[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 8 2024

Nhân THÁNG CÔ HỒN, lạm bàn về viêc ĐỐT VÀNG MÃ

Xưa nay, trong các dịp Sóc, Vọng, ngày Giỗ hay lễ Tết, người Việt thường có phong tục đốt vàng mã sau cúng tế. Đặc biệt cúng rằm tháng 7 chính là dịp đốt nhiều vàng mã nhất.

Đây là một tục đã tồn tại trong văn hóa của người Việt từ lâu và với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng. Việc này nhằm thỏa mãn niềm tin rằng, người thân của mình “ở thế giới bên kia” sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ; “các cụ nhà mình ở dưới đó” sẽ không thiếu thốn mà có đủ đồ dùng.

Khi đó họ sẽ phù trợ cho con cháu nơi trần thế được nhiều tài lộc, gia đình thịnh vượng an khang như ý, công việc hanh thông,...

Thực ra, đốt vàng mã là một tập tục mà người Việt, ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc mà Blog này từng đề cập nhiều về nguyên do cũng như tiến trình.

 Theo thời gian, tục lệ này đang dần bị biến tướng khi có nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền, thậm chí thuê xe tải, xe bán tải, xe kéo đi mua sắm vàng mã chở đi cúng lễ rồi “hóa”.

Theo tôi, đây là việc làm gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thậm chí dễ gây hỏa hoạn chết người nên cần bỏ.

Trước hết việc làm này thể hiện sự mâu thuẫn từ chính người dâng đốt: chúng ta cầu cúng cho người thân đã mất mau được “siêu thoát” về cõi Niết Bàn nhưng lại “sắm” cho họ mọi thứ tiền bạc, tiện nghi để họ “nuối tiếc”, quẩn quanh nơi âm giới!

Tiếp sau đó chính là sự “phỉ báng” bởi đồ hàng mã thường có cốt tre ngâm rất có mùi, giấy loại và được người sản xuất, vận chuyển, buôn bán,… để nơi bẩn thỉu, dẫm đạp lên,…

Sau nữa có tác dụng “khuyến khích” sản xuất, dùng đồ giả, vật dụng “không rõ nguồn gốc”. Làm gì có Ngân hàng địa phủ? Loại tiền đó có giá trị lưu hành không? Xe máy, Ô tô (giấy) đó do đâu sản xuất? Vận hành bằng gì? Người lái có “bằng” không?

Nhớ có lần thay vợ ra chợ mưa đồ thấy mấy cô mời chào mua xe, ngựa,…tôi chả mua và giả nhời rằng: các cụ nhà tôi khi còn sống không có “nhà lầu xe hơi” !

Thế giới đã lên mặt trăng, bay vào vũ trụ, đã có Internet và Điện thoại di động phủ đến cả làng bản Việt Nam, nhưng tập tục này lại bị lạm dụng và quá lãng phí với nhiều gia đình, đồng thời còn làm ô nhiễm môi trường, bởi quá nhiều người đốt một khối lượng vàng, mã quá lớn trong cùng một thời điểm. Lại thêm rộ lên các nhà “ngoại cảm” truyền lời kêu thiếu thốn của âm giới nên việc đốt vàng mã dù được vận động nhiều vẫn bùng phát. Đây còn là biểu hiện của mê tín dị đoan, kích thích sinh hoạt tín ngưỡng quá đà, ảnh hưởng xấu việc xây dựng nếp sống văn minh.

Ngoài quần áo, giày dép, tiền vàng, vật dụng thông thường, hiện nay còn có những mẫu nhà lầu, các loại xe hơi, xe máy đời mới nhất, điện thoại di động, máy tính xách tay, xe đạp điện... còn có cả thẻ tín dụng, vé máy bay, hộ chiếu, bằng lái xe, người hầu cho người “cõi âm”; ngoài tiền địa phủ còn có cả Dollar Mỹ, Nhân dân tệ 人民 Tầu...; ngoài vàng bằng giấy còn cả những thoi vàng bằng nhựa y như thật…. Đặc biệt trên thị trường đầy rẫy những tờ tiền Âm phủ rất giống tiền Polymer cùng ghi “mệnh giá” dễ nhầm lẫn với người cao tuổi.

Giá cả của những mặt hàng này cũng đa dạng không kém, từ vài chục nghìn đồng cho một bộ quần áo đến vài triệu đồng cho chiếc ôtô BMW.

Về mẫu mã vàng mã, ngày 06/10/2010 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BTTTT, liên quan đến việc nghiêm cấm sử dụng nội dung, hình ảnh, họa tiết, màu sắc của tiền Việt Nam và nước ngoài để in vàng mã.

Nhưng việc cấm này không dễ như cấm đốt pháo nên xem ra các văn bản này chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, người dân vẫn mua tiền âm phủ giống tiền Dollar Mỹ, Nhân dân tệ 人民 Tầu và Polymer Việt...; vẫn đốt đồ mã, thậm chí đốt nhiều, có khi ở cả công sở và chưa thấy cơ quan công quyền nhiệt tình thực thi việc phạt. Nhiều người cho rằng trong khi số đông xã hội vẫn duy trì việc đốt vàng mã, để cho tâm linh người sống thỏa mãn thì khó thể cấm đoán được.

Rất mừng là hiện nay một số nơi và nhiều Phật tử đã “không còn đốt vàng mã” nữa.

Một Rằm tháng Bẩy nữa đang đến, là một người “vô thần” và theo “trào lưu”, tôi định bỏ mọi thủ tục khấn cúng, đốt vàng mã. Nhưng nghĩ lại: cái chi cũng cần có lộ trình và tôi còn mẹ già trên 100 nên cần cụ đồng thuận và yên lòng do vậy năm Giáp Thìn 2024 này gia đình tôi vẫn “tiếp tục nguyễn y vân”.

Để việc dâng lễ vàng mã vừa đơn giản, tiết kiệm vừa giữ được ý nghĩa vốn có, giúp người cúng thoải mái tâm lý, nhưng nên chọn vừa đủ, không phải phô trương nhà lầu, xe hơi, điện thoại đắt tiền hay núi quần áo đồ sộ. nên tránh tâm lý cuồng tín, ganh đua, cốt ở “lễ bạc lòng thành”.

Những người còn sống nên làm những việc lợi ích như giúp đỡ mọi người, bố thí cho kẻ khốn cùng, thực hiện các việc công đức, có ích cho cộng đồng rồi đem dâng báo cho người đã mất thì chắc chắn họ sẽ được hưởng, được tiêu trừ tội chướng, được tái sinh vào cõi lành, hoặc có thể siêu sinh Tịnh độ. Còn việc đốt giấy tiền vàng mã thì không thể giúp ích gì cho thân nhân.

Thế giới người âm, Thánh Thần ... mỗi người đều có việc để họ làm, và tất nhiên họ vẫn tồn tại nếu như không có chúng ta tài trợ. Việc chúng ta gửi tiền, vàng, mã chỉ là Quà biếu thơm thảo tỏ lòng biết ơn, kính trọng và luôn nhớ đến họ mà thôi. Người âm, Thánh Thần cần cái chữ “Tâm” hơn.

Việc đốt mã, khi chưa dứt hẳn phải dùng cho đúng. Nó chỉ được dùng khi Khai khẩu, nhập khẩu người âm, tạ động mồ, mả, Thần linh. Nếu ta dùng không đúng thì sẽ không có hiệu quả, người âm hoặc Thần linh không nhận được. Tất nhiên chỉ cần có đủ chứ không cần phải to, nhiều, hoành tráng gây lãng phí không cần thiết, mà hiệu quả đạt được đều như nhau. Ví dụ khi ta phải trả nợ Tào quan (Thiên Đình) thì không thể dùng tiền Địa phủ, USD giấy được, mà phải Hóa tiền. Tiền, hàng mã là giả, xuống âm phải qua một chuỗi “phản ứng hóa học” trong đó có việc đổ rượu vào tro tạo chất xúc tác mới thành đồ và tiền âm rồi lại đổi, hạ giá nhiều lần so với tiền thật đã mua.

Do vậy, mỗi dịp cúng lễ, không đốt vàng mã giả, có chăng nên tượng trưng chút ít chứ nếu cứ mỗi người đa mất cúng một bộ thì quá  nhiều và dễ sắm thiếu, như thế hóa ra “kính chẳng bõ phiền”! Dù thế nào cũng chú ý phòng cháy và không nên đốt đồ mã làm bằng nhựa rất độc hại.

Có người từng khuyến khích bầy cúng tiền thật (nhất là tiền chuẩn bị mua sắm tài sản có gía trị lớn), áo quần thật mới may, mới mua. Sau cúng xong thì lấy dùng bình thường. Người âm sẽ giao động theo bóng tiền, áo quần, đồ vật đó mà độ trì cho người sử dụng được tốt lành.

Đối với nhà mặt phố, không nên đốt ngoài đường vì khói và tro bụi sẽ ảnh hưởng đến người đi đường; các gia đình ở nhà chung cư không nên hóa vàng mã ở ban công hoặc các không gian chung như hành lang, sân thượng,...

Theo quan niệm của Phật giáo “tâm xuất thì Phật biết” 心出佛知 nên mỗi khi cầu cúng, kể cả dịp Rằm này chúng ta lấy cái chân thành là chính. Đồng thời nếu có đốt vàng mã thì nên thực thi đúng tục và nhớ rằng “mã đầu là mã cho, mã hai mới là mã nhận”.

Chú ý năm Giáp Thìn 2024 này: Rằm tháng Bẩy Chủ Nhật ngày 18/8 Dương và Thần thời gian là: Lý Thành Đại tướng quân; Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh Hành Binh chi Thần, Biểu Tào Phán quan. Đồng thời là năm thuộc hành HỎA (Phú Đăng Hỏa) nên ai có cúng Thổ công thì nên sắm Mũ, áo, hia mầu ĐỎ. Chết nỗi đều mua ngoài chợ mà người làm, người bán đâu quan tâm đến “hành” của năm hay “mầu” của mũ, áo Thổ công. Thôi thì cứ mua đại đi và đều “hóa”, CUNG PHẦN SỚ VĂN 恭焚疏文 cả mà!

Theo quan niệm của dân gian nên cúng cô hồn từ 02 đến tối 14 âm lịch  bởi ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mặt trời mạnh trong khi các cô hồn được “mở cửa ngục” thả ra rất yếu, khó dung hợp. 

Nhưng con cháu nay đều làm ăn xa nơi chôn nhau cắt rốn nên cứ vào thứ Bẩy, Chủ Nhât là được ngày, tốt nhất từ 10 đến trước 15/7 âm.

Những gia đình có người thân vừa mất, nếu có sắm và đốt mã thì nên nhớ “Mã đầu là mã cho, mã sau mới là mã nhận”. “Cho” là cho những “hàng xóm” của vong mới (để đỡ bắt nạt vong nhà còn non yếu, một dạng hối lộ chăng?), “nhận” chính là người dương thế “biếu” cho vong linh người thân ở âm phần, khi đó đồ vừa hóa mới đến tay vong người mình định biếu!.

                                   -Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn tham khảo, 10/7/Giáp Thìn-

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!