[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


19 tháng 6 2023

Đường QUA TRÌ QUANG

Nghe danh “Trì Quang” đã lâu và qua lại một số hộ hay dự một só buổi  GẶP MẶT ĐỒNG HƯƠNG nơi đây nhiều lần nhưng ngày 18/6/2023 lần đầu tôi đi hết “chiều ngang” của xã và “đi một đường, về một lối” (theo kiểu vượt đầu Xuân Quang, qua hết Trì Quang, sang cuối Xuân Quang...) lại đi vào đầu giờ buổi chiều mùa Hè nên cũng cảm nhận được lắm điều!

Ngược dòng lịch sử, tôi biết rằng vùng đất nay là Tây Nam huyện Bảo Thắng thuở xưa rất hoang vu, thưa thớt những chòm bản làng người Dao (Họ, Tuyển, Đỏ) và một số hộ dân tộc Nùng, Tày, Mường,…sinh sống. Lấy đặc điểm về địa lý và ngành nghề, cố nhân đã đặt ra tên làng, tên bản. Ví dụ: làng trồng nhiều bông nên gọi là Làng Bông, làng có nhiều cây Hoa gạo gọi là Làng Gạo, làng sản xuất nhiều đồ dùng bằng chì (kẹp vào chài, lưới đánh cá) được gọi là Làng Chì, làng chuyên làm nhiều đồ dùng bằng bạc… được gọi là Làng Bạc…Những địa danh làng bản đó, tồn tại đến tận ngày nay, dù có khi đặc trưng xưa cũ chả còn gì (theo tôi được biết), kể cả dấu tích!.

Từ 7/1907, khi thành lập tỉnh Lào Cai thì châu Bảo Thắng 保勝 có 11 xã, phố trại và 30 làng, bản, phố trong đó có xã Xuân Quang 春光. Xã này khi đó bao gồm cả Phố Lu 富瀘, Trì Quang 支光, Làng Nhò 廊儒, Làng Mạ 廊馬  ngày nay.

Cuối cuộc “kháng chiến chín năm”, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Uỷ ban hành chính huyện Bảo Thắng, 4 làng: Chì Quang, Chì Hạ, Làng Nhò và Làng Mạ thuộc xã Xuân Quang, được tách ra để thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới, lấy tên là xã Quang Trung thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Xã này nằm giữa các dãy núi cao bao bọc: phía Nam là xã Kim Sơn (Bảo Yên), phía Tây là xã Phố Lu (Bảo Thắng), phía Bắc là xã Xuân Quang (Bảo Thắng), phía Đông là xã Điện Quan (Bảo Yên), phía tây nam có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai venbên tả sông Hồng (đoạn qua địa phận xã dài 1,8 km). Nhớ rằng khi đó, Kim Sơn, Điện Quan là của Bảo Yên và thuộc tỉnh Yên Bái.

Với diện tích trên 3300 ha, trung tâm xã có dãy Tám Diều rộng chừng 310 ha, xung quanh là các dẫy núi cao làm cho Quang Trung gần như tách biệt với các xã lân cận. Dân số khoảng 150 hộ, trên 400 nhân khẩu chủ yếu là người Dao Tuyển, Dao Họ, Dao Đỏ . Các khe suối nhỏ bắt nguồn từ xã Xuân Quang, khu vực Làng Mạ và rải rác trong xã hợp lại thành 2 con suối lớn, một con gọi là suối Nhò, một con gọi là suối Chì chảy qua nhiều thôn, bản và đổ ra sông Hồng......

Trong những năm 1963, 1964 đồng bào từ Hải Phòng lên khai hoang nhiều lập ra các HTX Tân Lập, Tân Thượng,…Đảng viên đông hơn, Huyện ủy Bảo Thắng đã ra quyết định thành lập Chi bộ xã Quang Trung (ngày 10/4/1964).

Năm 1966 xã đổi tên từ xã Quang Trung sang tên gọi ban đầu là xã Chì Quang. Năm sau, ngày 25 tháng 4 năm 1976, trong kỳ họp đầu tiên (diễn ra từ ngày 24-6 đến 2-7-1976), Quốc hội khóa VI đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước (thể chế nhà nước, tên nước được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc kỳ, quốc ca...) và Ủy ban hành chính xã Chì Quang được đổi thành UBND xã Chì Quang và tên xã được đổi từ Chì Quang thành Trì Quang. Địa danh TRÌ QUANG có từ ngày đó.

Hiện nay, xã Trì Quang có diện tích 33,47 km², dân số 4363 nhân khẩu, có 12 dân tộc anh em chung sống đoàn kết sinh sống trên 14 thôn, bàn như: Thôn Cầu Nhò, Làng Đào 1, Làng Đào 2, Làng Ẻn, Thôn Liên Hợp, Làng Mạ, Thôn Nhò Trong, Thôn Tân Lập, Thôn Tân Thượng, Thôn Trì Thượng 1, Thôn Trì Thượng 2.

Là xã vùng 3 của huyện Bảo Thắng, với xuất phát điểm không cao nên Trì Quang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn.

 Dù vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo của Trì Quang về nhiều mặt. Nhưng nhìn chung, đây vẫn còn là một xã nghèo, mạng lưới giao thông chưa mấy phát triển lại xuống cấp trầm trọng.

Song, qua một số lần về dự gặp mặt Hội đồng hương Hải Phòng của xã và gặp thăm một số bà con có quan hệ họ hàng ở Thôn Nhò, Làng Mạ,…tôi tin rằng với quyết tâm của lãnh đạo, sự cần cù lao động của người dân (trong dó không ít người gốc Hải Phòng lên khai hoang lập nghiệp tại đây từ những năm 196x), cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiềm năng phát triển kinh tế của Trì Quang sẽ được khai thác và phát huy, xã sẽ có một tương lai tươi sáng, sánh vai với các xã trong huyện Bảo Thắng để cùng nhau xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Trở lại chuyến đi trưa 18/6/2023, sau khi thụ lộc lễ Giỗ lần thứ 35 thím tôi ở xóm An Phong, thôn An Hồ, xã Phong Niên xong, chú cháu tôi ra đường Quốc  lộ 70 , rẽ phải xuôi ra Bắc Ngầm, rẽ phải tiếp  theo 4E ra hướng Phố Lu. 

Trên đường này, tại km 5 chúng tôi rẽ trái qua một đoạn “gập ghềnh” trên nền đường rải đá dăm cũ thuộc thôn làng Bông (của Xuân Quang) và Tân Lập (của Trì Quang), rẽ trái tiếp đường liên thôn qua Quang Lập theo hướng vào Làng Mạ.

 Đoạn này tuy mát bóng cây nhưng rất khó đi bởi một bên là ao, ruộng, một bên là rừng tái sịnh, đồi quế, nương dứa, nương chè,…Mặt đường nơi thì rải beton xi măng, nơi đường cấp phối, chỗ đường đất; có đoạn là dốc cao,... lại khá nhiều ngã ba, ngã tư vào xóm, sang làng khác,... khiến chú cháu tôi thi thoảng phải dừng xe lại để hỏi thăm lối rẽ. 

Làm nhà 2 bên đường và đi lại trên đường đa phần là dân khai hoang từ Hải Phòng lên, có người biết tôi nhưng tôi lại chả biết ai. 

Nhiều phen hú vía. Nhưng rồi cũng đến được Làng Mạ, nơi gần một trường học (có lẽ là phân hiệu của Tiểu học Trì Quang). Vẫn phải hỏi thăm vào nhà LĐT (Có) vì chả chắc chắn nhớ đường. Được một thanh niên tốt bụng đi xe máy phía trước ô tô dẫn đường chúng tôi men sườn đồi vào lối rẽ. Cháu BVT dừng xe và chúng tôi cuốc bộ, rẽ cây cỏ, leo lên sườn đồi, “chui” vào nhà ông anh họ tôi (cùng gốc họ Lương ở Phương Hạ, Chiến Thắng, An Lão)!

Phải nói, tôi khá bất ngờ về nơi trú ngụ của anh chị tôi: nó vẫn nhếch nhác, tạm bợ, vắng vẻ như hồi xửa xưa. Cái "lều tre" đã dỡ bỏ, chỉ còn căn nhà xây chưa hoàn thiện với cánh cửa được chằng buộc bởi đủ loại dây dợ. 

Cả 2 anh chị đều ngót trên dưới 80 nên yếu nhưng …tài chịu nóng! Nể và e anh tự ái nên tôi cũng uống với anh 01 chén rượu ngâm ong rừng, chuyện trò dăm câu về quê hương, họ mạc! 

Biếu anh chị mấy đồng xong rồi chúng tôi chào, ra về. Cũng không kịp sang bên kia sườn đồi vào nhà một anh họ khác (anh họ Đặng cũng gốc Phương Hạ, có bố đẻ đã mất gọi bà Nội tôi bằng Cô ruột) mà nghe nói gia cảnh khấm khá hơn LĐT!

Khi về, qua tràn ruộng nhỏ, lên đường liên thôn, chú cháu tôi không dám quay lại đường cũ để ra 4E mà hỏi lối ra đường Quốc lộ 70. 

Đường này dễ đi hơn, qua làng Trung (Trì Quang) là đến đất Thái Hà của Xuân Quang và từ ngã ba đó (hình như km 51 của Thái Vô), theo Quốc lộ 70 chúng tôi qua lối rẽ vào UBND xã Xuân Quang, Chợ Bắc Ngầm,...rồi dông thẳng qua Phong Niên, Phong Hải, Bản Phiệt, Bản Cầm lên thành phố! Đến nhà trên đường Hoàng Liên ở Kim Tân trời đã về chiều!

Trong những thôn xã, gia đình quen biết trên Lào Cai mà tôi từng đến có lẽ chặng đường vào nhà anh LĐT ở Làng Mạ, Trì Quang là tuyến khó đi, đường xấu nhất! Nhớ mãi chuyến đi này và Kỷ niệm về xã Trì Quang!

Mong sao, việc đi lại của người dân trong xã, trong đó có nhiều đồng hương và họ mạc của tôi từ Hải Phòng lên đã mấy chục năm được dễ dàng hơn!

Để thể hiện một phần tinh thần ấy, tôi ôn lại bài thơ TRÌ QUANG MIỀN ĐẤT TÔI YÊU của Cụ Ngô Văn Thắng, cựu Chủ nhiệm đầu tiên của HTX Quang Lập, Cựu Bí thư Chi bộ, Cựu Bí thư Đảng bộ xã Trì Quang đọc hôm Kỷ niệm 57 năm ngày đồng bào Trung Lập, Vĩnh Bảo, Hải Phòng lên khai hoang tại Quang Trung, Bảo Thắng, Lào Cai (14/3/1964-14/3/2021) có lưu tại đây: https://nguoihaiphongtrendatlaocai.blogspot.com/2021/04/tri-quang-mien-at-toi-yeu.html

-         Lương Đức Mến, hè 2023-

1 nhận xét:

  1. Giờ giá đôn tôi lên làm thôn trưởng ở đó với lương 100 triệu chắc tôi cũng CHẢ LÀM NỔI!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!