Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường của người Việt hiện nay, thuật ngữ dương lịch nói chung chỉ là nói tới lịch Gregory mặc dù trên thực tế có nhiều loại lịch khác có cách thức tính toán ngày tháng.
Phép tính lịch dựa vào chu kỳ mặt Trời gọi là Dương lịch (H: 陽曆, A: The sun calendar, P: Le calendrier solaire), bởi mặt Trời 日 thuộc Dương 陽. Lịch Thái Dương, lấy năm Xuân phân làm cơ sở, có độ dài bằng vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Phép làm lịch này đại thể chia ra:
- Dương lịch Chí tuyến: khi vị trí của Trái Đất (hay Mặt Trời) được tính toán liên quan tới điểm Xuân phân hay điểm Thu phân thì ngày tháng chỉ ra mùa. Ví dụ Lịch Gregory, Lịch Julius .
- Dương lịch Thiên văn khi vị trí của Trái Đất được tính toán liên quan tới vị trí của các định tinh thì ngày tháng của nó chỉ ra chòm sao hoàng đạo mà Mặt Trời có thể được tìm thấy gần đó. Ví dụ: Lịch Hindu và lịch Bengal
Dương lịch gắn mỗi ngày tháng cụ thể cho từng ngày mặt trời. Một ngày có thể là chu kỳ giữa bình minh và hoàng hôn, với chu kỳ kế tiếp là đêm, hoặc nó có thể là chu kỳ của hai sự kiện giống nhau và kế tiếp nhau, chẳng hạn hai hoàng hôn kế tiếp. Độ dài khoảng thời gian kế tiếp nhau của hai sự kiện như vậy có thể cho phép thay đổi chút ít trong suốt cả năm, hoặc nó có thể là trung bình của ngày mặt trời trung bình. Các dạng khác của lịch có thể sử dụng ngày mặt trời.
Lịch Dương quan niệm thời gian diễn ra trên một trục, kéo dài vô tận và lấy năm sinh của Chúa Jêsu (Đức Chúa Jésus Christ, 耶蘇教主, Gia Tô Giáo Chủ) làm năm khởi đầu, trước năm đó gọi là trước Công nguyên (tCn). Công Nguyên 公元 là kỉ nguyên bắt đầu bằng năm theo truyền thống được cho là năm sinh của Chúa. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên hay trước Tây lịch . Khái niệm Công Nguyên được tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra vào thế kỷ 6 khi ông tính lịch cho các ngày lễ Phục Sinh và được dùng với các lịch Julius và Gregory, theo đó Chúa sinh ngày 25/12 năm 753 Rome nên năm Rome thứ 754 trở thành năm 1 (không có năm 0). Các nhà làm sử áp dụng thông lệ này vì nó được dùng lần đầu bởi tu sĩ Bede trong tác phẩm Historia Ecclesiastica Gentis Anglorum (Lịch sử giáo hội của người Anh, 731). Ông ta không dùng số 0, mặc dù ông đã biết số 0 vào lúc đó, vì việc đếm số cho năm bắt đầu từ 1 chứ không phải 0. Sau đó người ta nhận thấy rằng Dionysius đã tính lầm ít nhất 4 năm. Năm 2000 đáng lý ra phải là năm 2005.Chữ tương đương với Công Nguyên trong tiếng Latin là Anno Domini, viết tắt AD hay A.D., nghĩa là Năm của Chúa hay Kỉ nguyên Kitô. Nó được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh, thường đặt trước số năm, ví dụ AD 128.
Từ điển Từ Hải giải: 歐美諸國以耶穌基督誕生之年為紀元之始, 世稱西曆紀元以其通行最廣亦稱公元 “Âu Mỹ chư quốc dĩ Gia Tô Cơ Đốc đản sinh chi niên vi kỷ nguyên chi thuỷ, thế xưng Tây Lịch kỷ nguyên, dĩ kỳ thông hành tối quảng, diệc xưng Công Nguyên”. (Các nước Âu Mỹ lấy năm sinh của Jesus Christ làm khởi đầu của kỷ nguyên, đời gọi là Tây Lịch kỷ nguyên; thông hành hết sức rộng rãi, cũng gọi là Công Nguyên). Trong sách báo tiếng Việt đôi khi bắt gặp cách dùng sau Công Nguyên, tuy nhiên có lý do cho thấy cách dùng này không hợp lý, và cách dùng đúng là Công Nguyên. Bởi chính Trung Quốc hiện nay cũng thống nhất sử dụng thuật ngữ 公元前 “Công Nguyên tiền” (trước CN) và 公元 “Công Nguyên” chứ không dùng thuật ngữ 公元後 “Công Nguyên hậu”.
Hiện nay còn có chữ viết tắt CE (Common Era) thay thế cho AD và được đặt sau số năm, ví dụ 128 CE, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô. Hiếm hơn còn có E.V., viết tắt của Era Vulgaris trong tiếng Latin.Trước Công Nguyên trong tiếng Anh là Before Christ (Trước Chúa Kitô), viết tắt BC, được đặt sau số năm, ví dụ 320 BC. Ngoài ra còn có cách viết khác không phổ biến lắm, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô, là BCE (Before Common Era), nó cũng được đặt sau số năm, ví dụ 320 BCE. Chữ Công Nguyên trong tiếng Việt có lẽ xuất xứ từ tiếng Hoa 公元, viết tắt từ chữ Công Lịch Kỉ Nguyên 公曆紀元/公历纪元. Tôi ghi “trước Công nguyên” là tCn.
Trong lịch sử đã có các loại Dương lịch:
- Lịch cổ Ai Cập (Egypt): xuất hiện tCn vài nghìn năm tại Ai Cập cổ đại, dài 365 ngày, chia thành 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, còn 5 ngày để vào cuối năm.
- Lịch Julius: được dùng từ 46 tCn ở La Mã, do Hoàng Ðế La Mã Juliut Xêza (Julius Ceazar, 101-44 tCn) đề xướng gọi là Calendrier Julien, với độ dài của năm Xuân phân được xác định là 365,25 ngày nên cứ sau 3 năm thường mỗi năm 365 ngày thì có một năm nhuận 366 ngày. Năm nhuận được đặt vào các năm có niên số chia hết cho 4. Mỗi năm có 12 tháng, trong đó 4 tháng 30 ngày (4, 6, 9, 11), 7 tháng 31 ngày (1, 3, 5, 7, 8, 10, 12), tháng 2 có 28 ngày (năm nhuận có 29 ngày). Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây.Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Lịch này được dùng đến năm 1582 (sự sai biệt đã lên đến 10 ngày).
- Lịch Gregorius được dùng từ 15/10/1582, do Giáo hoàng Grégoire XIII (1572-1585) đề xướng. Độ dài của năm được xác định chính xác bằng 365,2425 ngày, vì thế đến thời điểm áp dụng lịch Gregôriut thì thời gian theo lịch Juliut đã chậm đi 10 ngày. Để loại trừ sai, lịch đó đã quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại và quy định: tại Roma, Espagne và Portugal, cũng như các nhà thờ Thiên chúa giáo thì ngày hôm sau của thứ năm 4/10/1582 là 15/10/1582; chu kì nhuận xác định là: 400 năm chỉ có 97 năm nhuận. Quy tắc xác định lịch này như sau: Các năm không nhuận có 365 ngày: các tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày, tháng 2 có 28 ngày, 7 tháng còn lại có 31 ngày; riêng năm nhuận có 366 ngày do thêm 1 ngày vào tháng 2 để có 29 ngày. Cứ 400 năm có 97 năm nhuận. Các năm chia hết cho 4 (chẳng hạn như năm 2008) là năm nhuận; trừ những năm cuối thế kỷ (có 2 số 0 ở cuối: **00) không chia hết cho 400 như 1700, 1800, 1900, 2100 ... là không nhuận. Như vậy, các năm cuối thế kỷ như 1600 và 2000 vì chia hết cho 400 nên nhuận.
Do tính ưu việt bởi cách tính thuận tiện, đơn giản, phản ánh đúng chu trình thời tiết trong năm nên DL được dùng ở tất cả các nước, kể cả ở những nước vốn vẫn dùng âm lịch hoặc âm - dương lịch: Anh áp dụng từ 3/9/1752, Nga năm 1918, Hy Lạp năm 1923, Québec năm 1608, Nhật: 1873, Trung Quốc 1912, Hy Lạp, Roumanie: 1820...và ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 121/CP ngày 8.8.1967 thì từ 01.01.1968của Chính phủ do Thủ tương Phạm văn Đồng ký thì trong giao dịch chính thức dùng Dương lịch theo múi giờ +7. Mới đây vấn đề này được tái khẳng định trong Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký.
Từ năm 1922, Hội các quốc gia thành lập một ủy ban nghiên cứu về sự sửa đổi lịch và kết luận là không thay đổi lịch nữa nhưng phải có một ngày ổn định cho ngày lễ Pâques. Liên Hợp quốc thấy rằng lịch Gregorien không thích hợp với sinh hoạt kinh tế hiện tại nên có ý định sửa thành lịch vĩnh viễn quốc tế. Nhưng là vấn đề của các nhà khoa học, họ đang tranh cãi, không thuộc lĩnh vực cần biết của thảo dân.
Năm nay, 2010 là năm cuối của thập niên đầu tiên thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ III.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!