[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


07 tháng 1 2010

Lệ mừng Thọ


“THỌ” là chỉ cho những người có tuổi tác cao (cao niên, sống lâu) nên con cháu trong gia đình, thân tộc làm lễ mừng thọ, xã hội tôn vinh các Cụ.
1. Ý nghĩa Nhân văn:
Ngày sinh của con người thường được quan tâm rất nhiều. Trẻ sinh ra thì có “Lễ ba ngày”, “Lễ mười ngày”, “Lễ đầy tháng”, “Lễ trăm ngày”, “Lễ thôi nôi” (giáp năm), "Cúng đổi đốt" v.v...Đến tuổi trung niên, những năm 36 tuổi, 49 tuổi thì có lễ sinh nhật gọi là “Môn hạm tử” (ngạch cửa). Đến ngày ấy, người nhà sẽ dùng vải đỏ để cho người ấy choàng ngang lưng hay may thành áo lót để mặc, ý cầu chúc cho tai qua nạn khỏi.
Người Việt sẵn vốn nặng lòng với đạo hiếu 孝道 nên rất tôn trọng người cao tuổi, (“Kính lão đắc thọ”, “kính già già để tuổi cho”). Bởi vậy, với mỗi người thêm một tuổi là thêm sự tôn vinh, kính trọng của gia đình, họ hàng, làng xómViệc chúc thọ là tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với Ông Bà Cha Mẹ. Ngày nay, trong phạm vi quốc gia hay ngành nghề, cơ quan cũng tổ chức chúc thọ các vị lãnh đạo, những người có công đào tạo, dìu dắt học trò…thể hiện “Tâm Trung, Nghĩa Đạo”.
Ngày xưa, vốn dân ta hay chết yểu nên người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Lịch sử Việt Nam, đời nhà Trần thế kỷ 12 và 13, vua Trần 40 tuổi nhường ngôi cho con lên trông coi việc nước, còn nhà vua thì nghỉ ngơi và đi tu. Theo tập tục, trước năm mươi tuổi thì tổ chức “Mừng sinh nhật”, gọi là “Nội chúc” 內祝, ý nói là chỉ tổ chức mừng trong nhà mà thôi.
Từ năm mươi tuổi , đến ngày sinh thì không làm sinh nhật nữa, mà gọi là “Mừng Thọ” 可稱 (Tố Thọ 做壽). Ngày ấy, có mời thân bằng quyến thuộc đến dự (tức có người ngoài) . Sau đó, cứ mười năm tổ chức mừng thọ một lần, gọi là “Đại sinh nhật” (sinh nhật lớn 大生日).Dẫu không phải chức sắc trong làng, nhưng khi đã lên lão thì không phải đóng góp việc làng, được miễn sưu dịch và những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều (cụ bà ngồi gian bên phải, các cụ ông ngồi gian bên trái), tuổi càng cao càng được ngồi chiếu trên, đôi khi có chiếu chỉ có 1 cụ bởi không còn người đồng niên. Phong tục ấy đến bây giờ vẫn được giữ gìn và còn sâu xa ý nghĩa hơn.
2. Các cấp độ mừng thọ :
Tùy phong tục của số nơi, lấy số tuổi tròn chục như 50, 60, 70 tuổi để mừng thọ, nhưng lại có nơi chọn những năm 49, 59, 69 tuổi để mừng thọ, vì họ cho rằng, số chính là số “lớn nhất” trong dãy số, mang đến nhiều điều tốt lành hơn. Tập quán ấy gọi là “cửu bất khánh thập” (九不慶十, mừng chín không mừng mười). Danh xưng mừng thọ theo các tuổi chẵn chục ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Chữ “THỌ” phân ra nhiều bậc, để biết mức độ thọ nhiều tuổi, ít tuổi v.v… nhưng nhiều người chưa rõ nên dễ dùng lầm. Do vậy cần hiểu để sử dụng cho đúng ngữ cảnh. Ví dụ:
- “Khao lão” 犒老 là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là vào dịp 50 tuổi, gọi là “Noãn thọ” (暖壽, thọ ấm áp) hay “Bán bách thiêm thọ” (半百添壽, thọ nửa trăm).
- “Chúc Thọ” 祝壽 là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên.
- “Trung Thọ” 中壽 là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên.
- “Thượng Thọ” 上壽 là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên.
- “Đại Thọ” 大壽 là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên, gọi là “Ráng”.
- “Lão thiêm thọ” (thọ đỏ) 絳老添壽.Gọi tắt là "Lão thọ".
100 tuổi, xưng là “Kỳ Di” 期頤 (thuật ngữ riêng chỉ cho trăm tuổi).
Chú ý: khi dâng trướng mừng không viết “thọ 70 (75, 80…) tuổi” như viếng đám hiếu mà ghi là “Thọ tuổi 70 (75, 80….)”. Ngoài ra:
- “Vạn Thọ” 万壽, “Trường Thọ” 長壽 chỉ những bậc đã sống từ trăm tuổi trở lên.
- “Phúc Thọ” 福壽 là chỉ cho những bậc có phước nhiều, làm phúc nhiều trong cuộc sống, 考終命: Lão chung mệnh (Vui hết tuổi trời).
“Khánh Tuế” 庆岁 hoặc “Khánh Thọ” 庆壽 để mừng cho các bậc đã thượng thọ hay đại thọ được tổ chức long trọng, tôn kính.
“Đạo Thọ” 導壽 là chỉ những bậc tu hành nhiều năm, người có nhiều công đức hoằng dương Chính Pháp, phụng sự chúng sinh v.v…
3. Tổ chức Lễ mừng thọ:
Lễ mừng thọ thường nhằm dịp sinh nhật hoặc ngày xuân (dịp Tết Nguyên đán). Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Mỗi xã, mỗi phường ngày nay hầu hết có Hội thọ của các cụ cao tuổi. Các lão ông, lão bà được trọng vọng như nhau. Khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội thọ đến chúc mừng, trao Thư của Hội người cao tuổi, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của con cháu, phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Đồng thời con cháu hãnh diện với chòm xóm bởi cho rằng nhà có « Phúc » mới có cha mẹ thọ cao.
Tại gia đình, con cháu làm lễ cáo gia tiên sau đó thực hiện việc chúc thọ. Ngày xưa có lệ dâng rượu, dâng đào rồi mỗi người lạy 2 lạy rưỡi, có nhà còn tổ chức tế sống. Khách hoặc họ hàng có lời chúc và quà mừng có nhà mời cả phường hát đến góp vui. Ngày nay con cháu tặng hoa, bà con biếu quà thường là « phong bì ». Nhưng nhiều quan chức dịp mừng thọ cha mẹ trở thành cái cớ để đàn em trả ơn hay hối lộ hoặc có gia đình phải bổ bán kinh phí lo các cỗ mặn sau tiền mừng không đủ sinh ra cãi nhau...Nhưng cái đó làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của việc mừng thọ.
4. Lời chúc và đối trướng :
Một số lời chúc truyền thống:
如東海,壽比南山 “Phúc như Đông Hải, Thọ tỷ Nam Sơn”,
導壽綿長 “Đạo Thọ Miên Trường”
hay: 日月長明; 松柏長春; 榮壽誌慶; 無量壽佛; 晉爵延齡,永祝遐齡; 鶴算龜齡;南山獻壽; 壽域宏開; 奉殤上壽等
Tức là: Nhật Nguyệt Trường Minh ; Tùng Bách Trường Xuân; Vinh Thọ Chí Khánh; Vô Lượng Thọ Phật; Tấn Tước Diên Linh (thăng chức sống lâu) Vĩnh Chúc Hà Linh (dài chúc xa tuổi), Hạc Toán Quy Linh (tuổi như rùa hạc), Nam Sơn Hiến Thọ; Thọ Vực Hoành Khai (tuổi thọ mở rộng), Phụng Thương Thượng Thọ (sống lâu không chết trẻ)..
Trong lễ mừng thọ có thể có câu đối. Ví dụ:
- Câu đối chúc thọ thông thường như:
福延永劫,壽樂綿長 “Phúc duyên vĩnh kiếp,Thọ lạc miên trường”.
四時春在首,五福寿为先 “Tứ thời Xuân tại thủ, Ngũ phúc Thọ vi tiên”.
香辛到老方知桂, 秀茂泾秋始识松 “Hương tân đáo lão phương tri quế, Thúy mậu kinh thu thủy thức tùng”.
天添歲月人添寿,春滿乾坤福滿堂 “Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm Thọ, Xuân mãn càn khôn Phúc mãn đường”.
- Mừng 2 cụ cùng thọ và con cháu xum vầy:
百階堂上椿萱茂,萬足門前桂蕙馨 “Bách giai đường thượng xuân huyên mậu, Vạn túc môn tiền quế huệ hinh”.
- Chúc đôi vợ chồng 60, 70, hay 80 tuổi vẫn còn mặn nồng tình nghĩa gắn bó sắc son:
Thuỷ chung giữ vẹn lời nguyền
Sáu mươi tuổi vẫn trọn duyên tình nồng.
5. Một vài câu đối, bài thơ do tôi soạn:
Mừng thọ Cha tuổi 70 (1992):
Bẩy mươi tuổi, trải lắm gian nan - Giờ trông: Con Cháu Thảo Hiền, Vui vạn Tết;
Bốn Nhăm năm, qua nhiều lận đận - Nay ngẫm: Vợ Chồng Hạnh phúc, Đẹp ngàn Xuân.
Mừng mẹ tôi tuổi 80 (2003) :
Cây Nhân Đức mẹ trồng cho đời con hiển đạt,
Đạo Hiếu Hiền con tích để tuổi mẹ trường niên.
Mừng thọ Mẹ tuổi 75 (1998) :
Đầu năm Khai bút, Bút khai Hoa,
Gửi Hương Xuân ấm đến mọi nhà.
Và riêng dâng Mẹ lời hay nhất:
Xuân này Mẹ trọn Bẩy Nhăm Hoa.
Quanh năm cắm cúi với ruộng ,vườn,
Chưa từng rời khỏi đất Quê hương.
Để con của Mẹ dài chân bước,
Qua khắp muôn phương, mọi nẻo đường.
Tần tảo chăm lo chuyện cửa nhà,
Đánh vần mới thuộc chữ O,A
Để cho con Mẹ xong Đại học,
Cháu Mẹ thi tài: Giải Quốc gia !
Nín nhịn vén thu việc gia đình,
Chưa từng tuyên thệ chốn Quang vinh.
Năm trai của Mẹ thành Chi bộ,
Gánh việc xóm thôn, tới Tỉnh Thành.
Mẹ tôi-một Người Mẹ Bình thường,
Nhân hậu, Thuỷ chung,ấm tình thương.
Xứng người xưa dạy: “Phúc tại Mẫu”
Con cháu mai ngày gắng theo gương.
Tôi viết bài thơ: Tết Mậu dần,
Mừng Mẹ nay tròn Bẩy Lăm Xuân.
Chúc Mẹ Thọ trường, Cao Bóng Cả,
Chỗ dựa cháu con vững bước chân
.

1 nhận xét:

  1. Câu: 百階上椿萱茂,萬足门前桂蕙馨 thiếu chữ 堂 "đường"!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!