[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 8 2009

AN PHONG, thôn mới khai nghiệp mới

Địa danh An Phong xuất hiện lần đầu tiên từ tháng 2/1964 mà trước đó vùng này được mang một cái tên xa lạ với người miền xuôi: Na Cờ Lao Bon. Từ chỗ muôn vàn “cái không” cần có và ngần ấy cái khó cần vượt, đã thành xóm thành thôn.


A.3.4. An Phong thủa đó còn hoang hoá :

HTX khai hoang An Phong là tên ghép chỉ rõ người An Lão lên Phong Niên thành lập 02/1964 tại thung lũng Na Cà Lao Bổn (tức khu ruộng nhiều cây bon)[1], nơi giáp ranh giữa Cốc Sâm 谷森 của Phong Niên với Xuân Đâu 春桃[2] của Xuân Quang. Đầu những năm 60 thế kỉ XX, phía ngoài đường là nơi sinh sống của mấy hộ người Nùng thuộc thôn Cốc Sâm, trong lũng là nơi cư trú của 2 hộ, sâu hơn thêm 3 hộ người Dao Tuyển. Năm 1962 hai hộ người Dao này chuyển đi bỏ hoang thung lũng, trở thành nơi thả trâu sau mùa cầy, nơi cắt cỏ ngựa... của dân Nùng Cốc Sâm. Dấu tích còn lại là một số thửa ruộng bậc thang bỏ hoang lâu ngày và 2 nền nhà, một mộ đất của người Nùng Cốc Sâm, một lán che lọ sành đựng tro xương của người Dao cùng 2 cây bưởi chua và vài cây ổi quả nhỏ.

Theo kế hoạch thì nơi này Phòng Khai hoang huyện Bảo Thắng đã dự kiến đưa 3 hộ người Hà Nội (các ông Cố, Cả, Cẩn) vào ở. Song thấy xa, vắng quá họ chuyển lên Km 34. Ngày đầu An Phong gồm 21 hộ với 93 nhân khẩu. Trong đó có 8 hộ, 50 khẩu người Chiến Thắng; 5 gia đình, một số hộ độc thân An Thái với 23 khẩu; 5 gia đình, 20 khẩu ở Mỹ Đức đều thuộc huyện An Lão. Đó là các hộ: Ruẩn, Thông, Thân, Rật (Dật), Nguyên, Nhỡ, Thoả, Ngà, Ru, ỏng, Sê, Khiếm, Kịch, Diêm, Đồng, Phước, Đế và các hộ độc thân: Ơn, Mậm, Dâng, Ngần.

Ngay đầu lũng là “rừng hủi”
[3] dãy đồi phía Đông Nam là đồi cỏ tranh lẫn nhiều cây kè đá, cây gạo, phía Tây Nam là rừng giang. Cây giang thuộc họ tre nhưng không vươn thẳng mà nằm là mặt đất và phát triển rất đặc biệt: măng mọc xa gốc mẹ; khi cây giang già thì từ mấu mọc lên một cành và cành này phát triển thành cây cấp hai, cứ thế tiếp tục tạo nhiều tầng nấc nên việc chui trong rừng giang rất khó khăn. Còn các quả đồi khác là rừng gỗ tạp 20-40 tuổi, không có rừng nguyên sinh. Các quả đồi đều thấp, không có đá vôi, đá xanh. Mỏm đồi cuối lũng có đá thối lẫn một loại đá đa cạnh mà có thể dùng tay bóc ra từng lớp một, khi còn mỏng độ 0,3 Cm trong gần như kính. Một khe suối nhỏ khởi nguồn từ đỉnh đồi ranh giới với xã Xuân Quang chảy dọc lũng đổ ra khe Phong ngoài đường 4 để đổ vào sông Chẩy. Nơi suối bắt đầu vào thung lũng, cạnh một búi mai, người dân bản địa trước đó đã đắp một con đập nhỏ để nước dâng lên dẫn vào tưới cho các thửa ruộng đã được khai phá và đặt cối giã gạo.

Các gia đình được sắp xếp ở các chân đồi xung quanh. Từ đường vào đầu tiên là người dân An Thái (Phạm Văn Ru ở ngoài cùng), Mỹ Đức rồi đến người dân Chiến Thắng (Lương Đức Thân ở phía trong cùng). Đây là những ngôi nhà do tốp thanh niên tiền tiêu dựng lên. Nhà dựng đơn giản cột ngoàm, lợp tranh, vách nứa, có sạp nứa 2 bên suốt gian thay giường, giữa là lối đi. Chưa có bếp, trời còn lạnh nên đun nấu trong nhà. Sợ ngã nước nên ai cũng phải đào giếng, không dám dùng nước suối như dân bản địa. Đa số chưa từng sống ở rừng núi nên mọi thứ đều lạ và sợ, đêm cài chặt cửa không dám ra ngoài. Những đêm đầu nghe tiếng “bắt cô trói cột”, “năm trâu sáu cọc” hay tiếng “tắc kè”, tiếng hoẵng kêu, chim lợn rú rợn cả người. Nỗi nhớ quê hương lại càng thêm da diết.

Từ thung lũng, tiếp một khe hẹp giữa 2 dãy đồi, trên lối mòn sang Xuân Đâu có 3 hộ người Dao. Người Dao làm nhà đơn giản, nửa sàn nửa đất theo dọc nhà, cửa vào ở phần nền đất nên không có cầu thang. Cột chôn xuống đất bằng loại cây không bị mối xông mà lại nẩy chồi, mọc cành lá che cả mái tranh; vách và sàn bằng nứa, vào cửa từ phía hồi nhà. Quanh nhà vẫn là rừng rậm, ruộng nương đều ở xa. Dê, lợn đều thả rông. Đun nấu trong nhà, chỉ mỗi chiếc kiềng. Không có sân, mọi thứ phơi phóng được thực hiện ở một sàn phía đầu hồi vào nhà. Sát sàn phơi này còn là nơi đặt thùng gỗ hứng nước theo máng dẫn từ rừng về. Người Dao dùng súng Hỏa mai bắn đạn ghém kèm đạn cái và gặt đầu bông lúa nương bằng hái gỗ kẹp giữa ngón trỏ và ngón nhẫn, loại hái hai sừng khác hái một sừng của người Nùng, phần rơm rạ còn lại của cây lúa để cho mục tăng độ mùn của nương sang năm lại cấy. Các cum lúa được buộc bằng các sợi dây lấy từ vỏ cây giướng. Sau 3-4 vụ bỏ phát nương khác. Người Dao tự rèn lấy công cụ và con dao tay của họ là dao mo, lòng máng, rất sắc, người thuận tay nào dùng loại đó. Người ta dùng cây Trẩn đỏ, đốt dở rồi lấp đất cho cháy âm ỉ trong môi trường yếm khí để lấy than dùng trong việc rèn đúc. Người Dao biết lấy nứa nấu thành keo, đổ giàn ra phên to phơi khô làm giấy bản dùng trong việc cúng lễ. Khi phát hiện thú rừng họ huy động cả bản cùng săn. Con vật giết mổ được chia đều theo đầu người, tính cả chó. Các hộ này nghèo, nuôi vài con dê, lợn thả rông; chủ yếu trồng ngô, cấy lúa nương và ủ rượu bằng men lá. Rượu có thể làm bằng thóc, ngô, sắn hay ruột cây đao rừng. Trước mỗi bữa ăn, người ta mới lấy cum lúa xuống vò rồi xẩy lấy thóc cho vào cối gỗ dùng chầy tay để giã. Giã cả thóc ra cho đến khi gạo trắng không có sàng và dần mà dùng mẹt để xẩy bỏ cám, lấy gạo nấu và chỉ đun một bếp. Do vậy một bữa ăn sắp rất lâu, kể cả khi có khách. Thời kì giáp hạt, thiếu ăn đi tìm và đào củ mài ở trong rừng. Năm 1966 họ chuyển ra cánh rừng chưa được khai phá ở Xuân Đâu, cách An Phong 3 Km qua một dãy đồi rừng già. Người Dao thường ít con , những người đông con thì thực ra là người Kinh gốc Hải Phòng, Nam Định được thương lái đem lên bán làm con nuôi những năm thuộc Pháp. Những năm 1968-1979 Xuân Đâu được Nhà nước lấy làm phân trại cải tạo K4. Khi đó xóm 5 hộ Dao Tuyển chuyển đi và sau này đều không còn con cháu. Giai đoạn 1978-1985 đây là nơi đóng đại bản doanh của Quân đoàn 29 và sau một phần thành Trường thiếu sinh quân tỉnh, phần còn lại cấp cho dân sản xuất.

Người Nùng, người Dao ở đây không dựng Chùa và Nhà thờ, trong đám ma có mời thầy Tào để cúng và làm tang. Họ thờ Tổ tiên và thần rừng, đặc biệt người Dao thờ Bàn Cổ và rất sùng kính thủ lĩnh . Phụ nữ Nùng, Dao đều mặc quần, nhưng người Dao áo dài, người Nùng áo ngắn và trang sức đều đơn giản, không mặc váy, áo với họa tiết sặc sỡ như người HMông. Những hộ Nùng Cốc Sâm, Dao Xuân Đâu đã giúp kinh nghiệm canh tác lúa nương, cách chế tác và sử dụng công cụ hợp với miền núi (Ví dụ: cách chọc lỗ, tra hạt khi gieo và ngắt bông, bó cum, phơi lúa nương khi thu hoạch), cung cấp cây, con giống. Ngược lại, người khai hoang giúp họ thuốc lào, kinh nghiệm canh tác lúa nước, hoa mầu.

Trong ban lãnh đạo HTX Ngô Văn Ơn (An thọ) làm Chủ nhiệm, Đặng Văn Nhỡ là phó, Lương Đức Thân là Kế toán. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của An Phong. Do có chính sách bao cấp nên đồng bào khai hoang được hưởng chế độ cung cấp. Hàng tháng cán bộ thay nhau ra Huyện làm sổ sách (đi bộ 6 Km đường rừng qua Xuân Đâu ra tới đường lớn đi Phố Lu 11 Km nữa) rồi của gia đình nào, người đó gánh về, tất cả trên đôi vai.
Do bệnh tật gia đình bà Nguyên mấy tháng sau chuyển xuôi. Cuối năm 1964, qua khảo sát, Bảo Thắng thấy thung lũng hẹp, ít đất canh tác nên đã cho chuyển các hộ: Ruẩn, Thoả, Ngần, Sê, Khiếm được sang Trì Quang, sau đó hộ Bùi Văn Đồng sang Sơn Hải. Năm 1968 hộ các hộ Thông, Ngà, ủng chuyển về quê, còn 12 hộ nên có thời kì được gọi là xóm 12 hộ.

A.3.5. Tay trắng đi lên bởi chí bền :

Tuy có người về quê, người ra đi nhưng những người còn lại vẫn hăng say bắt tay vào phát hoang, vỡ ruộng, xây dựng cuộc sống mới.

Khởi đầu là việc dựng nhà và vỡ hoang. Các thửa ruộng cũ được dân bản địa khai phá từ trước nhưng chủ yếu họ chỉ canh tác các thửa dễ dẫn nước và đã bỏ hoang lâu nên phải phát lau sậy, cắt cỏ, đắp lại bờ, khơi lại nguồn nước để phục hoang. Khi cắt cỏ môi gai lá rất sắc cứa chằng chịt bắp chân, đỏ ửng rồi mưng mủ, các cây mon thì đụng vào rất ngứa.

Ruộng phục hoang ít, không đủ nên phải phá thêm. Những cánh rừng lầy, nhiều cây vông, cây gạo, chuối rừng, vầu, lá dong, lau, sậy, dây rừng chằng chịt, um tùm ở giữa khe núi được mọi người phát quang, hạ cây, đốt cháy, dọn sạch, ắp đập, be bờ giữ nước tạo ra những thửa ruộng mới. Chuối rừng có nhiều điểm khác chuối nhà, chúng không mọc thành bụi mà cách thưa nhau do rễ lan ra. Có loại khi trổ thì buồng quay xuống, bắp mầu tím ăn rất ngon, ngược lại có loại buồng lại mọc thẳng hướng lên trời (chỉ thiên), bắp chuối mầu đỏ, không ăn được. Cả 2 lọai quả rất nhiều hạt nhưng chín đều khá ngọt. Trong rừng chuối mỗi khi mưa thường có cua chui từ đất nên, nhưng là cua mầu đỏ. Rừng ẩm, rậm nên muỗi, vắt nhiều vô kể. Do thiếu kinh nghiệm, dụng cụ nên việc khai phá rất chật vật. Thung lũng rất thụt, có chỗ ngang thắt lưng, chỉ cuốc, không cày, bừa được. Có lần một con hoẵng bị đuổi sa xuống không thoát nổi, bị bắt sống. Dụng cụ thiếu, thứ mang từ xuôi lên không thích hợp. Mọi người phải ra Phố Lu mua dao phát, liềm, bay rồi học người bản địa cách tra cán và tập sử dụng.

Ảnh hưởng thói quen người địa phương, diện tích canh tác không tính bằng m2 hay sào, thước mà được tính bằng “cân giống”, năm cấy 2 vụ, có thửa chỉ cấy được một vụ. Các đồi rừng quanh nhà được phát trồng lúa nương, sắn, khoa, ngô; những đám đất bằng ít ỏi được tận dụng làm vườn. Giống lúa, sắn, ngô, rau quả... được bà con địa phương hỗ trợ hay sang Sơn Hải xin. Cũng đã có thời kì đem giống thuốc lào từ quê lên trồng nhưng không hiệu quả nên sau bỏ chỉ trồng lúa. Như mọi miền khác, tất cả trong hợp tác và làm theo hiệu lệnh kẻng. Nhiều thửa ruộng, nương sắn, nương ngô sắp được thu hoạch thì lợn, gà rừng, chim, sóc kéo về phá sạch (vùng này không có khỉ). Đôi khi gấu về trèo cây Vả hái quả chín trước cả khi đám trẻ đi lấy măng tìm đến. Có những năm hổ về bắt cả lợn trong chuồng nhưng cánh thợ săn người địa phương không sao tìm bắn được. Mỗi lần săn bắn được con lợn hay hoẵng, mấy thợ săn ngoài Cốc Sâm đều đem vào cho người dân trong lũng. Đặc biệt họ rất quý người cao tuổi nên 4 chân và đuôi hươu (theo họ là quý) đều phần cụ Chỉ.

Khi có thóc, Lương Đức Rật (Dật) tự tìm cách đóng cối xay, làm cối giã để ra hạt gạo nhưng phần nhiều là ăn độn quanh năm, chủ yếu độn sắn. Cơm độn sắn, canh sắn, bánh tráng sắn. Ngày ấy trồng lọai sắn 2 năm mới được thu hoạch, nhiều nhà không có lự lượng sắn chẳng có mà ăn. Thức ăn chủ yếu là măng rừng và rau tầu bay , cây diếp dại nấu với muối cùng một ít cá khô mặn chát được cung cấp. Ban đầu không biết nên lấy cả măng vầu, rất đắng, ăn không quen. Mấy thanh niên Nùng ngoài Cốc Sâm chỉ cho cách vặt quả đài hái về lấy hạt ăn ngậy và bùi, còn củ mài thì không mấy ai đào được, vì rất sâu. Khi những mớ nụ, lá vối mang từ xuôi lên dùng hết, theo kinh nghiệm bản địa, mọi người lấy lá ngành nghạnh thay vối, lấy chè rừng thay chè nhà. Muốn mua thứ gì đều phải xuống Bảo Nhai, cách 8 cây hoặc đi 17 cây ra Phố Lu. Không đài, báo, thư từ với quê hương cũng chưa. Mọi tin tức thông qua 3 cán bộ khi lên xã, ra huyện họp về nói lại.

Vì không có lớp, đường xa, rừng rậm, thú dữ và nhiều nỗi lo khác nên các gia đình không cho con cái đang học dở ở xuôi đi học tiếp . Các em nhỏ được Lương Đức Thân mở lớp dạy Vỡ lòng tại nhà kho, sau đó Lương Đức An, Phạm Bá Nhật, TB Nguyễn Văn Soát, Phạm Thị Sen, Ngô Thị Lai tiếp tục dạy những lớp sau cho đến khi CCGD bỏ vỡ lòng, theo hệ 12 năm .

Từ những ngôi nhà dựng tạm ban đầu, được sự hướng dẫn của đồng bào và sự tích cực của bố con ông Lương Đức Rật (Dật) mà nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên trên các sườn đồi quanh lũng. Mọi người đã biết chọn gỗ Giàng giàng, gỗ Xoan đào, gỗ Soi chanh để làm cột, làm xà không bị mọt thay vì những cây Trẩu, cây Bứa thẳng tắp nhưng mau mọt được sử dụng thủa ban đầu. Nhà dựng theo kiểu xuôi, 3 hoặc 4 hàng chân, sau này nhiều nhà được dựng có cả hiên là 6 hàng chân. Nhà lợp tranh, nhà lợp bã nứa; chân cột được kê trên những hòn đá tìm, chọn ở bờ suối hay lấy trên rừng về, vách nhà đan bằng nứa chục năm sau mới có nhà thưng gỗ. Theo nếp quê, mọi người nặn những ông đầu rau bằng đất, song chất đất khác xuôi nên mau vỡ, sau dùng đá kê 3 hòn để đun nấu mãi sau này mới có kiềng. Sợ ngã nước nên không ai dùng nước suối nấu ăn, nhà nào cũng đào giếng, chứa nước trong các chum, vại sành mang từ quê lên..

Thôn dựng nhà kho gần giữa lũng. Đó vừa là nơi tập trung lúa về để đập rồi chia cho từng hộ, vừa là nơi tụ họp của thiếu nhi, nơi học của lớp Vỡ lòng. Một số vật dụng bằng cói, đay, tre (chiếu, võng, ró, quang, đòn gánh, đòn xóc, đòn càn…) mang từ quê lên hỏng dần hoặc không thích hợp được làm mới bằng nứa, bằng giang, bằng tre. Giang dẻo và bền hơn nứa nhưng nếu cần lạt buộc hay nan đan dài 2 dóng thì việc chẻ qua đầu mặt rất khó vì dầy và các đốt không thẳng nhau như nứa. Chưa xẻ được gỗ đóng hòm gian như ở quê nên thóc phải đựng trong bồ quây bằng cót đặt trên chiếc nong, nia lớn, thóc nương thì học dân bản địa bó thành từng cum gác lên sàn.

Những gian khó ban đầu dần được vượt qua, cuộc sống nơi quê mới hình thành, ổn định và phát triển; nhiều ngươì ở quê lên, người dân sở tại đến thăm và đều tin vào sự chọn lựa cũng như phát triển của đồng bào khai hoang. Đúng là :

Rừng thiêng, lau rậm chỉ với cuốc và dao, người nói ra, kẻ bàn vào, dạ sắt, gan vàng - không nản chí,
Nước độc, muỗi bầy không cả lán lẫn màn, khác quê hương, lạ phong tục, màn sương, đệm giá - chẳng từ nan.

Từ buổi đầu thành lập và trong quá trình tồn tại, An Phong luôn được phát triển đồng thời thay đổi về quy mô, địa dư và tên gọi.

Năm 1965 một số đồng bào xã Quốc Tuấn (An Lão) nên lập ra xóm 8 hộ ở bên kia rừng hủi. Hộ Lương Thị Thị từ Sơn Hải sang (1966-1968). Sau đó một số hộ về quê, một vài hộ ra cạnh đường, một số hộ nhập vào xóm 12 hộ, dân số tăng dần, mối quan hệ với bên ngoài cũng có chuyển biến. Từ năm 1966 Trung Quôc cử 1 Quân đoàn bộ đội hậu cần dưới danh nghĩa Công nhân Quốc phòng sang giúp Lào Cai xây dựng 4 tuyến đường mà ta đang làm dở phải rút sang Bắc Cạn xây dựng đường vào ATK của Trung ương. Tuyến Lào Cai đi Phố Ràng đoạn tu bổ, nâng cấp, đoạn mở mới. CNQP và các trận địa pháo đóng quân trên đường vào thôn, lẫn trong khu sản xuất của dân, thường cử người vào biếu muối, dầu hoả, xà phòng là những thứ nhu yếu phẩm khan hiếm hồi đó, kèm theo là trước tác, huy hiệu Mao Trạch Đông 毛澤東 và hoạ báo TQ tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命, về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”... Học sinh, thiếu nhi được dạy bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa. Ngoài ra còn được xem Phim TQ (Kinh kịch: Bạch Mao Nữ, Một mình đánh núi Uy Hổ, Tài liệu: về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi …), nhưng không có thuyết minh bởi cấp Tiểu đoàn mới có phiên dịch. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được xem Xiếc, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệm. Khi về nước họ để lại những dãy nhà được người trong xóm 8 hộ chuyển ra ở và là nơi Lương Đức An, Lương Đức Mến mở học BTVH cho người chưa biết chữ.

Năm 1967 hợp nhất với HTX Vĩnh Hồ (người Vĩnh Bảo lên Sả Hồ) ở Km 37 ngoài đường thành HTX An Hồ, thôn được gọi là Đội 2. Trong những năm đó việc học của con em đã được chú ý. Tất cả các lớp phải lên Km 33, cách thôn 4 cây. Chưa có đồng hồ, dậy lúc nào rủ nhau đi lúc đó; lối đi cỏ rậm phải che áo mưa để cản sương, trời rét phải bỏ than vào ống bơ để sưởi; giấy viết rồi ngâm vôi, phơi khô dùng lại, đốt củi lấy ánh sáng để học; nhiều hôm trời mưa lớn, nước suối dâng cao, trẻ lớn phải cõng trẻ nhỏ mà lội qua. Gian khó thế, nhưng tất cả đều chịu khó và học rất khá, hầu như phần thưởng các kì của Trường Cấp I Phong Niên đều về An Phong cả. Đây cũng là thời kì mà bên nước bạn đang diễn ra cuộc “Đại cách mạng văn hoá vô sản”, nhiều người Hoa, người Nùng bị kích động vượt biên rồi lại đẩy sang rất phức tạp ngay cả ở Phong Niên, trong đó có hộ từng giúp đỡ An Phong dịp 1964. Nhưng ở An Phong cuộc sống dần ổn định và nhiều người đã về thăm quê và bà con họ mạc dưới quê cũng đã có người lên thăm, mang theo mắm, cá khô, hạt giống. Những cán bộ ban đầu của HTX đã ra huyện, lên xã công tác trên cương vị mới, mối quan hệ của An Phong với bên ngoài dần khẳng định…

Theo đường lối lên sản xuất lớn XHCN, năm 1971 Phong Niên tiến hành hợp nhất toàn xã thành một HTX lấy tên là HTX Hồng Phong, thôn được gọi là Đội 9, sau đó Hồng Phong tách ra thành HTX Hải Phong và Hồng Phong thì thôn thành Đội 7. Đến năm 1973, 1974, 1976 có 4 hộ ở Hải Phòng (Ô Chập, Ô Hội, Ô Hưng, Bà Tương) lên tự túc, 5 hộ ở Hà Nam (Ô Sơn, Ô Phụng, Ô Thất, Bà Uý, Anh Hằng) lên khai hoang. An Phong trở nên đông đúc và kéo dài ra đến đường QL70. Thời kì này toàn quốc vẫn thực hiện nghiêm ngặt nền kinh tế Kế hoạch XHCN và nông dân làm việc trong HTX với chế độ kẻng theo giờ hành chính, thu hnhập thấp, mọi thứ nhu yếu phẩm đều thiếu nhưng mọi người đều vui vẻ, chờ ngày toàn thắng. Nhưng sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đặc biệt sau 1976, do nóng vội mà tình hình càng khó khăn nhiều mặt. Lao động dư thừa và thu nhập cũng rất thấp trong khi đất đai còn nhiều. Nhu cầu cầy cấy tự do rất lớn. Học kinh nghiệm “khoán chui” của một vài nơi dưới quê Hải Phòng, lãnh đạo Đội đã chia nhóm và thực hiện khoán đến tổ. Việc báo sản được lập thành 2 sổ, lãnh đạo làm ngơ cho xã viên tranh thủ ngoài giờ vỡ thêm ruộng cấy lúa, trồng thêm ngô, sắn, đào ao thả cá. Chính điều đó đã làm cho cuộc sống bà con khá hơn. Đây là biểu hiện cụ thể sự manh nha của “tiền Đổi mới” từ sự chuyển động cục bộ của cuộc sống ở nơi heo hút và xa quê này. Nhưng cũng vì đó mà rừng mau bị phá hơn. Thời kì này Trại Cải tạo K4 của Bộ Công an đóng quân ở Xuân Đâu gần An Phong. Sự qua lại của CBCS trong Trại và những phạm nhân lao động tự giác khi chăn bò, khai thác gỗ đã ảnh hưởng ít nhiều (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi mặt của An Phong, trẻ em còn đốt đuốc ra phân trại hay lên K1 ở Vĩnh Phong (từ Km 25 vào 2 Km nữa) xem văn nghệ.

Cuối những năm 70 tình hình biên giới Tây Nam rồi phía Bắc trở nên căng thẳng, đặc biệt từ 1978. Nhiều hộ dân từ tuyến I chuyển về quê hoặc về tuyến II. Trong dịp đó, hộ ông Phận chuyển từ Bát Xát về và một số hộ lẻ (Chị Thi, chị Hậu) từ nơi khác chuyển đến. Nhiều hộ rục rịch định chuyển xuôi. Song ở quê cũng rất khó khăn, đất đai đã bán nên cuối cùng cũng chẳng ai về. Thứ bẩy 17/2/1979 (21 tháng Giêng Kỉ Thân) Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra . Sau khi vượt sông Nậm Thi, tàn phá Tx Lào Cai; vào Mường Khương tàn phá nông trường Thanh Bình, một cánh quân TQ theo dọc đường 7 đã tràn qua Bản Phiệt, Bản Cầm, Phong Hải, Phong Niên (22/02) đến Km 38. Từ khi mới xẩy ra cuộc chiến, cả Đội 7 đều được lệnh sơ tán và đa số về quê, không ai ở lại. Từ 08/3 quân TQ đã rút khỏi địa bàn An Phong để lại trên triền đồi những dãy giao thông hào, hầm chiến đấu và những chăn, chiếu, màn của dân mà chúng vơ lên sử dụng. Sau chiến sự, bà con trong Đội, người trước, người sau lại trở về nơi cũ. Kiểm lại cả Đội không chết một ai, chỉ mất tài sản, lợn gà bỏ lại và cháy một ngôi nhà. Mọi người nhặt nhạnh những gì còn sót , thu gom vật liệu lợp lại nhà, dọn mảnh pháo làm nương, cầy ruộng cấy trồng, xây dựng lại cuộc sống. Tại đây cũng không xẩy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản với đồng bào người thiểu số hay người Kinh kẹt lại.

Trong cuộc Chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch sau 1979, mặc dù nằm trên đường tắt (chuyển ma túy, hàng lậu) từ Biên giới Mường Khương qua Cốc Ly xuống để sang Xuân Quang ra Phố Lu và ngược lại nhưng con em trong Đội không ai bị lôi kéo và vướng vào vòng tù tội. Cuộc sống cấy cầy vẫn là chủ yếu, một số hộ người Hạ Lũng có mang theo nghề trồng hoa lên để có thêm thu nhập. Từ chuyên canh lúa, một số hộ chuyển sang trồng ngô, nuôi lợn, trồng mía kéo đường, có người chuyên tâm trồng quế, mỡ, đắp đập, đào ao thả cá để tăng thêm nguồn thu. Tất cả chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, mọi mặt KT-XH của An Phong được phát triển mạnh, nhất là sau ngày tái lập tỉnh (10/1991).Theo quy định chung, từ 1995 Đội được mang tên chính thức là thôn An Phong, một số hộ đã mua máy Thủy điện nhỏ của TQ về để lấy điện sinh hoạt. Năm 1998 điện lưới vào tới xóm.

Xuất phát từ nguyện vọng của bà con và sự cố gắng nỗ lực của con cháu từng sinh trưởng ở đây , ngày 15/02/2004 (25 tháng Giêng) đã tiến hành Lễ Kỉ niệm 40 năm ngày lập thôn An Phong (02/1964-02/2004). Lãnh đạo xã, thôn bạn và con cháu về dự đông đủ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cây cầu qua suối vào thôn đã hoàn thành với số vốn huyện cấp là 300.000.000đ. Thể theo nguyện vọng của bà con và sự nhiệt thành của con cháu xa quê lối mòn được mở rộng thành đường 4,2m vào tận xóm trong được khai thông vào dịp đón Xuân Bính Tuất 2006. Sau đó Nhà Văn hoá thôn cũng được xây dựng, khánh thành dịp 03/02/2007. Ngày 03 Tết Mậu Tý (09/02/2008) tại đây, lần đầu tiên Lễ Mừng thọ các cụ được tổ chức tập thể cho 5 cụ trong thôn .

Kể từ ngày khởi lập, 02/1964, An Phong không những tăng thêm về quy mô cư trú, đông thêm về số Hộ, số Khẩu, nhiều thêm về Diện tích canh tác, mở rộng về địa dư, tăng thêm nhiều lần về tổng thu nhập mà mọi mặt về cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị cơ sở và Văn hoá, xã hội cũng có nhiều biến chuyển to lớn theo hướng tích cực.
Tuy sản xuất và việc sử dụng công cụ có ảnh hưởng của người bản địa nhưng vì tập trung toàn người cùng quê (An Lão, Hải Phòng) nên mọi tập tục, lễ nghi, nếp sống vẫn giữ được và mang đặc trưng của văn hóa vùng quê châu thổ Bắc Bộ được đơn giản hóa đi. Về sau, do người dân Hà Nam lên đông, con cháu đi công tác, học tập nhiều nơi về, ảnh hưởng của một số lệ tục của người Tày, Nùng, Dao, HMông, Hoa và do đời sống ngày một khấm khá nên một số chi tiết đã có sự biến đổi. Đồng thời đặc tính ưa quần tụ, dễ hòa đồng của người châu thổ đã ảnh hưởng đến người bản địa, làm hạn chế dần mất đặc tính du canh, du cư của họ. Chính sự hỗn dung đó đã tạo ra một sắc thái văn hoá mà An Phong không như ở An Lão và cũng không thành Phong Niên gốc. Là thôn miền núi nhưng 100% là người Kinh và không có ai theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành. Ngày Sóc, Vọng các già thường tụ tập nhau niệm Phật tại Liên Hoa Tự 蓮花寺, là ngôi Chùa do các cụ tự lập nên từ 1987 ngoài Km37. Con em An Phong nhiều người xây dựng gia đình ở nơi khác hoặc do học hành, công tác đã lập nghiệp ngoài An Phong. Những người làm nông nghiệp hay xây dựng gia đình ngay An Phong ở lại tiếp tục xây dựng, phát triển thôn làng.

A.3.7. Con cháu mai ngày chớ lãng quên :

Trong công cuộc khai hoang mở đất, tạo dựng An Phong người đầu tiên mắc bệnh và mất tại đây này là bà Kịch. Tiếp theo là Cụ Chỉ, Ô Nhỡ, Ô, bà Rật (Dật), Ô Ru, Ông Hội, Ô Minh, Ô Soát, Ô Thân, Ô Biếc, Cụ Hưng, anh Mão, chị Dưỡng, Bà Nhạn, Bà Xuân, Bà Soát, Bà Mẽ, Bà Út. Những thanh niên tử nạn như Lác, Bằng, Sinh. Còn Ô, bà Nhớ, Ô, bà Thoả mất bên Trì Quang; Ô Đế, Ô Phước mất bên Xuân Quang do tuổi cao, bệnh trọng. Ông Khiếm (1964 lên An Phong, sau chuyển sang Trì Quang), anh Lương Đức An hi sinh trong Kháng chiến Chống Mĩ cứu nước; anh Vũ Văn Khải đã hi sinh vì sự nghiệp Bảo vệ biên cương Tổ quốc (4/1979). Ngô Văn Ơn, người Chủ nhiệm đầu tiên của HTX, sau khi ổn định mọi mặt cho đồng bào ở đây đã được cấp trên rút lên huyện công tác.Trong thời gian công tác tại huyện, ông vẫn chăm lo đến phong trào, bà con và các cháu ở thôn, Ông mất năm 1981 tại Phố Lu do tai biến mạch máu não.

Ngoài ban lãnh đạo HTX An Phong ngày đầu (Ơn, Nhỡ, Thân), khi có thêm Đội 8 hộ và trong thời kì trong HTX hợp nhất An Hồ, Hồng Phong thì An Phong là một Đội và Đội trưởng là các ông bà: Bùi Văn Kịch, Nguyễn Văn Ngà, Văn Mậm, Bùi Văn Diêm, Lưu Thị Bính, Nguyễn Văn Soát, Vũ Văn Mỏng, Đoàn Như Hoạ, Văn Phận, Văn Mão, Lương Đức Luân. Sau đó chuyển chức danh thành Trưởng thôn Lương Đức Luân và tiếp theo là Vũ Văn Toàn, Đào Văn Khái. Có người không mang một chức danh nào nhưng với tính cần cù, chịu khó đã kiên trì bám trụ từ buổi vỡ đất, dựng nhà, tiếp tục tăng gia sản xuất như Lương Đức Rật (Dật) , Phạm Thị Nhạn, Phạm Thị Uyển, Nguyễn Thị út…Những con người tiờn phong ấy, với nghị lực và ý chớ đó cố gắng trụ bỏm, nhen nhỳm và định hỡnh một cuộc sống mới. Họ có công đi đầu trong công cuộc khẩn hoang dựng xóm, lập làng, đắp xây cuộc sống và góp phần giữ đất quê hương, trụ lại mãi về sau:

Dẫu không Bia đá, Đỉnh đồng,
Mà con cháu vẫn trong lòng khắc ghi.

Trong số những công dân khai điền, mở đất ở An Phong ban đầu và trụ lại vượt khó lập xóm, dựng thôn không phải chỉ có người Lương tộc mà còn những gia đình họ Đặng, họ Bùi, họ Phạm, họ Đào....Sự quyết tâm, bền gan, hiến kế, góp công, góp của và máu xương của mọi người nên đây đã phấn đấu thành một trong những thôn khá của xã. Trong sự chuyển mình ấy, đóng góp khai đất, hình thành và củng cố phát triển An Phong của những người thuộc Lương tộc và con cháu họ là không hề nhỏ. Do tỉ lệ đông, trình độ cao so với mặt bằng chung và tham gia lãnh đạo các cấp nên có những việc, những vấn đề mà người họ Lương ở đây đã quyết định hình thành nên diện mạo An Phong trong mỗi thời kì:

Phúc xưa dầy: Nơi phát nguồn linh hiển- Đời càng vững Cây, bền Gốc
Nền nay vững: Chốn li hương cần kiệm- Ngày thêm thắm Lá, tươi Cành.

Trong đó phải kể đến: người cán bộ đưa dân lên, lãnh đạo, tổ chức quản lí việc khai đất, lập làng, mở lớp dạy vỡ lòng, tạo mối quan hệ với thôn xóm khác và với xã, huyện cũng như nuôi dạy cháu con giữ vững truyền thống quê hương, gia tộc…là Lương Đức Thân. Đã được tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba Số 1286/1167 kí ngày 20/2/1997 của Chủ tịch nước CHXHCN VN, mất sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tý). Ngày 20/12/2001 (tức là ngày mồng 6 tháng mười một, năm Tân Tỵ) được cải táng. Ông hoàn toàn xứng đáng với đôi câu đối con cháu khắc trên mộ:

Công cao mở đất lưu hậu thế (功高開坦留後世)
Đức cả rèn con rạng tổ tông (德哿教昆創組宗)

Hay người thanh niên trong Đội tiền tiêu lên phát đường, mỏ lối, dựng lán, làm nhà từ trước để đón dân, từng tiếp theo bác ruột dạy học vỡ lòng cho con em trong thôn, mở lớp Bình dân, xóa mù chữ cho người lớn, phụ trách thiếu niên và thanh niên, là Đảng viên đầu tiên được kết nạp ở An Phong; nhập ngũ tháng 5/1968 ở Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II vào Nam chiến đấu, hi sinh ở mặt trận phía Nam ngày 02/5/1970 (27-ba-Canh Tuất). Đã được tặng thưởng HUÂN CHƯƠNG CHIẾN SĨ Vẻ VANG. Đó là Lương Đức An:

Xung kích khẩn hoang dựng quê mới, kết nạp nơi ải Bắc,
Tình nguyện lên đường đuổi ngoại xâm, hi sinh phía trời Nam.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới những năm 1978-1985, một số người trong Lương tộc đã đứng trong quân ngũ, đóng góp cho việc giữ yên biên giới, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch. Đó là: Lương Đức Mến (Công an), Lương Đức Thuộc (Quân y), Lương Đức Tràng (Quân khí), Lương Đức Quang (BĐ Hóa học).

Thế hệ thứ Hai, Ba của Lương tộc tại đây đã khắc phục khó khăn, vươn lên học hành thành đạt công tác tại thôn, xã, huyện và tỉnh; góp phần làm đổi thay thôn xóm, rạng danh dòng tộc. Con cháu thế hệ hai của Lương tộc sinh sống, công tác tại thôn và xã là: Lương Đức Luân, Lương Đức Tràng, Lương Đức Quang, Lương Thị Thường, Lương Thị Dưỡng (mất 2004). Người ra huyện công tác là Lương Đức Hỗ, Lương Đức Thuộc, Lương Đức Luận. Người công tác ở tỉnh là Lương Đức Mến, Lương Đức Thức. Người chuyển nơi khác là: Lương Thị Nhớ, Lương Thị Mong (Bảo Hà, Bảo Yên), Lương Đức Lơ (Phố Lu, rồi Trì Quang, mất 2005), Lương Thị Lý (Phố Lu), Lương Thị Sinh (Bắc Hà, mất 1994). Có người đi tới tận tỉnh khác, như: Lương Đức Hởi (Đắc Lắc, mất 2001), Lương Thị Mai (Đắc Lắc), Lương Thị Vinh (Hà Nội). Thế hệ thứ ba đều được ăn học, cố gắng phấn đấu, đạt nhiều Danh hiệu về học hành và tu dưỡng, có cháu theo học Thạc sĩ ngay ở tuổi 21, có cháu vào Đảng ngay trong trường Đại học ở tuổi 20. Các cháu nhỏ theo gương các anh, các chị đang có gắng trau dồi.

Những Đảng viên đầu tiên, những người đầu tiên theo học, TN Cấp III, Đại học rồi Cao học; những thầy giáo, Kĩ sư, Bác sĩ, Thạc sĩ; các sĩ quan Sơ, Trung, Cao cấp ở An Phong đều là người trong Lương tộc và nhiều gia đình từng nhiều lượt được tổ dân phố, xóm làng suy tôn là “Gia đình hiếu học”. Dù ở đâu, trên cương vị gì họ đều luôn nhớ về An Phong và có những đóng góp nhất định:

Cha ông mở đất xây thôn xóm (吒翁開坦立村社),
Cháu con tích học nối nghiệp nhà (宗昆積學綏業茄).

Những nữ thanh trong thôn hay nơi khác về làm dâu Lương tộc đều có trách nhiệm với gia đình, họ hàng, làng xóm, nhiều người xứng danh “Vượng phu ích tử” 旺夫益子. Đồng thời những gái Lương tộc làm dâu các gia đình trong thôn, ngoaì xã cũng góp phần nhất định vào sự phát triển của các gia đình ấy. Đó là Thường (dâu trưởng họ Vũ An Phong), Dưỡng (dâu trưởng họ Phạm An Phong), Vinh (dâu trưởng họ Lê Nam Cường, Yên Bái), rồi Sinh khởi tạo ra họ Hoàng Phú Thọ ở Bắc Hà, Mong khởi Nguyễn Kim Sơn (Baỏ Yên)...
Từ thực tế phát triển của địa phương cũng như của dòng họ hay mỗi gia đình càng thấy rõ chủ trương khai hoang những năm 60 thế kỉ XX là đúng. Nó góp phần làm đổi thay diện mạo cả quê mới lẫn quê gốc. Trong những năm đầu Thế kỉ XXI, việc xây dựng và phát triển hai hành lang và vành đai kinh tế Việt - Trung, trong đó có hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là yêu cầu trong tiến trình hội nhập, phù hợp với phương châm phát triển của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” 长期稳定, 面向未来, 睦邻友好, 全面合作. Hợp tác Hải Phòng- Lào Cai gắn với việc xây dựng và phát triển hành lang kinh tế đó. Như thế sự gắn bó giữa người khai hoang và người ở quê lại càng mật thiết hơn, phù hợp với lợi ích 2 tỉnh, lợi ích quốc gia và khu vực.Thật là:

出高密旧鄉前田收媺穀: Xuất Cao Mật cựu hương tiền điền thu mĩ cốc,
派豐年新社昔樹發今花: Phái Phong Niên tân xã tích thụ phát kim hoa.
Dịch nghĩa: Xuất phát từ Cao Mật làng xưa, ruộng trước thu thóc tốt,
Chia phái lên Phong Niên xã mới, cây xưa nở hoa tươi.
-*-

[1] Vì các cụ nhà ta không phân biệt đợc “n” và “l” và không quen nghe tiếng địa phương nên “Na cơ lao bổn” được phiên thành “La Cà Bốn” chẳng có nghĩa gì .
[2] Chính xác phải là Xuân Đào, chứ “Đâu” vô nghĩa” còn “Cốc Sâm”= lúa tốt hay cây cối rậm rạp.
[3] Các cụ cao tuổi địa phương kể rằng trước có người bị hủi, gia đình đưa lên khu đồi này chất củi và đốt. Do vậy khu rừng này không ai vào nên rất nhiều cây to. Từ sau 1979 “nỗi sợ” đó không còn nên rừng đã bị phá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!