[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 1 2010

Tìm hiểu về Ngũ Phúc, Tam đa


Hầu hết người Việt đều coi PHÚC – LỘC – THỌ là những điều mong ước thiết tha nhất của mọi người. Mỗi điều ước nguyện được thể hiện bằng một biểu tượng riêng và nếu trọn vẹn được những điều tốt lành đó thì bản thân và gia đình được hạnh phúc, vinh hoa phú quý, trường thọ.

Khởi nguồn quan niệm này là từ việc Kinh thi 詩經 coi Ngũ Phúc 五福 gồm: Phú 富 (giàu có), An ninh 安寧 (yên lành), Thọ 壽 (sống lâu), Du hảo đức 攸好德 (có đức tốt), và Khảo chung mệnh 考終命 (vui, hết tuổi trời). Tam Đa 三多 là sự rút gọn của Ngũ Phúc. Tam đa có thể gồm: Tài 财 (tiền), Lộc 祿 (ơn vua) và Tử tôn 子孙 (con cháu) ; hay Tử 子(con trai), Tài 财(tiền) và Thọ 壽 (sống lâu) nhưng phổ biến hơn cả vẫn là: Phúc 福, Lộc 祿 và Thọ 壽. Hai thành tố giản lược là Khang 健 và Ninh 寧 tức là sức khoẻ và an toàn có thể nhập vào với thành tố Thọ vì phải có sức khỏe thì mới sống lâu và có Lộc thì sẽ có yên lành.

1. Một ước mong chính đáng và cách thể hiện nhân bản:

Qua trên 2500 năm, những biểu tượng và nguyên mẫu về Ngũ Phúc, Tam đa mang nhiều ảnh hưởng của quan niệm phong kiến nhưng cốt lõi vẫn là những khát vọng có thực và tha thiết của con người.

Trong Phúc-Lộc-Thọ thì quan trọng nhất là PHÚC. Người có Phúc lớn là người đậu đạt cao, chức tước lớn, có địa vị tôn quý, gặp được nhiều điều may mắn. Đó còn là người con cháu đủ trai, đủ gái đề huề, thành đạt. Do vậy mới có câu “Phúc như Đông Hải” 福如東海.

Người có nhiều LỘC là người được “thần tài ưu đãi”, ăn nên làm ra, của cải dồi dào hoặc có chức quyền lại được người khác mang quà cáp đến biếu, “tiền vào như nước sống Đà, tiền ra rỉ rả như cà phê phin”.

Còn người nào sống lâu ngoài bảy mươi tuổi thì được con cháu, họ hàng, làng xóm, đoàn thể làm lễ mừng THỌ được chúc là “Thọ tỷ Nam Sơn” 壽比南山.

Với tiêu chuẩn và ước mong như vậy cho nên người ta thường dùng ba chữ Nho PHÚC – LỘC – THỌ hoặc tượng ba ông PHÚC – LỘC – THỌ (bộ Tam đa) đặt ở vị trí trang trong trong phòng khách.

Song thực ra, chẳng mấy ai được toại nguyện, đủ đầy. Người đông con lắm cháu lại nghèo, ít thành danh nên cũng kém Phúc, kém Lộc. Người công thành danh toại giầu có có khi lại mắc trọng bệnh nên chết non, kém Thọ. Có người lắm của, chức to nhưng lại ít con, con cái một bề hay hư hỏng cả cũng là kém Phúc và biết để Lộc cho ai?.

2. Riêng cầu mong sao thành toại nguyện:

Do không lý giải được sự “bất công” của Thượng đế con người bèn tìm đến cậy nhờ siêu nhiên bằng cách cầu cúng, lễ bái...Song các đấng Tối cao như Phật, Thánh, Trời, Quỷ thần vốn rất công bằng có đâu ưu ái ban ơn, thù ghét giáng họa cho ai ! Sách xưa đã dạy: “Phúc do hiếu đức mới có, Lộc do cần kiệm mới nên, Thọ do thiểu dục tri túc, biết tôn trọng sự sống của muôn loài mới thành” hoặc “Hạnh phúc an vui vinh hoa phú quý là nhờ Phúc đức nhiều đời mới có, Thọ mà gặp nhiều tai hoạ đến là do ác nghiệp nhiều đời đã tạo nên”. Cụ Nguyễn Tiên Điền cũng từng viết: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

3. Có Phúc là có tất cả.

Chữ Phúc 福 theo Hán tự 福 thuộc bộ Kỳ 礻và chữ Nhất 一, Khẩu 口, Điền 田. Nó thể hiện nội hàm Phúc là trước nhất, đủ ăn, nhiều ruộng (tài sản). Đồng thời cũng ẩn ý phải giữ, tạo Phúc trước và cần ăn uống đủ đầy, giữ ý và biết bảo vệ gia sản.

Quan niệm Phúc đi tiên phong trước cả Lộc và Thọ, vì tốt lành là phải có cả sang và sống lâu. Phúc cũng bị đồng hóa với Phú (giàu có) bởi khó có thể giàu có nếu không được hưởng lộc thánh “ơn vua, kộc nước”. Phú và Tài cũng có thể thay thế cho nhau khi xã hội sử dụng đồng tiền trong trao đổi thay cho hiện vật.

Trong bộ Tam đa, ông Phúc thường được đặt cao hơn, ở giữa tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Tương truyền, Ông Phúc là một quan thanh liêm của triều đình. Theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên đôi khi còn thấy có một đứa trẻ đang nắm lấy áo Ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông hay là có hình ảnh con dơi bay xuống bởi dơi là “bức” 蝠 phát âm giống "phúc".

Bên Tầu, người ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi, cầu mong : 福 星 高 詔, phúc tinh cao chiếu, nghĩa là sao phúc từng cao chiếu xuống hay câu: 多 福 多 壽 , đa phúc đa thọ, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc nhau. Ngoài hình con dơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật thủ hay tranh ảnh vị phúc thần và vị môn thần dán trên cửa hay khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự. Nhiều tranh vẽ có chữ phúc treo ngược vì đó là chữ Phúc đảo, 倒, theo tiếng Trung Quốc đồng âm với chữ đáo 到, nghĩa là tới nên chữ Phúc treo ngược là điềm báo phúc đang tới 福到.

Muốn được PHÚC thì phải bố thí, giúp đỡ những người nghèo khổ neo đơn, tàn tật, thương yêu giúp đỡ bà con thân thuộc trong những lúc ngặt nghèo, đem tịnh tài cúng dường các nơi thờ tự làm tăng vẻ tôn nghiêm hoặc cúng dường các vị chân tu trì trai giữ giới thanh tịnh, khá hơn nữa thì tu bổ cầu cống, đường sá để sự giao thông được an toàn, người xưa thường nói “Cất giữ của cải không hẳn thuộc về mình, chỉ có đem của cải ra thí xả giúp ích cho mọi loài mới thật là của mình”.

Người nghèo khó không có tiền của cũng bố thí được, khuyên nhủ con cháu phải có trung có hiếu, làm lành, lánh dữ đem những điều hay lẽ phải tuyền trao cho kẻ khác, lượm đinh, lượm gai, lượm mẻ chai dọc đường v.v… cũng được PHÚC, cũng quý hơn cả tiền của và quý hơn nữa là làm ơn làm Phúc mà không nghĩ đến sự đền đáp, nhờ những công đức ấy thì PHÚC lần lần hiển lộ, nếu được giàu sang hoặc thăng quan tiến chức thì phải hết mình làm lợi ích cho dân cho nước, đừng lợi dụng chức quyền mà tham lam vị kỷ, hà hiếp kẻ yếu, vì trong chữ PHÚC đã có chữ HOẠ ẩn sẵn bên dưới.

Nếu có những ai đó giữ được thân tâm thanh tịnh, bồ đề tâm kiên cố, dùng bút tinh cần chấm mực công đức, tô vẽ nên chữ PHÚC thì chữ PHÚC đó bất kỳ đặt ở đâu hoặc mang vào người thì đó là một lá bùa hộ mạng vô cùng linh nghiệm, có thể tiêu trừ thiên tai nạn hoạ và ma quỷ không thể hại được.

4. Tạo LỘC:

Lộc, có thứ của Vua ban, nhà nước cấp (để ghi nhận công lao thành tích), có loại của dân, cấp dưới biếu (để tỏ lòng biết ơn). Như vậy hoàn toàn có thể nói: có công thì có Lộc!

Chữ Lộc 祿 trong Hán tự thuộc bộ Kỳ 礻, với nghĩa thần kỳ, thần đất kèm chữ Lục 彔 âm đọc là do 2 chữ hợp thành: Qua 戈, Thuỷ 水. Do vậy nó là Phúc đấy nhưng phải đấu tranh mới có, mới giữ được. Đấu tranh với xung quanh, với bản thân. Đồng thời nó rất cần nhưng cũng dễ tan biến và “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” như nước vậy.

Ông Lộc hay Thần Tài tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Theo truyền thuyết, Ông Lộc được sinh tại Giang Tây, sống trong thời Thục Hán của Trung Quốc, ông còn là một quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, "lộc" phát âm gần với “lục" 綠, tay cầm "cái như ý" hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu 鹿 cũng được phát âm giống "lộc") và luôn cầm quyền trượng. Lộc còn là chồi non nên Giao Thừa có tục lệ đi hái lộc tức cành cây non và đến đình chùa miếu xin ban ơn.

Muốn có LỘC thì phải quý trọng thời giờ, siêng năng cần mẫn, biết nắm lấy cơ hội, những việc gì có lợi cho mình và có lợi cho kẻ khác thì kiên nhẫn chăm làm, những việc gì chỉ có lợi cho mình mà tổn hại đến kẻ khác thì tuyệt đối không làm. Tránh xa các điều xấu , điều ác, làm các việc lành, có trung, có hiếu mới nên danh, lấy chữ TÍN làm trọng, luôn luôn vui vẻ niềm nở với mọi người thì LỘC từ từ sẽ đến, tài lộc đến thì phải tiếp tục tô bồi thêm Phúc đức, đừng dùng thế lực đồng tiền hoặc cậy nhờ kẻ quyền thế áp đảo đổi trắng thay đen làm hại kẻ khác đau khổ.

Những người nghèo khổ họ không buồn tủi do sự thiếu thốn về vật chất mà buồn tủi thấy kẻ khác tiêu xài quá sang trọng, quá phung phí tiền của vào bia rượu ăn chơi xả lángchẳng đoái thương lắm kẻ đường cùng đói cơm rách áo. Nên nhớ rằng TÀI – LỘC phải do mồ hôi nước mắt của mình đổ ra mới bền vững, còn TÀI LỘC bất nghĩa cũng có ngày “chữ TÀI cùng với chữ TAI một vần” nào có khác chi.

5. Trường THỌ để hưởng Phúc:

Chữ Thọ 壽 thuộc bộ sĩ 士 và thêm 4 hợp thành là các chữ Nhị 二, Công 工, Khẩu 口 và Thốn 寸. Như vậy:

Điều đầu tiên muốn sống lâu thì bộ óc luôn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo bởi chữ Sĩ nghĩa đen là học trò, hiểu rộng ra là kiến thức. Ngày nay, đã có quan điểm xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời. Chữ Nhị 二, nghĩa đen là hai. Nghĩa rộng ra là quan hệ giao lưu qua lại. Người già muốn sống lâu phải thường xuyên giao tiếp, giúp nâng cao năng lực tư duy, giải tỏa những mắc mớ làm cho đầu óc thanh thản, tăng cường giao lưu để có nhiều bạn mới, có cơ hội gặp nhau thường xuyên, sống vui vẻ là ít bệnh tật hơn. Chữ thứ 3 là chữ Công 工 , nghĩa là vận động. Người già muốn sống lâu cần vận động theo sức lực của mình, giúp cho mạch máu được đàn hồi, không xơ cứng; máu dễ lưu thông đến nuôi các tế bào trong cơ thể, nhất là bộ não. Thể dục dưỡng sinh chính là nhằm mục đích này. Nhà Phật cho rằng không phiền não, không sát sanh hại vật, phải làm nhiều việc Phúc đức thì tuổi thọ mới tăng. Chữ Khẩu 口, nghĩa là miệng, có nghĩa phát ra lời nói, bao hàm ý “ăn bớt bát, nói bớt lời” hay câu “tai họa từ mồm mà ra, bệnh tật từ mồm mà vào”. Muốn được THỌ thì ăn uống phải điều độ, hạn chế thịt cá vì khó tiêu, không nên ăn no, tuyệt đối không dùng những chất có độc hại nguy hiểm như ma tuý, hạn chế bia rượu, thuốc lá...Chữ cuối cùng của chữ Thọ là chữ Thốn 寸, theo nghĩa đen là tấc, nghĩa rộng là sự đo đếm, là mực thước, là định lượng các hoạt động ở một mức thích hợp cho từng người chứ không phải cho tất cả mọi người. Tuổi thọ càng tăng thì phải làm người mẫu mực trong gia đình và dòng họ để giáo dục con cháu nên người. THỌ mà để con cháu sống bê tha bừa bãi, tranh tụng lẫn nhau thì rõ “thọ thị khổ”.

Ông Thọ tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh thường có thêm có con hạc. Trong lễ mừng Thọ các bậc cao niên cũng dân đào là vì vậy.

Từ lâu, quan niệm Thọ có tính cách cá nhân cũng dần dà thay thế cho quan niệm về Tử tôn tức là có con trai và cháu trai đích tôn nối dõi khi chế độ gia trưởng và đạo hiếu giảm bớt tính cách độc tôn chuyên trị. Sống lâu là hưởng thụ tuổi trời trong đời mình. Có con trai và cháu đích tôn nối dõi là để dòng họ được trường tồn, cũng là Thọ.

6. Mối liên quan:

PHÚC – LỘC – THỌ liên quan và hỗ trợ lẫn nhau rất mật thiết và đồng đều. Gieo được nhiều công đức thì gặt được Phúc lành, Phúc lành đến thì lộc được dồi dào, lộc được dồi dào thì bồi dưỡng từ tinh thần đến vật chất thì tuổi thọ tăng, được tuổi thọ tăng thì trên phải tiếp tục tô bồi thêm hiếu đức, chăm lo phụng thờ Tiên Tổ, dưới tìm mọi cách giáo dục con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, bỏ ác làm lành siêng năng học tập để nên người hữu ích cho gia đình và xã hội, như vậy cũng được Phúc và cứ thế ngày mỗi tăng trưởng thì PHÚC – LỘC – THỌ không những đến với chúng ta trong hiện tại và con cháu mai sau đều được hưởng thụ

PHÚC – LỘC – THỌ vẹn toàn thì không những “thiên tai vạn hoạ nhất tề tiêu” (tai qua nạn khỏi) mà còn “vô hạn thần tiên tùng thử đắc” (mọi tốt lành đều đạt được). Trái lại nếu sống mà không lo tu tâm sửa tính, không kịp thời ngăn chặn các điều xấu ác thì tai hoạ trùng trùng kéo đến khó mà tránh khỏi.

Có đôi câu đối chúc thọ nói về việc này :

Chữ :
德 合 無 疆 年 逾 九 秩
壽 稱 難 老 慶 祝 三 多

Âm: Đức hợp vô cương niên du cửu trật.
Thọ xưng nan lão khánh chúc tam đa.

Nghĩa: Đức đến vô cùng, vượt qua chín chục.
Thọ nay hiếm kẻ, cầu chúc tam đa.

Để Phúc cho con cháu thì thế hệ sau sẽ được hưởng ân đức và con cháu hiểu nghĩa thì mẹ cha sẽ trường thọ. Tôi đã từng viết đâi câu đối như sau vào dịp mừng thọ thân mẫu tuổi 85 (Tết 2008):

CÂY NHÂN ĐỨC MẸ TRỒNG CHO ĐỜI CON HIỂN ĐẠT;
ĐẠO HIẾU HIỀN CON TÍCH ĐỂ TUỔI MẸ TRƯỜNG NIÊN.

7. Ảnh hưởng bộ Tam đa tới muôn mặt đời thường:

Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị các chữ PHÚC – LỘC – THỌ 福祿壽, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục, nhất là chữ Phúc 福.

Theo một bài đăng ngày 17/7/2009 về khách sạn mang hình 3 bức tương khổng lồ trên trang http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/ thì tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc có kiến trúc rất độc đáo phỏng theo hình dáng ba vị tiên ông Phúc, Lộc, Thọ.
Khách sạn cao 10 tầng được xây dựng từ năm 2000-2001. Tòa nhà độc đáo này cũng đã giành được danh hiệu “Tòa nhà tượng hình lớn nhất thế giới” trong sách Kỷ lục Guiness thế giới. Trong đó, trên tay trái « Ông Thọ » có cầm một quả đào tiên, cũng chính là một... căn buồng tại khách sạn với hai cửa sổ đằng trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!