[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


04 tháng 9 2023

Để NGÀY KHAI TRƯỜNG đúng ý nghĩa

Ngày mai, 05/9/2024 là ngày “khai giảng năm học mới”. Nếu các trường đồng loạt thực thi đúng thì sẽ đồng loạt kết thúc học kỳ I trước ngày 15/01/2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024. Như thế sẽ suôn sẻ mọi bề!

Về mặt ngữ nghĩa, Ngày khai giảng (A: First day of school , P: Rentrée scolaire, H: 開學日) là ngày khai giảng hay ngày khai trường đầu tiên của một năm học mới, đánh dấu việc mở đầu một chặng đường (năm học) mới của Thầy, Cô và các Trò.

Động từ “khai giảng”  開講 là từ Hán Việt gồm 2 thành tố:   (khai) có nghĩa là mở ra hay bắt đầu, nở ra, đào, bới, kê ra một thứ gì đó, (giảng) có nghĩa là giảng giải hay diễn giảng, giải thích, thuyết minh.

Kết hợp lại, cụm từ này có nghĩa là bắt đầu giảng dạy. Hiểu một cách đơn giản hơn thì ngày khai giảng là ngày bắt đầu giảng dạy cho một năm học hay khóa học mới. Ngày khai giảng chính là ngày đầu tiên của năm học hay khóa học đó và đương nhiên nó mới bao hàm được công việc truyền thụ kiến thức của giáo viên chứ chưa bao hàm được ý công việc tiếp nhận kiếm thức của học sinh!.

Ở Việt Nam, ngay sau khi Tuyên bố độc lập được 2 ngày, ngày 04/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các em học sinh mà nội dung có liên quan nhiều đến sự nghiệp giáo dục, như sau:

Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.

Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.

Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc.

Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.

Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.

Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu!

Hồ Chí Minh

Từ lá thư lịch sử đó và căn cứ thực tế, ngày 18/8/2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ký Văn bản số 4192/BGDĐT-VP gửi các Giám đốc Sở GD&ĐT về việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2015-2016 trong đó có quy định “Lễ Khai giảng tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào buổi sáng, ngày 5-9-2015 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Nhớ lại, thời chúng tôi (SN 195x) đi học, việc tổ chức khai giảng tùy từng trường, địa phương và nó không rinh rang, rối rắm như sau này nhưng cũng chẳng kém thiêng liêng. Ở miền núi chúng tôi, cứ đầu tháng 9 là bạn bè “rủ nhau” tựu trường sau 3 tháng Hè tạm xa mái trường, xa thầy cô, các bạn cùng sách vở. Lứa các con tôi (SN 198x), có ngày giờ cụ thể hơn nhưng cũng từa tựa lớp bọn tôi! Thuở đó, cứ vào cuối thu, khi Hoa Phượng rụng hết, tiếng Ve im ắng, lòng mỗi học trò lại nao nức những kỷ niệm của buổi tựu trường, mong gặp lại ngôi trường thân yêu và những gương mặt bạn bè,…sau 3 tháng nghỉ hè thực sự. Tất nhiên thuở ấy, học sinh đâu được đi chơi, du lịch,...mà là giúp việc gia đình, lao động cật lực!

Sau này, chẳng nhớ khởi nguồn từ khi nào, các cháu tôi (sinh năm 20xx) thường bắt đầu học sớm hơn và tự dưng “mất kỳ nghỉ hè”! Cô, Thầy, Nhà trường và các Trò cũng như Phụ huynh lặng lẽ âm thầm (mà như thật) đến trường, giảng bài và học bài,…ngay sau khi vừa kết thúc năm học cũ !.

Cả guồng máy đang hoạt động ngon trớn thì đùng một cái các trường tổ chức khai trường, khai giảng (vào đầu tháng 9). Đủ chăng cờ, dựng sân khấu, lắp tăng âm, loa đài, kê bàn, xếp ghế, trang trí mặt trống, dùi trống, nào soạn diễn văn, chăng băng rôn khẩu hiệu, nào tập luyện, đón lãnh đạo (đôi khi cô trò phải cầm cờ nhỏ, hoa, đội nắng, đội mưa, chờ đợi), biểu diễn văn nghệ, nghe tiếng trống khai trường vô hồn và những lời dặn dò lê thê, những lời tiếp thu, hứa hẹn sáo rỗng,…!

 Tình trạng “giảng trước - khai sau” có mặt lợi nhưng cũng lắm điều hại, mọi người đã nói nhiều, lên án lắm và ngành cũng lớn tiếng lý giải,…nhưng nó cứ sao sao ấy! Đặc biệt, nhiều cháu hỏi mà cỡ “học hết chữ” như bọn tôi cũng “tắc”. khó giả nhời cặn kẽ: ông gì beo béo vừa thấy bị bắt trên Tivi buổi tối hồi đầu năm học đã đến đánh trống và phát biểu căn dặn cô trò chúng con, là ai thế? Năm nay có đến trường con đánh trống, phát biểu nữa không? Chúng con có phải học và làm theo ông ấy không? ,... 

Mừng là những ngày tháng 8 năm 2024 các địa phương và ngành đã có những chỉ đạo rất “nhân văn” về buổi khai giảng. Cụ thể: Lễ Khai giảng năm học mới thực hiện với tinh thần ngắn gọn (khoảng 45 phút). Trong đó có các hoạt động: văn nghệ chào mừng; Nghi thức đón học sinh đầu cấp; Chào cờ (hát Quốc ca); Báo cáo và cắt băng khánh thành (nếu là trường mới xây); Đọc thư của Chủ tịch nước; Diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng (ngắn gọn); Đánh trống khai trường; tặng hoa chúc mừng; khen thưởng, trao quà (nếu có)...

Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học 2023-2024 :

Thân ái gửi các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh!

Một năm học mới lại bắt đầu. Đây là sự trở lại và cũng là khởi đầu cho những điều đẹp đẽ và đáng nhớ trong đời. Các em, dù ở lứa tuổi nào, cấp học nào, miền núi hay đồng bằng, biên giới hay hải đảo xa xôi... hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời.

Mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vũng để phát triển bản thân.

Thế giới và tương lai các em đang rộng mở. Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tố quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác.

Tôi luôn đặt niềm tin vào các em. Tôi nhìn thấy tương lai tươi sáng của Tổ quốc mình trong sức sống căng tràn và trong những ước mơ, hoài bão cao đẹp của các em.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, rèn luyện các các em là nhiệm vụ chung của nhà trường - gia đình và xã hội. Một quốc gia muốn phát triển phải có nền giáo dục chất lượng cao và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững.

Tôi mong các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý.

Tôi mong các bậc phụ huynh, vì tương lai con em mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em.

Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng những quyết sách kịp thời và đúng đắn, xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Trong tiếng trống tựu trường hân hoan của mùa Thu năm nay, tôi thân ái chúc các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh bước vào năm học mới với khí thế mới, cùng thi đua dạy tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt, có nhiều tiến bộ và thành tựu mới.

Dù còn đó những băn khoăn, trăn trở khi bước vào năm học mới, song tất cả chúng ta hãy vững vàng tiến bước, vượt qua khó khăn, kiến tạo những giá trị mới mẻ và thiết thực cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Chúc sự nghiệp giáo dục của chúng ta ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng và không ngừng phát triển!

Thân ái!

VÕ VĂN THƯỞNG

Già rồi, nhưng mỗi bận nghe “trống khai giảng” lại liên tưởng đến “Tiếng trống trận của quân, dân ta khi dựng nước và giữ nước, khi khởi nghĩa, khi đánh giặc ngoại xâm, tiếng trống khích động lòng yêu nước, hăng say sản xuất, thúc giục mọi người tiến lên, làm chủ tri thức, trong học tập, công tác và kinh doanh, sản xuất”. 

Không rõ, ngày mai, 05/9/2024, ở vùng biên viễn này có còn quan khách “mặt dầy” nào gióng trống, khua môi “tra tấn” các cháu chúng ta hôm đó và cả năm học này nữa không?

Nhân đây trộm nghĩ, chúng ta đã thống nhất lấy ngày 5/9 là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” nên cũng cần thống nhất gọi đó là NGÀY KHAI TRƯỜNG chứ đừng gọi là LỄ KHAI GIẢNG nữa. Bởi có lễ là phải có lạt, có tế mà tế ai, tế cái gì đây ? Hơn nữa, đây đâu phải chỉ đơn thuần là ngày “bắt đầu” công việc của các Thầy, các Cô là GIẢNG, là NHỒI NHÉT mà còn là sự bắt đầu một chuỗi ngày của các Trò là HỌC và HÀNH, nhất là trong xu hướng “hiện đại hóa, “lấy người học làm trung tâm” như hiện nay ! Lại còn cái trò “tập khai giảng”, “khai giảng thử” nữa chứ !, có phải diễn kịch tập thể đâu ? mà có diễn thì diễn cho ai xem?!

Hiện nay, chúng ta quanh ngày, suốt tháng, đâu đâu, ngành ngành tụng niệm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhưng câu nói, lời khuyên của Người về sự nghiệp giáo dục ngay trong ngày vừa lập nước cách đây 78 năm, là “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” đã mấy ai thấu hiểu, nhớ và làm theo, kể cả một số lãnh đạo, người có trách nhiệm và trong ngành chủ quản? 

Có thể đâu đó có chuyện đánh trống bỏ dùi nhưng trong hoạt động giáo dục, với sự nghiệp trồng người thì việc ấy không nên và không được xẩy ra!

Vì vậy, cách thiết thực nhất là nên dẹp một số trò lố đi, hãy để ngày 05/9 thực sự là NGÀY KHAI TRƯỜNG của giáo viên - học trò và là NGÀY TOÀN DÂN ĐƯA TRẺ ĐẾN TRƯỜNG trong một xã hội học tập !

Đôi lời mạo muội tỏ bầy mong có người cảm thông, chia sẻ và nếu có người ném đá thì ném vừa vừa thôi, đừng có phi lao!

-Lương Đức Mến, 04/09/2023-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!