với quan niệm dưới âm phủ người thân có đòn gánh để dùng chuyển đồ vật về (thực ra để đảo cho có nhiều Oxy dễ cháy) và sau khi vàng mã cháy gần hết cần đổ chút rượu vào để tạo phản ứng Hóa học từ đồ Mã thành đồ Thật. Nhưng không nên đốt quá nhiều thứ và đốt kèm xăng cho mã xe máy!

Vàng mã đốt xong, muối, gạo trên ban thờ được lấy xuống rải rắc quanh nhà để cho các cô hồn chúng sinh được hưởng. Nhưng chính tôi, trưa qua, Mồng Ba Tết tiến hành nghi lễ Hóa vàng tại nhà Mẫu thân vì bận tiếp khách đã quên việc rắc gạo, muối. Sáng nay khi viết những dòng này mới chợt nhớ ra liền gọi điện về cho Lương Đức Thức thực hiện. Mọi nghi lễ đều xuất phát từ cái tâm của mình, tâm thành thì đạt ý.


1 nhận xét:

  1. Năm Tân Mão 2011 buổi trưa chúng tôi về Hoá vàng tại nhà mẫu thân tôi ở An Phong, xã Phong Niên, chiều lên Lào Cai thực hiện tại nhà.
    06 giỗ Cô tôi, 07 ra quân trồng cây. Cần kết thúc Tết sớm để bắt tay vào công việc thường nhật.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!