[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 8 2009

Bối cảnh thời LƯƠNG TỘC MỚI LẬP NGHIỆP Ở CAO MẬT


Từ nửa cuối thế kỷ XVIII là thời kỳ thiên tai liên miên và phong trào nổi dậy của nông dân Đàng Ngoài diễn ra liên tục dưới thời vua Lê chúa Trịnh, hay thời Lê mạt, trong 2 đời vua Lê 黎皇帝 là Lê Ý Tông 懿宗 và Lê Hiển Tông 显宗, 3 đời chúa Trịnh 鄭主 là Trịnh Giang 江, Trịnh Doanh 瀛 và Trịnh Sâm 薓. Đây là một trong những nguyên nhân hình thành nên chi phái Lương tộc ở Cao Mật (mà nay là Chiến Thắng, An lão, Hải Phòng) vốn gốc Tiên Lãng bên kia sông Văn Úc.

1. Hoàn cảnh chính trị, xã hội:

1.1. Chính trị suy tàn:

Từ khi kết thúc chiến tranh phía nam với họ Nguyễn và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc (1667), các chúa Trịnh là Tây Định vương Trịnh Tạc và Định Nam vương Trịnh Căn ra sức củng cố chính quyền Bắc Hà. Đến chắt Trịnh Căn là Trịnh Cương tiếp tục xây dựng nền thịnh trị ở Đàng Ngoài.

Năm 1729, An Đô vương Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương. Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Giang phế bỏ vua Lê Duy Phường làm Hôn Đức công năm 1732 và sau đó giết chết, lập anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Không chỉ vua Lê, các đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vốn có uy tín với đời trước cũng bị giết hại.

Khi đó, trong cung, Trịnh Giang xa xỉ tư thông với cung nữ của cha, lại bị sét đánh tin lời hoạn quan, làm nhà hầm ở luôn dưới đất để tránh sét, còn việc chính trị thì để cho các hoạn quan là bọn Hoàng Công Phụ chuyên quyền làm bậy.

Vì thế thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Tuy chăm lo đến chính sự hơn người anh nhưng Trịnh Doanh (1740-1767) lại quá tả khi cho đốt hết sách vở, thu nhặt hết chuông khánh ở các chùa chiền để đúc binh khí dẹp loạn. Điều đó đã góp phần không lấy lại được lòng dân, mặc dù trước đó quần thần và dân chúng đã ủng hộ nhiều chính sách của Chúa. Sau khi Trịnh Doanh mất, do loạn cung đình thời Trịnh Sâm (1767-1782), Trịnh Cán (2 tháng) mà đất nước càng rối ren dẫn đến việc Trịnh Khải (1783-1786) bị Tây Sơn bắt, phải tự tử. Từ đó thế lực Lê-Trịnh dần suy tàn, dẫn đến tận diệt. Về đời sống tâm linh, bên cạnh đạo Phật, đạo Nho vốn được truyền sang từ lâu đời, bắt đầu từ 1533 đời Lê Trang Tông đạo Thiên chúa giáo đã được truyền tới vùng này. Các đời Chúa Trịnh luôn cấm đoán gắt gao việc này, điển hình là Trịnh Tạc (1663), Trịnh Căn (1696), Trịnh Doanh (1754)…Do đó mâu thuẫn lương-giáo ở nhiều vùng rất căng thẳng.

Do “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” nên tình hình trở nên rối ren, chính quyền ra công chống đỡ nhưng ít hiệu quả. Sau nhờ sự cầm quân tài giỏi của Minh Vương Trịnh Doanh (1740-1769) nên 10 năm sau đất nước đã trở lại yên bình, dân yên cư lạc nghiệp, người bấy giờ cũng ca ngợi là thời thái bình. Song đó là nên hoà bình thiếu bền vững.
Khắp nước luôn trong cảnh binh đao: họ Trịnh mất nghiệp Chúa (1786), nhà Hậu Lê 黎後 bị diệt (1788), triều Tây Sơn 阮西山 được 4 năm (1788-1802) thì thuộc về nhà Nguyễn 阮氏 (1802-1945). Những năm đầu triều Nguyễn, tuy triều đình đã làm chủ cả nước nhưng ngoài Bắc vẫn loạn lạc liên miên. Vùng ven biển Bắc Bộ có khởi nghĩa của Phan Bá Vành (1821-1827), Lê Duy Lượng (1833)...

1.2. Thiên tai, đói kém liên miên:

Phép “Quân điền” thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn. Nhưng từ 1699 đặt phép “Bình lệ”, đánh thuế theo xuất đinh suốt cả đời lại thêm sự chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ; chế độ tô thuế (điền thổ, thuế thân, thuế tuần ti, thuế muối, thuế thổ sản, thuế chợ...). Rồi lại đặt ra lệ “Thông kinh”, ai cần thi chỉ nộp 3 quan không qua khảo hạch nên trường thi biến thành chợ thi.

Sưu dịch nặng nề, quan lại tham nhũng và thiên tai liên miên và do hậu quả chiến tranh nên đời sống người dân rất thấp. Những năm 1740, nạn đê vỡ xảy ra liên miên uy hiếp thường xuyên đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ. Nghiêm trọng nhất là nạn đói năm 1681, đến nỗi người dân ăn cả thịt rắn, chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương sau lan dần ra khắp Đàng ngoài. Tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 2 (Tân Dậu 1741) đời Lê Hiển Tông (1740-1786), dân Hải Dương bị đói, triều đình bèn hạ lệnh lấy thóc trong kho chia ra phát chẩn cho dân phiêu tán ở tứ trấn; trong kinh kỳ cũng cứ 10 ngày phát chẩn một lần.

1.3. Dân “phiêu cư bạt tán”:

Do bị cường hào đè nén, áp bức, luôn bị thiếu đói, cực khổ, nên nông dân phải “tha phương cầu thực”, bỏ làng xã ra đi tìm nơi đất hoang, vắng chủ khai phá, gieo trồng. Sử cũ chép: “Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch, duy có Sơn Nam còn khá hơn. Dân lưu vong bồng bế nhau, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường… Dân phần nhiều sống nhờ vào rau, quả, đến nỗi ăn cả chuột, rắn”. Riêng ở vùng Hải Dương, “Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi…sinh tụ ra đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột đồng để ăn”. Những làng vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ. Lúc ấy, làng xóm tiêu điều tan tác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng.

Những nạn đói kéo dài, khủng khiếp ấy đã làm nhiều người chết đói, người sống sót qua các nạn đói cũng không còn kế sinh nhai phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, sang các vùng trung du và ven biển, tạo thành một tầng lớp nông dân đông đảo. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, nhân dân các làng nói chung, dòng họ Lương nói riêng cũng cùng chung cảnh ngộ ấy.

Bên cạnh nạn đói, lụt, biến cố lịch sử từ năm 1737 – 1739 và 1740 ngoài việc “Trộm cướp”, “Giặc giã” xảy ra liên miên ở các vùng, đáng kể nhất là cuộc đấu tranh của nông dân phát triển rộng khắp ở Đàng ngoài.

2. Khởi nghĩa nông dân:

2.1. Khái quát về phong trào

Năm 1737, nhà sư Nguyễn Dương Hưng nổi dậy khởi nghĩa ở Tam Đảo. Năm 1739, Vũ Đình Dung nổi dậy ở Ngân Già (nên bị gọi là giặc Ngân Già) cùng vơpí Đoàn Danh Chấn, Tú Cao giết chết Đốc lĩnh là Hoàng Kim Trảo. Trịnh Doanh phải tự làm tướng đem binh đi đánh, bắt được Vũ Đình Dung đem chém, và đổi tên xã Ngân Già làm Lai Cách (nay là Gia Hòa).

Tiếp theo hậu duệ nhà Mạc (đã bị đổi họ) là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cùng Vũ Trác Oánh nổi dậy ở Hải Dương. Theo “Lê Triều dã sử”, Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển tin theo Sấm Trạng Trình có câu: 破田天子出,不戰自然成“Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành” (Vỡ ruộng thiên tử ra, không đánh tự nhiên thành) nên dựng cờ khởi nghĩa. Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển giữ đất Đỗ Lâm ở Gia Phúc, núi Phao Sơn ở Chí Linh, làm đồn, xây lũy liên lạc với nhau, quân lính kể có hàng mấy vạn người, quân triều đình đi đánh, nhiều người bị bắt. Năm 1741 thống lĩnh Hải Dương là Hoàng Nghĩa Bá phá được các đồn quân khởi nghĩa ở Phao Sơn, ở Ninh Xá và Gia Phúc; Nguyễn Tuyển thua chạy rồi chết, Vũ Trác Oánh trốn đi mất tích. Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn được mấy tháng, lại về Đông Triều, nhưng vì hết lương phải vào nấp ở núi Ngọa Vân, bị Phạm Đình Trọng bắt được đóng cũi đem về kinh hành hình.Khởi nghĩa này sau đó không lâu bị dẹp nhưng thuộc hạ của hai người là Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục tập hợp lực lượng và trở thành hai cánh quân khởi nghĩa lớn và làm hao binh tổn tướng của chúa Trịnh.

Tại Tam Đảo, sau khi Nguyễn Dương Hưng thất bại, Nguyễn Danh Phương nổi dậy và cũng trở thành một cuộc khởi nghĩa lớn trong nhiều năm. Tôn thất nhà Lê là Lê Duy Mật cũng định làm binh biến ở Thăng Long để lật đổ họ Trịnh nhưng không thành nên rút ra ngoài khởi nghĩa, cát cứ suốt 30 năm.

Ngoài những cuộc khởi nghĩa trên còn một số khởi nghĩa khác. Phong trào khởi nghĩa trải rộng khắp Bắc bộ vào tới Thanh Hoá, Nghệ An. Các cuộc khởi nghĩa phần đông vin cớ “phù Lê diệt Trịnh”. Nhân dân mặt đông nam mang bừa vác gậy đi theo quân khởi nghĩa, có toán hàng vạn người, toán ít cũng có đến hàng trăm hàng nghìn người, rồi đi cướp phá ở các hương thôn và vây các thành ấp, quân triều đình đánh dẹp mãi không được.

Trước tình hình đó, gia tộc họ Trịnh quyết định phế truất Giang, lập em Giang là Trịnh Doanh lên ngôi năm 1740. Là người có tài, Trịnh Doanh bắt đầu chỉnh đốn tình hình trong nước, ra tay đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa. Chính nhờ sự cầm quân tài giỏi của Minh Vương Trịnh Doanh (1740-1769) nên 10 năm sau đất nước đã trở lại yên bình, dân yên cư lạc nghiệp, người bấy giờ cũng ca ngợi là thời thái bình.

Sau khi Nguyễn Tuyển thua chạy rồi chết, Vũ Trác Oánh trốn đi mất tích. Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn được mấy tháng, lại về Đông Triều, nhưng vì hết lương phải vào nấp ở núi Ngọa Vân, bị Phạm Đình Trọng bắt được đóng cũi đem về kinh hành hình, những tướng lĩnh còn lại của phong trào vẫn tiếp tục duy trì khởi nghĩa mà điển hình vùng Hải Đông là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu.

2.2. Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu

Nguyễn Hữu Cầu, tục gọi là quận He, người huyện Thanh Hà (Hải Dương), trước vì nghèo nên đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa. Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế lừng lẫy. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc. Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tính mà chạy; ở Thăng Long, được tin ấy rất lấy làm báo động.

Năm 1751, Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy đến làng Hoàng Mai thì bị bắt, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh và bị hành hình. Tương truyền trước khi chết ông có làm bài thơ “Chim trong lồng” nổi tiếng.

Vì liên quan nhiều đến vùng Hải Đông và dòng họ Lương, họ Phạm An Lão, Hải Phòng nay nên tách ra có bài riền, chi tiết hơn.

2.3. Khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương:

Nguyễn Danh Phương, tục gọi là quận Hẻo, trước làm thủ hạ của các thủ lĩnh Tế và Bồng khởi nghĩa ở Sơn Tây. Năm 1740, tướng Vũ Tá Lý đánh bắt được Tế và Bồng ở huyện An Lạc. Nguyễn Danh Phương đem thủ hạ về giữ núi Tam Đảo, một mặt thì mộ quân trữ lương và một mặt thì cho người về nói dối xin hàng. Bấy giờ Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất đang hoạt động mạnh ở đông nam nên Trịnh Doanh cho hàng.

Năm 1744, quận Hẻo đem hơn một vạn quân về giữ đất Việt Trì, sang cướp phá ở bên huyện Bạch Hạc. Bấy giờ Đốc suất Sơn Tây là Văn Đình Ức đem binh đến vây đánh, Danh Phương chạy sang giữ làng Thanh Linh (huyện Bình Xuyên, đất Thái Nguyên). Từ đó quận Hẻo lập đại đồn ở núi Ngọc Bội (giáp huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương), trung đồn ở đất Hương Canh, ngoại đồn ở đất Ức Kỳ, rồi tự xưng là Thuận Thiên Khải Vận Đại Nhân, làm cung điện, đặt quan thuộc, thu các thứ thuế ở đất Tuyên Quang, thanh thế lừng lẫy.

Năm 1750, Trịnh Doanh tự đem đại quân đi đường Thái Nguyên đến đánh phá được đồn Ức Kỳ. Khi quân tiến lên đến đồn Hương Canh, quân khởi nghĩa bắn súng, đạn ra như mưa, quân triều đình hơi lùi. Trịnh Doanh ra lệnh nghiêm ngặt khiến quân lính mạnh dạn xông vào, phá được đồn Hương Canh. Quận Hẻo rút quân về giữ đồn Ngọc Bội, quân Trịnh tiến lên đuổi đánh. Tướng Nguyễn Phan sai thủ hạ cầm đồ đoản binh cho tự tiện đi trước mà vào, đại quân theo sau. Quận Hẻo giữ không nổi bỏ chạy tan vỡ. Nguyễn Danh Phương chạy vào núi Độc Tôn, quân Trịnh đuổi đến làng Tĩnh Luyện ở huyện Lập Thạch thì bắt được. Trịnh Doanh mang Phương về kinh đô xử tử.

2.4. Khởi nghĩa của Hoàng thân Lê Duy Mật

Lê Duy Mật là con thứ vua Lê Dụ Tông. Năm 1738 đời vua Ý Tông, ông cùng các hoàng thân Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng không thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Quy và Duy Chúc bị bệnh mất, Duy Mật giữ đất thượng du phía tây nam. Những người đồng mưu với Duy Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả.

Lê Duy Mật đánh thắng quân Trịnh vài trận, bắt giết được tướng Phạm Công Thế. Từ khi chạy về Thanh Hóa, Duy Mật chiêu tập binh sĩ. Năm 1740 ông mang quân đánh ở Hưng Hóa và Sơn Tây, sau lại cùng với thủ lĩnh quân khởi nghĩa nông dân tên là Tương giữ đồn Ngọc Lâu (thuộc huyện Thạch Thành). Đến khi tướng họ Trịnh phá được đồn Ngọc Lâu, Tương tử trận, Lê Duy Mật lại chạy vào Nghệ An, rồi sang Trấn Ninh giữ núi Trình Quang làm căn bản.

Năm 1764, Lê Duy Mật sai người đem thư vào cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Khoát nhưng chúa Nguyễn không muốn gây sự với họ Trịnh nên không giúp.

Năm 1767, được tin Trịnh Doanh vừa mất, con là Trịnh Sâm lên làm chúa, Lê Duy Mật đem quân về đánh ở huyện Hương Sơn và Thanh Chương rồi lại rút về Trấn Ninh. Trịnh Sâm cho người đưa thư sang vỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để dứt mối loạn.

Năm 1769, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt làm thống lĩnh đất Nghệ An, Nguyễn Phan làm chánh đốc lĩnh Thanh Hóa, Hoàng Đình Thể làm đốc binh đất Hưng Hóa, cả ba đạo đều tiến sang đánh Trấn Ninh. Khi quân Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan đến vây Trình Quang. Lê Duy Mật định cứ giữ hiểm không ra đánh. Không ngờ là người con rể là Lại Thế Chiêu làm phản, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh vào. Duy Mật biết có nội biến, bèn cùng với vợ con tự thiêu mà chết.

2.5. Khởi nghĩa của Hoàng Công Chất

Hoàng Công Chất vốn là thủ hạ của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi lên. Sau khi cánh Nguyễn Cừ thất bại, Công Chất tự lập thành cánh quân riêng, đánh phá ở đất Sơn Nam về hạt Khoái Châu.

Năm 1745, Công Chất thắng trận, bắt được và giết quan trấn thủ Sơn Nam là Hoàng Công Kỳ. Sau đó bị quân Trịnh đuổi đánh, Công Chất chạy vào Thanh Hóa rồi ra Hưng Hóa cùng với thủ lĩnh khởi nghĩa tên là Thành chiếm giữ vùng ấy.

Năm 1751, Thành bị bắt, Công Chất chạy lên giữ động Mãnh Thiên (phía bắc Hưng Hóa), vùng Mường Thanh, rồi chiếm giữ cả mấy châu gần đấy, thủ hạ có hàng vạn người. Từ đó Công Chất cướp phá ở Hưng Hóa và Thanh Hóa. Công Chất cùng con là Công Toản làm chủ Hưng Hóa nhiều năm, rất được lòng dân Mường Thanh, được dân chúng suy tôn làm chúa.

Năm 1769, Trịnh Sâm mới sai thống lĩnh là Đoàn Nguyễn Thục đem quân Sơn Tây lên đánh động Mãnh Thiên. Khi quân Trịnh lên đến nơi thì Hoàng Công Chất đã chết rồi, con là Hoàng Công Toản chống giữ không nổi, bỏ chạy sang Vân Nam.

2.6. Hậu quả các cuộc khởi nghĩa

Các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài bị dẹp yên, nạn giặc giã không còn nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Theo đánh giá của GS. Nguyễn Phan Quang trong “Phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài”, đời sống xã hội miền Bắc Đại Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chiến tranh kéo dài, đồng ruộng bị tàn phá, sản xuất bị đình đốn; người chết cho triều đình và quân khởi nghĩa rất nhiều. Cá biệt như vùng Ngân Già, sau khi khởi nghĩa của Vũ Đình Dung bị đàn áp, gần như toàn bộ làng đó bị triệt hạ, chết gần hết. Trịnh Doanh ra lệnh đổi tên làng đó từ Ngân Già thành Lai Cách với ý miệt thị (lai cách mang nghĩa là “không ai đến”). Hoặc như khởi nghĩa quận He bị dẹp, mộ cha của thủ lĩnh Nguyễn Hữu Cầu bị tướng Phạm Đình Trọng quật lên tiêu huỷ. Những việc làm đó càng làm khoét sâu mối thù hận trong dân chúng bị bóc lột và đàn áp.

Về phía triều đình, để có lực lượng đối phó với các cuộc khởi nghĩa, Trịnh Doanh ưu đãi tướng sĩ để khuyến khích sự hăng hái của họ. Binh lính nòng cốt là lính Thanh - Nghệ, vì cậy có công nên trở thành kiêu binh. Mặt khác, vì muốn dẹp loạn bằng mọi giá, chúa Trịnh đã hạ lệnh đốt hết sổ sách thư từ, thu nhặt hết chuông khánh trong các chùa để đúc binh khí.

Hoà bình được lập lại nhưng sức mạnh của Đàng Ngoài bị xói mòn khá nhiều, không còn khả năng phục hồi như thời Trịnh Cương trước đây.

2.7. Nhận định chung

Tới năm 1751, cơ bản các cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên, chỉ còn Lê Duy Mật và Hoàng Công Chất dựa vào địa thế nơi xa xôi, hiểm yếu vẫn cầm cự được tới đầu thời Trịnh Sâm.

Các cuộc khởi nghĩa bùng phát rầm rộ cuối thời Trịnh Giang, xuất phát từ nỗi bất bình của nhân dân bị bóc lột bần cùng. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, sau đó các cuộc khởi nghĩa không có được sự liên hợp cần thiết để đủ sức đánh đổ chính quyền Lê-Trịnh.

Mặc dù giữa các nhóm khởi nghĩa có sự phối hợp, như giữa Lê Duy Mật với Hoàng Công Chất, giữa Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu, với thủ lĩnh Thành... song đó chỉ là sự liên hợp, nương tựa tức thời, sự hợp tác hành động chứ không phải thống nhất về tổ chức. Giả sử các lực lượng khởi nghĩa hợp nhất tôn Lê Duy Mật làm chủ, bên dưới là các tướng Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Công Chất, Hữu Cầu, Danh Phương... và quân số gần chục vạn người thì chính quyền Lê-Trịnh sẽ gặp phải khó khăn vô cùng lớn, tương tự như sau này Tây Sơn lấy danh nghĩa tôn Nguyễn Phúc Dương để nổi dậy.

Không chỉ Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, dường như những người kế hai ông là Công Chất và Hữu Cầu và các thủ lĩnh khởi nghĩa khác cùng quá tin vào sấm Trạng Trình để mình được làm “thiên tử” nên không ai muốn đứng dưới ai. Do đó, thực chất các cuộc khởi nghĩa vẫn có tính độc lập và chúa Trịnh, bên cạnh việc điều chỉnh chính sách để giảm bớt gánh nặng cho dân, đã biết cách tận dụng điểm yếu này để tiêu diệt từng cuộc khởi nghĩa. Việc Trịnh Doanh, tại từng thời điểm, cho thủ lĩnh này hay thủ lĩnh khác giảng hoà, phong chức chính là cách chia bó đũa để bẻ từng chiếc.

Lê Duy Mật, hoàng tử con vua Lê, từng đứng ra cầu viện chúa Nguyễn đánh Trịnh nhưng Nguyễn Phúc Khoát từ chối, dù tiềm lực của Đàng Trong lúc đó đã mạnh lên nhiều (đã mở đất tới Nam Bộ). Điều đó càng cho thấy việc “Phù Lê” của họ Nguyễn không có thực mà vẫn chỉ là chiêu bài chính trị để cai trị miền nam.

3. Tóm tắt:

Thiên tai liên tiếp, chế độ hà khắc, suy vi, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu, lòng dân ly tán và loạn đảng khắp nơi, chiến tranh liên miên, triều đình không rảnh tay lo mở mang, kiến thiết; dân nghèo cơ cực, phiêu cư bạt tán kiếm kế sinh nhai, trốn tránh giặc giã và quan lại... là đặc điểm cơ bản những năm 1730-1802, tức vào đời Lê Thuần Tông 黎純宗 đến thời Nguyễn Gia Long 阮嘉隆.

Lịch sử từng ghi nhận: Từ cuối niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê Hiến Tông (1735-1740), trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trử ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Đó là nguyên do chính dẫn đến việc Phạm Đình Khanh 范廷牼 từ Ân Thi tới (1716), Lương Công Trạch 梁公宅 từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang Cao Mật (1740-1750? ) lánh nạn và khởi nghiệp, lập ra dòng họ Phạm 范族 và họ Lương 梁族 nơi đây. Các thế hệ con cháu của họ đã cùng với dân cũ họ Nguyễn 阮族, họ Mai 梅族 chung sức thau chua rửa mặn vợt đất lập làng lập xóm xây dựng nên khu vực Chiến Thắng bên bên sông Văn như ngày nay.

Khi đó vùng gần Văn Úc Tả đồn, ở trong và ngoài đê còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng . Đồng thời có nhiều ruộng đã được cầy cấy rồi bỏ hoang. Vị trí khu vực lại cận sông, gần đường cái quan trở thành địa chỉ tốt để người dân quanh vùng đến khai phá ruộng, chài lưới, sinh nhai. Cư dân ngày thêm đông, lập ra tổng Cao Mật , thuộc huyện An Lão. Các địa danh như Cốc Tràng 谷場 = bãi đỗ chim Cốc (nơi Phạm tộc khởi lập), Mông Tràng Hạ 蒙場下= nơi chim Mòng sà xuống, Phương Lạp 方粒 = nơi lúa tốt hay “đất lành chim đậu” (nơi tộc Lương khởi nghiệp) có lẽ cũng được ra đời bởi ý nghĩa đó.

Như thế, hồi giữa thế kỷ XVIII Thượng tổ Lương tộc từ Tiên Minh vượt sông gồng gánh “bên nồi bên con” sang khởi nghiệp nơi còn đất hoang ở tả ngạn Văn Úc, góp phần lập nên sự trù phú của Phương Lạp, Cao Mật, An Lão là do loạn lạc, đói kém còn trong những năm 1964 có 6 hộ Lương Đức, 3 hộ Lương Thị ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng bồng bế nhau vượt 400 Km lên lập nghiệp tại vùng biên ải Tây Bắc, nơi “phên dậu Tổ quốc” cùng các gia đình tộc khác lập nên thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng là do đáp ứng lời kêu gọi đi khai hoang, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi của Đảng và cũng có phần do sinh kế. Tổ tiên cũng như lớp con cháu sau này, khi đến đất mới đã không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng chung sức xây dựng nên quê mới.


Học tiền nhân mở mang làng xóm,
Theo Đảng chỉ, gây dựng tương lai.


Nhưng khi cần, chống lại giặc cướp tổ tiên xưa cũng như con cháu sau này đều tạm gác lại chuyện ruộng nương để lên đường giết giặc:


Ngày thất bát: Bên nồi, bên con, thau chua rửa mặn lập ra làng xóm; Gây nghiệp kiệm cần, chăm lo cầy cấy, nuôi dạy cháu con-tiếng nhà trung hậu
Buổi khai hoang: Vượt núi, băng rừng, san đồi, phát rẫy mở nên thôn bản; Dựng đất thịnh an, tòng quân dẹp giặc, giúp trợ dân thôn- xây dòng tiến bộ.


Chính vì vậy mà:


出高密旧鄉前田收媺穀: Xuất Cao Mật cựu hương tiền điền thu mĩ cốc,
派豐年新社昔樹發今花: Phái Phong Niên tân xã tích thụ phát kim hoa.


Dịch nghĩa: Xuất phát từ Cao Mật làng xưa, ruộng trước thu thóc tốt,
Chia phái lên Phong Niên xã mới, cây xưa nở hoa tươi.

Như vậy càng thấm thía lời cổ nhân: cái khó ló cái khôn, chính trong đói nghèo, con người đã biết vượt lên, bứt khỏi lối nghĩ cũ để mưu kế sinh nhai và lập nên làng xóm, chi phái mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!