[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 5 2024

Lại bàn về NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ

Nhân chuyện “lên xuống” của mấy “trụ” vừa qua gây tốn bao giấy mực, thời gian và sự quan tâm của mọi người, ôn lại đôi điều nhận thức về nguyên tắc tập trung dân chủ, việc thực hiện nó cũng như giá trị ý nghĩa của nguyên tắc này!

 Nguyên tắc tập trung dân chủ (A: Democratic centralism, P: Centralisme démocratique, H: 民主集中製) là một trong những nguyên tắc cơ bản được trình bày trong điều lệ chính thức của các đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin (A: Marxism–Leninism, P: Marxisme-léninisme, H: 馬剋思列寧主義hay chủ nghĩa Marx–Engels–Lenin.

Lenin (Vladimir Ilyich Ulyanov, Влади́мир Ильи́ч Ле́нин, 1870 – 1924), người đầu tiên nhắc tới khái niệm “Tập trung dân chủ” Демократический централизм, trong Báo cáo về Đại hội đoàn kết của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga Российская социал-демократическая рабочая партия (РСДРП), giải thích rằng: tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động.

Trong đó, “Dân chủ” (A: Democracy, P: Démocratie, H: 民主là tính từ bổ nghĩa cho “Tập trung” (A: Concentrate, P: Se concentrer, H: 集中), nên nếu hiểu cho chính xác thì đó là: “Nguyên lý tập trung có tính dân chủ”. Nghĩa là quyền lực của người dân phải được tập trung; người dân bầu ra người đại diện cho mình thực thi quyền lực ấy vì dân, vì đất nước. Có lúc, có người rất tâm đắc với thuật ngữ đảo ngược là “Dân chủ tập trung” nhưng dù thế nào, thì nguyên tắc đó vẫn phải hiểu rằng: Để hành động thống nhất, khi ra các nghị quyết phải được thảo luận dân chủ, khi nghị quyết được hình thành, mọi người buộc phải thực hiện; cấp dưới phải phục tùng cấp trên, số ít phải phục tùng số nhiều. Như vậy:

Một mặt tập trung hóa bộ máy đảng, có nghĩa là, cấp dưới phải tuân theo cấp trên (cấp trên có quyền ra lệnh cho cấp dưới),

Mặt khác những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước cử tri, và cử tri phải có quyền hạ bệ giới lãnh đạo.

Một kỷ luật đảng nghiêm túc, tại mọi cấp theo đó thiểu số phải tuân theo đa số.

Chính V.I. Lênin từng khẳng định: “Chế độ tập trung tuyệt đốikỷ luật hết sức nghiêm minh của giai cấp vô sản là một trong những điều kiện căn bản để chiến thắng giai cấp tư sản” và “đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy”.

Đáng tiếc, ở ta có lúc, có nơi: thào luận thì dễ thống nhất, nghị quyết nhanh thông qua nhưng thực thi lại dễ nẩy sinh có lắm “trái khoáy”, “điểm đặc thù”!

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó được thể hiện rõ tại Điều 9 Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011). Cụ thể gồm 6 nội dung, là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).

3. Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

Nguyên tắc này được quán triệt, khẳng định trong các kỳ Đại hội của Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quán triệt, thực hiện đúng  nguyên tắc này là yêu cầu quan trọng để bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định.

Dân chủ tập trung theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa dân chủ và tập trung. Trong đó, dân chủ không đối lập với tập trung, mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài; còn tập trung cũng không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với sự phân tán, cục bộ, bè phái, tự do vô chính phủ. Nhận thức đúng và thực hiện đúng, nghiêm túc nguyên tắc dân chủ tập trung trên tinh thần “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn” và “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung.

Những năm qua, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nhìn chung được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ. Trong đó, công tác tuyển chọn, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số. Vai trò của các tổ chức và nhân dân trong giám sát và tham gia vào công tác quản lý, đánh giá, tuyển chọn cán bộ được phát huy, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng được tiến hành định kỳ, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức cơ sở Đảng tại các địa phương, cơ quan, đơn vị không nghiêm túc, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị bóp méo, vô hiệu hóa, bị lạm dụng thông qua việc lấy ý kiến đa số, quyết định của tập thể cấp ủy để thực thi ý chí của thiểu số, do lợi ích nhóm chi phối. Ở những nơi đó, cán bộ lãnh đạo gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, không những chưa phát huy quyền của đảng viên mà còn  thiếu tôn trọng và ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Thậm chí, đã có không ít trường hợp người đứng đầu tổ chức đảng lợi dụng, lạm dụng và thâu tóm quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong công tác cán bộ bằng nhiều thủ đoạn. Trong khi đó, người đứng đầu cấp ủy - bí thư cấp ủy có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuẩn bị để tập thể cấp ủy quyết định các vấn đề quan trọng, nhất là công tác nhân sự, cho nên đã có không ít những tiêu cực phát sinh từ đây, biểu hiện cụ thể là tình trạng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy chức, chạy quyền gây bức xúc trong Đảng và trong xã hội.

Hiện nay, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,... tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

1. Nguyên tắc tập trung dân chủ không phải của chủ nghĩa Mác, mà do V.I.Lênin đặt ra. Chúng viện rằng thời C.Mác (1818 - 1883) và Ph.Ăngghen (1820 - 1895) chưa có tên gọi nguyên tắc tập trung dân chủ, mà chỉ xuất hiện bởi V.I.Lênin, chỉ phù hợp ở thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, khi chưa giành được chính quyền hoặc khi lãnh đạo chiến tranh cần có kỷ luật chặt chẽ, tập trung, thống nhất cao độ. Còn trong điều kiện hòa bình, khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa sáng tạo của cá nhân thì nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa.

Sự thực là cơ sở khoa học khẳng định: chính C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho nguyên tắc tập trung dân chủ từ năm 1847 và V.I.Lênin là người kế thừa, bổ sung và phát triển.

Do đó, không thể nói nguyên tắc tập trung dân chủ đã “lỗi thời”, không còn giá trị mà nó vẫn có tính thời sự, còn phù hợp.

2. Quan điểm sai trái về bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ, “không thể dung hòa; đồng thời, kêu gọi bỏ “chế độ thiểu số phục tùng đa số” thì mới thực sự có “dân chủ”, “sáng tạo”, v.v.

Như đã phân tích, sức mạnh của Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; sự thống nhất đó chỉ có thể giữ vững và biến thành sức mạnh vật chất khi được bảo đảm bằng sự thống nhất về mặt tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là cơ sở bảo đảm cho Đảng thực sự là một tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở: Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người.

3. Quy kết tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là “lỗi từ gốc” do độc đảng, từ đó cổ súy tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Thực tiễn cho thấy: dân chủ ở một quốc gia không phụ thuộc vào việc ở đó có một hay nhiều đảng mà phụ thuộc vào bản chất chính của đảng cầm quyền và mức độ dân chủ không tỷ lệ thuận với sự gia tăng của số lượng các đảng chính trị. Chẳng hạn, Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan hay Hòa Lan (Nederland) có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng,... nhưng không thể kết luận Ácmênia dân chủ hơn Hà Lan, Na Uy.

Hiện nay, trên thế giới, ngoài Việt Nam còn có khoảng hơn 30 quốc gia theo chế độ một đảng, như: Antigua, Arab Saudi, Bénin, Bosnia, Cuba, Lao, Libya, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ,... Hơn nữa, ngay trong chủ nghĩa tư bản, có thời kỳ một số quốc gia và vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Ví dụ: cho đến cuối những năm 1980, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan,... vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, nhưng vẫn vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Trong điều kiện ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc làm mục tiêu xuyên suốt và luôn xây dựng, chỉnh đốn để đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì tính chất dân chủ, tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ không phụ thuộc số lượng bao nhiêu đảng.

Như vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không “lỗi thời”. Đây là vấn đề sống còn của Đảng, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghiêm nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của Đảng, làm cơ sở để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.

Xin được nhắc lại: Tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ, chúng luôn thống nhất, tác động bổ sung cho nhau.  “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”[1]. Sau này, V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”[2]. Điều đó cũng có nghĩa là, “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc”[3].  Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ có sự lãnh đạo, được sự bảo đảm của tập trung. Dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với tình trạng tản mát, tự do, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật. Dân chủ là cơ sở của tập trung và tập trung chỉ có thể thực hiện được hiệu quả trên cơ sở phát huy thật sự dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Dân chủ có sự bảo đảm của tập trung cũng hoàn toàn khác về bản chất với dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. “Tập trung” không phải là “độc đoán”, “chuyên quyền” “toàn trị”; “dân chủ” không phải là “à uôm”, “cá mè một lứa”, “ba phải” !

Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột để xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc đó quy định cơ cấu, hình thức tổ chức của Đảng, phương thức, chế độ thiết lập các cơ quan lãnh đạo của Đảng, xác lập các quy tắc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng và nguyên tắc này còn chi phối các nguyên tắc khác của Đảng. Đó cũng là nguyên tắc quan trọng nhất để chỉ đạo mọi hoạt động của tổ chức, sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của Đảng. Nó làm cho Đảng được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được tính chủ động, năng động và sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên. Nó bảo đảm cho Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức chiến đấu, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ vừa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, vừa tập trung được trí tuệ và sức mạnh vật chất của toàn Đảng.

Để giữ vững và tăng cường nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

1. Nâng cao nhận thức, thống nhất trong toàn Đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Giữ vững chế độ nền nếp sinh hoạt định kỳ của các cấp ủy, tổ chức đảng

3. Nâng cao chất lượng phê bình và tự phê bình trong toàn Đảng

4. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ

5. Nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên.

Hơn bao giờ hết, người dân hay nói chung là nhưng người “thấp cổ bé họng” cần phải có tri thức để sử dụng quyền “dân chủ” có hiệu quả hơn, lãnh đạo hay rộng ra là những ai “ăn trên ngồi trốc” phải nắm vững pháp luật, lẽ phải để thực thi đúng cách, hợp nhẽ, được việc lại không bị “ngã ngựa” !

Mọi biểu hiện của “tập thể buông lỏng lãnh đạo, quản lý”, “cá nhân độc đoán, lạm quyền” đều là sai trái và tất sẽ dẫn đến …hỏng, bại vong !

-Lương Đức Mến, sát sau ngày nghỉ kéo dài-



[1] Ph.Ăngghen trong C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1984, t.6, tr.339.

[2] V.I.Lênin trong V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.36, tr.185

[3] V.I.Lênin trong V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.36, tr.186

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!