[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 4 2022

Về tục TẢO MỘ TRONG THANH MINH

Đến nay, chắc ít Người nhầm lẫn giữa “Tết Thanh minh” 清明節 với “Tết Hàn thực” 寒食節. Nhưng trong Thanh minh có “tảo mộ” 掃墓 không hoặc một năm “tảo mộ” vào những dịp nào,... lại là chuyện khác!

Tranh gốc khai thác trên MXH

Trước hết, tìm hiểu về Tảo mộ (H: 掃墓, A: To clean the tomb, P: Nettoyer une tombe), một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt. Đó nguyên gốc là quét mả, tức là sửa sang và quét dọn sạch sẽ ngôi mộ ; là việc dọn dẹp cỏ dại, quét vôi, sơn lại, lau chùi sạch sẽ bề mặt những nấm mộ đã xây. Hoặc là sửa sang, tu bổ, đắp đất cho ngôi mộ chưa xây, hay là dẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng như tránh không để cho rắn, chuột đào hang, làm tổ có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.

 Đó cũng là việc chăm sóc những cây xanh ở xung quanh mộ, đem hoa, lễ vật đến và thắp hương để nhận mộ và mời vong linh người quá cố về gia đường hưởng lễ phẩm.

Tục lệ này thể hiện lòng hiếu thảo, thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với tổ tiên, các đấng sinh thành và những người đã khuất.

Bên cạnh những ngôi mộ người thân được trông nom, săn sóc, người ta còn thắp hương ở cả những ngôi mộ cận kề. Với những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng,…cũng được cắm hương, đốt nắm vàng mã. Tại một số nơi còn lập Am Chúng sinh thờ chung những mồ vô chủ.

Việc tảo mộ trước Tết Nguyên đán (H: 元旦, A: The first day of the lunar year, P: Le premier jour de l'année lunaire, tính theo Âm lịch) do người Việt Nam có quan niệm, khi bước sang một năm mới thì mọi điều cũng cần phải mới mẻ, tươm tất. Thể hiện tấm lòng đó, từ thuở xa xưa, phần mộ của người thân cũng được gia chủ tiến hành ngay trong năm, trước khi đón tết Tết Nguyên đán. Do đó, Tảo mộ này còn được gọi là chạp mả.

Đó chính là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, sửa sang, quét dọn phần mộ của những người thân đã mất trước khi Tết đến Xuân về. Đồng thời với việc đó là con cháu kính rước vong linh tổ tiên về “ăn Tết” với gia đình, con cháu.

Có nhiều dòng tộc lớn, còn quy định rất rõ ràng về ngày tảo mộ để con cháu trong dòng tộc cùng thực hiện một cách trang nghiêm nhất. Nhưng thường tiến hành tục này vào khoảng thời gian từ ngày 20 đến chiều 30 Tết,  để phần mộ được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang trước khi năm mới tới.

Đồng thời, vào dịp Thanh minh (H: 清明, A: Festival of tomb cleaning, P: La fête de nettoyage des tombes, tính theo Dương lịch), nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư người ta cũng tiến hành tảo mộ là sửa sang, chăm sóc các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Có việc này bởi 2 lý do chính:

Thứ Nhất, những gia đình chưa thực hiện nghi thức “tảo mộ” trước Tết thì đương nhiên phải tiến hành vào dịp Thanh minh! Việc chưa “tảo mộ” trước Tết là do ảnh hưởng từ tục lệ truyền từ xứ lạnh sang hay do quy ước của dòng họ, cộng đồng dân cư. Việc “tảo mộ” trong Tết Thanh minh được Thanh Tâm Tài Nhân  (青心才人, 1521 - 1593) thuật trong Kim Vân Kiều truyện 金雲翹 thời vua Gia Tĩnh (嘉靖, Minh Thế Tông 明世 ,  1521-1567) của Minh triều (朝明, 1368–1644) ở hạ lưu sông Hoàng Hà 黃河, cực Bắc vùng Hoa Đông 華東 bên Trung Quốc. Khi chuyển thành thơ Nôm Truyện Kiều 傳翹, cụ Nguyễn Du (阮攸, 1765–1820) đã giữ nguyên chứ Cụ đâu có kể chuyện Việt thời cụ sống (thế kỷ XVIII). Có lẽ do khu vực Hoàng Hà là xứ lạnh, trước Tết rét, có đóng băng, không thuận tiện cho công việc tìm kiếm, sửa sang, dọn cỏ, đắp điếm mộ phần nên phải để ra Giêng trời ấm, băng tan,…mới tiến hành.

Thứ Hai, dù đã “tảo mộ” trước Tết, nhưng sau các tiết: Lập Xuân (立春, vào Xuân), Vũ thủy (雨水, mưa  ẩm) đặc biệt sau tiết Kinh trập (驚蟄, sâu nở), Xuân phân (春分, giữa Xuân) thời tiết chuyển ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất; động vật hoang dã tăng trưởng, mưa nước sói mòn,… nguy cơ làm hại tới mộ phần,…nên rất cần kiểm tra, chăm sóc, tu sửa. Việc này, thời điểm thực hiện tốt nhất là Thanh minh (清明, trong sáng, thường rơi vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 Âm lịch), gia cố thêm cho mộ chắc chắn, chuẩn bị đón tiết Cốc vũ (穀雨, mưa rào). Hoặc những ngôi mộ mới cải táng, chưa kịp hoàn tất trước Tết, nay cũng tiến hành chỉnh trang, bổ sung (hàng rào, bình phong, bia đá,...).

Nhưng, nên nhớ rằng với những ngôi mộ của người mới mất, con cháu chưa làm lễ trừ phục (, xả tang) thì gia đình phải đi tảo mộ trước Thanh minh bởi ngôi mộ đó vong linh chưa nhận rõ là nhà của mình!.

Khi đó, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp: trung niên dọn dẹp mồ mả, sắp bầy lễ phẩm, các cụ già khấn vái tổ tiên, trẻ em biết dần những ngôi mộ của gia tiên, tập sự kính trọng tổ tiên. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Khi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, với Tết 03/3 âm, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của bánh. Nhưng nếu lấy ngày 03/3 âm làm ngày tảo mộ thì chả thấy cổ thư nào chép lại mà do sự nhầm ngộ mà ra, trừ những dân tộc, cộng đồng dân cư định lệ ra từ thuở xa xưa!

Như thế, việc tảo mộ là thể hiện hiếu đạo của con cháu với tiền nhân, xuất phát từ quan niệm “Nhất Mộ, nhì Phòng, tam Bát tự, Tứ tích Phúc Đức, Ngũ Khảo Thư”, “一墓, 二房, 三八字, 四積福德, 五讀書” tức là vận mệnh con người phụ thuộc vào mồ mả là quan trọng nhất, thứ là đến nhà ở, đến ngày giờ sinh, tiếp là ân đức Tổ tiên để lại cùng với sự trau dồi của bản thân và cuối cùng là việc học tập. Trong yếu tố “mộ”, ngoài việc chọn đất, chọn hướng, chọn ngày giờ hạ huyệt thì việc “chắm sóc mộ phần” rất quan trọng. Nhưng việc “tảo mộ” thời điểm nào, tiến hành ra sao còn phụ thuộc vào lệ tục, quy ước từng nhà, từng vùng.  Thông thường việc đó diễn ra trước Tết Nguyên đán và dịp Thanh minh.

Lễ phẩm và văn cúng đã nhiều người đề cập và đã sưu tầm, bổ sung, soạn lại và chép ra, lưu tại trang này nhiều bận, nay không cần nhắc lại.

Trong thời đại @, ngoài hình thức tảo mộ trực tiếp kể trên, các hoạt động tảo mộ online cũng đã manh nha và đang phát triển, góp phần giúp mọi người thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, có điều nó còn mới và tiêu tốn khá nhiều kinh phí, kiến thức nên ít được lan truyền!.

-Lương Đức Mến, ngày 03 tháng 3 Nhâm Dần, BS từ nhiều nguồn TK và thực tế điền dã-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!