[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 7 2009

Cảm nhận về cuốn LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008)


Tôi vốn sinh ra tại làng Hương, Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nhưng đã theo gia đình lên lên khai hoang tại thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai từ 2/1964. Hiện tôi công tác và cư ngụ tại thành phố Lào Cai tỉnh Lào Cai. Đại gia đình tôi (cả cô, bố mẹ, chú thím tôi hay các anh em ruột thịt, anh em họ 2 đời và các con cháu tôi) đều sinh sống và công tác tại Lào Cai, Hà Nội, không còn ai ở quê. Nhưng tôi luôn nhớ và giáo dục cháu con tìm về nguồn cội :

象山德基門戶詩禮憑舊蔭
郁江人脈亭皆芝玉惹莘香

(Núi Voi xây nền Đức, gia tộc trường tồn bởi nhờ ơn đời trước,
Sông Úc tạo nguồn Nhân, cả nhà mạnh giỏi vì sức gắng lớp sau
).

Sau này, khi lớn lên có dịp về quê hay đi công tác ghé thăm họ mạc tôi thấy làng quê ta chuyển biến từng ngày; nhiều sự kiện, con người cảnh vật mới xuất hiện và chen lấp đi những sự kiện, con người, cảnh vật cũ.

Thực hiện di nguyện của phụ thân, ngay từ năm 1997 tôi đã bắt tay vào soạn Gia phả cho gia đình và sau này là Gia phả toàn chi phái (老街梁德家譜, Gia phả dòng Lương Đức tại Lào Cai) tôi thấy còn nhiều điểm “trắng”; nhiều kiến thức, tư liệu thiếu nhất quán; nhiều điều muốn tìm hiểu vẫn chưa biết hỏi ai.....Chính trong những lúc lang thang trên mạng, lục tìm trong Thư viện hay lần đọc từng trang sách, trang báo, hỏi chuyện từng người... tôi đã tìm hiểu, học hỏi được nhiều điều về lịch sử, về dư địa chí, về văn hóa, về phong tục, về việc họ...của thế giới, đất nước, các miền, các dân tộc và một số dòng họ, gia đình cùng tư liệu về một số nhân vật liên quan đến dòng họ (nội, ngoại) mình, quê hương mình. 10 năm qua tôi đã bổ sung, sửa đổi nhiều lần và đã 3 lượt in bản Dự thảo gửi về quê yết cáo tại Từ đường 梁族祠堂, gửi xin ý kiến các chi, ngành đồng thời đưa lên mạng lưu trữ tại các trang Web:

và lập một trang Blog riêng cho dòng HỌ LƯƠNG ĐỨC LÀO CAI : http://holuongduclaocai.blogspot.com/.
Chính trong lúc lên mạng tìm tư liệu tôi đọc được tin xã nhà vừa đón nhận HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG Hạng Ba và đã hoàn thành cuốn LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008)[1], tôi rất mừng và dịp 25/7/2009 đi Hải Phòng công tác, qua một doanh nhân (là khách mời hôm dự Lễ) tôi đã được tiếp xúc một cuốn. Đọc xong tôi rất xúc động khi thấy tên bố, cậu, cô, anh,...; tên xóm làng, trường học thủa ấu thơ của mình trong đó. Nhiều sự kiện chép trong đó tôi được chứng kiến, có sự kiện nghe người thân trong gia đình kể lại, có sự kiện do học tập, sưu tầm mà biết. Một số sự kiện, ngày tháng tìm mãi trên mạng, trong tư liệu gia đình (vốn đã ít lại bị thất lạc sau cuộc chiến 02/1979) không thấy, hoặc hiểu lơ mơ nay đã thấy trong cuốn LỊCH SỬ...176 trang này. Tôi mừng lắm và đã bổ sung, chỉnh sửa ngay vào cuốn Gia phả của gia đình. Bởi tôi hiểu rõ: Gia phả của từng gia tộc bổ sung những điểm không có trong lịch sử nhưng chính những cuốn sử lại là tư liệu quý, tư liệu gốc để đối chiếu, kiểm tra khi chép phả.

Bên cạnh niềm xúc động và nỗi vui mừng đó, đọc kĩ tôi thấy nhiều nội dung mình muốn biết mà lẽ ra ở một cuốn sách như vậy phải có lại tìm không ra hoặc có nhưng cũng sơ sài hay có một vài tiểu tiết chưa thật chính xác hoặc khác biệt.

Đành rằng khó cầu toàn, nhất là khi chép về các sự kiện xa xưa không được lưu trữ cẩn thận và với nhiều góc nhìn khác nhau. Bản thân lại rời quê hương từ khi nhỏ tuổi nên ỉi niệm, hiểu biết về làng Hương, bên Khuể... khá ít ỏi, kiến thức xã hội, lịch sử cũng lơ mơ, nghiệp vụ viết sử, nhất là sử đảng ở mức tịt mù và đặc biệt là trách nhiệm không có, việc chi mà “gái goá lo chuyện triều đình”. Song là một người con quê hương, dù sống nơi đất khách, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, có tiếng nói, nhiều điều muốn đề đạt nguyên vọng. Nên tôi xin mạnh dạn có vài lời mạo muội mong được chia sẻ. Nếu có gì không phải mong các bác, các chú, các anh thông cảm.

Nội dung ý kiến trình bầy của tôi gồm 6 phần :
Nếu những thiển ý trên của tôi có gì chưa chuẩn, chưa vừa lòng ai hoặc cấp nào đó cũng dễ hiểu nhưng xin nhắc lại là không vì một động cơ cá nhân nào, rất mong được người nghe, người đọc cảm thông và chỉ giáo. Mọi ý kiến phản bác, góp ý, trao đổi, bổ sung xin gửi về:

LƯƠNG ĐỨC MẾN
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai;
Di động: 0913 089 230; Nhà riêng: 0203 509 565; Fax: 0203 869 124;
E-mail: luongducmen@yahoo.com.vn; Web: http://menthuong.blogspot.com/
-*-
1/ Về tên cấp hành chính và địa danh:
Sự phân chia các đơn vị hành chính ở nước ta thường thành từng tầng, cấp theo chiều dọc: cấp hành chính ở trên (cấp trên) sẽ có quyền quyết định cao hơn, bắt buộc đối với cấp hành chính ở dưới (hay cấp dưới). Cùng với sự thay đổi về chính trị, quân sự, kinh tế thì hệ thống tổ chức phân cấp hành chính và địa danh, địa giới các địa phương luôn có thay đổi theo từng thời kỳ và rất phức tạp. Từ Lộ 路, Trấn 鎭, Xứ 処, Tỉnh 省, Phủ 府, Châu 州,Mường 𤞽, Huyện 縣, Tổng 总, Xã 社 đến Động 峒,Làng 廊, Thôn 村, Sách 柵,Bản 本, Xóm 𥯎, Trại 赛 nhiều lần tách nhập, thêm, bớt, thay đổi tên gọi và lại diễn ra trong những khoảng thời gian khác nhau, nhiều cấp hành chính, địa danh đã đi vào quá khứ. Do vậy nếu nắm không chắc hoặc hiểu sai, viết sai sẽ khó khảo cứu và gây khó cho người sử dụng sau này. Tại trang 8 cuốn LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008) có một số chi tiết cần bàn và viết lại cho đúng với thực tế lịch sử khi sự vật đang diễn ra.

1.1. Từ năm 1831-1832, Minh Mạng lần đầu tiên chia nước ta thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Dưới tỉnh là phủ, huyện, tổng, xã. Như vậy từ 1932 không còn cấp Trấn là cấp hành chính được đặt ra từ thời Gia Long (1802). Và khi đó trấn Hải Dương 海陽鎭 ( trong Ngũ Nội trấn thuộc “Tổng trấn Bắc Thành”, 北城总鎭) trở thành tỉnh Hải Dương 海陽省 (trong“Bắc Kỳ thập tam tỉnh”, 北圻十三省), còn có tên khác là tỉnh Đông, gồm 5 phủ, 19 huyện.

Do vậy đoạn “Từ năm 1838 trở đi, tổng Cao Mật thuộc huyện An Lão, phủ Kim Thành, trấn Hải Dương” phải đổi thành “…tỉnh Hải Dương”.

1.2. Đầu thời Nguyễn, trước cải cách hành chính năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) trấn Hải Dương gồm 4 phủ, 18 huyện và An Lão là một huyện nằm trong Phủ Kinh Môn (vùng “Thất huyện” là : Kim Thành, Giáp Sơn, Đông Triều, An Dương, An Lão, Nghi Dương, Thủy Đường). Từ sau khi chia đặt tỉnh, Hải Dương gồm 5 phủ, 19 huyện, trong đó 1 phủ mới là phủ Kiến Thụy đặt năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) trên cơ sở đất của 4 huyện Nghi Dương, Kim Thành, An Dương và An Lão thuộc phủ Kinh Môn tách ra và thêm huyện Vĩnh Bảo đặt mới năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Khi đó An Lão nằm trong phủ Kiến Thuỵ 建瑞府 sau do huyện Kim Thành kiêm nhiếp (từ 1851) bởi Tự Đức đã bỏ cấp phân phủ. Sau thuộc tỉnh Hải Phòng vào năm 1887 và do phủ Kiến Thụy 建瑞府 kiêm nhiếp. Nhớ rằng các huyện lớn có thể kiêm nhiếp huyện nhỏ nhưng không lãnh đạo toàn diện như cấp phủ. Mặt khác, đến thời Tự Đức, trước khi lập tỉnh Hải Phòng, đất Hải Phòng nay nằm trong các Phủ 府: Ninh Giang 寧江 (huyện Vĩnh Bảo 永保), Nam Sách (huyện Tiên Minh 先明(朗), Kinh Môn 荊門 (huyện Thuỷ Đường 水溏(源) và Kiến Thuỵ 建瑞 (Nghi Dương, Kim Thành, An Dương, An Lão:宜陽,金城,安陽,安老) của tỉnh Hải Dương.

Do vậy đoạn viết “Từ năm 1838 trở đi, tổng Cao Mật thuộc huyện An Lão, phủ Kim Thành…” không rõ là “phủ Kim Thành” nào ?.

1.3. Ngày 17/ 2/1906, toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Kiến An 建安省, gồm phủ Kiến Thụy và các huyện: Tiên Lãng, Hải An, An Lão, An Dương. Khi đó An Lão có 12 tổng là: An Luận, Văn Đẩu, Phù Lưu, Biều Đa, Cao Mật, Du Viên, Đâu Kiên, Câu Thượng, Quan Trang, Phương Chử, Đại Hoàng, Đại Phương Lang (chữ Hán là: 安論,文斗,芙畱,裒多,高密,榆圜,兜堅,枸上,觀莊,方渚,大黃,大方榔).

Do vậy các mốc 1831, 1838, 1906 là mốc quan trọng, còn mốc cuốn LỊCH SỬ…chọn “Từ trước năm 1813…Từ năm 1838 trở đi…” là mốc chưa đủ thuyết phục và dẫn đến việc liệt kê sự thay đổi địa danh, cấp hành chính chưa chắc đã chuẩn.

1.4. Cũng vào thời điểm trên, tổng Cao Mật gồm các xã Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng, Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng (chữ Hán là: 高密, 今崑,崑嶺, 蒙場上, 蒙場下, 方粒,尊祿, 谷場)[2]. Khi đó mà gọi là làng Cốc Tràng, làng Phương Hạ… là chưa đúng. Viết “mỗi thôn được gọi là một xã” như dòng 11 từ dưới lên tại trang 23 là đúng.

Về ngữ nghĩa của địa danh tôi rất cảm động khi được biết tên quê ngoại tôi Cốc Tràng được sinh ra từ nghĩa là “bãi chim Cốc 鵒(𪁵)” khác với điều tôi dự đoán Cốc Tràng 谷場 với nghĩa là “sân phơi lúa”. Xin bổ sung: sinh thời phụ thân tôi kể rằng “làng ta là Làng Hương 廊香, với nghĩa là “thơm, tốt đẹp” nơi “đất lành chim đậu” còn làng Hạ là nơi chim xà xuống 下, làng Thượng chim no bay lên 上”. Người còn giảng “tên chữ của làng là Phương Lạp 方粒, với nghĩa là nơi nhiều gạo tốt”. Điều đó chứng tỏ là làng cổ có truyền thống cấy lúa trước các làng là bãi chim mòng 鸏.

1.5. Làng 廊 và Thôn 村 đều là đơn vị tụ cư cổ truyền ở nông thôn người Việt, gồm một số xóm và là một trong 3 khâu quan trọng của cấu trúc xã hội truyền thống, nối liền nhà với nước. Có ý kiến cho thôn (Hán) là làng (Việt), có ý kiến cho thôn là một phần của làng. Hiện nay trong hệ thống hành chính mới của Việt Nam, cấp hành chính cuối cùng là xã. Những làng họp lại thành xã đều được gọi là “THÔN”. Do vậy danh từ “LÀNG” không còn tồn tại trên các văn bản. Hơn nữa tên làng thường là tên Nôm 喃 và gồm 1 tiếng, ví dụ làng Thượng 上, làng Hầu 候, làng Hạ 下, làng Hương 香, làng Cốc 鵒…chứ trong quá khứ không thấy dân gian gọi là làng Cốc Tràng, làng Phương Hạ…bao giờ. Do vậy các cụm từ “Làng Cốc Tràng”, “Làng Phương Hạ”…tại trang 9-13 phải viết chính xác là “thôn Cốc Tràng”, “thôn Phương Hạ”…viết là “làng” vừa không chuẩn lại vừa thiếu thống nhất với các trang sau khi dùng từ “thôn”.

1.6. Trang 14 viết về đình làng Phương Hạ có mấy việc cần bàn: từ trước 1965 đây là 2 làng riêng (làng Hương và làng Hạ, xem lại T10) nên không rõ nói đình xây năm 1880 là đình làng nào?. Nhân viết đến đây tôi nhớ lại cụ Tổ đời thứ Tư của dòng Lương Hoàn là cụ Lương Công Ngoạn (1840-1905, con cụ Lương Công Quản-Đào Thị Trân, tục gọi cụ Tuần Ngoạn) từng đi thi nhưng không đỗ cao, được bổ là Cai tổng, làm đốc công xây phủ thành Kiến Thụy (Quý Dậu, 1873) chính là người có công khởi dựng Đình mà Gia phả ngành này còn chép đôi câu đối: “An Lão thư truyền Tần quốc thủ, Mông Tràng văn kế Tống nho phong” không hiểu có ứng với việc xây đình năm 1880 như cuốn LỊCH SỬ...đã chép không ?

2/ Về ngày tháng :

2.1. Trận càn mà LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008) ghi là 15/7/1947 (trang 41) tính ra âm lịch là ngày 27/5 Đinh Hợi, cần khảo cứu lại (có thể là ngày các cụ nhớ là ngày âm, nhưng nguời viết lại ghi năm dương lịch). Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng ghi nhận: hồi đầu kháng chiến Pháp có trận càn vào Khu Hoàng Diệu đúng ngày 14 tháng 7 năm Đinh Hợi, tức là ngày 29/8/1947. Ngày này, nhiều nhà có giỗ, Từ đường Lương tộc cũng bị cháy.

2.2. Tại trang 48 có ghi: “Chi bộ quyết định vào chiều thứ 7 ngày 13/11/1950” nhưng thực ra ngày 13/11/1950 là thứ Hai ngày 04/10 Canh Dần và thứ Bẩy gần đó nhằm ngày 11, 18 hoặc 25/11/1950 tức là ngày 12, 19 hoặc 26 tháng 10 âm lịch. Đề nghị xác minh lại, khả năng là thứ Bẩy 18/11/1950 (tức là ngày 19/10 âm lịch).

2.3. Trang 57 lấy ngày 13/5/1955, khi quân Pháp cuối cùng rút khỏi bến Nghiêng - Đồ Sơn làm ngày xã Chiến Thắng hoàn toàn giải phóng cần xem lại. Bởi lịch sử rõ ràng là: ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng. Về sau ngày 13/5 được lấy là ngày Kỷ niệm giải phóng Hải Phòng[3]. Như vậy chẳng lẽ ở huyện lị, tỉnh lị quân Pháp đã rút nhưng vẫn đóng “xôi đỗ” tại Chiến Thắng ?

2.4. Cuộc bầu đại biểu UBHC xã đề cập tại trang 32 diễn ra ngày nào ?

3/ Về một số sự kiện, nhận định:

3.1. Vùng đất ven biển phía Đông miền Duyên hải Bắc Bộ cách nay khoảng từ 1vạn đến 6-7 nghìn năm đã từng là vùng ngập nước, có rừng xen kẽ những dải đất cao, đựoc hình thành tương đối ổn định cách đây khoảng 70 triệu năm do phù sa bồi đắp mà thành[4]. Ngay từ thời kỳ đó đã có sự tồn tại của nhiều nhóm người cổ sinh sống. Đây là vùng đất cổ, đã có tên từ thời Hùng Vương, trong thời Bắc thuộc và thời phong kiến tự chủ nên khó có thể viết “…Đất đai đã được hình thành từ hàng ngàn năm trước” như ở trang 9 được.

3.2. Nhận định “…sự xuất hiện của dân cư…là khá muộn, có lẽ mới chỉ từ vài trăm năm trước…” là vội vàng, thiếu căn cứ khoa học và không thống nhất. Một vài cứ liệu ghi trong Gia phả các dòng họ trong vùng và tư liệu lịch sử mà tôi biết được thấy rõ điều đó:

- Tổ khai sáng Phạm tộc Cốc Tràng là cụ Phạm Đình Khanh[5] 范廷牼. Cụ là hậu duệ đời thứ 16 (17) của Phạm Ngũ Lão và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴. Cụ từ Đường Hào sang lập nghiệp ở Cốc Tràng, Cao Mật năm Bính Thân, 1716- cách nay gần 300 năm. Mà trước đó đã có người ở rồi.

- Thượng Tổ Lương tộc Phương Lạp Lương Công Nghệ từ Phương Lai, Tiên Lãng vào đời Lê Hiển Tông-Trịnh Doanh 黎顯宗 - 鄭楹, gặp năm đói kém, một gánh “bên nồi bên con” đến tá túc nhà họ Mai rồi lập nghiệp ở Cao Mật và sinh ra dòng họ Lương ở đây, tới nay đã hơn 250 năm.

- Xa hơn, cụ Phạm Công Tài, Thủy tổ Phạm Kim Côn có hậu duệ là Phạm Đoàn Mậu 抟懋 đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ, xuất thân khoa Ất Mùi (1475), niên hiệu Hồng Đức 洪 德 thứ 6, đời Lê Thánh Tông (1460-1497) thì gia đình phải lập nghiệp từ trước đó rất lâu rồi.

- Lịch sử ghi nhận rằng: Cửa sông Văn Úc đổ ra biển ở phía Nam xã Đại Hợp, huyện Thuỷ Nguyên được gọi là cửa Đại Bàng mở ra biển giữa một bên là sông Văn Úc và một bên là cống Họng, đầu thế kỷ 20, thuyền bè lớn còn qua lại dễ dàng. Năm 1285, đại quân Nguyên tràn sang xâm lược nước ta. Thế giặc bức bách, vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng ngầm lấy thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên, sau đó ra sông Nam Triệu, vượt biển vào Thanh Hoá.

- Làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là nơi phát tích của Nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) và vào năm 1667 nhà Mạc dứt hẳn dưới thời Mạc Kính Vũ, con cháu phải đổi sang họ Hoàng, họ Phạm mai danh, ẩn tích, có nguời ở Chiến Thắng nay vẫn còn. Như vậy chẳng lẽ, vùng Cổ Trai ở giáp biển hơn lại được “thau chua rửa mặn” thành xóm làng trước Cao Mật ?
Do đó, trong khi chưa tìm được cứ liệu lịch sử, khảo cổ nên để trống đoạn này, đừng đoán định vùng đất Chiến Thắng mới có người khai thác từ vài trăm năm nay.

3.3. Thiên tai liên tiếp, chế độ hà khắc, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu, lòng dân ly tán và loạn đảng khắp nơi, chiến tranh liên miên, triều đình không rảnh tay lo mở mang, kiến thiết; dân nghèo cơ cực, phiêu cư bạt tán kiếm kế sinh nhai, trốn tránh giặc giã và quan lại... là đặc điểm cơ bản những năm “gia bần niên cơ” ở mọi nơi. Khi đó vùng Chiến Thắng ngày nay còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng. Đồng thời có nhiều ruộng đã được cầy cấy rồi bỏ hoang. Vị trí khu vực lại cận sông, gần đường cái quan trở thành địa chỉ tốt để người dân quanh vùng đến khai phá ruộng, chài lưới, sinh nhai. Cư dân ngày thêm đông, lập ra tổng Cao Mật. Tổ tiên cũng như lớp con cháu sau này, khi đến đất mới đã không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng chung sức xây dựng nên quê mới. Nhưng, nằm kẹp giữa chợ Thái trên đường ra Kiến An và chợ Đôi trên đường vào Tiên Lãng, giữa có đường cái quan, ngoài bìa có 2 con sống nhưng không có chợ lại thuần nông, ít nghề phụ do vậy là vùng quê nghèo. Chứng tỏ thiếu sức sáng tạo, mạnh bạo vượt khó bứt lên.

4/ Về một số nội dung còn sơ sài, thiếu nhất quán :

4.1. Phần giới thiệu về quê hương còn sơ sài (những thuật ngữ thiếu chính xác đã phân tích ở trên). Đề nghị nhấn mạnh vị trí ngã tư về giao thông của địa bàn, chính vì thế mà từ thời phong kiến tại đây đã có Văn Úc tả đồn đồng thời nói thêm về đặc điểm dân cư (thành phần dân tộc, tôn giáo, dân trí...) cũng như các di tích lịch sử, văn hoá và nên thêm việc đang xây dựng cầu Khuể, khu công nghiệp, trại Tạm giam... bởi nó có tác động lớn đến mọi mặt KTXH của xã.

4.2. Theo Sắc lệnh số 14 về tổ chức tổng tuyển cử, ngày 8/9/1945, Sắc lệnh số 39 ngày 26/9/1945 về lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyền cử, Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về Thể lệ Tổng tuyển cử, Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 ngày 2/12/1945 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử, Sắc lệnh số 76 ngày 18/12/1945 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 xã thực hiện ra sao để cuộc tổng tuyển cử sao cho thực sự tự do, thực sự dân chủ, biến các quy định của pháp luật bầu cử tự do, dân chủ đó thành hiện thực trong cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều ? Nhưng sách đề cập chưa rõ lắm, chưa thấy hết vai trò của cán bộ Việt Minh, các đảng viên, quần chúng tích cực và khí thế người dân.

4.3. Việc thành lập xã Cảnh Hưng vào tháng 6/1946 viết tại trang 32 quá sơ sài chưa tương xứng với một sự kiện quan trọng mang tính đột phá này. Cần bổ sung.

4.4. Người Đảng viên đầu tiên của xã ? Trang 35 có chép chức danh Chính trị viên xã đội (Hoàng Văn Thành) không rõ đã là đảng viên chưa?

4.5. Chi bộ ghép Phương Lang - Cảnh Hưng - Kim Lĩnh Thượng (trang 40) thành lập ngày tháng năm nào? tại đâu? Do quyết định nào và những đảng viên ban đầu là ai? Nhưng sau đó cũng tại trang này chi bộ ghép lại là Phương Lang- Cảnh Hưng - Kiến Thành và T 41 lại viết “chi bộ Kim Lĩnh Thượng được thành lập trên cơ sở được tách ra từ chi bộ ghép Đức Lân-Mỹ Thái” (!) vậy thực ra là Chi bộ ghép nào?

4.6. Trong Chi bộ ghép có 7 đảng viên người Kim Lĩnh Thượng (T40), nhưng tách ra thành chi bộ độc lập chỉ còn 5 (T41), vậy 2 đi đâu ? Sự việc phản bội của Phạm Văn Sừ ra sao cần chép lại đảm bảo tính trung thực, khách quan của sử liệu.

Bí thư Chi bộ đầu tiên của Cảnh Hưng là đ/c Hoàng Văn Sưởng (T41) với đ/c đảng viên chính thức Xưởng ghi ở đầu trang có phải là 1 người không?

4.7. Phương thức lãnh đạo của chi bộ khi cán bộ đi tản cư và chi bộ được thành lập trên đất bạn?

4.8. Hai du kích Phương Hạ bị Pháp bắn chết tháng 4 năm 1947 (trang 39) có thể là những liệt sĩ đầu tiên hi sinh tại quê nhà cần có danh tính cụ thể.

4.9. Trận đánh bốt Khuể ngày 08/4/1947 (T42) cần nói rõ họ, chức danh, phiên hiệu đơn vị của “đồng chí Bình cán bộ tiểu đoàn” và đơn vị đó tập kết tại đâu? Bốt Khuể nói ở đây là 1 trong 2 Lô cốt (blockhaus) nay vẫn còn lại hay hệ thống liên hiệp 2 Lô cốt và tuyến phòng ngự khác?

4.10. Trong các năm 1952-1953, sau trận càn “Con sứa” (Méduse), tháng 4/1951 (mà cuốn LỊCH SỬ…có đề cập tại đầu T50), Pháp lập tỉnh Vĩnh Ninh (Nghị định số 3039-THP/NĐ ngày 13/6/1951 của Thủ hiến Bắc Việt, gồm Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thuỵ Anh) nhằm tạo vành đai cố thủ cho Tf Hải Phòng thì phong trào kháng chiến tại xã chắc rất khó khăn nhưng mới đề cập phần nào, mới nói đến sự mất mát của cán bộ chủ chốt, chưa thấy rõ sự hi sinh, ngoan cường của du kích và nhân dân (đặc biệt sự kiện 40 hầm bí mật ở thôn Mông Thượng).

4.11. Trận đánh đồn Khuể cuối tháng 9/1950 là một trận đánh hay cả về cách thức cũng như hiệu quả, nó tạo bước ngoặt quan trọng trong việc huyện quyết định thành lập xã và mang tên “Chiến Thắng” như ngày nay. Song phần ý nghĩa chưa được đề cập rõ, việc tuyên truyền giáo dục những năm sau cũng chưa được chú ý nên nhiều người dân chưa biết đến ý nghĩa quan trọng của trận binh biến này. Liệu khi Cầu Khuể hoàn thành thì ai còn nhìn thấy cái lô cốt[6] ngày xưa ấy nữa?

4.12. Chống di cư là nhiệm vụ lớn sau 20/7/1954. Chiến Thắng lại là một đầu mối giao thông quan trọng trong Khu vực tập kết 300 ngày[7] và thực tế tại đây nhiều hộ ở Kim Côn, Tôn Lộc đã ra đi nhưng chưa được đề cập sâu về kết quả lãnh đạo đấu tranh chính trị của Chi bộ xã và kết quả của nó.

4.13. Trong phạm vi toàn quốc, Cải cách ruộng đất (1954-1956) nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân chủ, chia ruộng đất cho nông dân, khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp được tiến hành trong 5 đợt. Do là vùng tập kết nên Chiến Thắng chỉ thực sự tiến hành CCRĐ trong đợt cuối và chắc cũng không quyết liệt lắm. Nhưng dù sao cũng có những thành công và sai lầm nhất định. Cuốn LỊCH SỬ...đề cập chưa rõ thời điểm bắt đầu, kết thúc; kết quả các bước (huấn luyện cán bộ, phân định thành phần, phân loại địa chủ, áp dụng thoái tô, tố khổ, lùng bắt địa chủ, công khai đấu tố, xử án địa chủ); số lượng các cuộc đấu tố; số địa chủ quy đúng, quy sai...

4.14. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), ngày 12/11/1961 Hội nghị đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An, Lào Cai đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm 1961-1965 vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai. Đây là một chủ trương lớn. An Lão là một trong những huyện đi đầu của Kiến An (từ 10/1962 là Hải Phòng). Xã Chiến Thắng có đợt 02/1964 với 9 hộ, 56 khẩu đi khai hoang theo chủ trương này. Sự kiện đó được Chi bộ xã lãnh đạo và thực hiện thế nào? Hiệu quả của chính sách này đối với Chiến Thắng và những người ra đi[8]?

4.14. Chi tiết cuối năm 1978 “Toàn xã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ, rào làng chiến đấu” chép tại trang 97 liệu có chính xác không?

4.15. Đóng góp của xã (tổng hợp tại T 158 và khi chép về các giai đoạn lịch sử) thiêú phần đóng góp sức người (dân công hoả tuyến, phục vụ chiến đấu, giúp đỡ bộ đội); của cải (vàng, thóc, nhà cửa, hiện vật khác) trong kháng chiến chống Mỹ và những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Mặt khác phần liệt kê hình như mới tính đến những người có hộ khẩu thường trú tại xã còn những người do tổ chức, nhà nước phân công, điều động đi công tác, khai hoang...mà không còn hộ khẩu tại bản quán có tính đến không? Ví dụ 9 hộ người Chiến Thắng lên khai hoang tại Lào Cai từ 02/1964 (có 3 hộ trở về còn 6 hộ) tính đến 12/2008 đã có 2 liệt sĩ, 1 thương binh, 6 quân nhân, 6 công an, 2 thạc sĩ, 9 đại học...hiện nay vẫn giữ mối liên hệ với quê hương, dòng tộc.

4.16. Trong từng thời kỳ, LỊCH SỬ...mới chú trọng đề cập tới việc chiến đấu và xây dựng đảng còn việc lãnh đạo của Chi, Đảng bộ đến văn hoá, xã hội... ít được đề cập. Một số phong trào mang tính “chuyển mình” của Chiến Thắng, như: khuyến học[9], xoá đói giảm nghèo[10], thực hiện chính sách xã hội[11] ... ít được tổng kết đưa vào.

4.17. Sau mỗi Chương (ứng với mỗi giai đoạn lịch sử) cần có Tiểu kết.

Riêng phần Kết luận chung tôi thấy rất hay và tìm được ở đây nhiều chi tiết lý thú, nhiều nhận định sâu sắc, sát hợp...có ích cho mai sau và không chỉ cho Chiến Thắng. Song nếu tái bản, đề nghị cần có Hội thảo và tổng kết theo đúng Nghị quyết của Đảng uỷ. Trong đó cần nêu tóm tắt các chặng đường, những mốc son quan trọng; nêu bật được những bài học kinh nghiệm thành công và thất bại trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo việc giành, giữ, củng cố chính quyền, các đoàn thể; tổ chức chỉ đạo bảo vệ quê hương, đóng góp vào sự nghiệp chung; lãnh đạo công cuộc tái thiết, xây dựng cuộc sống mới, phát triển toàn diện xã hội...cũng như nguyên nhân của thành công và thất bại đó. Mỗi vấn đề nên có tiêu đề, đánh số để tiện theo dõi...

5/ Về một số từ ngữ, văn phong:

5.1. Trang 15 viết “niên hiệu Hồng Đức đời thứ 6” là thừa chữ “đời” và viết chưa chính xác danh vị người khai khoa vùng này (thiếu một dấu phẩy (,))[12];

5.2. Trang 30 viết “chính sách của Đảng và Chính phủ” không hợp bởi từ ngày 11/11/1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, lấy tên gọi mới là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh. Do vậy cần viết là “chính sách của đoàn thể” mới đúng. Tương tự như vậy, trong giai đoạn kháng chiến viết “tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ kính yêu” như T 42 là chưa sát với hoàn cảnh lịch sử khi đó.

5.3. Trang 148 chép “Ngày 30/10/2001, Phó Chủ tịch UBND thành phố …quyết định số 3025 đăng ký chùa Tôn Lộc là Di tích lịch sử kháng chiến” xin được sửa lại cho đúng là: “Trong xã có Chùa Tôn Lộc được công nhận là Di tích bởi Quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30 / 10 / 2001 của UBND thành phố”.

5.4. Trang 25 khi viết về hiệu quả, ý nghĩa của việc vận động nhà giầu cho nhà nghèo vay thóc đã chép: “Thắng lợi đó hiện nay vẫn được nhân dân thôn Mông Thượng lưu truyền” nên sửa là “Thắng lợi đó mãi được các thế hệ nhân dân thôn Mông Thượng ghi nhớ và truyền tụng”.

5.5. Chi tiết « anh Vãn dùng súng bắn tên đội Tây không may xuyên qua anh Nhãn, anh Nhãn hi sinh » (T 49) đưa quá cụ thể, không có lợi trong khi lại thiêú các chi tiết khác (ví dụ tên Kỹ là gì, có phải là đội ta không ? đội Tây có chết không ?)

Về trận dùng mưu lấy súng của địch tại nhà thờ Kim côn tháng 11/1950 mà viết “Trận tiến công lấy súng nhà thờ Kim Côn” là chưa đảm bảo yêu cầu chính trị, nhất là trong giai đoạn nhậy cảm hiện nay, cần sửa lại.

5.6. Tên gọi các cán bộ và quần chúng nên viết rõ cả họ, chữ lót và tên, không nên viết là ông X, bà Y, anh Z để bảo đảm tính nhất quán, nghiêm túc của văn sử, dễ tra cứu khi nhiều người trùng tên và thêm trang trọng với tiền nhân.

5.7. Từ “cảnh giác” ở dòng 12 từ dưới lên ở trang 48 chắc phải viết là “canh gác” còn dòng thứ 4 từ dưới lên viết “ …đột nhập vào…” là thừa chữ “vào”. Ngay liền dưới đó không rõ Chi bộ quyết định điều gì “vào chiều 13/11/1950” ?

5.8. Chữ “quốc” tại dòng thứ 7 từ trên xuống trang 36 và trang 49 chắc là nói đến một “đồ dùng xới đất, dở đất gồm có lưỡi bằng sắt có lỗ tra cán bằng tre hay gỗ” nên phải viết là “cuốc” (=𨨠) chứ không phải nghĩa đất nước (“quốc”=國).

5.9. Nhiều đoạn viết chưa hợp với văn sử, văn chính luận. Ví dụ : “ ...dòng sông Văn Úc như người mẹ hiền ban phát...” ở T15 ; “ …tiếng trống ếch, tiếng hô khẩu hiệu rộn ràng tới từng xóm ngõ…” ở T29, 30 ; “Vị trí Ruồn trở thành lò sát sinh ghê rợn, nổi tiếng trong vùng” T43 ; “ Ngày chia tay bao lưu luyến...mặt rạng ngời...mà lòng thầm hứa...sum họp cùng gia đình ” ở T67...

Chú thích:
[1] Xem trang Web: http://portal.net.vn/Website/Content.aspx?Organization=HAL&MenuID=2297
[2] Tôi ghi Danh mục và chép chữ Hán theo “ĐỊA DANH VÀ TÀI LIỆU LƯU TRỮ VỀ LÀNG XÃ BẮC KỲ” của Viện Viễn Đông Bác cổ.
[3] Người Hải Phòng khai hoang tại Lào Cai thường lấy ngày này để họp mặt.
[4] Bản thân địa danh Cao Mật (高密= Bãi đất cao, rậm rạp, liền kín) và tên dòng sông (文郁 = sông quanh co ven bờ cây cối sum sê, um tùm, rậm rạp) đã chỉ rõ điều đó
[5] Không hiểu có liên quan gì đến Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), danh tướng thời Lê, cũng quê: Hải Dương từng chỉ huy quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu tại vùng duyên hải Bắc bộ không ?
[6] Hy vọng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng, 60 năm Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng ở trong một ngôi nhà chung “Chiến Thắng” tới (05/10/1950-05/10/2010) sẽ nhiều người biết đến chiến tích này hơn.
[7] Khu vực tập kết gồm Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng và 2 huyện Kim Môn, Kim Thành của tỉnh Hải Dương. Ngày 10/5/1955 ta tiếp quản An Lão, Tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản Hải Phòng; ngày 16/5/1955 tiếp quản đảo Cát Bà và các đảo thuộc vịnh Hạ Long. Miền Bắc thực sự sạch bóng thực dân Pháp.
[8] Hiện nay hàng năm UBND thành phố, Sở NNPTNT, Cục điều động dân cư Hải Phòng và UBND một số huyện, xã đều có đoàn lên thăm nơi đồng bào mình khai hoang lập nghiệp. UBND thành phố đã tặng BLL Hội đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai quỹ khuyến học Nguyễn Bỉnh Khiêm 50 triệu đồng và nhiều lần mời đại biểu về thăm quan. Bản thân người viết thư này đã tham gia 1 lần đoàn tỉnh và 1 lần đoàn của xã.
[9] Xem: http://tim.vietbao.vn/Huy%E1%BB%87n_An_L%C3%A3o/
[10] Xem: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VACVINA/2008/6/11524.html
[11] Xem : http://www.baohaiphong.com.vn/upload-images/article21212.gif
[12] Về nhân vật Phạm Công Tài, tôi chép trong Phụ lục Gia phả như sau: 范公財 hiệu Thanh Thiên, là cụ Tổ dòng họ Phạm Văn ở thôn Kim Côn, xã Chiến Thắng, Huyện An Lão, Hải Phòng. Trong họ có cụ Phạm Đoàn Mậu 抟懋 đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ, xuất thân khoa Ất Mùi (1475), niên hiệu Hồng Đức 洪 德 thứ 6, đời Lê Thánh Tông (1460-1497). Làm quan đến chức: Hộ bộ thượng thư, tri chiêu văn quán, Tú Lâm cục, Tước Cẩn Lễ nam. Họ tên quê quán của cụ được chép trong sách Đăng Khoa Lục và được khắc trên bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tủ Giám. Hiện nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, phả tộc của dòng họ đã bị thất truyền. Nhưng họ Phạm Kim Côn vẫn là một họ lớn ở xã Chiến Thắng. Chị gái bố tôi làm dâu họ này nhưng mất sớm, chưa con. Các anh chị là con bà hai khi bác Phạm Văn Ký tục huyền đều đã chuyển xuống khu dân cư Bến Khuể. Trong đó có thương binh Phạm Văn Kỷ.



6- Đề xuất bố cục khi tái bản :



LỜI GIỚI THIỆU

Chương MỞ ĐẦU:
XÃ CHIẾN THẮNG - THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

1- Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên :
2- Lược sử quá trình hình thành :
3- Truyền thống yêu nước :
4- Dân cư, tổ chức hành chính hiện tại :


Chương I
ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930- 1945)

1- Xây dựng lực lượng cách mạng (1930-1944):
2- Phát động nhân dân giành chính quyền (1944-1945):


Chương II
XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN,
THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG VÀ
LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945- 1955)

1- Xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng (1945-1946).
2 - Xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Ủy ban kháng chiến (1946-1947).
3 - Thành lập Chi bộ Đảng (1948), lãnh đạo nhân dân chống càn (1948-1951).
4 - Cùng cả nước đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi (1952-1954).
5 - Lãnh đạo đấu tranh chính trị chống di cư (1954-1955).


Chương III
LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC XAY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI
VÀ GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG ĐẾ QUỐC MỸ (1955- 1975).

1 - Khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất (1955-1957)
2 - Lãnh đạo cải tạo XHCN (1958-1960)
3 - Cùng cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (1960-1972)
4 - Đẩy mạnh công cuộc kiến thiết và thống nhất đất nước (1973-1975)


Chương IV
LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG
VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHIA (1976- 1985)

1- Khắc phục khó khăn, phục hồi và ổn định kinh tế-xã hội (1976-1978)
2- Mạnh dạn tìm kiếm cơ chế quản lý mới và góip phần cùng cả nước bảo vệ tổ quốc (1980-1985).


Chương V
LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1986- 2010)

1 - Khắc phục khó khăn, từng bước phát triển kinh tế - xã hội (1986-1995)
2 - Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội (1996-2000)
3 - Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện (2001-2010).
4 - Thành tựu văn hóa – xã hội trong thời kỳ đổi mới.


Chương KẾT LUẬN




TRANG VÀNG TRUYỀN THỐNG

1. Phần thưởng cao quý
2. Đóng góp của Đảng bộ và nhân dân xã
3. Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng
4. Danh sách liệt sĩ
5. Danh sách các gia đình cơ sở Cách mạng
6. Các kỳ Đại hội Chi bộ, Đại hội đại biểu Đảng bộ
7. Danh sách cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền qua các thời kỳ
8. Một số hình ảnh trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước
----------------------------------------------------------------------------

1 nhận xét:

  1. Tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ người đọc, nhất là người quê Chiến Thắng. Người ủng hộ nhiều nhưng cũng có người cho rằng như vậy là "vạch áo cho người xem lưng".
    Buồn là cho dù tôi đã gửi bản in cho BTV Đảng ủy xã và không hiểu các anh ấy có đọc không và có xem mạng không nhưng tuyệt nhiên chưa ai có phản hồi gì!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!