[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


27 tháng 6 2009

NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6

Từ khi UNESCO lấy ngày 15/5/1994 làm Ngày Quốc tế gia đình (International Family Day), Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6/2001 là Ngày Gia đình Việt Nam , Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em ban hành Thông tư số 07/2001/TT-BVCSTE hướng dẫn thực hiện quyết định đó thì việc nghiên cứu về gia đình càng được chú trọng trong đó vấn đề tìm lại, soạn Gia phả ở Việt Nam được quan tâm, chú ý rộng rãi hơn.

Một cách chung nhất, Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng , quan hệ giáo dục và quan hệ kinh tế . Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Khi bước ra khỏi thời kỳ dã man là lúc con người biết đến Gia đình. Đó là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở ban đầu là sự kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, gắn bó nhau bằng nghĩa tình, huyết thống xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để thực hiện chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, giáo dục và giữ gìn bản sắc. Như vậy các thành viên trong gia đình được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân vừa bằng quan hệ huyết thống , quan hệ nuôi dưỡng .

Có nhiều cách phân loại gia đình. Xét về qui mô, gia đình có thể phân loại thành:
Gia đình hai thế hệ (hay gia đình hạt nhân): là gia đình bao gồm cha mẹ và con. Đây là xu hướng phổ biến hiện nay.
Gia đình ba thế hệ: là gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ và con còn được gọi là tam đại đồng đường 三代同堂 .
Gia đình bốn thế hệ trở lên: là gia đình nhiều hơn ba thế hệ. Gia đình bốn thế hệ còn gọi là tứ đại đồng đường 四代同堂 , ngày nay ít gặp.
Pháp luật không công nhận gia đình do 2 người cùng giới lập ra bởi mối quan hệ “đồng tính luyến ái”.

Đã có gia đình ( 家庭 , nhà và sân ), theo truyền thống Việt Nam, là ắt có gia bản, gia tư ( 家本 , của vốn riêng ), có gia thất ( 家室 , phòng the ), gia đường ( 家堂 , nơi thờ cúng ), có gia đạo, gia giáo, gia lễ. Nhờ đó gia đình Việt Nam mới tồn tại và khác gia đình Âu châu. Từ gia đình hạt nhân mở rộng đến họ hàng, gia tộc, dòng họ. Trong điều kiện đó, VIỆC HỌ nẩy sinh và phát triển.

Trong xã hội hiện đại, các mặt kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến động. Kéo theo nó là nhiều chuẩn mực đạo đức, nếp sống đã thay đổi, thậm chí trái ngược và sẽ còn đổi thay nữa. Trong điêù kiện đó, nhiều gia đình, một số dòng họ, chi họ bị tan vỡ, lỏng lẻo, xói mòn bởi những văn minh vật chất thời kĩ thuật số cuốn trôi những quan niệm, nếp nghĩ, cách sống cũ. Có người từng cảnh báo: Thu nhập ngày một cao hơn mà nghĩa tình ngày một thấp đi; Nhà cửa to đẹp hơn mà tính cách nhỏ nhen đi; Thuốc men, chất bổ mạnh mà sức cơ bắp yếu đi; Xe cộ, áo quần, tiện nghi ngày càng hoàn bị và tốt đẹp, mà không khí trong lành, nguồn nước tinh khiết, môi trường sinh thái ngày càng tồi tệ hơn...Trong hoàn cảnh đó, Gia đình là “pháo đài bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trước các cám dỗ, cạm bẫy của cuộc sống đầy nghịch lý thời hiện đại” và Gia Tộc 家族 , từ tiểu chi đến đại tông, chính là phòng tuyến, tầng tầng lớp lớp, để bảo vệ nền nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc, … của chúng ta. Trên cơ sở đó, những giá trị truyền thống được hình thành, chắt lọc, thử thách qua bao đời, được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương, được trải nghiệm qua những tháng năm cơ cực, nhọc nhằn đã bám rễ sâu trong lòng gia tộc, vẫn có sức sống mãnh liệt, sẽ luôn đồng hành và vẫn có ích soi rọi mỗi bước đi, cách nghĩ của hậu thế. Tuy không duy tâm nhưng tôi tin: “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân” ( 皇天不負好心人 , Trời không phụ người có lòng tốt):

Trung, Tín, Nghĩa, Nhân - Thiên địa thấu 忠信義仁天地曉
Hiếu, Hiền, Tâm, Lễ - Tổ tiên minh 孝賢心禮祖先銘

Lớp tiền tiêu, lớp kế tiếp và mãi về sau, những gia đình tha phương cầu thực cùng các gia đình khác đã, đang và sẽ xây đắp nên thôn, bản đàng hoàng chốn quê gốc và nơi quê mới. Công lao đó của tiền nhân không hề nhỏ, con cháu ngày nay và mai ngày phải ghi nhớ và gắng bước noi theo, phát huy trên một tầm cao mới:

Lớp Trước khai hoang, tìm nơi Địa lợi, trải lắm gian nan, bền chí dựng Tương lai, Công Đức lưu truyền vĩnh viễn,
Người Sau chấn hưng, chớp buổi Thiên thời, qua nhiều khốn khó, quyết tâm xây Hạnh phúc, thôn xóm phát triển huy hoàng
[1] .

Trên tinh thần đó, mỗi gia đình trong họ cần nhớ và luôn phấn đấu đạt tiêu chí “Gia đình văn hoá” mà biểu hiện tập trung là:

- Gia đình thời Công nghiệp hoá là gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Song dù thế nào điều cốt lõi cũng phải xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ trong đó ông bà cha mẹ được chăm sóc chu đáo, con cái được học hành dạy bảo đến nơi đến chốn; vợ chồng hoà thuận, anh em hiếu đễ.
- Đoàn kết tương trợ làng xóm, khối phố và họ mạc giúp nhau cùng tiến bộ. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là yêu cầu bức thiết của thời chuyên môn hoá cao trong lao động và sinh hoạt.
- Thực hiện tốt, đầy đủ các nghĩa vụ công dân. Nêu cao vai trò cá nhân, tôn trọng nhân quyền nhưng trong gia đình, dòng họ chớ quên cái tình, cái nghĩa.
- Chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, quy ước thôn, phố để điều chỉnh mọi hoạt động cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.
- Xác định việc Họ là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc Trưởng lão.
- Trong hoàn cảnh ít ai quần cư nơi quê gốc, mọi thành viên đều hối hả trong việc mưu sinh, hưởng thụ thì vấn đề duy trì Việc họ đòi hỏi phải nỗ lực hơn và trong họ cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp.

Từng cá nhân phấn đấu, mỗi gia đình phấn đấu sẽ tạo dựng được dòng họ văn hoá, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Cùng với việc đó là việc thường xuyên, liên tục duy trì việc lập Gia phả 家譜 . Ngày sinh, ngày mất, mộ phần, những công tích của các thành viên trong Họ phải được chép, bổ xung thường xuyên. Việc chắp nối nhận họ, nhận chi trong tông tộc cũng cần được chú trọng. Những điều hay, lẽ phải, việc tốt phải ghi lại, lưu truyền làm gương cho đời sau. Đồng thời việc dở, điều xấu cũng phải chép ra để đời sau thấy thế mà sợ, mà tránh và mỗi thành viên, mỗi đời trong họ đều được hưởng Phúc Mãn Đường 福滿堂 , góp phần để cho Đức Lưu Quang 德流光 .

Nếu có điều kiện đưa lên mạng để bà con thân tộc hay người khác tộc quan tâm đến cùng nghiên cứu, góp ý, bổ sung, sửa chữa thì càng hay. Cũng vì lẽ đó mà ngoài việc đưa Gia phả lên trang Phả hệ http://www.phahe.vn/FamilyTree/Pages/familyHome.aspx?FamilyTreeID=778, Việt Nam Gia phả http://www.vietnamgiapha.com/XemPhaHe/2624/pha_he.html tôi còn lập một Blog riêng cho dòng họ mình ở đây có cả ở http://menthuong.blogspot.com/.

GIA HÒA VẠN SỰ HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!