[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 8 2009

Các bước trong Tang ma

Người Việt coi việc tang ma (Tang là nương dâu chỉ sự biến đổi đau thương; Ma là sự mất đi, tiêu tan) là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên. Việc này tiến hành tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, “GIÀU LÀM KÉP, HẸP LÀM ÐƠN” và tùy tập tục địa phương, dòng họ. Song vấn có những việc làm chung, không thể thiếu:

Người hấp hối sắp chết nói chữ là Lâm chung (H: 臨終, A: At the death 's door , P: Sur le point de mourir). Khi đó gia chủ cần:

- Dời người sắp mất sang phòng chính tẩm, đầu hướng về phía Ðông.

- Hỏi xem có dặn dò trối trăng gì không

- Ðặt thuỵ hiệu (tức tên hèm) rồi hỏi người đó có đồng ý không.

- Luôn luôn có người túc trực bên cạnh.

- Làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.

- Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội (mộc dục) và khâm liệm (nhập quan).

- Hú hồn: hy vọng cứu vãn... nên cầm chiếc áo quần của người đã tắt thở, leo lên mái nhà chỗ cao nhất hú “Ba hồn bảy vía ông (hay bà) về đây với con”. Hú ba lần thì xuống theo đường phía sau vào nhà phủ áo lên thi thể người mất mong sống lại. Điều này còn nhằm hồn đỡ vất vưởng, biết tìm đường về nhà.

- Hạ thi thể xuống đất: “Lấy nghĩa, người ta bởi đất sinh thì chết lại về với đất” vừa để dễ thao tác và giải thoát việc tích điện âm trong cơ thể người chết, phòng xa hiện tượng “Quỷ nhập tràng”.

- Xem ngày giờ: xác định đúng bát tự (Can Chi của giờ, ngày, tháng, năm) sinh, tử của người vừa mất để nhờ thầy xem định việc khâm liệm, tìm huyệt, hạ huyệt, các vấn đề về kiêng cữ. Muốn tính phải biết đích xác Tứ trụ sinh và Tứ trụ tử (Giờ, Ngày, Tháng, Năm tính theo Can Chi). Nhưng Tứ trụ mất thì rõ nhưng Tứ trụ sinh mấy nhà ghi lại. Do đó việc xem sẽ hạn chế nhiều. Việc xem còn xác định Vong mệnh để: kiêng người nhà Tam hợp, Xung, Hình tuổi với tuổi Vong mệnh; kỵ Long - Hổ - Kê - Xà tứ sinh Nhân ngoại (Người khách các tuổi Thìn - Dần - Dậu - Tỵ không được có mặt khi khâm liệm); kiêng người có cung phi Bát trạch xung khắc với Vong mệnh. Trong tang ma chú ý nhất là tình trạng: Phục tang là sự quay trở lại của Vong hồn, còn Trùng tang là sự nhập của Vong hồn vào người sống, bắt đi theo. Trùng tang ngày là nặng nhất (Tam xa-7 người chết theo), Trùng tang Tháng là nặng nhì (Nhị xa-5 người chết theo), Trùng tang Giờ là nặng thứ ba (Nhất xa-3 người chết theo), Trùng tang Năm là nhẹ nhất. Chi tiết và cách hóa giải tôi đã nghiên cứu và biên soạn kĩ ở bài khác.

2. Lễ mộc dục : (沐浴, tắm gội):

Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. Lúc tắm, vây màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; “nay xin tắm gội để sạch bụi trần”, xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy vuông vải dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân, mặc quần áo cho chỉnh (LLVT mặc quần áo của lực lượng). Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.

- Ðắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).

- Chuẩn bị ảnh, khung đế gắn ảnh người quá cố (thay cho Hồn bạch 魂帛 xưa) , vải, xô đủ xé khăn tang, mua giấy bản, chè khô hoặc bỏng để trị quan.

- Thành lập Ban Lễ tang, xác lập tang chủ (trưởng nam), chủ phụ (vợ người chết hay vợ tang chủ); tướng lễ, hộ tang (chỉ huy, quán xuyến, sắp xếp việc thực hiện lễ tang), tư thử (đăng kí, biên chép khách đến viếng), tư hóa (theo dõi việc chi tiêu).

- Báo tang: trình báo cho thôn, xã để bàn bạc và thực hiện tang lễ theo đúng phong tục, quy định chung và hương ước; thông báo bà con, họ mạc, con cháu xa gần. Chữ xưa gọi là Cáo phó (H: 告訃,A: Death notice, P: Avis de funérailles).

- Thống nhất với Ban Tang lễ về mọi thủ tục và Danh sách con cháu.

Trải giấy bản kín 2 lượt, rắc bỏng hay trà khô vào quan tài trên lớp này xưa còn đặt tấm ván Thất tinh có khoét 7 lỗ.Trong các ngôi mộ cổ khai quật được, ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu... Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng. Các thứ đó đều là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng.

Lễ này theo tục xưa, dùng thìa xúc gạo đã xát cho sạch và 3 đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai) vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát và no đủ khi sang thế giưói bên kia. Lễ này được thực hiện 3 lần, mỗi lần: Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: “ nay xin phạn hàm, phục duy hâm nạp” sau đó lần lượt xướng “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm” đồng thời tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.

Ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu... Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng. Các thứ đó đều là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng.
Ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.

Thầy cúng cầm một nắm hương đang cháy đọc chú phù trên con dao rồi chém khẽ 3 nhát vào trong quan tài sau đó ném nắm hương vào trong quan tài (chú ý hỏa hoạn) nhằm xua đuổi thần sùng, quỷ tinh rời áo quan. Lúc đó tang chủ ném một nắm gạo, muối ra đường để tống tiến tà ma, yêu quỷ.

7. Lễ khâm liệm, 衾(小 斂, 大 斂) :

Các con vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng: “Tự lập” (đứng gần vào), “cử ai” (khóc cả lên), “quỳ” khi đó con cháu phải làm theo. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan”, “Cẩn cáo” rồi đứng lên và tiếp xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc cởi bỏ dải buộc hàm, phủ vuông vải lên mặt, đi găng, đi tất cho người mất rồi đặt thi thể vào vải mà liệm lại. Quá trình Liệm không được để nước mắt con cháu rỏ xuống di hài để tránh không mát, con cháu khó làm ăn. Ðồ khâm niệm: nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.

Phải chọn ngày giờ tránh phạm tuổi người chết. Khi nhập quan các con theo thứ tự quỳ 2 bên (trai phải, gái trái). Những người giúp việc sẽ quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.

“Tục ta nhiều người tin theo thầy phù thuỷ, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc Ðẩu thất tinh. Trước khi nhập quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài. Có người cho là chết phải giờ sấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn át ma quỷ” (Trích “Việt Nam phong tục”- Phan Kế Bính). Khâm liệm xong vẫn chưa nỡ đóng chốt áo quan. Ðây là một phong tục chủ yếu để thoả mãn tâm linh.

Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, con cháu sụp lạy rồi khiêng quan tài đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian cạnh. Việc định hướng còn nhiều ý kiến khác nhau, theo tôi nên đặt đầu quay ra là hợp vì khi lễ sẽ vái đầu chứ không vái chân. Trên nắp quan tài đặt bát com lồng đơm chặt (tượng trưng cho trái đất (-) và cũng thể hiện nền nông nghiệp lúa nước, thức ăn nuôi sống con người), 1 quả trứng luộc (tượng trưng cho lưỡng nghi bởi có cả lòng đỏ và trắng, thực ra là hút độc, khí lạnh từ thi hài ra rất tốt), 2 chiếc đũa đầu trên chẻ bông (tượng trưng cho mây trời+) cắm vào bát cơm (nối thông- và + chỉ sự sinh sôi nẩy nở từ cái chết), thắp 7 (nam) hoặc 9 (nữ) ngọn nến và đặt một khoanh thân chuối để cắm hương (đại hàn dùng âm tiễn âm).

Trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan thì: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài dã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái.

9. Lễ thiết linh: (設 靈, Sau khi nhập quan)

Ngày trước còn thực hiện cả Thiết linh sàng, nghĩa là kê giường nằm cho người mất. Nay chỉ thực hiện thiết linh tọa[1]. Đó là việc lập Bài vị (ghi chức tước, họ tên, quê quán nay là ảnh người quá cố), đặt bàn thờ tang phía trước quan tài có ngăn cách một y môn. Ngoài ảnh trên bàn thờ tang cũng có mâm ngũ quả, bát hương (khoanh thân cây chuối), 2 ngọn nến, đủ rộng phía trước để khác đặt lễ viếng (trường hợp bàn vong nhỏ nên để một bàn khác thấp hơn để đặt lễ viếng). Người ta còn buộc 2 cây chuối 2 bên để dùng âm trị âm. Dưới gầm bàn vong nên đặt một chậu nước để khi rút chân hương dúi tắt tránh hỏa hoạn. Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ “Cố phụ”, “Cố mẫu” thay cho “Hiền khảo”, “Hiền tỷ”.

Tức lễ phát tang do ông thầy chủ lễ, sau đó con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách. Năm hạng tang phục (五 服,Ngũ phục) phân biệt thân sơ:

1. Đại tang: Trảm thôi và tề thôi .

Quần áo sổ gấu gọi là trảm thôi 斬 衰: Con để tang cha.
Quần áo không sổ gấu gọi là tề thôi: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất.
Thời hạn: 3 năm, đời sau giảm bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ đại tường 2 năm, thêm 3 tháng dư ai).
Áo xô, khăn xô có hai giải sau lưng (gọi là khăn ngang). Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai giải dài ngắn lệch nhau.
Con trai chống gậy: Tang cha gậy tre (cha con cách khúc), tang mẹ gậy vông (mẹ con liền khúc), mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng. Thời nay, nhiều nơi đã bãi bỏ những tang phục này. ở thành phố nhiều nhà dùng băng đen theo tang chế châu Âu, tiện hơn.
Con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ. (Kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ).
Vợ để tang chồng.
Nếu con trưởng mất trước thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.

2. Cơ niên: 齊 衰 Để tang một năm, dùng khăn tròn, vải trắng, không gậy.

Cháu nội để tang ông bà nội.
Con riêng của vợ để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng, nếu không ở cùng thì không tang; trước có ở cùng sau thôi thì để tang 3 tháng.
Con để tang mẹ đẻ ra mình nhưng bị bố rẫy (xuất mẫu), hoặc cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu).
Chồng để tang vợ cả có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì không gậy.
Cháu để tang bác trai bác gái, chú, thím và cô ruột.
Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ cũng tang một năm, cùng mẹ khác cha thì tang 5 tháng).
Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả, kể cả con đi làm con nuôi nhà người.
Chú, bác, thím cô ruột để tang cho cháu (con anh em ruột).
Ông bà nội để tang cho cháu trưởng (đích tôn).
Đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu tang các con chồng, thứ mẫu tang con mình và con chồng như nhau đều một năm. Tang con dâu cả cũng một năm.
Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức vợ lẽ cha chồng).
Rể để tang cha mẹ vợ (vợ chết đã láy vợ khác cũng vậy).
Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con chồng cũng như con mình (các họ hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).

3. Đại công, 大 功: để tang 9 tháng:

Anh chị em con chú con bác ruột để tang cho nhau.
Cha mẹ để tang con dâu thứ hoặc con gái đã lấy chồng.
Chú, bác thím ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột).
Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím ruột, hoặc cô ruột của chồng.
Mẹ để tang con dâu thứ và con gái riêng của chồng.
Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú thím, cô ruột.

4. Tiểu công,小 功: Để tang 5 tháng:

Chắt để tang cụ. (Hoàng tang: Chít khăn vàng)
Cháu để tang anh chị em ruột của ông nội (ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô).
Con để tang vợ lẽ, nàng hầu của cha (nếu cha giao cho nuôi mình thì để tang như mẹ đẻ).
Cháu để tang đường bá thúc phụ mẫu và đường cô (anh chị em con chú bác ruột của cha).
Anh chị em con chú, bác ruột để tang cho vợ của nhau.
Anh chị em chung mẹ khác cha để tang cho nhau (vợ con của anh chị em ấy thì không tang).
Chú bác ruột để tang cho cháu dâu (con dâu của anh em ruột).
Ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô để tang cho cháu (tức là cháu nội của anh em ruột).
Ông bà nội để tang cho vợ cháu đích tôn hoặc cháu gái xuất giá.
Cháu ngoại để tang ông bà ngoại và cậu ruột, dì ruột (anh chị em ruột của mẹ, kể cả đối với anh chị em ruột của đích mẫu, thứ mẫu, kế mẫu).
Cháu dâu để tang cô ruột của chồng.
Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con của những người đó (tức là cháu gọi bằng bác, bằng thím).

5. Ty ma , 緦 麻: Tang 3 tháng:

Chít để tang can (kỵ) nội (ngũ đại : Hồng tang chít khăn đỏ).
Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).
Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).
Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).
Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).
Con để tang nàng hầu của cha.
Con để tang bà vú (cho bú mớm).
Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).
Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu.
Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau.
Bố mẹ vợ để tang con rể.
Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại.
Ông của chồng để tang cháu dâu.
Cụ để tang cho chắt nội.
Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.
Anh chị em con cô ruột và bạn con dì ruột để tang cho nhau.
Cậu ruột để tang vợ của cháu trai
Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột, dì ruột chồng
Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.
Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.
Cụ để tang chắt nội trai gái.
Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác.

Tang bên cha mẹ nuôi:

1. Kỵ bên cha nuôi thì 3 tháng, cụ bên cha nuôi thì 5 tháng, ông bà thì một năm.
2. Cha mẹ nuôi thì áo bằng gấu, hoặc sổ gấu 3 năm có cả gậy.
3. Từ ông bà trở lên nếu mình thừa trọng cũng sổ gấu 3 năm.
4. Ông bà sinh ra mẹ nuôi thì 5 tháng, còn thì đều không có.

Tang họ nhà mình (Đã là con nuôi người khác, để tang bên họ của mình):

1. Ông bà sinh ra cha thì 9 tháng.
2. Cha mẹ sinh ra mình thì 1 năm có gậy.
3. Bác trai bác gái, chú, thím và cô là anh chị em ruột với cha thì đều 9 tháng. Cô đã giá thì 5 tháng.
4. Anh chị em ruột 9 tháng, chị dâu, em dâu thì 3 tháng, chị em đã xuất giá thì 5 tháng.
5. Ông bà sinh ra mẹ thì 3 tháng.

Xét trong lễ nói rằng: Con gái đã xuất giá thì các tang có giáng, song đi lấy chồng, hoặc phải chồng rẫy bỏ, hoặc chồng chết, con lại chẳng có, lại trở về nhà cũng như chưa lấy chồng, tang chẳng có giáng.

Nếu đương để tang cha mẹ được một năm mà chồng rẫy bỏ thì phải tang cha mẹ 3 năm, hoặc để tang cha mẹ được 1 năm đã trừ phục đoạn thì chẳng được để lại 3 năm, dù phải chồng dẫy trước, sau mới để tang cha mẹ chưa đủ 1 năm mà chồng mới gọi về thì chẳng nên về vội phải nên để trọn 3 năm.

Trường phục: có ba loại:

1. Trưởng trường: Từ 16-19 tuổi
2. Trung trường: Từ 12-15 tuổi
3. Hạ trường: Từ 8-11 tuổi
(Đều lấy thứ tự giáng một bậc).

Ví dụ: Giai đã lấy vợ, gái đã lấy chồng, dẫu còn trẻ cũng không thể gọi là trường được, nhưng vốn mình phải tang 1 năm trưởng trường giáng xuống 9 tháng, trung trường giáng xuống 7 tháng, hạ trường giáng xuống 5 tháng.
Như vốn tang 9 tháng, trưởng trường giáng 7 tháng, trung trường giáng 5 tháng, hạ trường giáng 3 tháng, các trường hợp khác đều như thế mà suy.

11. Trong thời gian chưa chôn :

Kèn giải: phường kèn (nay gọi là Đội Nhạc hiếu) do gia chủ thuê túc trực bên linh cữu thổi kèn đánh trống khi làm các lễ hay khi có khách đến viếng hoặc khóc thay những những người phải chịu tang chưa về hoặc không thể về kịp.

Chuyển cữu: Thường 12 giờ đêm dâng trầu rượu làm lễ khấn gia tiên rồi con cháu trong nhà khiêng quan tài nhấc lên xoay một vòng đặt lại như cũ

朝夕面 “Triêu tịch diện” : Buổi sáng dậy bưng khăn lược vào linh sàng, quỳ khóc ba tiếng rồi quấn màn lên cáo từ rằng: “Ngày đã sáng rồi xin rước linh bạch ra linh toạ”. Sau đó rước hồn bạch ra đặt vào ỷ, vắt màn, dọn chăn gối, chiều tối lại rước linh bạch vào, đắp chăn thả chiếu, màn xuống. Thờ như lúc sống, chỉ lạy hai lạy (chỉ sau khi an táng, làm lễ thành phục xong mới lạy bốn lạy theo nghi lễ người chết).

燭食 “Lễ chúc thực”: Các buổi tối trước khi chưa chôn, có Trồng bó đuốc trước sân: phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng, có thể có cảnh chèo đò, các vãi tụng kinh. Vào giừo ăn thường ngày các con thay nhau mời cưom, dâng trà rượu,

Viếng phúng: Khi thân bằng cố hữu đến phúng điếu, người chủ tang và người chủ phụ đứng cạnh linh toạ và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách lạy hai lạy thì chủ lễ tạ lại một lạy. Khách vái cha mẹ mình ba vái thì vái tạ một vái. Trách nhiệm tiếp trầu, nước, cỗ bàn thuộc về người hộ tang.

Nếu có người con trai nào đi vắng chưa kịp về thì để mũ, khăn xô và gậy cạnh hương án. Trước khi làm lễ chuyển cữu để chuẩn bị phát dẫn thì áo quan vẫn trở đầu vào trong, coi như lễ người sống, đọc văn cũng chưa dùng chữ “Hiển thảo” (cha) “Hiển tỷ” (mẹ) mà con dùng chữ “Cố phụ” (cha), “Cố mẫu” (mẹ) .

Trước ngày an táng còn có thêm tục “Yết cáo tổ tiên”, nếu không đưa được linh cữu, phần lớn các gia đình rước hồn bạch đến nhà thờ họ. Hồn bạch chỉ được đặt phía trước bàn thờ, để ở dưới, không được đưa lên bàn thờ tổ. Nội dung: Báo cáo với gia tiên có thân phụ hoặc thân mẫu về chầu tổ. Xong lại rước hồn bạch về nhà mình, đặt lại trên linh toạ.

Trước khi di quan, ban tang lễ tiến hành Truy điệu người quá cố bao gồm việc đọc Điếu văn, tổng họp số đoàn, cá nhân đến viếng và đại diện gia đình hiếu chủ phát biểu cảm ơn, mời chào. Điếu văn 文弔 là văn tế được đọc trước quan tài nhắc tiểu sử và tỏ lòng thương tiếc người chết.

Đúng giờ đã chọn, chủ tang đến lạy trước linh sàng và khóc: “được giờ xin rước linh cữu lên đại dư” sau đó dưới sự chỉ huy của chấp sự tiến hành việc di quan. Trước tiên ban tổ chức thực hiện việc khiêng quan tài ra khỏi cửa đến chỗ đặt xe tang (xưa gọi là đại dư), từ đây trở đi người chủ tang thực hiện việc “cha đưa, mẹ đón”, nghĩa là đưa cah thì đio sau linh cữu, đưa mẹ thì đi giật lùi trước linh cữu. Việc lăn đường (dâu trưởng và con gái), con cái phải đi chân đất xưa rất thịnh, nay còn duy trì tại một số địa phương xét ra chỉ là hình thức.

Thứ tự đoàn đưa tang: 1. hai phương tướng (hình nan tre bồi giấy có 4 mắt dữ tợn, cầm chùy đồng), 2. thế kỳ (bức hoành bằng vải trắng đề thụy hiệu người mất), minh tinh (tấm lụa đỏ căng trên một khung có 8 cột 4 mái cong do 4 người khiêng) nay đều đã giản lược, riêng minh tinh còn giữ nhưng thường được thay bằng một cành phan ghi tên người mất. 3. bàn vong do 4 nam thanh khiêng trên đó có ảnh người quá cố, mâm ngũ quả, bát hương, đèn nến; 4. các bức trướng, vòng hoa của con cháu, bạn bè, thông gia, cơ quan, đoàn thể, các bức trướng xưa bằng vải trắng chữ đen nhưng từ lâu tôi thấy đều bằng vải đỏ chữ vàng thêu, in hoặc chữ viết trên giấy dán lên trướng in sẵn; 5. Đại dư do các đô tùy khiêng nay thay bằng xe tang (người đẩy hoặc trên ô tô) yêu cầu êm, nhẹ nhàng, đi chậm, con cháu đi theo linh cữu phải mặc đồ tang và con trai thực hiện việc "cha đưa mẹ đón".

Xưa có lệ thưởng tiền cho người chấp hiệu và những phu kiệu khi đưa áo quan lên kiệu, đi đến huyệt mà chén rượu, đĩa dầu lạc để trên áo quan không sóng sánh ra ngoài. Để tránh ma quỷ quấy nhiễu và đánh dấu đường đi cho linh hồn người chết trửo về, thường rắn vàng thôi tiền giấy, nhất là khi qua cầu, nơi ngã 3 ngã 7 song nay thấy rải cả tiền thật là không nên.

Khi người quá cố đã quy thì thực hiện theo nghi lễ Phật giáo có các vãi đi theo đội cầu Bát nhã, cầm phướn vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật để linh hồn siêu thóat sang Tây Thiên, hưởng cực lạc. Nhưng một số nơi, nhất là vùng từ Yên Bái xuống tục này từ 2007 thấy hơi kéo dài bởi thủ tục chèo đò rất tốn kém.

13. Lễ an táng, 安葬:

· Thực hiện theo đúng giờ đã chọn. Trước đó có làm lễ tế thổ thần gồm đèn, hương, vàng, trầu, rượu, lễ mặn và việc chọn vị trí, định hướng do thầy địa lý xem.

· Đưa quan tài xuống từ từ bằng 2 sợi chão, định vị theo hướng đã chọn (cắm sẵn 2 cọc làm mốc), tháo gỡ khóa dây, nhặt lấy hương nến, bát cơm, quả trứng rồi lấp đất. Hạ huyệt xong, tất cả người đi đưa đều đi vòng quanh mộ một vòng, mỗi người ném xuống một hòn đất.

· Ðắp mộ (hình tháp cụt) xong, mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự tiến hành lễ thành phần. Riêng người theo đạo Phật các vãi sẽ đi xung quanh huyệt tụng kinh cầu siêu cho người chết

· Nghi thức chung như trên, nhiều nơi còn có tục riêng như cầu kinh, yểm bùa, nhốt con gà, cài cây lá chứa, dựng cây nêu, đóng cửa mả, đốt hình nhân... rắc vàng khẩu dọc đường, cắm hương ở các mộ xung quanh, mời người qua đường ăn trầu hút thuốc, đãi người đắp mộ...

Sau khi đắp mộ xong bàn vong được đưa về nhà người mất sẽ được thờ tự, có kèn trống đi kèm.

Bàn thờ người vừa mất : không thờ chung với ban thờ gia tiên mà lập một ban riêng ở gian bên cạnh hay tại nhà ngang để tiện việc cúng 3 ngày, cúng cơm, cúng tuần. Trên bàn thờ đặt bát hương, ảnh, lọ hoa, đế nến. Cạnh ban thờ có treo các bức trướng mà khách viếng hôm mất, có điều kiện nên làm đôi câu đối cho hợp cảnh hợp tình, ví dụ: chung cho bàn thờ cha mẹ “Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục, Khuất còn thêm tủi phận làm con” hay: “Người về âm cảnh thân thư thái, Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi” hoặc câu tôi đang chuẩn bị: “Dâu hiền lên chín tầng, … tộc lưu huyết lệ, Gái đảm về ba đảo, … gia khổ tâm sầu”.

Dán bùa ở cửa trừ tà ma, tống tiễn hung thần. Có người cuốn bùa yểm trong một ống tre vót nhọn cắm trước mả, ngõ, trong nhà để trừ trùng và cắm một cọc kim loại xuống chân gươing người quá cố.

Người chết khi cha mẹ còn: theo quan niệm xưa đó là bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm. Do vậy khi liệm phải quấn một vành khăn tang trên đầu người mất, nếu bố mẹ chòng, bố mẹ đẻ còn thì phải quấn 2 vòng. Cha mẹ không để tang con.

Người chết trong ngày tết: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui xã hội. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. Trường hợp có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, nếu để sang năm mới thì có nhiều điều bất tiện. Trường hợp chết đúng ngày mùng một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng hai làm lễ phát tang.

Có tang trong khi cận ngày hôn lễ: Đó là trường hợp “Ưu hỷ trùng phùng”. Vui và buồn dồn vào một lúc. “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ”, cuộc đời thì có hạn nhưng ai biết trước chết vào lúc nào. Theo lễ nghi thì khi trong nhà còn tang, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn, nếu quá câu nệ thì quả gay go cho cả hai gia đình, nhiều trường hợp tình duyên đôi lứa dở dang, nhất là các gia đình cả đôi bên đều ông già bà cả, có khi đợi đến bảy, tám năm sau chưa hết tang. Vì vậy tục lệ xưa cũng có khoản “trừ hao” : “Cưới bôn tang, tức là cưới chạy tang”. Khi đó người chết nằm tạm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa nhập quan, hoặc gia đình có thể tự làm thủ tục khâm liệm, nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục. Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận tối lửa tắt đèn có nhau, coi như người nhà.

Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng... nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời cũng miễn, sẽ thông cảm sau. Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. Nếu hai gia đình thông cảm cho nhau, có thể trong một ngày, từ sáng đến trưa cưới dâu, chiều tối phát tang cũng xong. Khi đó việc cưới khỏi cần chọn ngày, cốt ở giờ Hoàng đạo. Dù vừa làm dâu, làm rể được ít giờ vẫn chịu tang như các thành viên khác.
Trường hợp nhà có đám cưới mà hàng xóm lân cận có đám tang: Người biết phép lịch và lòng nhân ái không bao giờ cười đùa vui vẻ trước cảnh buồn thảm của người khác. Gia đình có giáo dục, hiểu biết không bao giờ cho phép con cháu nô đùa ầm ỹ hoặc mở băng nhạc inh ỏi khi hàng xóm có việc buồn. Trong trường hợp trên, vẫn tiến hành lễ cưới bình thường nhưng không nên đốt pháo, mở băng nhạc và ca hát ầm ĩ, tránh tình trạng kẻ khóc người cười. Trường hợp có quốc tang cũng như vậy.

Người chết không con hoặc không con trai thực hiện theo nguyên tắc thừa tự: vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn. Khi đó người chủ tang là người đã được lập tự hay là con người em trai hoặc con gái trưởng hoặc cháu ngoại.
Bắc cầu giải oan: là việc chiêu hồn người bị nạn về nơi thờ phụng được thực hiện ngay tại nơi người xấu số bị nạn (TNGT hay chết đuối). Việc này gia chủ không thể tự thực hiện được mà phải mời thầy, thường là các Pháp sư.

Người khách đến viếng tang và chia buồn xưa gọi là Điếu khách (H: 弔客,A: Visitor of condolences, P: Visiteur de condoléances ) và việc đem lễ vật đến cúng người chết, thăm hỏi và chia buồn cùng tang quyến goại là Phúng điếu 賵弔.Trong mọi trường hợp, người đi viếng tang ắt phải lạy (Điếu giả tất bái 弔者必拜), đặc biệt khi vong linh là bạn hữu hay là người lớn hơn mình và khi đi thăm hỏi nhà có người chết đang làm đám tang thì phải tỏ ra buồn rầu thương tiếc (Điếu tang tất hữu ai 弔喪必有哀).
-*
[1] Linh sàng - Linh tọa (H: 靈床, A: The table of the death, P: La table de mort), trong đó: Linh = Thiêng liêng, huyền diệu; Sàng=cái giường ; Tọa= chỗ ngồi. Vậy : Linh sàng là cái bàn đặt trước quan tài của người chết, trên đó có bài vị, nhang đèn, hoa quả, trà rượu để linh hồn người chết ngự nơi đó mà chứng lễ cho con cháu. Còn Linh tọa là chỗ ngồi của linh hồn, đồng nghĩa Linh sàng.

1 nhận xét:

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!