Mỗi người là thành viên của xã hội và con người cụ thể đó là sản phẩm tổng hòa của các mối quan hệ.
Việt Nam là nước đa tôn giáo. Song do nhiều nguyên nhân mà phần lớn gia đình ở nước ta là gia đình Nho giáo. Ngày nay đâu đâu cũng nói đến tự do hôn nhân, đến tình yêu, đến trách nhiệm gia đình...Nhưng cổ nhân có câu: “Phi túc trái bất thành phu phụ, Phi ân oán bất thành phụ tử”. Như vậy chỉ có “duyên nợ” mới thành chồng vợ và quan hệ con cái với cha mẹ là quan hệ “ân oán”. Đây chính là điểm mấu chốt trong vấn đề chọn tuổi, lấy lá số cho mỗi người.
Song các nhà âm tinh học chính tông và thực tế cho thấy sự linh nghiệm của phép tử vi, bói toán chỉ mang tính xác xuất. Một người dù có “số đẹp” đến đâu nhưng không học hành, rèn luyện, làm lụng gì thì suốt đời chẳng nên sự nghiệp. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng vai trò giáo dục rất quan trọng. Do đó khi Nguyễn Du viết “Ngẫm xem muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao” là lúc Đại văn hào muốn gửi một lời than chứ chắc Cụ chẳng quên câu “Xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều” 汖哰人定勝天拱蜫. Thực tế khi tham gỉai giải quyết nhiều vụ mang tính thảm họa có hàng chục nguời thiệt mạng mà tôi thấy đâu cùng số mệnh. Hoặc chung một ông Tổ, cùng một ngày sinh mà cuộc đời tôi và người cháu gọi tôi bằng chú họ hiện ở quê khác nhau hẳn.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên” “Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công” hay như câu Tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim”. Do đó bậc làm cha mẹ phải khuyên răn, kèm cặp, dạy dỗ con cái chớ “há miệng chờ sung” hoặc trăm thứ đều đổ cho số mệnh cả.
Việc chăm lo giáo dục con cái thuộc phạm vi khác. Trong lĩnh vực Phong thủy để tác động đến đường con cái, phòng ngủ vợ chồng nên treo ở tường phía Tây tranh trẻ con, thú nhồi bông hoặc treo tranh những đứa bé kháu khỉnh, ảnh các vĩ nhân hay vật bằng bạc, đồng.
Sinh trai hay gái là do lẽ tự nhiên của tạo hóa. Nhưng khi cuộc sống phát triển, nhu cầu sinh trai hay gái cũng xuất hiện. Nhiều gia đình sinh con một bề muốn cho “có nếp có tẻ” đôi khi rất muốn sinh con theo giới tính được định sẵn. Khoa học hiện đại cũng có nhiều công trình nghiên cứu về việc này. Thủa xưa chưa có siêu âm, người ta căn cứ vào hình tướng mẹ, các dấu hiệu nghén, mầu bầu vú, hình thái bụng lúc có thai; tuổi mẹ khi mang thai và tháng thụ thai của thai để dự đoán giới tính cho con. Qua sách vở tôi thấy khá nhiều phương pháp còn lưu truyền trong dân gian thuộc cổ học Đông phương về vấn đề này:
Phương pháp thứ I:
Lấy tuổi vợ chồng theo tuổi Âm lịch, sau đó cộng tuổi vợ chồng trừ đi 40. Nếu số dư trên 40 tiếp tục trừ đi 40. Lấy số dư còn lại đầu tiên trừ 9, tiếp tục trừ 8, lại trừ 9, trừ 8… cho đến khi số dư nhỏ hơn hoặc bằng 9, 8 thì thôi:
1 - Hiệu số cuối cùng còn lại là số chẵn thì nếu có bầu trong năm và sinh con năm là con trai. Ngược lại có bầu ngoài năm mà sinh trong năm là con gái.
2 - Hiệu số cuối cùng còn lại là số lẻ thì có bầu trong năm sinh trong năm là con gái. Ngược lại cấn bầu ngoài năm sinh trong năm là con trai.
Phương pháp thứ II:
Phương pháp này bắt đầu từ một bài ca quyết lưu truyền sau đây: “49 từ xưa đã định rồi, Cộng vào tháng đẻ để mà chơi, Trừ đi tuổi mẹ bao nhiêu đấy! Thêm vào 19 để chia đôi. Tính tuổi trăng tròn cho thật chuẩn: Chẵn trai, lẻ gái đúng mười mười”.
Như vậy, nếu gọi tháng sinh là “n” và tuổi mẹ là “M” thì sẽ có công thức: (49 + n – M +19): 2 ↔ (68 + n – M) : 2 = a. Nếu a nguyên là trai ngược lại là gái.
Phương pháp thứ III:
Nhiều năm theo dõi sự sinh nở của các Cung phi, quan Thái giám đã lập ra bảng “Thanh cung chân tàng” nêu rõ mối quan hệ giữa tuổi nguời mẹ (tuổi ta=tuổi dương+1, ghi ở Cột 1) và tháng thụ thai (theo âm lịch, ghi tại dòng 1) với giới tính đứa trẻ (X=Nam, O=Nữ).
Qua bảng đó thấy khả năng sinh con trai nhiều là ở các tuổi 18, 20, 43, 23, 39, 24, 25, 27, 28, 41; khả năng sinh con gái nhiều ở tuổi 36, 21, 22, 30, 40, 32, 33, 42...Tháng dễ thụ thai con trai là các tháng đầu năm và cuối năm.
Là sản phẩm hoàn thiện nhất của sinh giới, con người sống trên quả đất, chụi tác động của các quy luật tự nhiên giống như các sự vật khác. Quan điểm “Nhân thân-tiểu Vũ trụ”, “Tiên-Địa-Nhân” là quan điểm cơ bản trong thuật dự báo vận số. Mỗi con người sinh ra tại những thời điểm, những vị trí khác nhau trên trái đất, trong những gia đình khác nhau nên chịu ảnh hưởng khác nhau của mặt trời và mặt trăng, sao kim, sao hoả, sao thổ,... cùng các tia vũ trụ, các yếu tố thừa hưởng, ảnh hưởng từ gia đình khác nhau. Đồng thời còn bị chi phối bởi những chu kỳ sinh học, chẳng hạn như chu kỳ trí tuệ, sức khoẻ và tâm lý. Chính vì thế mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, một quá trình sinh hoạt bị chi phối bởi những chu kỳ khác nhau, người xưa gọi đó là “Thiên mệnh”. Ngoài ra con người còn phục thuộc vào gen di truyền, vào môi trường sinh hoạt, vào vị trí địa lý và nỗ lực mỗi cá nhân. Cổ nhân cho rằng “Mệnh” (chữ 命 trong “Duy thiên chi mệnh” 維天之命)được quyết định bởi Tứ trụ sinh còn “Vận” (chữ 運 trong vận khí 運氣) là Thời, kết hợp lại gọi là Vận mệnh hay Vận số. Chính vì vậy hai người sinh cùng một thời điểm nhưng lại có số mệnh khác nhau. Do đó ta có thể ước lượng số mệnh con người qua hàm số: “Số mệnh = Thiên mệnh + Địa mệnh + Nhân mệnh”.
Về Thiên mệnh con người chịu sự chi phối của các chu kỳ là:
Chu kỳ ngày đêm “sáng-tối” (theo 12 giờ Can Chi),
Chu kỳ tuần Trăng “tròn-khuyết-không trắng” (trung bình 28 ngày với bán chu kỳ là những ngày con nước),
Chu kỳ khí hậu (5 ngày là một Hậu, 3 Hậu là một Khí, 2 Khí là một Tháng),
Chu kỳ 4 mùa (Xuân-Hạ-Thu-Đông tương ứng với Sinh-Trưởng-Thâu-Tàng) ,
Chu kỳ Thiên Can 10 năm, Địa Chi 12 năm (ứng với chu kì “bùng nổ” của mặt trời 11,5 năm).
Thuyết Tam Tài Thiên-Địa-Nhân) cho rằng trong Số mệnh mỗi người thì Thiên mệnh chiếm 60 %, gồm Bản mệnh (Tử vi, Tứ trụ) 18%; Đại vận ảnh hưởng 30%, Lưu niên ảnh hưởng 12%.
Về Nhân mệnh - Địa mệnh con người chụi ảnh hưởng nhiều của di truyền, hoàn cảnh sống, trình độ đòa tạo và môi trờng giáo dục. Theo thuyết Tam tài thì chúng chiếm 40 % số mệnh mỗi người. Trong đó bao gồm các yếu tố: Phong thuỷ Địa lý 10%; Ý chí bản thân 10%; Tích đức hành thiện 8%; Xã hội hoàn cảnh môi trường sống 4%; Giáo dục trình độ 4% và Tính danh (tên gọi) ảnh hưởng 4%.
“Khôn ở Cha, Khéo bởi Mẹ” song kết quả đến với mỗi người nó phụ thuộc nhiều vào Thời, vào Địa, vào sự rèn luyện. Khi tìm tư liệu và soạn thảo Lương tộc Gia phả 梁族家譜 tôi thấy rõ điều đó và trong phần kết tôi có viết một đoạn thế này:
« ...Cũng từ đó càng thấm thía rằng: mỗi người sinh ra đều đã mang sẵn dòng máu Tổ tiên. Cũng 天時 Thiên thời, 地利 Địa lợi ấy và cùng 本源 gốc sinh ra nhưng người thì trưởng thành, mát mặt, người lại lận đận, thăng trầm. Đó là bởi tại yếu tố 人和 Nhân hòa trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi chi, mỗi phái ở từng 時 Thời khác nhau. Mặt khác: “Địa linh sinh nhân kiệt” 地靈生人傑, không có sai. Nhưng chỉ là tiềm năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm Long” 先積德後尋龍 nên sự phấn đấu cá nhân rất quan trọng. Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã tạo ra, trao gửi và cần sự quyết chí từng bước đi lên bằng đôi chân của mình trong sự phù hộ của tổ tiên, trong vòng tay họ mạc sẽ tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp. Vì thế mới có cảnh: “Chú, cháu cùng một ngày sinh, Chú nên quan tỉnh, cháu thành tù nhân”. »
Do vậy tính cách, vận mệnh mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!