Suốt ngày: ti vi nói, lãnh đạo phát trên một số hội nghị,…; rồi báo chí, văn bản chỉ đạo của cáp trên, MXH lan truyền,… nhiều thuật ngữ mà mình, ở tuổi 70 lại .... chả biết nó ra răng, cứ “ù ù cạc cạc”. Cố công nghiên cứu rồi cũng vỡ vạc ra ối điều!
Tìm hiểu dần vậy ! Bắt đầu từ những khái niệm đơn giản và cơ bản!
“Chuyển đổi số” (A: Digital
transformation, P: transformation
numérique, H: 数字化转型) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức
về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Nói
một cách đơn giản đó là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công
nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Trên thế giới, nó bắt đầu được nhắc
đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số
bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020.
Chú ý “Tổng thể” nghĩa là mọi bộ phận;
“toàn diện” nghĩa là mọi mặt. Đây là sự sáng tạo phá hủy (Ví dụ quá trình thay đổi từ con nhộng thành con bướm, khi con nhộng tự
vận động, xé rách cái kén, thành con bướm bay lên. Có những thay đổi diễn ra từ
từ, tuyến tính. Có những thay đổi diễn ra nhanh chóng, toàn diện và thay thế
cái cũ, gọi là sáng tạo phá hủy. Sự ra đời của điện thoại iPhone năm 2007, của
hệ điều hành Android vào năm 2008 đã tạo nên sự sáng tạo phá hủy, đưa thị phần
toàn cầu của Tập đoàn Nokia đang từ 50% về dưới 2%.).
Lại Chú ý: Tin học hóa (ứng dụng công nghệ thông tin) là số hóa
quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có; còn chuyển
đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức, là thay đổi quy trình mới, mô
hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới.
3 làn sóng công nghệ: Làn sóng thứ nhất (từ năm 1985 đến năm 1999) gắn với sự phổ biến của máy vi tính, có thể tạm gọi là làn
sóng số hóa thông tin, chuyển các tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử.
Làn sóng thứ hai (từ năm 2000 đến năm 2015) gắn với sự phổ
biến của Internet, điện thoại di động và mạng viễn thông di động, có thể tạm gọi
là làn sóng số hóa quy trình nghiệp vụ, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ để
nâng cao năng suất, hiệu quả.
Làn sóng thứ ba (từ năm 2015 và dự báo kéo dài đến năm 2030) gắn với sự phát triển đột phá của công nghệ số, có thể tạm gọi
là làn sóng chuyển đổi số, đưa toàn bộ các hoạt động từ xã hội thực lên không
gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Cách mạng công nghiệp (A: Industrial Revolution, P: Révolution industrielle, H: 工业革命) là cuộc cách mạng trong lĩnh vực
sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật,
xảy ra khi có đột phá lớn về công nghệ dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong sản
xuất và xã hội với 2 nội dung chủ yếu là công nghệ và chuyển đổi .
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII với sự phát minh ra động cơ
hơi nước và tạo ra sản xuất cơ khí. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai là
giai đoạn từ đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của điện lực và tạo ra sản xuất
hàng loạt. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là giai đoạn từ những năm 1970
với sự xuất hiện của điện tử, máy tính, Internet và tạo ra sản xuất tự động. Ba
cuộc cách mạng đó là cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa, là máy móc thay lao
động chân tay. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là bắt đầu từ thập kỷ
này với các đột phá và cộng hưởng của nhiều công nghệ, trong đó có công nghệ số
và tạo ra sản xuất thông minh. Đây thực sự là thông minh hóa, là máy móc thay
lao động trí óc; sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo
ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ
ràng; nó là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.
Trí tuệ nhân tạo (Al, A: Artificial
intelligence, P: Intelligence
artificielle, H: 人工智能) là việc con người nỗ lực làm cho máy móc có những năng lực trí
tuệ của con người; nó còn phải tiếp tục phát triển lâu dài nữa để tới gần hơn
điều đó và thực tế nếu chỉ nhằm “tăng cường năng lực trí tuệ của con người”,
thì đã có những bước tiến lớn trong vòng 2 thập kỷ vừa qua.
Có thể ví trí tuệ nhân tạo như là
hệ thần kinh của con người.
Internet vạn vật hay cụ thể hơn
là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối
Internet (A: Internet of Things IoT, P: Internet des objets IdO, H: 物联网) là một công nghệ nền tảng của
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để
làm việc tương tự. Nhờ đó, những vật vô tri vô giác, vật dụng gia đình, như chiếc
quạt điện, lò vi sóng, hay cành cây, ngọn cỏ “cất tiếng nói” và giao tiếp với
nhau và với con người. Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng trong việc kết
nối giữa môi trường thực và môi trường số.
Có thể ví Internet vạn vật như là
các giác quan của con người.
Dữ liệu được sinh ra từ hàng tỷ điện thoại
thông minh, thiết bị cảm biến kết nối vạn vật và hoạt động của con người trên
môi trường mạng. Công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong khoảng
thời gian ngắn hơn rất nhiều để trích rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra
quyết định một cách phù hợp. Nếu công nghệ trước kia xử lý dữ liệu có cấu trúc
thì công nghệ số hiện nay chủ yếu xử lý và phân tích dữ liệu phi cấu trúc. Dữ
liệu phi cấu trúc chiếm tới 70-80%, do vậy, chứa nhiều thông tin hơn dữ liệu có
cấu trúc.
Có thể ví dữ liệu lớn như bộ não
của con người.
Điện toán đám mây là điện toán
máy chủ ảo (A: Cloud computing, P: Cloud computing, H: 雲端運算), là công nghệ cho phép năng lực tính toán nằm ở các máy chủ ảo
của các nhà cung cấp thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng trên mặt đất,
để mọi người kết nối, sử dụng như là dịch vụ khi họ cần. Nó cũng giống như điện
lưới: cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thay vì đầu tư máy chủ tính toán của
riêng mình, giống như máy phát điện, thì sử dụng dịch vụ điện toán đám mây sử dụng
đến đâu trả chi phí đến đó mà không phải bận tâm tới việc vận hành, quản lý.
Có thể ví điện toán đám mây như
là cơ bắp của con người.
Trước mắt, ngần ấy thuật ngữ cũng muốn bung cả đầu rồi!
-Lương Đức Mến, mồng Hai Tết Át Tỵ, BS từ nhièu nguồn TK-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!