[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 4 2009

1.1. CÀNH SINH BỞI GỐC, CHIM CÓ TỔ

Khi bước ra khỏi thời kỳ dã man là lúc con người biết đến Gia đình. Đó là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, gắn bó nhau bằng nghĩa tình, huyết thống xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để thực hiện chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, giáo dục và giữ gìn bản sắc. Như vậy các thành viên trong gia đình được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân vừa bằng quan hệ huyết thống.
Đã có gia đình (家庭,nhà và sân), theo truyền thống Việt Nam, là ắt có gia bản, gia tư (家本,của vốn riêng), có gia thất (家室,phòng the), gia đường (家堂,nơi thờ cúng), có gia đạo, gia giáo, gia lễ. Nhờ đó gia đình Việt Nam mới tồn tại và khác gia đình Âu châu. Từ gia đình hạt nhân mở rộng đến họ hàng, gia tộc, dòng họ.
Dòng họ là một thực tế xã hội chung cho loài người khi có gia đình và có ở các thời đại. Dưới chế độ phụ quyền, Họ (氏, Đại Gia đình) là một thiết chế xó hội cổ truyền, bao gồm nhiều gia đình cùng huyết thống, có “chung tộc danh về phía bố” nhằm đảm bảo chế độ ngoại hôn và thờ phụng Tổ tiên. Hay nói cách khác đó là những người 人, những gia đình, những ngành 支 cùng dòng máu từ Triệu Tổ 肇祖 (Tổ khai sáng) sinh ra.
Như thế, Họ là một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ nào. Nhưng việc đặt họ trong tên gọi hoàn chỉnh của một người nào đó không phải là hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới bởi có dân tộc, có vùng không có họ hoặc mỗi người thường có một (hoặc nhiều) tên và hai họ.Tại các nền văn hóa của người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và Hungary thì họ được đặt trước tên. Nhưng VN khác TQ là trong ngôn ngữ hàng ngày thường gọi tên, không gọi họ.
Trước khi có chữ viết và ảnh hưởng mạnh của người Hán, của Khổng giáo dân ta chỉ quen gọi tên mà chưa có họ. Các truyền thuyết và dã sử về các vị thần và hào kiệt có ghi rõ họ tên trong Thần thoại, Cổ tích, Thần phả là do các bậc hậu Nho đời sau điền vào. Họ người Việt gồm các họ của người thuộc dân tộc Việt. Việt Nam nằm ở khu vực Đông Dương nên chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa từ Trung Quốc lẫn các nước vùng Ấn Độ hay dân tộc Chàm, cho nên họ người Việt cũng vậy. Nhưng đa số họ được đọc trại đi cho khác với nguyên gốc để hợp với cách phát âm tiếng Việt. Tuy vậy họ người Việt không nhiều như Trung Quốc hay các nước lớn khác. Theo thống kê của PGS TS Lê Trung Hoà (ĐHQG Tf HCM, 2005) ở Việt Nam có khoảng 1050 họ. Riêng người Kinh có khoảng trên trăm họ và là họ đơn. Trừ một ít dân tộc theo họ mẹ (các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo), còn hầu hết đều theo họ bố và đều có một vịthuỷ tổ chung, gọi là thần chủ tổ tiên và những họ phổ biến nhất Việt Nam là: Nguyễn (38,4%); Trần (11%) ; (9,5%); Huỳnh (Hoàng) (5,1%); Phạm (5%); Phan (4,5%); (Võ) (3,9%); Đặng (2,1%); Bùi (2%); Đỗ (1,4%); Hồ (1,3%); Ngô (1,3%)…Gia tộc Việt Nam xưa, nay chia làm hai bậc: nhà (tiểu gia đình), gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái và họ (đại gia đình), gồm có một chi trưởng và nhiều chi thứ.
Trong mọi thời đại, dòng họ nào cũng có sự thăng trầm chìm nổi. Do nhiều lí do có dòng họ đã mất tích hay tuyệt diệt và cũng có dòng họ mới được sinh ra hoặc có chi, có phái phải đồng hóa hay cải sang họ khác. Ví dụ:
Sau khi tiến hành cuộc đảo chính Cung đình, nhà Trần (陳氏, 1225-1400) thay nhà Lý (李氏, 1010-1225) đã buộc những người họ Lý 李 chuyển sang họ Nguyễn 阮 vì kiêng tên ông tổ nhà Trần là Trần Lý và cũng là để dứt lòng dân chúng đối với cựu triều.
Khi nhà Trần mất vào tay nhà Hồ (胡氏, 1400-1407) rồi đất nước rơi vào ách đô hộ nhà Minh (1414-1417), con cháu nhà Trần phải mai danh ẩn tích, thay họ, đổi tên. Trong đó có nhiều chi phái đổi sang họ Đặng 鄧. Chính Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu, 1907-1988) vốn dòng dõi họ Trần bởi ông là hậu duệ đời thứ 11 tại làng Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định với cụ Tổ là Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiền (興智王 陳国迒, con thứ Tư của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo).
Sau khi bị Lê-Trịnh diệt (1677), hậu duệ nhà Mạc (莫朝,1527-1592) ở kinh đô hoặc nơi phát tích (Cổ Trai, Kiến Thuỵ), ở Cao Bằng phải đổi sang nhiều họ khác (Đoàn, Phạm, Hoàng...) và di cư đi ở nhiều nơi.
Có người vì trốn tránh sự truy diệt của triều đình hay vì lí do chính trị đặc biệt mà đổi họ để mai danh ẩn tích. Như con cháu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chuyển đến Ninh Bình theo di chúc của Cụ tránh bị truy diệt khi nhà Mạc đổ đã đổi từ họ Nguyễn 阮 ra họ Giang 江
[1] .
Tổ phụ Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) vốn họ Hồ
[2] (Hồ Phi Khang) cùng họ với Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly), Hồ Xuân Hương (ông nội là Hồ Phi Gia, con chú con bác với HPK) và đều là hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật 胡興軼 bên TQ. HHD, vốn thuộc tộc Bách Việt ở Triết Giang sang làm Thái thú Diễn Châu đời Hậu Hán (947-950) rồi định cư ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tổ xa đời của Quý Ly là Hồ Liêm chuyển đến Đại Lại, Thanh Hóa làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn đổi ra họ Lê, khi đã lấn át được vua Trần Thuận Tông, Quý Ly mới đổi lại họ, lập ra triều Hồ (胡氏, 1400-1407). Còn Hồ Phi Khang bị quân Chúa Nguyễn bắt đưa vào Nam khoảng 1653-1657, con là Phi Phúc dời sang Tuy Phước, Bình Định sinh 3 anh em Nhạc Lữ, Huệ. Khi Tam kiệt phát động cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đổi thành họ Nguyễn rồi lập ra triều Tây Sơn (阮西山,1778-1802).
Những trường hợp đổi họ bởi lý do chính trị kể trên nhằm tránh tuyệt diệt nhưng để nhớ tổ tông, trong họ vẫn lưu truyền hay thể hiện một cách bí mật trong Gia phả, câu đối tại Từ đường về cội nguồn mà người ngoài khó hiểu được. Ví dụ dòng Nguyễn Đình, Nguyễn Phúc ở Thanh Hoá vốn là hậu duệ của của Lý Thái Tổ ở Đình Bảng nên có câu đối: “Lịch thế vương công, công tại tiền triều danh tại sử, Lũy triều hoa cổn truyền ư hậu huệ, ấm ư dân.”
Do phạm húy phải đổi, như vị Chúa đầu tiên khai khẩn xứ Thuận Quảng là Nguyễn Hoàng (阮黄,1558-1613) nên họ Hoàng 黄 trong Nam đổi là Huỳnh 荧.
Có người vì có công được vua ban Quốc tính như Ngô Tuấn (吳俊,1019-1105) được đổi là Lý Thường Kiệt 李常傑 hoặc được vua ban họ của những người kiệt xuất thủa trước, như Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên 阮 được Trần Nhân Tông đổi thành Hàn Thuyên (撖 1282). Ngược lại có trường hợp bị đuổi ra khỏi họ, như để trừng phạt tội phản quốc của Chương Hiến Hầu Trần Kiện (3/1285 dẫn đường cho bọn Giảo Kì của quân Nguyên Mông tấn công quân của Chiêu Minh Vương Quang Khải), vua Trần Nhân Tông đã đổi Trần Kiện 陳 thành Mai Kiện 梅.
Có tộc người hoặc nhóm người do không biết chữ hay phiêu cư bạt tán từ nơi khác đến lúc còn nhỏ hoặc không biết họ mình là gì được đặt họ khi lập giấy tờ, ví như họ Đinh, họ Hồ ở miền núi Trung Bộ…Có họ từ lân bang di cư đến hoặc từ tộc khác sống xen kẽ đã Việt hoá, như: Hồ, Mạc...của người Hoa hoặc triều đình buộc Việt hoá, như họ Lục, Điêu, Chiêm...của người Chăm.
Có họ vì tránh tru di tam tộc phải bỏ nước và cải họ. Điển hình là chuyện về họ Vi ở Lạng Sơn. Sau khi giúp họ Lưu dựng nên cơ nghiệp nhà Hán thì Hoài Âm hầu Hàn Tín bị Lã Hậu (110 tCn) nghi mật thông với Trần Hy làm phản, nên bị diệt trừ. Một người thiếp của Hàn Tín có thai được Thừa tướng Tiêu Hà mật gửi cho Triệu Đà ở Lĩnh Nam nhận nuôi, đẻ con tên Nhân. Khi Nhân trưởng thành, Đà chia đất cho từ Thượng Thạch trở đi và sai Nhân đổi họ Vi, tức là nửa chữ HÀN (韓 , một bên là chữ Trác 卓 , một bên là chữ Vi 葦). Từ thời Trần, Lê trở đi, họ Vi nối đời thế tập vùng biên ải phía Bắc Việt Nam. Trong Thế kỉ XIX, Vi Văn Định được Triều đình Huế phong tới Hiệp tá Đại học sỹ, thay họ Hoàng, làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông. Bà Vi Kim Ngọc, con thứ 3 của cụ Vi Văn Định có chống là Tiến sĩ Luật khoa Nguyễn Văn Huyên; Con gái út là Vi Kim Phú lấy chồng là Bác sĩ Hồ Đắc Di; Cháu gái cụ là tên Vi Nguyệt Hồ (con ông Vi Văn Diệm) là phu nhân của cố Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng đều là những nhân sĩ, nhà lãnh đạo nổi tiếng những năm 1950-1970.
Hoặc đơn thuần do cách phát âm, phiên âm qua thời gian mà thành những họ khác. Ví dụ: Đỗ = Đậu, Chu = Châu, Hoàng = Vàng = Vương = Huỳnh...
Họ của người Kinh là họ đơn, sau đó là tên lót và sau cùng là tên gọi. Thường chữ lót theo cha nhưng có khi con cháu có chữ đệm khác cha ông. Nhưng có nhiều họ lại có những Chi, Ngành mang tên lót khác nhau. Ví dụ :
Vì muốn giữ vững Vương quyền của dòng đích mà Minh Mạng (1791-1840) năm 1822 quy định: những người cùng dòng với Vua được mang Nguyễn Phúc (kiêng húy gọi là Nguyễn Phước, 阮福), còn những người ở hệ chi khác trong Hoàng gia thì trai gọi là Tôn Thất 宗室, gái là Tôn Nữ 宗女 .
Minh Mạng đặt ra lệ: Con cháu theo Nguyễn Hoàng vào Nam thì được mang Quốc tính là Nguyễn Phúc, còn những người ở lại quê Thanh Hóa thì mang Công tính là Nguyễn Hựu; trong Nguyễn Phúc đặt lót theo Đế hệ thi.
Có họ quy định: ngành trưởng lót chữ Bá, Giáp...; ngành hai chữ Trọng, Ất...; ngành ba Thúc, Bính... ngành út Quý. Có họ lại định ra lệ lấy các chữ có ý nghĩa như nguyên tắc xử thế để đặt lót theo thứ tự: Công, Đức, Tài, Tâm, Quý hoặc Đức, Huy, Quang, Gia, Tích, Thiện, Lương khi hết lại quay lại chữ đầu.
Có khi chưa thấy rõ quy luật như họ Lương, họ Phạm ở Cao Mật (hoặc có quy ước nhưng bị thất truyền). Hiện nay muốn mĩ tự hóa tên gọi, một số nữ không lót chữ Thị 氏 mà dùng chữ Diệu 妙 (với nghĩa khéo léo); nhiều gia đình đặt chữ lót cho con cháu tùy hứng, bắt chước theo những người nổi tiếng, không theo một quy định nào ngay trong gia đình. Hiện tượng dùng họ mẹ làm chữ lót và tên kép khá phổ biến nên họ tên thường gồm 4 tiếng .
Dù theo cách nào thì sự mất đi hay sinh ra một dòng họ, một chi phái đều có nguyên nhân lịch sử chính trị xã hội và ở ta khác phương Tây là thể hiện rõ ước mơ phấn đấu của tiền nhân. Đó là mong muốn dòng họ trường tồn, hy vọng cháu con ngày thêm khấm khá.

-*-
[1] Nhớ con sông Tuyết Giang ở quê gốc Vĩnh Lại.
[2] Dòng họ sinh ra 5 ông vua, 6 Tướng quốc, 17 Quận công...4 Trạng nguyên, 23 Tiến sĩ... thời phong kiến và nhiều đ/c lãnh đạo, nhà trí thức nổi tiếng sau này. Trong cuốn “Những người họ Hồ- Quỳnh Đôi đỗ đạt, xưa và nay” của Hồ Bá Hiển do NXB Tổng hợp Tf HCM xuất bản năm 2007 bóng gió nói đến việc NAQ cũng là hậu duệ của họ này (dòng Hồ Sĩ).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!