Chào đời giữa lúc khó khăn,
Đau lên, ốm xuống bao lần suýt vong.
Trước khi sinh tôi, mẹ đã sinh 2 lần. Nhưng cả 2 anh tôi đều mất khi mới 1-2 tuổi. Có thày bói nói: Bố Mẹ tôi phải nuôi con nuôi trước và phải đi “cầu tự” thì sinh con mới được.
Thế là mẹ tôi đón một chị con bác Lương Đức Thông (là cháu gọi ông nội tôi bằng chú)- Đặng Thị Quắm (cháu gọi bà nội tôi là cô) về nuôi. Chị này mất khi còn nhỏ. Mẹ lại xin con gái dì Ương, em ruột bà, lấy chú Miêu ở An Thái về nuôi song cũng lại mất sớm. Sau này nghe kể lại tôi biết, chẳng qua là do kém nuôi dưỡng. Ngày đó tỉ lệ trẻ sơ sinh bị chết nhiều nên chẳng mấy ai để ý.
Trong những năm Pháp càn quét vùng ngoại thành Hải Phòng ác liệt (1947-1949) nhiều lần gia đình phải tản cư sang Tiên Lãng và có đợt tới tận Thái Bình. Khi tạm yên, quay về quê, mẹ tôi tới Đền thờ Đức Thánh Trần ngoài Kiếp Bạc làm lễ, chui qua bụng tượng voi. Sau đó tôi ra đời.
Vào thời điểm tôi sinh ra (ngày 23/02 Ất Mùi), Chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã toàn thắng và theo Hiệp định Giơ Ne Vơ, Miền Bắc đã được giải phóng. Theo quy định tại Hội nghị Trung Giã, Hải Phòng là khu vực tập kết 300 ngày nên vẫn còn quân Pháp. Mãi đến 10/5/1955 ta mới tiếp quản An Lão, Tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản Hải Phòng nên khi tôi sinh quê tôi vẫn còn Pháp chiếm đóng. Mẹ tôi kể ngay hôm tôi sinh, lính "tây đen" đã tràn vào làng, mẹ phải trốn trong “chuồng hôi” và tôi được sinh ra tại đó!. Dù còn Pháp đóng quân nhưng chính quyền kháng chiến xã Chiến Thắng (lập ngày 05/10/1950, do sát nhập Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng sau chiến thắng Bến Khuể, 9/1950) đã mạnh, gần như hoạt động công khai nên gia đình không phải nộp tiền khao làng. Riêng Lương Đức Hảo (con anh Hiệp) đẻ trước tôi 1 tuần phải làm lễ này.
Cũng như mọi vùng nông thôn mới được giải phóng, công tác tuyên truyền, mít tinh, các hoạt động văn háo văn nghệ diễn ra sôi nổi, thôn tôi có đội văn nghệ. Cả bố và chú đều tham gia: bố kéo nhị, chú là diễn viên. Có lần chú tôi mượn rá của hàng xóm độn bụng đóng vai Đổng Trác. Rá vỡ, thím phải đền. Bố tôi vẫn là Trưởng ban Thuế, sau là Ban Địa chính xã và bận khá nhiều việc làng, xã.
Thời gian này, chiến dịch cải cách ruộng đất (12/1953-7/1956) vào những đợt được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Do vậy quê tôi cũng như một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan. Chính bác rể tôi là Phạm Văn Ký (lấy cô Lương Thị Ri và đã tục huyền sau khi cô tôi mất ngày 02/6/Ất Dậu) bị quy là địa chủ, giữ ngay tại nhà tôi mà không dám nhận đồ tiếp tế của mẹ tôi sợ bị liên lụy. Thực ra đó là đất của bà cô mà bác trông giúp và so ra không bằng 1/50 đất các con bác ở Khuể sau này !.
Đến năm 1957 tôi mới được làm Giấy Khai sinh. Khi đó bố tôi nói ngày âm (23/2 Ất Mùi), chú Vóc (ngành út họ nhà tôi) lại ghi luôn là 23/02/1955, mà không đổi ra Dương lịch (Chính xác phải là 16/3/1955, vào ngày thứ Tư). Sau này tôi cũng chả đổi lại nữa cũng bởi vậy nên tôi chỉ có Bản sao Giấy Khai sinh do UBHC xã Chiến Thắng cấp năm đó chứ không có bản gốc. Nhân đây chép lại chuyện hồi tháng 8/1985 trong dịp dự lớp tập huấn nghiệp vụ tại T45-Tf Hồ Chí Minh tôi có ra thăm Vũng Tầu. Trong đoàn, mỗi tôi là có vợ đang chửa, mọi người bảo mua hương lên thắp và “Sờ” vào chân Tượng Phật nằm trên đồi thì cầu sẽ được. Do nhiều người sờ cầu nên gan bàn chân Tượng Phật (dài hơn 1 m !) nhẵn phẳng lì, và đến ngày 01/11 năm đó vợ tôi sinh Trai (Hải Thương) nặng 3, 2 Kg.
Ngay từ khi mới sinh tôi đã rất yếu, quấy khóc hoài, khi mẹ sinh Thuộc vẫn phải bế tôi và cho bú. Năm 2, 3 tuổi mụn nhọt đầy đầu, tiêu chảy không cầm, nói sõi nhưng chỉ lết không biết đi, gia đình đã tưởng không nuôi nổi. Bởi hình dạng thế nên khi tôi mới có biệt danh: “Mến đầu to” mà nay ở quê nhiều người còn nhớ. Khi tôi lớn An, con chú Rật, vẫn hay trêu: "nhà bác có Mến đầu to, cái bụng thì ỏng, đít mòn đến xương". Thím Bính thấy tôi thèm ăn, bà nghĩ rằng: đằng nào tôi cũng “bỏ đi” nên “liều” cho mấy miếng thịt sống đang thái khi vừa đi chợ về . Nhưng sau đó tôi lại khỏi. Chẳng qua là Suy dinh dưỡng nhưng các cụ “kiêng” quá mức nên lại càng suy !
Về việc này cũng cần có chút chú thích: Tuy ông tôi làm Lý trưởng nhưng không hà hiếp dân, lại cờ bạc nên nghèo, ruộng vườn "đội nón" ra đi sau có được chia ít ruộng nhưng vườn thì không có chút nào.
Hồi đó, sau cải cách là nông thôn miền Bắc bước vào khôi phục kinh tế, toàn dân say mê nên những cán bộ như bố tôi đi hoài, mọi việc nhà do mẹ tôi làm nên đã nghèo lại thêm thiếu. Khi tôi lớn thấy nhà tôi 3 gian, có cả cột bằng tre. Một hồi nhà giáp đường liên xóm qua cái ao là đến nhà trưởng tộc L.Đ.Nghiễn. Nhà chú Rật 3 gian nhỏ hơn, lưng giáp đường. Hai nhà hợp hình thước thợ, chung nhau 1 sân, 1 bếp, 1 khu vệ sinh, không có vườn, ao. Cả 2 nhà tường đều đắp đất. Phía trước cửa nhà tôi qua sân đất hẹp là nhà anh Hiệp. Trong nhà tôi cũng có Câu đối sơn son, thiếp vàng. Vì còn nhỏ nên tôi không biết nội dung. Câu đối này đã được dùng là ...hòm gỗ lớn đựng đồ khi gia đình chuyển lên Lào Cai vào năm 1964. Đất này khi gia đình đi khai hoang (2/1964) bán lại cho anh Điểm, sau Điểm lại chuyển cho Kiệt (con trai trưởng tộc Nghiễn). Khi đã trưởng thành, trở lại thăm quê mới thấy vết tích cũ không còn gì, kể cả những gốc duối liên quan đến một lời nguyền của dòng họ cũng biến mất trong những năm 7-90 thế kỉ XX.
Sau CCRĐ bố làm Trưởng ban Địa chính xã lại có lớp BTVH tại nhà nên khách đến nhà, làm việc, bàn, họp luôn. Lân la học lỏm tôi biết chữ trước cả khi biết đi vững. Do đó có giai thoại rằng tôi vừa lê thếch vừa đọc : "Việt Nam dân chủ cộng hòa" ! Tuy chậm biết đi nhưng sau này tôi là người được đi khắp mọi vùng trên đất nước, hơn hẳn mọi người trong gia đình!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!