[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


27 tháng 6 2009

III/ Đệ Tam đại Tổ: LƯƠNG ĐỨC HANH

Tam Tổ nổi tiếng vềề những giai thoại còn lưu truyền và cũng để lại nhiều hậu duệ nay trải khắp các miền.
III.1- Thân thế, ngày kị, mộ phần:
第三代祖梁德亨 là con của bà Ba với Nhị Tổ. Cụ nhà giầu, cai trị giỏi. Trước làm Lý trưởng 里長 sau làm Phó Tổng 傅總. Kị 15/Chạp.

III.2- Cụ có 2 vợ :
+ Bà cả Đặng Thị Chẻo : Người Mông Tràng Thượng (Kị 11-G) là thân mẫu của các cụ Hinh, Tuynh, Chinh, Thành.
+ Bà hai: Không tìm được ghi chép về họ tên, ngày mất và mộ phần[1]. Sinh 01 Nam: Trinh.
Quanh chuyện về hậu duệ của cụ Tú có nhiều giai thoại, rất khó kiểm chứng, nhưng một số dấu tích và chi tiết lại phản ánh tương đối rõ:

III.3- Về thế đất :
Khi Tam Tổ sinh nam tử (Cụ Hinh) có thày địa lí đi qua coi thế đất và phán rằng: Gia trang Cụ Lý đặt trên đầu rồng, với 2 mắt rồng là ao tròn[2] và ao trước nhà thờ Tổ, do đó cụ tuy giầu, đông con (4 nam) nhưng có nguy cơ tuyệt tự, con cháu dễ vào vòng lao lý, cần phải trấn yểm. Đầu tiên là cần trồng đủ 100 bụi duối dọc phía mi mắt rồng, khi nào cố bà sinh đủ 4 nam thầy sẽ sang giải bùa tiếp thì con cháu mới hưng vượng được. Các bụi duối đã được Cụ Lý cho trồng dọc đường qua giữa xóm[3].
Đúng dịp Tổ Tỉ sinh nam tử thứ tư (cụ Thành) thì có 2 thày trò người Tầu sang buộc ngựa ở gốc duối to. Lúc này Cụ Hanh đã là phó Tổng và vừa cưới bà bé. Tổ không có nhà, Bà cả không tiếp vì cho đó là khách nhờ vả việc quan, sai con dâu ra nói là cụ Tổng đi vắng. Có bà hai mời nước, lén tiếp. Người khách trước khi bỏ đi có nguyền là: con gái cụ Tổng nói năng chỏng lỏn (thực ra đó là con dâu) nên đời sau gái sẽ khổ. Thương tình bà hai, người ấy đã nói gì đó với bà cố hai rồi bỏ đi. Khi Tổ về nghe chuyện, biết thày Tầu sang giải bùa theo hẹn, cho người tìm nhưng không thấy, cụ buồn ốm rồi mất.
Mấy năm sau có người bán thuốc đột tử phía sau nhà, quan về thẩm tra và làm khó dễ mãi. Gia đình phải chịu mai táng xác đó tại vùng đất giữa 2 ao “mắt rồng”.Về sau có lập Miếu thờ mả Khách[4].
Người đời sau nói: vì lí do đó mà con cháu các Cụ Hinh, Tuynh, Thành, Chinh khá “vất vả”, nhiều người đông con trai nhưng lại không có cháu trai. Hoặc nếu có thì đều ham cờ bạc, dễ bị tù tội. Hậu duệ của cụ Trinh (con bà Hai) đông hơn và “khá” hơn. Đặc biệt con gái tuy đảm đang, nhưng vất vả về đường chồng con, gia cảnh và mặc dù đã lấy chồng vẫn thường phải do Lương tộc bọc đùm[5].
III.4- Về lời nguyền :
Chuyện rằng Tổ học giỏi nhưng thi 2 lần không đậu vì phạm huý. Lần thứ 3 khi biết vẫn trượt, Cụ bẻ bút vứt xuống sông Văn Úc mà nguyền rằng: Từ nay con cháu ai theo nghiệp khoa bảng sẽ chết 1 đời cha, 3 đời con! Sau này có người suy luận chính vì lời nguyền đó nên tuy Cụ giáo Chinh nhiều con trai nhưng lại không có cháu trai thành ra vô tự[6] !
-*-

[1] Chắc là do ông nội tôi (Trinh) bỏ nhà ra đi khi bố tôi còn nhỏ, không có ai truyền lại nên tôi có rất ít hiểu biết về Cụ bà cả tên và mộ phần.
[2] Trước cửa nhà anh Thiếp, sau 2/1964 khi LĐ Thiếp lên Lào Cai để lại cho LĐ Nhiếp.
[3] Duối là loại cây thân gỗ cứng. Những năm 1960-1964, khi tôi nhận thức được và còn nhớ thì thấy rặng duối kéo dài từ ngõ nhà Ngoãn (nhà cũ trước 1964), qua nhà bác Ruẩn, hồi nhà tôi, sau nhà chú Rật đến hồi nhà anh Hiệp, anh Tiêm và chúng tôi hay chặt để đẽo gụ, làm que khăng. Cách quãng còn có những bụi mây. Năm 1997 về thấy còn 1,2 cây đến 2007 thì thấy hết dấu.
[4] Mảnh đất này nghe nói nguyên là vườn ông tôi, nhưng sau nợ nần bán lại cho bà anh Nghiễn. Miếu này đến nay vẫn còn. Thủa nhỏ mỗi bận đi qua khu này chúng tôi rất sợ và hè nhau chạy
[5] Thực hư chuyện này thế nào không rõ nhưng có điều chắc chắn là:
+Dấu tích còn đến nay như 2 cái ao (mắt rồng),một số gốc duối,miếu thờ mả Khách.
+Thực tế:
-Bà cả đông con trai (4) nhưng đời sau chả mấy thành danh. Riêng Cụ Hinh vì sinh từ trước nên nay còn khá đông cháu chắt, tương đối đỡ “nghịch” hơn, Cụ Tuynh có tới 8 nam nhưng cháu chắt ít, nhiều nhà vô tự, cụ Chinh, cụ Thành đều 3 nam nhưng không có cháu trai nên nay vô tự. Số trai hậu duệ của 4 cụ còn lại đến nay cũng chỉ bằng số trai hậu duệ của cụ Trinh và thường có người tù tội.
-Bà hai hiền thục hơn ,nghe nói có được thày Tầu giúp trừ yểm phần nào nên con cháu (chúng tôi) có “mát mặt” hơn,nhưng nhìn chung vẫn nghèo.,và tất cả đều tha phương.
-Mà con gái ngành này đều vất vả cả.
+Những gái Lương tộc đã lên Lào Cai như cô Huấn, Cô Khuê, cô Thị hoặc các chị tôi như Nhớ, Mong, em tôi như Dưỡng, Sinh , Lí ...đều không tật bệnh thì gia cảnh khốn khó, chồng con lận đận
[6] Gia phả thất lạc nên không rõ Cụ ứng thí và bị trượt năm nào.
-*-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!