[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


12 tháng 7 2009

Thủy tổ: LƯƠNG ĐẮC BẰNG

Tương truyền Tổ họ Lương Đức ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng (gốc của dòng Lương Đức Lào Cai) là hậu duệ đời thứ 11 của Bảng nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được cứ liệu. Không biết Gia phả dòng họ ở Tiên Lãng, Vính Bảo hay Thanh Hóa có chi tiết nào chép về chuyện này không? Dù Bảng nhãn Lương Đắc Bằng không có là Thủy tổ trực hệ của dòng họ Lương Đức Chiến Thắng thì cũng vẫn là một Danh nhân đáng kính, đáng tự hào cho mỗi con dân tộc Lương.
Lương Đắc Bằng 梁得朋 (1472 - 1522), danh thần đời Lê sơ, người làng Hội Triều (Hoằng Hoá, Thanh Hoá).
Công trạng: Năm Kỷ Mùi 1499, ngày 10/7, mới 28 tuổi, trong khi ứng chế với đề 五王帐”Ngũ Vương trướng”[1] được ưu hạng, được thưởng bậc nhất đỗ Bảng nhãn (榜眼, tức là Trạng nguyên 狀元 dưới triều Lê) đời Cảnh Thống 景統 Lê Hiến Tông. Từng cùng các đại nho: Đông các học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Lê Ngạn Tuấn, Lê Mậu Thưởng, Nguyễn Xung Xác, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Tôn Miệt, Đông các hiệu thư Đặng Tòng Củ, Đặng Minh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Viên, Vũ Châu, Hiệu thảo Nguyễn Mẫn hoạ lại bài thơ ngự chế: 觀架亭中秋玩月 Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt[2] 15 vần của Vua. Sau đó được bổ làm Tả thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), sau làm Tả thị lang Bộ Lại 吏部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay). Tháng 11 Kỷ Tỵ 1509, được Giản Tu Công Dinh (trá xưng là Cẩm Giang Vương) sai viết hịch dụ đại thần và các quan tố cáo Đoan Khánh Uy Mục đế và kêu gọi mọi người khởi binh đánh đổ Uy Mục (1505-1509), lập Tương Dực làm vua (1509-1516). Thời Tương Dực, làm Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay), tước Đôn trung bá.
Quan thanh liêm trung trực: Những năm làm quan thấy tình hình đất nước trong cảnh rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh lẫn nhau, chém giết nhau dưới cửa khuyết, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, tháng 10 năm Canh Ngọ (1510) Lương Đắc Bằng đã dâng bài sách “Trị Bình” 14 mục lên vua 洪 順 Lê Tương Dực .
Mở đầu Trị bình thập tứ sách 治平十四冊, Lương Đắc Bằng chỉ rõ “Thánh quân ngày xưa không cho thiên hạ thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vui thành công mà quên lòng can gián. Vì thế thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua: “Chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ”. Đế Thuấn nghe lời mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế (179-163 tCn) dân đã giàu có đông đúc rồi mà Giả Nghị vẫn dâng kế sách nói rằng đất nước đang ở trong tình trạng “để lửa gần củi” Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó nên bậc vua hiền”. Lương Đắc Bằng chỉ rõ tình hình đất nước từ khi vua lên ngôi: “Khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhấc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên, kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn...”. Từ tình hình thực tế của đất nước, của bản triều, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua 14 kế sách như sau:

“1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị.
2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu.
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người.
4. Trừ bỏ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác.
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương.
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình
”.

Với tất cả tài trí, tâm huyết của mình, Lương Đắc Bằng đã khái quát được tất cả các việc cần làm để ổn định triều chính, ổn định xã tắc, quan tâm đến dân tình. Tuy kế sách trên không thể thực hiện đầy đủ do hạn chế của thời cuộc, song lịch sử vẫn ghi nhận Lương Đắc Bằng là một nhà cải cách xuất sắc gần hồi thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng mà ngày nay suy ngẫm ta vẫn thấy nhiều điều còn mang tính thời sự nóng hổi. Vua xem khen nhưng không dùng.
Cáo quan giữ mình, rèn cặp nhân tài: Nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế. Chính cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã viết như sau : “Giữa thời biến loạn, giặc giã nổi lên, vua thì xa xỉ vô độ. Triều đình tuy có các ông Lê Trung, Lương Đắc Bằng v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về...”. Do vậy Cụ Lương Đắc Bằng cáo quan về nhà, mở trường dạy học và nghiên cứu lý số. Nguyên khi làm quan, Cụ thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao và trong một dịp đi sứ, cụ có mang về bộ Thái Ất Thần Kinh để tham khảo. Cụ rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống. Vừa dạy học, Cụ vừa tiếp tục nghiên cứu cuốn sách trên cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước. Nghe tiếng và mến mộ Cụ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) tìm vào Thanh Hóa theo học. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên Cụ truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất Thần Kinh. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên 狀元, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 狀程讖 tiên đoán việc đời sau. Khi mất, Lương Ðắc Bằng dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương Hữu Khánh. Cụ Trạng đã làm theo lời dặn của thầy (về gia thế Cụ và mối quan hệ với NBK xem thêm dưới và Lào Cai Lương Đức Gia phả). Đại Việt sử ký viết cụ mất năm Bính Tuất, 1526 đời Lê Cung Hoàng vào dịp Trần Cao đã kéo quân uy hiếp kinh thành.
Lương Đắc Bằng được một số chi họ suy tôn là Thượng Thủy Tổ dòng họ Lương. Khi Lương Đắc Bằng đến thăm nhà thờ Lương Thế Vinh (bác họ) ở Vụ Bản (Nam Định) tự hào về dòng họ nhà mình đã đề câu đối để lại:

Trạng nguyên tổ, bảng nhãn tôn, Lương tộc danh đằng lưỡng quốc,
Đô đốc tiền, thượng thư hậu, quốc triều vị liệt tam công.
Làng Hội Triều có 14 dòng họ cộng cư chung sống. Làng chia làm 7 xóm: xóm Nghè, xóm Trường, xóm Trung Lương, xóm Quán, xóm Đá, xóm Đình và xóm Sau và họ Lương là dòng họ đến làng Hội Triều đầu tiên. Tiếp theo là họ Trương, họ Lường, họ Hoàng Đình. Đồng thời họ Lương là họ có nhiều vị đỗ đạt nhất và cũng là họ danh giá nhất làng. Ngày xưa các cụ cho đất Hội Triều là: “Song long đáo hải; Lưỡng phượng trình tường”. Họ Lương Hội Triều nổi tiếng với Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh, Lương Đạt đều là Tiến sĩ. Nhà thờ họ còn bức đại tự ghi bốn chữ nêu bật tinh thần bất hủ của dòng họ: 道義清廉 (Đạo nghĩa thanh liêm). Bức trướng treo trang trọng ở đình làng Hội Triều cho biết thêm về truyền thống cũng như niềm tự hào của người dân nơi đây: “Đất đai đâu cũng đều có lề có thói, đã có lề thói, tiếng thơm để lại muôn đời sau. Nước văn hiến làng nho thư ai ai đều biết, đời đời ngưỡng mộ”.
-*-
[1] Nghĩa đen là cái màn của năm thân vương. Theo tích Đường Huyền Tông yêu quý anh em, khi mới lên ngôi, cho làm cái màn rộng, gối dài, chăn to để vua và năm anh em thân vương cùng nằm.
[2] Đêm trung thu ngắm trăng tại đình Quan Giá. Đình Quan Giá là nơi vua ra xem việc trồng cấy của dân.
NAM BANG LƯƠNG TÍNH GIAI NGÃ TỬ TÔN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!