Quê tôi tục gọi là Làng Hương, xa xưa là xã Phương Lạp, tổng Cao Mật, huyện An Lão. Qua bao thắng trầm nay là thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Đất nước chuyển mình, đâu cũng giầu lên nhưng hình như "vận đỏ" chưa đến với cái làng có địa lợi tuyệt vời như làng tôi.
Làng Hương 廊香 (tên chữ xưa là Phương Lạp 方粒) là một làng nhỏ, dân ít ở giữa tổng Cao Mật 高密總, huyện An Lão 安老縣, phủ Kiến Thuỵ 建瑞府, trấn Hải Dương 海陽鎭. Theo các bậc cao niên kể lại thì “tên làng là 廊香, với nghĩa là “thơm, tốt đẹp” nơi “đất lành chim đậu” còn làng Hạ là nơi chim mòng xà xuống 蒙下, làng Thượng chim mòng no bay lên 蒙上”; còn “tên chữ của làng là Phương Lạp 方粒, với nghĩa là nơi nhiều gạo tốt”. Điều đó chứng tỏ là làng cổ có truyền thống cấy lúa trước các làng là bãi chim mòng 鸏.
Làng này có từ bao giờ và ai, dòng họ nào là người đầu tiên đứng ra khai lập thì chưa thấy ai tìm hiểu được và biết rõ, Trong Gia phả họ Lương thì khi Thượng Tổ đến đây lập nghiệp đã thấy có người họ Mai, họ Nguyễn cư ngụ rồi.
Làng nằm 2 bên (chủ yếu là bên Trái) đường 354 liên huyện từ Kiến An sang Tiên Lãng, cách Bến Khuể 1 Km. Đình 亭 và Chùa 寺 nhỏ, ít đồ tế khí, nằm gần 2 bên con đường nhìn ra cánh đồng giáp đê. Cạnh Đình có giếng tròn, có bậc đá dẫn xuống cả làng dùng nước, quanh giếng trồng dứa dại. Góc sân Đình, cạnh lối vào làng có cây bàng lớn. Đình xây trên bậc tam cấp được xếp bởi những phiến đá xanh to. Chùa cũ bên sông đào bị đổ, Chùa mới lập những năm 1930 ở xóm trại ngoài làng, trong một khuôn viên nhỏ. Sau khi hoàn thành cải tạo XHCN, đồ tế khí ở Đình được chuyển vào Hậu cung, gian ngoài giành cho lớp Vỡ lòng. Đó cũng là thời kỳ làng được biết dưới cái tên HTX Tân Trào. Các làng khác cùng xã như làng Hầu, Hạ, Thượng, Cốc, Lộc, Kim Côn đều có cả Chùa lẫn Nhà thờ, riêng làng Hương không có ai theo Đạo Thiên Chúa.
Cuối những năm 1960 Chùa, Đình làng đều đã dỡ bỏ, chuyển mục đích sử dụng đất. Ranh giới giữa làng Hương và làng Hạ là con đường nhỏ, năm 1965 hợp nhất thành Phương Hạ và được gọi là thôn.
Nhà cửa trong làng thấp, tường trình đất, mái lợp rạ, cói, ít nhà có sân gạch, lợp ngói, vườn rộng. Đầu làng nơi giao nhau của tỉnh lộ 354 với đường liên thôn từ Cốc Trang lên Kim Côn có một chợ nhỏ thường gọi là Quán Hương. Cả thôn có 10 dòng họ trong đó 2 dòng họ lớn là Lương 梁 và Đặng 鄧, do đó các gia đình hầu như có quan hệ họ mạc nối dây chéo nhau. Trong những năm sau 1986, nhiều vũng, hồ, bãi lăn rìa làng đã được lấp đầy thành ruộng, vườn, đất ở nên làng rộng ra và sung túc hơn, kéo liền từ giáp chợ Thái xuống gần Bến Khuể. Ranh giới giữa Hương-Hạ cũ chỉ còn là con đường liên xóm đã được bê tông hóa từ những năm 2000 gọi là thôn Phương Hạ và một số hộ đã chuyển cư sống xen kẽ giữa 2 làng cũ.
Chiến Thắng là tên mới (có từ 1950) của Cao Mật 高密總 xưa. Đầu thế kỷ XIX, Tổng Cao Mật thuộc huyện An Lão 安老縣, gồm các xã Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng, Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng (高密, 今崑, 崑嶺, 蒙場上, 蒙場下, 方粒, 尊祿, 谷場) .
Từ tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật cũ được chính quyền Cách mạng nhập thành 2 xã: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Trong 9 năm kháng chiến nơi đây bị càn quét nhiều lần, là bàn đạp để Pháp tấn công tái chiếm Kiến An, đánh sang khu du kích Tiên Lãng. Đặc biệt là trận càn 8/1947 hay trong chiến dịch “con quỷ” DIABLE tháng 12/1949. Tại địa bàn có bốt Khuể án ngữ cả đường sông và đường bộ. Tại đây đêm 25 rạng 26/9/1949 đã tổ chức binh biến thành công, nhổ được đồn mà không tốn một viên đạn, giọt máu. Để ghi nhớ trận này và cũng phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng từ 05/10/1950. Đến 20/7/1954 miền Bắc được giải phóng nhưng vì nằm trong khu tập kết 300 ngày nên quân Pháp vẫn chiếm đóng tại xã. Hồi này có nơi như Kim Côn, Tôn Lộc nhiều gia đình di cư vào Nam. Ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng.
Chiến Thắng và là xã xa nhất nằm phía Đông Nam của huyện An Lão: Bắc giáp Tân Viên, Mĩ Đức; Đông giáp An Thọ; Nam, Tây Nam giáp sông Văn Úc 文郁 (bên kia là địa phận các xã Quang Phục, TT Tiên Lãng, Quyết Tiến, Tân Tiến, Tự Dương của huyện Tiên Lãng), Tây Bắc giáp xã Tân Viên. Diện tích 882,86 ha, dân số 6.018 người (2006), chia làm 7 thôn: Cốc Tràng, Tôn Lộc, Phương Hạ, Mông Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Tân Thắng và khu dân cư Bến Khuể . Ranh giới xã được sông văn Úc, sông Đa Độ và kênh mương bao bọc nên không mấy đổi thay nhưng địa chỉ thì có đổi: từ thuộc An Lão, đến thuộc huyện An Thụy (04/6/1969-05/3/1980), có thời kỳ thuộc huyện Kiến An (3/1980-08/8/1988) rồi quay lại thuộc An Lão như cũ (Quyết định số 100-HĐBT ngày 08/8/1988 của Hội đồng Bộ trưởng).
Lịch sử và truyền ngôn ghi nhận: Hồi TK XVII, XVIII dân cư vùng này còn thưa, nhiều bãi bồi trong và ngoài đê chưa được khai phá, chủ yếu là nơi sống của cói, lăn, cỏ lác, cây bần, cây sú. Do chính sách ruộng đất, chế độ hà khắc thời Lê Trịnh và do thiên tai mà nông dân nhiều nơi mất ruộng, phải phiêu dạt đi khắp nơi. Trong số những cư dân từ nơi khác phiêu dạt đến sinh cơ, lập nghiệp thời đó tại Cao Mật có Thượng tổ Lương tộc và Phạm tộc. Lớp người này đã tạo ra con Sông đào, lấp chỗ trũng, thau chua, rửa mặn cải tạo bãi sú, vẹt thành ruộng, thành vườn; bồi đất, trồng tre, làm nhà nên làng, nên xóm. Sau nhiều thế hệ, con cháu họ cùng với những gia đình họ Nguyễn, họ Mai...ở trước ngày một đông hình thành nên một vùng quần cư bên Tả ngạn sông Văn Úc, bên kia là địa phận huyện Tiên Lãng.
Cư dân chủ yếu là dân ngụ cư đến từ nhiều đời trước, thuần nông, trình độ dân trí không cao. Ngay từ 1977 xã đã bí mật thực hiện việc khoán khoai tròn và ruộng lợn vì thế kinh tế có khá hơn nhưng không bền vững. Sau đó, có thời gian (1983-1985) xã là điểm nóng về an ninh, chính trị của thành phố, đặc biệt tại khu phà Bến Khuể khi chưa có quốc lộ 10, thường xuyên xảy ra nạn cướp giật, móc túi, trộm cắp và xã Chiến Thắng trở thành “điểm nóng” về mất trật tự an toàn xã hội. Hệ thống chính trị cơ sở gần như tê liệt. Người dân mất lòng tin với cán bộ, thường kéo lên Trung ương khiếu kiện, khiến tình hình an ninh địa phương rất phức tạp kéo theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã luôn yếu kém, “dẫn đầu” từ dưới lên.
Những năm cuối thế kỉ, nhờ chủ trương đúng, nhiều người tuy không li hương nhưng li nông đi làm ăn nơi khác, đem lại những đổi thay cho xóm làng. Xe Công nông mang hiệu Chiến Thắng đóng tại Kiến An giúp nhiều vùng quê giải phóng được sức lao động trong những năm đó. Đồng thời, Chiến Thắng đó vươn lên trở thành điểm sáng về phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Hải Phòng với nghề trồng cây cảnh. Trong xã có Chùa Tôn Lộc được công nhận là Di tích bởi Quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30 / 10 / 2001 của UBND thành phố.
Sông Văn Úc dài 43 km, gắn với vùng đất này đi vào câu ca: “Kiến An có núi Ông Voi, Có sông Văn Úc, có Đài Thiên văn”. Đó là là 1 trong 16 con sông ngòi của Hải Phòng, là chi lưu của sông Thái Bình, dài 36 km và là đường thủy quan trọng nối liền Hải Phòng với các tỉnh qua Sông Mía; đồng thời là ranh giới Hải Phòng-Hải Dương và An Lão-Tiên Lãng.
Từ nơi giáp ranh Chiến Thắng với Tân Viên, Văn Úc tách ra một nhánh thành sông Đa Độ, quanh co uốn lượn chảy qua huyện An Lão và huyện Kiến Thụy rồi lại đổ vào sông Văn Úc ở gần cửa Vạn Úc, trước khi ra biển tại vịnh Bắc Bộ tại cửa Văn Úc (giữa cửa Nam Triệu và cửa sông Thái Bình) . Dòng sông chở phù sa ra biển, góp phần tạo ra những bãi sông màu mỡ, những vùng triều mênh mông, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, đa dạng sinh thái cho khu vực hai bên sông và cửa biển. Bãi bơn phía ngòai chân đê có thời trồng cói, các thửa ruộng trong đê có lúc trồng thuốc lào (tương tư thảo) song chưa bao giờ thành sản vật chính, là mũi nhọn của địa phương. Nằm kẹp giữa chợ Thái trên đường ra Kiến An và chợ Đôi trên đường vào Tiên Lãng nên không có chợ lại thuần nông do vậy là vùng quê nghèo.
Con đường nối Kiến An sang Tiên Lãng cắt ngang xã theo hướng Đông Bắc-Tây Nam hợp với con đê ven sông và đường dọc xã với ngã tư tại Quán Hương tạo hình chữ “Vu,千” là huyết mạch chính trong xã. Nhận ra vị trí xung yếu của điểm giao cắt thủy – bộ này mà từ xưa chính quyền phong kiến đã lập Văn Úc tả đồn, Văn Úc hữu đồn; thời Pháp cho xây lô cốt 2 bên bến khá chắc chắn ngay sát phía trong chân đê.
Trong lịch sử, do sự biến động của thời cuộc (đặc biệt là cuộc di cư sau 1954), do điều động của nhà nước (khai hoang những năm 1962-1971), do tổ chức phân công…nên nhiều người đã rời quê ra đi lập nghiệp ở cả Bắc, Trung, Nam theo từng đợt hay đi lẻ từng hộ. Đồng thời một số người nơi khác đến Bến Khuể lấp lầy, lấn sông, đến Kim Côn khai ruộng bỏ hóa để kiếm kế sinh nhai lập nghiệp. Có thời gian (những năm 1979-1984) Bến Khuể nổi tiếng phức tạp bởi những hảo hán miền quê tranh giành lãnh địa tập kết cát, sỏi, than phục vụ xây dựng hay tranh giành thị phần buôn bán đầu bến phà và do chờ phà lâu nên có thời gọi là “phà khổ”. Sau này đây không thành xóm mà được gọi là “khu dân cư”. Ngày 20/10/2007 khởi công xây cầu ở cách bến hiện tại 72 m về thượng lưu.
Tôi đã sai khi cho rằng thời phong kiến đã có đồn Văn Úc. Sau này khi xem lại Đồng Khánh Dư địa chí mới rõ:
Trả lờiXóaTả đồn Văn Úc ở địa phận xã Dương Áo huyện Tiên Minh.
Hữu đồn Văn Úc ở địa phận xã Đa Ngư huyện Nghi Dương phủ Kiến Thụy.