[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 3 2024

Tìm hiểu thêm về TỨ BẤT TỬ

Hôm tham dự Lễ hội Đền Thượng (Rằm tháng Giêng Giáp Thìn tức 24/02/2024) trên Đồi Hỏa hiệu cạnh sông biên giới Nậm Thi ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai thấy có cụ giới thiệu Đức Thánh Trần là một trong Tứ Bất tử của Việt Nam. Nhiều người gật gù, tán đồng!

Mình nghe, ngẫm mà băn khoăn quá, đặc biệt là tính chính xác của thông tin này. Về lục tìm tư liệu ngộ ra khối điều.

Trong tư duy của người Việt, con số bốn (tứ) là con số mang tính ước lệ và có ý nghĩa lớn. Đó là một hằng số được dùng để khái quát về một phạm trù nào đó. 

Vì vậy có: An Nam tứ đại khí 安南四大器, là bốn kỳ quan, quốc bảo, tức bốn công trình nghệ thuật bằng đồng của thời Lý, Trần: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, Quảng Ninh; Tháp Báo Thiên ở Thăng Long; Chuông Quy Điền chùa Diên Hựu (chùa Một Cột); Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định); Thăng Long tứ trấn 昇龍四填 chỉ 4 ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ 4 vị trí huyết mạch phía đông, tây, nam, bắc của kinh thành Thăng Long xưa, gồm: đền Bạch Mã trấn phía Đông, đền Voi Phục trấn phía Tây, đền Kim Liên trấn phía Nam, đền Quán Thánh trấn phía Bắc; Tứ phủ công đồng 四府公同 hay Tứ phủ Vạn Linh 四府萬靈 có thể là thờ Thánh đế (Ngọc Hoàng Thượng đế, Tản Viên Sơn Thánh chủ, Động Đình Bát Hải Long Vương, Minh Vương) hay Thánh Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn,  Thoải, Địa tiên); Tứ Linh  四靈 bốn loài linh thú lớn trong thần thoại và không có thực, tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành là Long (龍, rồng), Lân (麟, kỳ lân), Quy (龜, rùa) và Phượng (鳳, phượng hoàng); là  Tứ Tượng 四象 còn gọi là Thiên chi Tứ Linh, Tứ Thần hay Tứ Thánh bao gồm 4 Thần thú: Thanh Long 玄武, Bạch Hổ 白虎, Chu Tước 朱鳥, Huyền Vũ 玄武; là đại diện của 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc hoặc gắn với 4 mầu Xanh, Trắng, Đỏ, Đen, 4 hướng Trái, Phải, Sau, Trước, 4 mùa Xuân, Thu, Hạ, Đông, 4 thời Bình Minh, Chiều tối, Giữa trưa, Nửa đêm, 4 hành gồm Mộc, Kim, Hỏa, Thủy,...

Trong đó, Tứ bất tử 四不死 là tên gọi chung của bốn vị thánh “không chết” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam 越南民間信仰. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống và dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình. Danh sách các vị Thần trong Tứ Bất tử khác nhau đôi chút tùy thời cuộc. Cụ thể, theo tài liệu người Trung thì:

Người đời Minh (大明, 1368–1644) cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không.

Người đời Thanh ( , 1636–1912) quan niệm An Nam Tứ bất tử gồm: Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Chử Đồng gậy nón lên trời, Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai.

Ngày nay, với người Việt thường khẳng định tứ bất tử gồm: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa.

Như vậy, 4 vị thần được xếp trong Tứ Bất tử tương đối thống nhất, gồm:

3 vị nam thần đầu tiên theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương ( 雄王, TK VII- TK II tCn), là:

Tản Viên Sơn Thánh (傘圓山聖, 304 tCn - ?), hay Sơn Tinh 山精, là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi ở Việt Nam, tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.

Phù Đổng Thiên Vương 扶董天王 hay Thánh Gióng  聖揀 hay Sóc Thiên vương 朔天王 tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.

Chử Đồng Tử 渚童子, còn được gọi là Chử Đạo Tổ, là chồng của con gái Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương, 雄睿王 ~334 – 258 tCn)  là Công Chúa Tiên Dung 仙容公主; tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có.

Người phụ nữ duy nhất có thật, mới được đưa vào hệ thống Thần Thánh từ thời Hậu Lê (後黎朝, 1428-1789), là: Công chúa Liễu Hạnh 柳杏公主 hay Mẫu Thượng Thiên 母上天, Mẫu Liễu Hạnh 母柳杏,  Thánh  Mẫu Liễu Hạnh 聖母柳杏 ; tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng, thơ văn. Bà được tôn đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ.

Một số người ít được nhắc đến:

Từ Đạo Hạnh (徐道行, 1072 – 1116), tục gọi là Đức Thánh Láng 德聖𣼽, là một thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý (李朝, 1009-1225). Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông thường được liệt vào hàng thánh nổi tiếng trong tín ngưỡng Việt Nam, gọi là Tứ bất tử, còn được gọi là Thánh Láng;

Nguyễn Minh Không, còn được gọi là Thánh Nguyễn (李國師 15 tháng 10 năm 1065 –19 tháng 11 năm 1141) là tên gọi theo quốc tính họ Vua do nhà Lý ban cho và ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một vị thiền sư từng là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu Nguyễn Minh Không 阮明空. Đạo hiệu Phù Vân quảng đạt đại pháp sư, người dân ở quê hương Ninh Bình thường gọi ông là Đức Thánh Nguyễn 德聖阮.

Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là Thánh Tổ của Phật giáo, được xếp vào Tứ Bất Tử trước khi xuất hiện Liễu Hạnh. Các ông tượng trưng cho khả năng phi phàm tồn tại trong chính mỗi người nếu được khai phát một cách đúng đắn. Họ là đại diện của văn hóa Lý - Trần vốn lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Như vậy, không tài liệu cổ nào xếp Đức Thánh Trần vào danh sách Tứ Bất tử. Lịch sử ghi rõ: Trần Hưng Đạo (陳興道, 1228 – 1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn 陳國峻, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Sau khi qua đời dân gian đã suy tôn ông thành Đức Thánh Trần 德聖陳 hay còn gọi là Cửu Thiên Vũ Đế 九天武帝. Tuy công lao lừng lẫy (chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288), phẩm chất sáng ngời (gạt bỏ hiềm khích riêng, tiến cử người tài giỏi, kính cẩn giữ tiết làm bề tôi,…) nhưng có thác đi, cũng không có phép lạ tái sinh chuyển thế. Mà việc liên tục chuyển thế hay đầu thai chuyển thể (sinh hóa hóa sinh) là đặc điểm chung của các vị thần trong bộ Tứ Bất Tử. Cuộc đời Trần Hưng Đạo không có chuyện này và vì thế Ông chỉ là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

 Đành rằng, tín ngưỡng Việt Nam rất coi trọng con người, người Việt khá hay thờ con người, đặc biệt là thờ khi người đó còn sống và phong thánh, chẳng hạn, với các “nhân thần” như phong Trần Hưng Đạo là Đức Thánh Trần, Nguyễn Minh Không là Đức Thánh Nguyễn, Từ Đạo Hạnh là Đức Thánh Láng,…Tương tự như thời hiện đại, dân gian thờ những người công cao, đức lớn, được kính trọng như Chủ tịch Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Nhưng không nên lạm dụng điều đó và đừng vì quá kính trọng Đức Thánh Trần, nặng lòng với quê hương biên viễn Lào Cai mà nói khác đi về một Tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu bám rễ trong lòng dân toàn cõi Việt!

-         Lương Đức Mến, 05/Hai/Giáp Thìn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!