[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 5 2009

CÚNG GIỖ

Ý nghĩa: Người phương tây coi trọng ngày sinh thì người phương Đông coi trọng ngày mất vì họ cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Đức Khổng Tử nói rằng: Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã. Nghĩa là: Thờ phụng lúc chết như thờ phụng lúc sống, thờ phụng khi mất như thờ phụng khi còn, mới là chí hiếu vậy.Người Việt là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và sớm nhất, nó gần như trở thành một tín ngưỡng: Đạo ông bà. Nhưng đó không phải là tôn giáo vì không có giáo lý, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị…”. Đã nói tới tín ngưỡng dĩ nhiên có vấn đề tin và không tin.” Đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên là sự hiển nhiên, không có nghi vấn tin hay không tin. Người phương Tây coi trọng ngày sinh thì người Việt coi trọng ngày mất vì họ cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Sự thờ cúng chính là sự gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ linh thiêng. Đối với người Việt Nam, chết không có nghĩa là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn còn lui tới với gia đình. Thể xác thì tiêu tan, nhưng linh hồn thì bất diệt. Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt quan trọng nhất trong việc thờ cúng Tổ tiên, nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất. Theo tục lệ, ngày giỗ là “chung thân chi tang” có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của một người là một lần giỗ cho nên người xưa thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở nhắc nhở con cháu về nhưñg người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề. Tổ nghề: Là một người có công lớn đối với một nghề nào đó hoặc giúp phát triển hoặc sáng tạo ra nghề đó được các thế hệ sau tôn trọng và suy tôn là làm người sáng lập.
Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Địa điểm: thường thực hiện tại nhà trưởng nam hoặc người lập tự và thực hiện đúng kỉ niệm ngày mất. Nay do con cái thường ở xa nới sinh thành và bận nhiều việc nên các năm thứ 5, 15, 25.. gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn sẽ làm lớn hơn, con cháu đông đủ; các năm khác con cháu ở xa có thể thực hienẹ nghi thức giỗ vọng hay có thể luân phiên từng nhà, từng khu vực để anh em tiện rõ gia cảnh.
Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ...
Nghi thức: Việc cúng giỗ tuy không quá cầu kỳ nhưng đã được quy định rõ trong Thọ Mai Gia lễ. Trong đó đáng chú ý là ngày Tiên thường, Tiểu tường, Đại tường, Cát nhật, các vấn đề về Gửi giỗ, Phẩm vật, Văn khấn, Hóa vàng. Chi tiết sẽ nghiên cứu kĩ sau phần “Tang ma” , một số vấn đề chung là:
Tiên thường 先嘗 hay Cáo giỗ là nghi lễ thực hiện từ chiều hôm trước ngày Chính giỗ và chỉ thực hiện trong dịp giỗ trọng (giỗ ông, bà, cha, mẹ, chòng, vợ). Trong ngày đó làm lễ xin phép với Thổ công cho phép hương hồn người cúng giỗ về phối hưởng và cho vong hồn nội, ngoại gia tiên về cùng dự giỗ. Đồng thời ra mộ người được hưởng giỗ xin phép Thổ địa cho phép và mời vong hồn vị này về phối hưởng kết hợp dọn dẹp mộ. Đây cũng là lúc những người phải góp giỗ (trai thứ, gái, cháu thứ, cháu ngoạ)i đem đồ lễ đến gửi giỗ. Trường hợp con cháu ở xa không thể về dự giỗ tiến hành Giỗ vọng. Ngày trước, từ lúc làm nghi thức cáo giỗ đến ngày hôm sau lúc nào trên ban thờ cũng phải thắp hương.
Chính kị: là việc cúng giỗ vào ngày mất (忌日”kỵ nhật” hay 吉忌,Cát kị ) được tổ chức vào đúng ngày mất theo âm lịch của người được thờ cúng thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là “ngày ta”) là một trong những nghi thức quan trọng trong tục thờ cúng tổ tiên. Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (ngày Sóc), ngày rằm (ngày Vọng), và các dịp lễ tết và khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử...Đây là dịp con cháu dâng hương, làm lễ để báo cáo vàcầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Điều nay khởi nguồn từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm. Trường hợp giỗ các cụ, kỵ xa đời và người thân thuộc nhưng không quan trọng về huyết thống trong gia đình như chú bác, cô dì không có con cháu giỗ quảy mà mình phải thay thế thì làm giỗ đơn giản, không có mời khách khứa gọi là “giỗ giúi”
Đồ lễ: Khi cúng lễ bao giờ cũng có hương, nến, nước, rượu, hoa quả, trầu cau, gạo, muối, cơm canh, vật phẩm mà khi sống người hưởng giỗ ưa thích cùng với những đồ tế lễ khác như tiền Địa phủ và mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy). Những gia đình có điều kiện sẽ sắm đồ mặn tam sinh (3 con vật làm thịt). To nhỏ tuỳ điều kiện nhưng bữa cúng cũng phải có chén cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít muối. Vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”. Chú ý rằng thành ngữ “Vô vật bất linh” 無物不靈 thường dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong. Nhưng cũng là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng.
Tiến hành: Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước khi các thức ăn được bày lên. Khi đồ lễ đã đủ và đặt lên ban thờ, gia trưởng quần áo chỉnh tề, xem xét và rà soát lại các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu trải trước bàn thờ, lễ bốn lạy, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán. Một trong hai người chấp sự, thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho gia trưởng vái một vái dài rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp sự thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu lên ba chén để trên đ ài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn. Hiện nay, để đơn giản gia trưởng tự thắp hương (luôn là số lẻ) cắm vào bát hương, lui ra đứng tước ban thờ vái 3 vái rồi đọc văn khấn. Khi khấn xong lễ 4 lễ thêm 3 vái gọi là 4 lễ rưỡi . Tiếp theo các thành viên khác trong gia đình đến trước ban thờ 4 lễ rưỡi. Nghi thức 4 lễ rưỡi thực hiện bằng 3 vái dài, 3 vái ngắn.
Khách đến dự, con cháu cử người nhận đồ lễ đặt lên ban thờ, đứng đáp lễ; khách thực hiện 4 lễ rưỡi rồi quay sang vái người đáp lễ.
Văn khấn chính là thực hiện đạo lý : Ăn có mời, làm có khiến. Lời khấn cốt ở tấm lòng, mộc mạc cốt đủ thông tin: ngày tháng, địa điểm, lý do, thỉnh mời (tên tục, tên hiệu, tên hèm người hưởng giỗ) về hưởng giỗ. Nếu không tự soạn được có thể sử dụng các bài văn khấn trong các cuốn sách cúng thông dụng. Bản thân tôi từng soạn các bài khấn khi Giỗ Tổ và các ngày Tiểu tường, đại Thường, Đốt mã, sang cát và Cát nhật của thân phụ, có chép lại ở Phụ lục Gia phả. Lời khấn có những điểm sau:
1. Cáo tri địa điểm hành lễ, từ nước trở xuống xã thôn.
2. Nói rõ con cháu, liên hệ gia đình làm lễ cúng với các món cỗ bàn, dâng lên hương hồn ai có tên gì, từ trần ngày tháng năm, chôn ở đâu.
3. Mời người có tên giỗ về hưởng, chứng tri lòng thành và phù hộ cho con cháu được mọi sự tốt lành.
4. Cũng mời tất cả các vị tổ, đọc rõ tên, cùng thân thuộc nội ngoại đã quá vãng cùng về hưởng lễ cúng.
Khấn xong, gia trưởng cúi xuống, lễ nốt một nữa lạy nữa rồi đứng lên vái ba vái rồi lùi ra. Tiếp sau đó là những người trong họ tộc, theo thứ tự quan trọng và hạng bậc vào làm lễ với bốn lạy ba vái.
Lễ tạ: Sau khi hương đã cháy hết, chủ cúng thắp thêm 3 nén hương nữa khấn cáo việc cúng đã xong xin phép được hóa vàng. Lúc đó đem đốt vàng mã (gia chủ sắm hoặc khách mang tới) rồi đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn -- khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất --, dùng một gậy gẩy đống tro. Việc đó, theo quan niệm dân gian là để xuống Âm phủ vàng mã cúng dâng sẽ biến thành đồ thật và người hưởng giỗ có đòn gánh vận chuyển đồ vật. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (tam tài) mang tính triết lý sâu sắc. Khi đã hóa vàng hương đèn trên bàn thờ không cần cháy nữa.
Ăn giỗ: Sau khi cúng, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để con cháu và khách đến cùng ăn. Khi cúng và ăn uống xong đồ lễ còn lại được chia phanà cho con cháu, coi như hưởng lộc của tiền nhân.
Cẩn trọng khi DÂNG CÚNG GIA TIÊN:
Thức ăn các thứ, nói chung là đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng thanh khiết và dành riêng, không được để con cháu đứa nào đụng tới. Các thức ăn đã nấu nướng xong, phải đem cúng gia tiên trước rồi con cháu mới được ăn. Cũng như lúc ông bà còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn thì con cháu không được phép động tới.
Để tránh tình trạng lỗi lầm do không biết của các cháu nhỏ, các thức ăn nấu nướng xong phải được múc ra dành cho việc cúng lễ cho phải phép.
Trong việc cúng ông bà, chẳng nên làm lấy có hay chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Phải lấy tâm thành, kính trọng làm gốc. Người xưa quan niệm rằng trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều biết rõ (Tâm động quỷ thần tri).
Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo ngay lành. Không một vị tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm dĩa muối mà lòng thành hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa dửng dưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!