Họ này rất lớn, đệm chữ Đức, hiện nay có 175 hộ với 865 khẩu ở làng, 83 hộ lên làm ăn, buôn bán ở nhiều nơi khác.
Do chạy loạn thời Mạc từ Nam Định lên, nên trước Cách mạng tháng Tám các cụ nhiều lần về Nam Định để thăm viếng tổ tiên. Tuy mất gia phả song ở Nam Định các chi họ Lương trong toàn tỉnh đều là con cháu của trạng nguyên Lương Thế Vinh. Gia phả gốc họ Lương làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định có ghi việc con cháu Lương trạng nguyên về đời thứ năm, thứ sáu có nhiều người di cư lánh nạn về vùng Kinh Bắc. Ứng với việc văn bia của làng Cao (Cao thôn) sau đổi là Thịnh Đồng rồi Cao Đồng xã Cổ Pháp có ghi công đức của người họ Lương trong làng đối với sự xây dựng quê hương, xác định rằng:
Tổ họ là tổng trưởng Lương Đức Minh, thuỵ là Nhân Vũ truyền đến nay đã trên 10 đời. Căn cứ các bài khấn con cháu còn ghi được, cụ là Lương Quý công, tự Phúc, minh sinh thời làm tổng trưởng, giỗ ngày 28 tháng 8, mộ táng tại Đống Thỉnh. Tổ bà là Trần quý thị, hiệu Diệu Lữ giỗ ngày 21 tháng 10, mộ táng tại Đường Ngang. Tổ sinh hạ sáu người con: Lương Đức Hồi, Lương Đức Soạn, Lương Đức Lương, Lương Đức Hiếu, Lương Đức Quyền và Lương Thị Hạnh. Nhưng cho đến nay cũng chỉ có nhánh ba, ngành một của chi trưởng ghi được gia phả mười đời.
Năm 2001 dòng họ Lương tu sửa lại nhà thờ, hôm khánh thành có gần 600 con cháu trong họ và quan khách xã huyện về dự, họ có đem tấm "Báo ân bi ký" ở đền về, đặt tại nhà thờ.
Tấm bia gồm trên 3000 chữ Hán, nội dung ghi về các vị hào mục trong làng, ghi công đức cụ Lương Đức Minh từ Nam Định ra, cùng cụ Hoàng Đăng Châu (tổ họ Hoàng) khai hoang vỡ rậm, chiêu dân lập ấp cưu mang dân lúc loạn lạc, cơ hàn... Bia có lạc khoản Hoàng triều Minh Mạng thập bát niên (1838), do quan giáo thụ họ Lê Hàn Quang tử viết, quan đốc học họ Nguyễn đang ở ẩn sửa, quan Hoàng Giáp họ Bạch ở Lạng Giang là Ngôn Trung hầu sửa lại.
Họ Lương tổ chức sinh hoạt dòng tộc rất có nề nếp, 5 năm một lần đại lễ.
Đại lễ lần thứ hai ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (2005) có đại diện họ Lượng quê gốc Nam Định, ban liên lạc họ Lương Việt Nam về dự.
Dòng họ Lương Đức thống nhất nhận thức rằng phải phấn đấu đi lên bằng con đường học tập, học để xoá đói giảm nghèo, và để làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Biểu dương các gia đình nghèo như ông Lương Đức Cống tiết kiệm từng đồng nuôi con ăn học, cháu Tầm nỗ lực tu chí nên đã đỗ đại học.
Quỹ khuyến học hàng năm toàn họ đóng góp được trên 300.000đ và phát động mọi người ủng hộ quỹ như gia đình ông Lương Đức Thông ở Bắc Giang năm 2003 ủng hộ 500.000đ, hàng năm đều tổ chức lễ phát thưởng khuyến học vào đầu năm tại nhà thờ họ.
Để chuẩn bị cho đại lễ lần thứ ba vào năm (21.10.2009), ông Lương Đức Muôn trưởng ban khánh tiết dòng tộc đang xúc tiến việc tu chỉnh gia phả từ thuỷ tổ Lương Đức Minh đến thế hệ 12 và soạn thảo nội dung mỗi gia đình có một chiếc biển để trên bàn thờ và soạn thảo nội dung phấn đấu đạt "dòng họ văn hoá".
(Theo Tạp chí Sông Thương số 3-2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!