[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 4 2022

Nhân ngày GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ, ngày hội truyền thống của Việt Nam tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú.

Ngày giỗ Quốc Tổ năm 2022 (ảnh LĐM dựng)

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Ngọc phả Hùng Vương 䧺王玉譜 do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố 阮固直學士翰林 phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (洪德元年, 1470) thì từ thời nhà Tiền Lê (前黎朝, 980-1009), nhà Lý (李朝, 1009-1225), nhà Trần (陳朝, 1226-1400) qua nhà Hồ (胡朝, 1400-1407)  rồi đến Hậu Lê (後黎朝, 1428-1789) các vua và nhân dân địa phương đều đến lễ bái các vua Hùng. Khi đó, các triều đại quân chủ Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, tổ chức ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Cho đến đầu thế kỷ XX, dân chúng đến tế lễ đền Hùng thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào. Tục lệ dân bản xã thì việc cúng Tổ được cử hành vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch). Lễ cúng tổ thường kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu. Trong khi đó, quốc lễ cúng tế lại thường được tổ chức định kỳ vào vào mùa thu.

Khi đến trấn nhậm Phú Thọ, Tuần phủ Lê Trung Ngọc (黎忠玉, 1867-1928) đã giành nhiều tâm huyết và công sức đôn đốc việc tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Nhận thấy việc lễ bái tại đền Hùng thường duy trì kéo dài triền miên, gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các vua Hùng, đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Từ kiến nghị trên, ngày 25 tháng 7 năm 1917, Bộ Lễ (禮部, tương đương với bộ thông tin - truyền thông, bộ văn hoá - thể thao - du lịch, bộ giáo dục - đào tạo và bộ ngoại giao ngày nay) của triều Khải Định (啓定帝, 1916-1925) chính thức gửi công văn: phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch cử hành “quốc tế” (國祭, tức ngày tế lễ quốc gia) hàng năm, khi đó các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.

 Từ đây, lễ Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba trở thành ngày quốc lễ chính thức của Việt Nam và ngày Giỗ Tổ của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Việc này được chép trong Bia đá Hùng Vương từ khảo 雄王祠考 tại đền Thượng do Tham tri 參知, Hữu tuần phủ 右巡撫 Phú Thọ 富夀 là Bùi Ngọc Hoàn (裴玉環, ? - ?) soạn và dựng vào năm Bảo Đại thứ 15 (保大15, 庚辰 Canh Thìn 1940). Hiện bản rập bia còn lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm: bản rập chữ Hán mang mã số No - 18704 đầu đề “HÙNG VƯƠNG TỪ KHẢO” [1] bản chữ Pháp mang mã số No-18705 đầu đề “Historique du temple de Hung Vuong”.

Theo lưu bút của các quan Tổng đốc Tam Tuyên và Tuần Phủ từ khi lập tỉnh này thì văn bia “Hùng Vương từ khảo” là văn bia khảo cứu tổng quát về sự tích đền Hùng hoàn chỉnh hơn cả. Bia không quên công đức của các vị Vua, quan cao cấp và các quan Tuần phủ tiền nhiệm, làm rõ lịch sử hình thành mảnh đất lập Đền cho đến ngày lập bia, lịch sử ấn định ngày giỗ Tổ 10 tháng ba và sự hình thành các công trình trên núi Nghĩa Lĩnh…

Nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10). Hội lớn, có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch)”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vẫn kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/ LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 1946, chiều ngày 11/4 (tức ngày mồng 10/3 - Bính Tuất), lúc 4 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá; nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội. Trong ngày, Hồ Chủ tịch đã ủy quyền cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cùng về dự lễ có các ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính. Cụ Huỳnh Thúc Kháng mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu thế sè kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm. Lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức gọn nhẹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Sau ngày đất nước Thống nhất, năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Đền Hùng được tu bổ khang trang, đường đi lối lại rộng rãi hơn.

Từ năm 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ nước Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới và theo Nghị định 82/2001/NĐ-CP về việc quy ước lễ hội đền Hùng thì:

Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”, “năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội..

Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.v.v.

Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Quyết định sửa đổi, bổ sung điều 73 Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm) để thực hiện  tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Tổ Tiên.

Càng ngày, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương -  Lễ hội Đền Hùng càng được thực hiện quy mô, trang nghiêm, thành kính. Cùng với việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng ngày càng trang trọng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích lịch sử  Quốc gia đặc biệt Đền Hùng với nhiều dự án quan trọng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào ngày 6 tháng 12 năm 2012.

Người có công trong việc định ngày quóc tế là Lê Trung Ngọc (黎忠玉, 1867-1928). Ông là một trong những người sáng lập Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội và được xem là người đề xướng ngày quốc tế (國祭, tức ngày tế lễ quốc gia) 10 tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bản rập văn Bia Hùng Vương từ khảo và chân dung
Tuần phủ Lê Trung Ngọc (ảnh khai thác trên MXH)

Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1867 (tức ngày 23 tháng 9 năm Đinh Mão), trong một gia đình nho học; quê ở làng Liên Thành (xưa là ấp Tân Quảng), tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).

- Năm 1883, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège

dés Stagiaires), ông ra đất Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn.

- Tháng 1 năm 1903: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Ninh.

- Tháng 7 năm 1903: Làm Thương tá tỉnh Vĩnh Yên.

- Tháng 3 năm 1908: Làm Án sát tỉnh Vĩnh Yên; sau đổi làm Án Sát tỉnh Phúc Yên.

- Tháng 6 năm 1909: Làm Án Sát tỉnh Sơn Tây.

- Tháng 2 năm 1912: Làm Tuần phủ tỉnh Sơn Tây.

- Tháng 4 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Bắc Giang.

- Tháng 12 năm 1913: Làm Tuần phủ tỉnh Quảng Yên.

- Tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921: Làm Tuần phủ tỉnh Phú Thọ.

- Tháng 2 năm 1921: Làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương.

- Tháng 1 năm 1924: Làm Tổng đốc tòa Thượng thẩm, Hà Nội.

- Tháng 7 năm 1927: Nghỉ hưu tại Hà Nội.

- Ngày 8 tháng 6 năm 1928 (tức ngày 21 tháng 4 năm Mậu Thìn): ông mất tại Hà Nội; hưởng thọ 62 tuổi.

Ông đã dược tặng thưởng nhiều Huân chương như: Kỷ niệm chương Bắc kỳ năm 1888; Huân chương Hiệp sỹ con rồng An Nam năm 1890; Huy chương bạc hạng nhất năm 1891; Huy chương vàng 1892; Hồng Lô tự thiếu khanh năm 1896; Kim Thánh năm 1898; Huân chương Viện hàn lâm năm 1904; Huân chương quốc gia Vương quốc Căm Pu Chia năm 1913…

Trong những năm làm Tuần phủ Phú Thọ (1915 - 1921) Lê Trung Ngọc đã giành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ông sống gần dân và đặc biệt quan tâm tới dân. Ông nhận thấy tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Lăng miếu thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương, hàng năm nhân dân cả nước nô nức tìm đến lễ bái; họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 Âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu. Như vậy thời gian lễ bái duy trì kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.

Đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế / quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.

 Tuần phủ Lê Trung Ngọc luôn được người đời tôn trọng vì ông là ông quan gần dân, thương dân, cảm thông với nỗi khổ của người nông dân; đồng thời ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ, có ý thức tiết kiệm ngân khố của dân, của nước.

Trong dân gian lưu truyền câu:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ, mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Quyết định sửa đổi, bổ sung điều 73 Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm) để thực hiện  tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Tổ Tiên.

Trong các dịp giỗ Tổ Hùng vương, thường có Văn tế, hay Chúc văn. Sau đây là một số bài chúc văn sưu tầm được:

Bài của thầy giáo Võ Thanh Vân:

Việt Nam, ngày 10 tháng 3 năm 4895 Việt lịch.

Tế chủ thành tâm chắp tay cúi đầu đảnh lễ dâng hương, kính cáo cùng:

Tiên Linh Thủy tổ Việt tộc Kinh Dương vương Lộc Tục

Tiên Linh Việt tổ phụ Lạc Long Quân Sùng Lãm

Tiên Linh Việt tổ mẫu Âu Cơ

Tiên Linh 18 đại Hùng Vương

Tiên Linh tiên vương các triều đại

Tiên Linh các Anh hùng Liệt nữ

Tiên Linh trăm họ Âu Lạc Việt

Cáo rằng:

Nước có nguồn, cây có cội

Chim có tổ, người có tông

Bảo tồn bản sắc cội nguồn để làm người không vong bản

Ghi nhớ công nghiệp tiên tổ cho con cháu biết giống dòng

Nhớ chư tổ linh xưa,

Lĩnh Nam một dải hoang vu, công khai phá mồ hôi tràn Đông Hải

Âu Lạc hai dòng hợp nhất, giữ giống nòi máu đỏ đẫm Hoa Nam

Tiếng BỐ ƠI rươm rướm lệ dân Hùng

Lời LY ƯỚC nỉ non đàn chim Việt

Nào bảo bọc dân ương

Nào chăm lo dân hạnh

Chống giặc tự thiếu niên, tài Thánh Gióng vang danh Phù Đổng

Ngăn sông bằng đức tịnh, hạnh Sơn Tinh rạng rỡ Tản Viên

Lo nông tang như An Tiêm, hoang đảo thành đồng dưa trù phú

Tình bao la như Đồng Tử, thành trì hóa dạ trạch phiêu diêu

Gương hiếu đạo mộc mạc Lang Liêu

Tình sắc son thủy chung Cao thị

Trống đồng dội vạn thù khiếp vía

Đàn đá reo muôn dân ca xang

Hai nghìn sáu trăm năm dư là bản hùng ca thần công Bắc địch

Mười tám triều đại nguyên sơ là nôi văn minh thánh tích Nam di

Than ôi, Một phút sa cơ, ngàn năm quốc hận

May nhờ, Thiên đức Việt tổ, triệu dân đồng lòng

Chống giặc Bắc, núi sông là hầm chông hào lũy

Hóa dân Nam, chương đạo thay kiếm kích  binh đao

Qua gian khó dập dồn, nước non lại đến kỳ thái bình độc lập

Bao chiến công vang dội, con cháu giữ tròn dải gấm vóc non sông

Tuy 54 dân tộc anh em đoàn kết một lòng

Nhưng năm ngàn năm văn hiến chưa xứng đền ơn nghĩa cả

Kính lạy chư linh, chúng con nay:

Mượn nhang đèn thể hiện lòng thành

Dâng bánh trái hàm ơn tiên tổ

Nguyện rằng:

Xem núi sông là máu thịt, quyết bảo toàn từng tấc đất, không phụ chí tổ vương

Tiếp văn hóa từ muôn phương, gắng thu nhập từng phát minh, dựng văn minh Việt tộc

Cố sao cho: Trống trường mãi rền vang, cáo thế giới “Việt sư hưng Việt quốc”

Chiêng quốc lễ ngân dài, nhắc nhân tâm “Nam đế trị Nam bang”

Thắp trăm nén nhang

Lòng thành đảnh lễ

Linh thiêng chư tổ

Chứng giám lòng thành

Nhất tâm hồi hướng Việt tổ thánh linh đăng đàn thụ lễ

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 03 Việt lịch 4895

phiêu thạch ba Cẩn bút Võ Thanh Vân

Chú thích về Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương:

[1] Xích Quỷ là tên đầu tiên của nước Việt Nam, thời Kinh Dương Vương Lộc Tục.

Xích (): Phần tinh hoa nhất, cốt yếu nhất, cự phách nhất: một nghĩa khác là phương Nam. Quỷ (): Đẹp thùy mị. Xích Quỷ có nghĩa là tinh hoa của vẻ đẹp thùy mị (ở miền Nam) (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[2] Văn Lang (文郎) là tên nước do Hùng Vương đặt.

Văn nghĩa là nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. Lang () nghĩa đen là người đàn ông, phổ quát đến quy mô nhà nước thì hiểu là quốc nhân, nghĩa hình thể là đất nước. Văn Lang là Đất nước có nét đẹp rõ rệt từ đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa. (Chú thích của Phiêu thạch ba)

[3] Đồng nhân ( ): Hòa nhập với mọi người, xem mọi người như nhau

[4] Trong cuộc chiến Sơn tinh, Thủy tinh: Sơn tinh dùng tịnh chế động, dùng “không đánh” mà thắng, như học thuyết Lão tử: Bất tranh nhi thiện thắng.

[5] Tâm thanh chí quảng: Tâm trong chí rộng

[6] Tộ (): Ngôi vua, lộc nước

[7] Thế (): Thời gian từ đời này (vd: cha) đến đời kế tiếp (con) là thế. Một thế khoảng 30 năm.

[8] BỐ ƠI: Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi”. Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi – – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp.

[9] Lời LY ƯỚC (Lời giao ước khi chia tay): Khi chia tay với Âu Cơ, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên” – Kinh Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp – Văn tế giỗ tổ Hùng Vương 2016.

[10] Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

[11] Trì (): Giữ cho lâu dài, trông nom, cai quản.

Nghĩa toàn câu: Văn hiến của nước Văn Lang do người dân nước Văn Lang cai quản, giữ gìn.

Chúc văn do GS - AHLĐ Vũ Khiêu soạn

Mừng hôm nay

Trống đồng dội tới, núi sông dậy sấm anh hùng.

Trống đồng vang lên, trời đất ngút ngàn linh khí!

_*_

Toàn dân giỗ Tổ Hùng Vương

Cả nước vui ngày Quốc Lễ.

Rộn rã trống chiêng

Tưng bừng cờ xí!

_*_

Bừng lên nhật nguyệt, mây xanh hạc trắng, bát ngát trường thiên.

Rực sáng sơn hà, cờ đỏ sao vàng, thênh thang thánh địa.

Thuyền xuôi sóng vỗ, sông ba dòng, tưới mát muôn phương.

Hổ lượn rồng bay, núi trăm ngọn chầu về một phía!

_*_

Từ đỉnh cao muôn trượng cơ đồ

Cùng nhìn lại mấy ngàn năm lịch sử

Núi mây sừng sững công cha

Sông nước dạt dào nghĩa mẹ

_*_

Nhớ thuở xưa

Mẹ từng non cao tỏa sáng nghĩa nhân

Cha vốn biển cả quật cường mưu trí

Sánh đôi tài sắc: Kim cổ kỳ phùng

Hợp một âm dương: Uyên ương tuyệt mỹ!

_*_

Đẹp gia đình trăm trứng trăm con

Vui sơn thủy một lòng một ý

Cuộc mưu sinh thử thách muôn vàn

Đường lập nghiệp gian nan xiết kể.

_*_

Chia con hai ngả lên đường

Chọn trưởng một ngôi kế vị

Giang sơn một cõi, sao cho vạn đại trường tồn?

Rừng bể đôi nơi, cùng dựng bốn phương hùng vĩ!

_*_

Vẻ vang mười tám vương triều

Rực rỡ trăm đời thịnh trị

Qua gian nan bao độ nổi chìm

Trải thử thách, những hồi hưng phế!

Chỉ công lao khai phá một thời

Mà uy lực trải dài trăm thế hệ!

Gái anh hùng nào Trưng Nữ, Triệu Trinh

Trai dũng lược nào Phùng Hưng, Lý Bí!

_*_

Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn thế Ngô Vương

Gió Như Nguyệt vang vang lời Thái Úy

Hội Diên Hồng rung chuyển cả trăng sao

Hịch Hưng Đạo sục sôi toàn tướng sỹ!

_*_

Nằm gai nếm mật, mười năm ròng, bạt vía lũ Vương Thông

Lở đất long trời, một trận đánh, tan hồn quân Sỹ Nghị…

_*_

Thế kỷ hai mươi:

Cờ giải phóng xua tan bóng tối

Danh Bác Hồ vang dội Đông Tây

Khắp toàn cầu hết nạn thực dân

Mộng đế quốc tan thành mây khói!

_*_

Thế mới biết:

Nước giàu không chỉ quân lương

Danh mạnh còn nhờ đạo lý

Coi sơn hà xã tắc là thiêng!

Lấy độc lập tự do làm quý!

Chúng con nay:

Sáu mươi ba tỉnh thành: Nhớ lại tổ tông

Năm mươi tư dân tộc: Tìm về cội rễ!

Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa

Một gốc trăm nhành, gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ

_*_

Dựng cơ đồ, chị ngã em nâng

Cơn hoạn nạn bầu thương lấy bí

Bốn phương: Nam, Bắc, Tây, Đông

Trăm họ: Gái, Trai, Già, Trẻ

Hân hoan muôn dặm trùng phùng

Kính cẩn một chầu đại lễ

_*_

Xin Tổ Vương vạn thế anh linh

Giúp cháu con trăm điều chỉ vẽ.

Nay gặp buổi bình minh:

Đảng thành công, trong đổi mới tư duy

Dân phấn khởi, cùng dựng xây kinh tế

Con đường giàu mạnh đã thênh thang

Cuộc sống văn minh càng đẹp đẽ

Tuy thời cơ thuận lợi đã thêm nhiều

Nhưng thách thức gian nan còn chẳng dễ.

Song nghĩ rằng

Quốc tế giao lưu phải triển khai

Hội nhập toàn cầu là xu thế

Nên lãnh đạo mở đường

Cùng nhân dân vững chí

Tinh thần càng sáng tạo thông minh

Truyền thống lại chí nhân đại nghĩa

Toàn dân học tập, vươn xa trí tuệ vạn trùng cao

Cả nước đua tài, đánh thức tiềm năng thiên cổ dậy

_*_

Bác răn bảo:

Hoàn thành nhiệm vụ, vượt mọi khó khăn, thắng mọi kẻ thù

Uy vũ coi thường, không ngại bần hàn, không ham phú quý

 Vĩ đại thay Quốc Tổ!

Dựng cơ đồ biết mấy công lao

Sáng suốt thay Bác Hồ!

Truyền hậu thế mọi điều lý lẽ

_*_

Chúng con nguyện:

Dựng giang san hùng mạnh phồn vinh

Cùng nhân loại hòa bình hữu nghị

Sáng muôn đời Hồng Lạc tinh hoa

Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!

Cẩn cáo, Cẩn cáo, Cẩn cáo!

-Lương Đức Mến, ST, BS 09/3/Nhâm Dần-



[1] Nội dung:

Nguyên văn” “雄王祠者我越最古史上鴻厖列王祀所也。

雄王第一(陽曆紀元前二八七九)都峯州(即今白鶴)國號文郎、傳十八世、皆稱雄王、歷年二千六百二十有二。後蜀安陽王占據其地(陽曆紀元前二五八)存前王祀建廟於義嶺(即今雄山)。給祀田在羲崗社、古蹟村、乃雄王第十八升遐故地也。

今尚有陵在廟旁,嗣而肇富村民建別廟於山腰以奉之(即今中祠), 薇崗社又建別廟於山麓以奉之(即今下祠)歷朝列之祀典。

皇朝嗣德貳拾柒年(陽曆一八七四)三宣總督阮伯儀奉勅重修上祠;維新陸年(陽曆一九十二)延茂郡公黃高啟咨請政府給銀貳千元;富夀巡撫制光恩又奉行勸捐重修內寢外殿如今規式;啟定柒年(陽曆一九二二)增修山陵。

前者、國祭以秋為期;啟定貳年(陽曆一九十七)富夀巡撫黎忠玉咨請禮部印定以遞年叁月初拾為國祭日、即雄王第十八忌前一日也。忌日(三月十一)由所在民致祭。

山腰有古寺、號天光寺、嗣德叁年(陽曆一八五十)刑部尚書阮登楷、因舊重建;啟定玖年(陽曆一九二四)巡撫黎雲嵿又增補之。

山下南邊有廟。號井廟祀公主二位:一是雄王第三世僊容公主(適褚童子);一是雄王第十八世玉花公主(適高山)。啟定柒年(陽曆一九二二)重修;保大拾年(陽曆一九三五)又增廣之。

皇阮保大拾五年庚辰叁月初拾日。參知領富夀巡撫裴玉環奉誌。        

雄王祠考

Phiên âm: Hùng Vương từ giả ngã Việt tối cổ sử thượng Hồng Bàng liệt vương tự sở dã.

Hùng Vương đệ nhất (dương lịch kỷ nguyên tiền nhị bát thất cửu) đô Phong Châu (tức kim Bạch Hạc) quốc hiệu Văn Lang, truyền thập bát thế, giai xưng Hùng Vương, lịch niên nhị thiên lục bách nhị thập hữu nhị. Hậu Thục An Dương Vương chiếm cứ kỳ địa (dương lịch kỷ nguyên tiền nhị ngũ bát) tồn tiền vương tự kiến miếu ư Nghĩa Lĩnh (tức kim Hùng sơn), cấp tự điền tại Hi Cương xã, Cổ Tích thôn, nãi Hùng Vương đệ thập bát thăng hà cố địa dã.

Kim thượng hữu lăng tại miếu bàng, tự nhi Triệu Phú thôn dân kiến biệt miếu ư sơn yêu dĩ phụng chi (tức kim Trung từ), Vi Cương xã hựu kiến biệt miếu ư sơn lộc dĩ phụng chi (tức kim Hạ từ), lịch triều liệt chi tự điển.

Hoàng triều Tự Đức nhị thập thất niên (dương lịch nhất bát thất tứ) Tam Tuyên tổng đốc Nguyễn Bá Nghi phụng sắc trùng tu Thượng từ; Duy Tân lục niên (dương lịch nhất cửu thập nhị) Diên Mậu quận công Hoàng Cao Khải tư thỉnh chính phủ cấp ngân nhị thiên nguyên; Phú Thọ tuần phủ Chế Quang Ân hựu phụng hành khuyển quyên trùng tu nội tẩm ngoại điện như kim quy thức; Khải Định nhị niên (dương lịch nhất cửu nhị nhị) tăng tu sơn lăng.

Tiền giả, quốc tế dĩ thu vi kỳ; Khải Định nhị niên (dương lịch nhất cửu thập nhất) Phú Thọ tuần phủ Lê Trung Ngọc tư thỉnh Lễ bộ ấn định dĩ đệ niên tam nguyệt sơ thập vi quốc tế nhật, tức Hùng Vương đệ thập bát kị tiền nhất nhật dã. Kị nhật (tam nguyên thập nhật) do sở tại dân chí tế.

Sơn yêu hữu cổ tự, hiệu Thiên Quang tự, Tự Đức tam niên (dương lịch nhất bát ngũ thập) Hình bộ thượng thư Nguyễn Đăng Giai, nhân cựu trùng kiến; Khải Định cửu niên (dương lịch nhất cửu nhị tứ) Tuần phủ Lê Vân Đỉnh hựu tăng bổ chi.

Sơn hạ Nam biên hữu miếu, hiệu Tỉnh miếu tự công chúa nhị vị: Nhất thị Hùng Vương đệ tam thế Tiên Dung công chúa (thích Chử Đồng Tử); nhất thị Hùng Vương đệ thập bát thế Ngọc Hoa công chúa (thích Cao Sơn) Khải Định thất niên (dương lịch nhất cửu nhị nhị) trùng tu; Bảo Đại thập niên (dương lịch nhất cửu tam ngũ) hựu tăng quảng chi.

Hoàng Nguyễn Bảo Đại thập ngũ niên Canh Thìn tam nguyệt sơ thập nhật. Tham tri lĩnh Phú Thọ tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn phụng chí.           

 Hùng Vương từ khảo

Dịch nghĩa: Đền Hùng Vương là nơi thờ các vị vua cổ xưa nhất thời Hồng Bàng trong lịch sử nước Việt ta.

Hùng Vương thứ nhất (2879 TCN) định đô ở Phong Châu (nay là Bạch Hạc), đặt quốc hiệu là Văn Lang, truyền 18 đời, đều xưng là Hùng Vương, trải 2622 năm. Về sau, đất ấy bị Thục An Dương Vương chiếm (258), nay còn miếu thờ các vua ở núi Nghĩa Lĩnh (tức núi Hùng). Cấp tự điền ở thôn Cổ Tích xã Hi Cương, là nơi Hùng Vương thứ 18 thăng hà.

Nay còn lăng ở cạnh miếu, con cháu đời sau là cư dân ở thôn Triệu Phú xây miếu thờ ở lưng núi (nay là đền Trung), xã Vi Cương lại dựng thêm miếu dưới chân núi để thờ (đền Hạ), trải các triều đại được liệt vào điển chế thờ tự.

Tự Đức năm thứ 27 (1874), Tam Tuyên tổng đốc Nguyễn Bá Nghi vâng sắc chỉ trùng tu đền Thượng; Duy Tân năm thứ 6 (1912), Diên Mậu quận công Hoàng Cao Khải trình tờ tư xin 2000 quan tiền [để tu sửa]; Phú Thọ tuần phủ Chế Quang Ân lại phụng mệnh khuyến khích quyên tiền để trùng tu nội tẩm cùng ngoại điện như thực trạng bây giờ; Khải Định năm thứ 7 (1922), tu sửa lăng trên đỉnh núi.

Trước đây quốc lễ cúng tế định kỳ vào mùa thu; Khải Định năm thứ 2 (1917), Phú Thọ tuần phủ Lê Trung Ngọc có tờ tư xin bộ Lễ cho ấn định lấy mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc tế. Ngày giỗ (11 tháng 3) thì do dân sở tại tự làm tế lễ.

Lưng núi có ngôi chùa cổ Thiên Quang. Tự Đức năm thứ 3 (1850), Hình bộ thượng thư Nguyễn Đăng Giai nhân chùa cũ nên cho dựng lại; Khải Định năm thứ 9 (1924), tuần phủ Lê Vân Đỉnh lại cho tu bổ thêm.

Chân núi phía Nam có miếu Giếng, thờ hai vị công chúa: Một là công chúa Tiên Dung con Hùng Vương thứ 3 (gả cho Chử Đồng Tử); một là công chúa Ngọc Hoa con Hùng Vương thứ 18 (gả cho thần núi Cao). Khải Định năm thứ 7 (1922) trùng tu. Bảo Đại năm thứ 10 (1935) lại xây rộng thêm.

Mồng 10 tháng 3 Canh Thìn, Nguyễn triều Bảo Đại năm thứ 15 (1940). Tham tri lĩnh Phú Thọ tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn vâng mệnh chép lại.            

 Khảo đền Hùng Vương

1 nhận xét:

  1. Rất nhiều thông tin cho mọi người biết nhé

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!