[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 9 2023

HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VỚI VIỆC CHÚC THỌ

Tập hợp đoàn kết người cao tuổi thành một khối thống nhất để phát huy vai trò, tiềm năng của họ cũng như bảo vệ quyền lợi, chăm sóc người cao tuổi Việt Nam (mới) từng có Hội phụ lão cứu quốc dần chuyển thành các hình thức tổ chức hoạt động cụ thể như Hội bảo thọ là tổ chức quần chúng hoạt động có tính chất tương tế, phúc lợi ở xã, phường, thôn, ấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường cho phép.

Sau này, ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 523/TTg cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đại hội lần thứ I thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đã họp trong hai ngày 9 và 10 năm 1995 tại Hà Nội quyết định chương trình hành động của Hội, Điều lệ Hội và quyết định lấy ngày 10/5/1995 là ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Quá trình tiến hành tổng kết Chỉ thị 59-CT/TW ngày 27/9/1995 “Về chăm sóc người cao tuổi” của Ban Bí thư, và Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ “Về chăm sóc Người Cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam”, nhiều cấp ủy, đảng bộ cơ sở đánh giá Hội Người cao tuổi cơ sở, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… là những đoàn thể hoạt động hiệu quả nhất.

Việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi trong cả nước và yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò, tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên Hội đã phát triển lớn mạnh[1].

Đến năm 2023 đã qua 5 kỳ Đại hội: Đại hội I (từ ngày 10/5/1995 - 12/7/2001) với Chủ tịch là ông Phạm Khuê (1925-2003) , Đại hội II (từ ngày 12/7/2001 – 30/12/2006) với Chủ tịch là ông Vũ Oanh (1924-2022), Đại hội III (từ 30/12/2006 - 11/11/2011) với Chủ tịch là ông Nguyễn Tấn Trinh (1936-2016) , Đại hội IV (từ 11/11/2011- 09/11/2016) với Chủ tịch là bà Cù Thị Hậu (SN 1944) , Đại hội V (từ 9/11/2016-14/1/2022) với Chủ tịch là bà Phạm Thị Hải Chuyền (SN 1952) và nay đang ở Nhiệm kỳ VI (2021-2026).

Đại hội VI này họp sáng 14/01/2022 tại Hà Nội với 333 đại biểu đại diện cho hơn 9,7 triệu hội viên người cao tuổi trên cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành 93 Ủy viên, Ban Kiểm tra 5 Ủy viên. Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ 14 Ủy viên. Ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương được bầu giữ chức Chủ tịch Hội NCT Việt Nam khóa VI; và các Phó Chủ tịch: Trương Xuân Cừ, Phan Văn Hùng, Nguyễn Thành Lập.

 Hiện nay, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 10 triệu người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Người Việt sẵn vốn nặng đạo hiếu, tôn trọng người cao tuổi và thường nhắc: “Kính lão đắc thọ”, “kính già già để tuổi cho”. Người xưa cho rằng những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe, mới có con cháu đề huề; lại là người từng trải giầu vốn sống rất có ích khi góp ý cho con cháu, họ mạc, làng xóm. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi con cháu hay nhân viên, đệ tử sẽ tổ chức lễ “Mừng thọ” cho ông bà, các bậc trên còn gọi là “Đại sinh nhật”.

Từ ngày có Hội, việc Chúc Thọ, Mừng Thọ đều do Hội Người cao tuổi thôn, xã (phường) đảm nhận và các tô chức đoàn thể tham gia. Ngoài việc chuẩn bị quà tặng, Hội Người cao tuổi (xã, thôn) có kế hoạch, kịch bản để cùng gia đình, tổ chức đoàn tổ chức lễ mừng thọ một cách trang trọng. Các tiết mục  văn nghệ của khu dân cư được dịp phát huy “cây nhà lá vườn”; con cháu tặng cụ quà, hoa, trướng, những lời chúc mừng trường thọ. Tất cả mang lại những tình cảm ấm áp, động viên cụ sống “vui, khỏe, có ích”.

Luật Người cao tuổi được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 (thay thế Pháp lệnh Người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10) thường gọi tắt là Luật số 39/2009/QH12 quy định: việc Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tại Điều 21 như sau:

1. Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.

2. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.

3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:

a) Ngày người cao tuổi Việt Nam[2];

b) Ngày Quốc tế người cao tuổi[3];

c) Tết Nguyên đán;

d) Sinh nhật của người cao tuổi.

4. Kinh phí thực hiện quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn đóng góp của xã hội.

Do vậy, khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được nghe thư chúc thọ của lãnh đạo địa phương, được nhận giấy mừng thọ của Hội Người Cao tuổi Việt Nam và chi hội tổ chức trao giấy chứng nhận “Tuổi cao gương sáng” cho các cụ mẫu mực; chụp ảnh lưu niệm. Giấy Mừng thọ được treo trang trọng bên cạnh các Giấy khen, Bằng khen, Huân Huy chương của gia đình và coi đó như là một cách để giáo dục lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ,  là niềm tự hào của mỗi gia đình.

Các cụ trên 90 tuổi được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh, trên 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước.

Dịp này, có Chi hội NCT phát động con cháu đóng góp vào quỹ “Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ” để phục vụ các hoạt động như: thăm hỏi các cụ lúc ốm đau; giúp đỡ các cụ hoàn cảnh khó khăn và tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ vào dịp đầu Xuân. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của con cháu, phố phường, làng xã không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Đồng thời con cháu hãnh diện với chòm xóm bởi cho rằng nhà có “Phúc” mới có cha mẹ thọ cao.

Tại gia đình, có lễ cáo gia tiên rồi con cháu tặng hoa; bà con biếu quà thường là “phong bì”, bức Trướng, quần áo; hát, đọc thơ; có chụp ảnh, ghi hình làm lưu niệm. Sau đó gia chủ mời khách liên hoan (mặn hay ngọt) tùy tâm, tùy gia cảnh.

Cũng có nhiều cụ không cho tổ chức Chúc Thọ bởi nhiều lẽ, trong đó có việc thấy mấy ông bà trong xóm cứ hễ mừng thọ xong là quy tiên!

Khi đời sống của chúng ta ngày càng được cải thiện nên tuổi thọ của con người ngày một được nâng cao và việc tổ chức chúc thọ cho cha mẹ được tổ chức lớn hơn, đông bạn bè đến chúc mừng hơn.

Song cũng có người (thường là có chức trọng, quyền cao) muốn phô trương, cầu lợi nên làm lễ mừng thọ linh đình và sớm cho cha mẹ, trở thành cái cớ để cấp dưới cung phụng, đàn em trả ơn hay hối lộ và người đến dự chỉ nhăm nhăm “ra mắt” xếp của họ mà quên bẵng người được chúc. Việc mừng thọ khi đó chỉ còn là cái cớ, các cụ bị “tận dụng”!. Lại sau khi tan tiệc, bao “phong bì” ông “xếp” vơ mang ra tỉnh hết, báo hại chú, cô em ở nhà đầu tắt mặt tối lo chăm sóc mẹ cha, lo nấu cỗ nhưng đâu có “khách” lắm mà được “chia” phong bao! Ngược lại, lắm gia đình phải bổ bán kinh phí lo các cỗ mặn sau tiền mừng không đủ hoặc đem ra chia chác sinh ra cãi nhau khi “quyết toán”...Những cái đó làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của việc mừng thọ.

Do vậy người chủ gia đình cần tỉnh táo, có đủ “Tâm , Trí , Tài , Thể ” để tổ chức việc Chúc Thọ cha mẹ sao cho các cụ vui, giữ được tình anh em, lân xóm. Nhưng nhiều khi người chủ trì tính toán mọi nhẽ nhưng do những nguyên nhân ngoài dự liệu mà công việc không suôn sẻ hay sau đó có lời ra tiếng vào khó tránh khỏi. Đúng đây là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (H: 謀事在人成事在天, A: Man proposes but God disposes, P: Homme propose mais Dieu dispose).

Cũng như đám cưới, đám tang, việc tổ chức lễ mừng Thọ cũng cần thực hiện theo nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui vẻ, không phô trương, hình thức. Đó mới là Hiếu vậy!

-Lương Đức Mến, ngày 29/9/2023-


[1] Sau khi bôn ba, ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Mặt trận Việt Minh) vào ngày 19/5/1941. 

Sau đó, ngày 6/6/1941, Người viết bài “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian, cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng” và trong đó, Người đã đặt người cao tuổi lên vị trí hàng đầu trong các tầng lớp nhân dân.

 Làm theo lời kêu gọi đó, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã đem hết trí tuệ, tài năng và cả xương máu của mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Người cao tuổi hoàn toàn xứng đáng với 18 chữ vàng của BCH Trung ương Đảng tặng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với ý nghĩa to lớn và sâu sắc đó của lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào”, để phát huy vai trò và truyền thống của người cao tuổi, động viên người cao tuổi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 26 tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

[2] Điều 6 Luật Người cao tuổi Số: 39/2009/QH12 quy định: Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam.

[3] Ngày 14 tháng 12 năm 1990 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, như đã được ghi trong Nghị quyết 45/106. Ngày quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!