Dòng họ Lương (Chữ Hán: 梁, trong "Cường lương" 強梁, có bộ Mộc 木 ) phát xuất nguyên thủy từ đâu chưa tìm thấy tài liệu nào xác định được; có thể bắt nguồn từ 1 lớp người thuộc Hán tộc cư ngụ ở miền nam Hoa Hạ bên Tàu rồi di tản xuống miền bắc Việt Nam để lập nghiệp. Vấn đề này đã viết chi tiết ở bài khác, mục Nguồn cội.
Tại Việt Nam có thuyết khác cho rằng từ lâu đời đã có một dòng họ cư ngụ tại làng Hội Triều (Hội Trào), tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, hiện nay vẫn còn đền thờ cụ Lương Đắc Bằng, được coi là thủy tổ
của dòng họ. Đền cụ Trạng cách cầu Hàm Rồng 1 Km rất uy nghi, sân gạch tường hoa, trang hoàng câu đối hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tại đây còn bức đại tự ghi bốn chữ nêu bật tinh thần bất hủ của dòng họ: 道義清廉 “Đạo nghĩa thanh liêm”. Xưa kia, mỗi năm vào dịp húy nhật Cụ, triều đình Huế thường cử một vị đại thần thay mặt vua, hoặc vị quan đầu tỉnh về cúng tế cùng dân làng...Trong một bài ở mục Nguồn cội đã phân tích chi tiết các giả thuyết về họ Lương Việt Nam....
Hiện nay, theo tôi được biết, những người mang họ Lương nước ta có ở khắp nơi và từ xưa cũng như ngày nay có nhiều người danh tiếng. Người đầu tiên mà lịch sử ghi lại là Lương Long vào năm 178 đã lãnh đạo nhân dân các quận Hợp Phố, Giao Chỉ…chống lại nhà Hán. Sau này nổi bật là các danh sĩ:
Lương Nhậm Văn (TK XI) làm đến Ngoại Lang đựơc sang Tống giao hảo.
Lương Cải vào năm 1130 từ chức Ngự khố gia thư được Lý Thần Tôn bổ nhiệm giữ phủ Thanh Hóa.
Lương Đăng (TK 15) là người chế định ra Lễ nhạc triều Lê Thái Tông.
Lương Thế Vinh (1441-?) quê Nam Hà, đỗ Trạng nguyên năm 1463 nổi tiếng đặc biệt khả năng tính toán (thường gọi là Trạng Lường).
Lương Như Hộc (TK 15) quê Hải Dương đậu Thám hoa là người đưa nghề khắc ván in sách dạy cho dân quê mình.
Lương Đắc Bằng: tương truyền là Thuỷ tổ họ Lương ở Cao Mật (sẽ nói kĩ ở phần Thuỷ Tổ Lương gia tộc Cao Mật).
Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh là con và cháu nội Lương Đắc Bằng đều nổi tiếng thần đồng, đỗ đạt cao, có nhiều công với dân, với nước.
Lương Quy Chính (1825-1907) người xã Phù Khê, huyện Thần Khê, Phủ Thiên Hưng (nay là xã Hồng Việt, Đông Hưng, Thái Bình) thông minh, có chí khí, từng được triều đình nhà Nguyễn bổ dụng làm quan với nhiều chức vụ, qua nhiều vùng đều nổi tiếng yêu nước, thương dân. Tước lộc cuối cùng là Thượng thư bộ Hộ kiêm Quân quản Viện Đô sát, sung Cơ mật viện đại thần, sung Khâm sai đại thần tại kinh đô dưới triều Thành Thái. Phủ thờ ông tại Phù Khê đã thành nhà thờ họ Lương ở đây và đã được nhà nước công nhận là Di tích văn hóa.
Lương Văn Can (1854-1927) ở Hà Tây, con là Trúc Đàm (1879-1909), Ngọc Quyến (1885-1917) nổi tiếng học giỏi và tinh thần chống Pháp.
Lương Định Của (1920-1975) quê Hậu Giang là nhà nông học nổi tiếng, tạo ra nhiều giống lúa, dưa, táo, lê, cà chua, khoai lang độc đáo...
Nữ có Lương Thị Minh Nguyệt là người phụ nữ yêu nước, quê làng Chuế Cầu (Ý Yên, Nam Định), chưa rõ năm sinh, năm mất. Khi tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn cùng chồng là Đinh Tuấn mở quán bán hàng ở gần thành Cổ Lộng để điều tra tình hình quân Minh. Bà còn dùng mưu diệt nhiều toán giặc. Được Lê Lợi phong là “Kiến quốc phu nhân”建國夫人. Lê Thánh Tông cho lập đền thờ ở làng quê.
Đáng tiếc, trong vài chục năm lại đây chưa ai xứng với tiền nhân!
Trong các chuyến đi công tác, học tập qua nhiều tỉnh tôi thấy ở đâu cũng gặp người mang họ Lương. Một số người dân tộc Thái, Mường, Tầy ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai…mang họ Lường, một biến âm của họ Lương. Theo trào lưu chung, một số nơi đã khôi phục lại việc Giỗ họ, soạn Gia phả. Nhưng chỉ trong phạm vi mấy đời trong một huyện và chưa có Tộc phả và Ban liên lạc rộng rãi, tụ họp thường niên mang tính toàn quốc như các họ Nguyễn Phước, họ Phạm, họ Vũ, họ Hồ, họ Trịnh, họ Trần, họ Đặng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!