Trong các hệ đếm từ xưa truyền lại, như hệ đếm cơ số 2, cơ số 3, cơ số 5, cơ số 10, cơ số 12 thì riêng hệ đếm cơ số 12 gắn với “Can Chi” nay chỉ còn dùng để chỉ thời gian, liên quan nhiều đến một số nền văn minh cổ.
Cổ xưa, người Trung Hoa chưa biết đến số đếm. Thời Hoàng đế (黃帝[1], 2000 tCn) người ta đã sáng tạo ra “Can, Chi” (干支 gānzhī). Đây là hệ đếm cổ (10, 12) vẫn còn dùng ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam. Ban đầu nó dùng để chỉ ngày, sau đó vì tính tiện ích tổng hợp của nó, nó được dùng gọi giờ, tháng và năm và gắn với những con vật. Như vậy can chi trở thành đơn vị thời gian âm lịch. Nhưng nếu nghiên cứu kĩ các nhận xét về bệnh tật của các con giáp cho phép thừa nhận sự chặt chẽ và khoa học hệ đếm can chi này.
Can 干 có nghĩa là cây có gốc ở Trời nên gọi là Thiên can (天干; tiāngān) và bởi dùng ngũ vận để tính Thiên căn (2 x 5=10) nên gọi Thập Can (十干; shígān). Thập Thiên can là: 1.Giáp 甲, 2.Ất 乙, 3.Bính 丙, 4.Đinh 丁, 5.Mậu 戊, 6.Kỷ 己, 7.Canh 庚, 8.Tân 辛, 9.Nhâm 壬, 10.Quý 癸.
Chi 支 có nghĩa là cành trúc bị lìa khỏi thân, là cành nơi mặt đất nên gọi là Ðịa chi (地支; dìzhī) và bởi được tính theo lục khí là 2 x 6=12 nên được gọi là Thập Nhị Chi (十二支, shíèrzhī). Thập nhị Địa chi theo thứ tự từ 1 đến 12 là : 1.Tý 子, 2.Sửu 丑, 3.Dần 寅, 4.Mão 卯, 5.Thìn 辰, 6.Tỵ 巳, 7.Ngọ 午, 8.Mùi 未, 9.Thân 申, 10.Dậu 酉, 11.Tuất 戌, 12.Hợi 亥. Người ta đã gắn 12 con vật (Chuột, Trậu...Chó, Lợn) vào địa chi gọi là cầm tinh.
Về mặt âm dương thì: số lẻ tựợng trưng cho trời các số chẵn tượng trương cho đất. Chi: số lẻ (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) là dương chi; Số chẵn (Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi) là âm chi; Can: số lẻ (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) là dương can ; số chẵn (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) là âm can.
Cổ nhân ghép một can với một chi để tạo thành tên gọi chính thức của những đại lượng chỉ thời gian cần đặt tên (ngày, giờ, tháng, năm v.v) bắt đầu từ can Giáp và chi Tý tạo ra Giáp Tý 甲子, sau đó đến can Ất và chi Sửu tạo ra Ất Sửu 乙丑 và cứ như vậy (Bính,..., Quý ghép với Dần,...., Hợi) cho đến Quý Hợi 癸亥 là hết và quay trở lại chu kỳ mới. Chú ý rằng: can chẵn đi với chi chẵn, can lẻ đi với chi lẻ. Một chi có thể ghép với năm can và một can đi cùng sáu chi. Như vậy có tổng cộng 60 (bằng bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12) là tổ hợp khác nhau của 10 can và 12 chi.
Việc phối hợp Thiên can, Địa chi tạo ra vòng Giáp Tý (60 tổ hợp can chi) nên gọi là Lục thập hoa Giáp rất quan trọng trong việc xem tuổi, tính ngày, chọn hướng, dự đoán vận mệnh. Chu kỳ 60 năm, Can-Chi (干支 gānzhī), được thêm vào từ thế kỷ 1 tCn, và nó được tạo thành bởi tổ hợp của hai chu kỳ được biết như là “chu kỳ Giáp Tý” (甲子, jiǎzǐ). Như vậy nếu ngày, tháng, năm Âm lịch trùng tên liền kề thì hơn kém nhau một bội số của 60 đơn vị thời gian, tức là cách nhau một Hoa Giáp 花甲 (hoặc Hoa Giáp Tý 花甲子). Chu kỳ Hoa giáp được các nhà Chiêm tinh phương Đông lấy làm căn cứ để dự đoán vạn vâth theo thời gian.
Khi thiết lập lịch Can Chi, các nhà làm lịch cổ quy ước: điểm Giáp Tý đầu tiên của thời gian phải ứng với hướng chính Bắc, hướng của sao Bắc Thần 北晨, một ngôi sao hầu như đứng yên trên bầu trời[2]. Như thế, năm Giáp Tý đầu kỉ nguyên niên lịch phải là năm mà ngày 01 tháng Giêng là ngày Giáp Tý, tháng Giáp Tý và giờ Tý của ngày đó mang can Giáp.
“Giáp” là can đầu trong mười can và “Tý” là chi đầu trong mười hai chi. Như vậy, Giáp Tý là Thiên can và Địa chi đầu tiên, nó liền kề Quý Hợi 癸亥 của Can Chi trước và trước Ất Sửu 乙醜. Theo Âm Dương Ngũ hành 陰陽五行 thì Giáp Tý có Thiên can 天幹 Dương 陽, mệnh Mộc 木 còn Địa chi 地支 thuộc Dương 陽, mệnh Thuỷ 水. Do Thuỷ sinh Mộc nên Giáp Tý là tương sinh 相生.
Với cây cối thì: Giáp là cây cỏ đội đất nẩy mầm, “dương cốt âm bì”; Tý là mầm cây, là hạt giống cây cỏ đang hút nước trong đất để nẩy mầm, là hiện tương hạt trương nước để khởi đầu một mầm dương.
Như vậy thời điểm Giáp Tý khởi thuỷ của niên lịch là thời điểm đặc biệt. Thời điểm đó gắn với hiện tượng “Thất tinh hợp bích”, 七星合壁 hay “Thất diệu tề nguyên” 七曜劑元. Hiện tượng thiên văn “Ngũ tinh liên châu” 五星連珠 kỳ thú hiếm thấy này khi xuất hiện là các nhà Chiêm tinh xưa và cả nay thường gán cho những điềm báo quan trọng.
[1] Chữ hoàng 黃 ở đây chỉ sắc vàng, khác với hoàng 皇 trong hoàng đế 皇帝 là tên gọi cho vua kể từ thời Tần
[2] Thực ra sao Bắc Cực thuộc chòm sao Tiểu Hùng tinh có di chuyển nhưng cực kỳ chậm, phải 26.000 năm mới hết một vòng nhỏ nên không cho phép con người quan sát được. Chính sự dịch chuyển 50,256 giây mỗi năm gây ra hiện tượng “Tuế sai” mà cứ 20 năm phải chỉnh lịch một lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!