[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


25 tháng 3 2022

QUÊ HƯƠNG, NGÀY SINH CÒI

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng được bắt đầu bằng việc quân ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội (ngày 10/10/1954). Nhưng quê tôi “đi trước về sau”[1], được giải phóng sau đó, vào 13/5/1955 bằng thắng lợi của việc tiếp quản, giải phóng hoàn toàn thành phố Hải Phòng. Thế mới có chuyện: tôi sinh 23/02 (hay 16/3) năm 1955 mà trong cảnh “trốn Tây Đen sục, mẹ sinh rơi Còi”!

Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955 (ảnh tư liệu ST trên MXH)

Ngược dòng lịch sử ta biết rằng: Ngày 25/01/1954, tại Beclin (vùng do Hoa Kỳ kiểm soát), Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Tứ cường (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) sau khi bàn giải quyết việc thống nhất nước Đức đã thỏa thuận về triệu tập hội nghị quốc tế Genève để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hiệp định Genève 1954 (A: Geneva Conference, P: accords de Genève, H: 日内瓦会, N: Женевская конференция) là hiệp định bàn  về  kết  thúc  chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương tại thành phố Genève (ở Tây Nam Thụy Sĩ)[2].

Trải qua 75 ngày đấu trí căng thẳng giữa các bên, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 20/7/1954, các văn bản chính của Hội nghị được ký kết và các bên ra tuyên bố cuối cùng vào ngày 21/7/1954 sau khi ta giành đại thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ (07/5/1954)[3].

Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được kí giữa đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (1910–1986) và Thiếu tướng (lữ đoàn trưởng, Brigadier-General) Đen Thây (Henri Delteil, 1903-1980), đại diện quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương (For the Commander-in-Chief of the French Union Forces in Indo-China) trong Cung điện Quốc gia (Palace of Nations) tại Genève ngày 20/7/1954 (có tài liệu nói Hiệp định mãi sáng sớm 21/7/1954 mới được ký). Hiệp định gồm 6 chương (Chapter), 47 điều (Article) và 1 phụ bản kèm theo nói rõ thêm về “giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự và các khu đóng quân tạm thời”. Hiệp định cũng quy định ngừng bắn ở Bắc Bộ ngày 27/7/1954, ở Trung Bộ ngày 1/8/1954, ở Nam Bộ ngày 11/8/1954.

Trong đó, Hiệp định quy định tại Điều 1, Chương I: “Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định ra để lực lượng của hai bên sau khi rút, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến: Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến”. Cùng với tập kết, chuyển quân cả hai bên Pháp – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiệm vụ giải quyết vấn đề thống nhất Việt Nam bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7 năm 1956.

Thời hạn di chuyển của lực lượng hai bên được quy định tại Điều 2, Chương I của Hiệp định: “Thời hạn cần thiết để thực hiện việc di chuyển hoàn toàn các lực lượng của hai bên về vùng tập hợp của họ ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời không được quá ba trăm (300) ngày, kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực” (tức tính từ 21/7/1954).

Điều 15 của Hiệp định quy định rõ: “Những cuộc rút quân và chuyển quân sẽ tiến hành theo thứ tự và những thời hạn quy định:

Quân đội Liên hiệp Pháp (Forces of the French Union): Chu vi Hà Nội tám mươi (80) ngày. Chu vi Hải Dương một trăm (100) ngày. Chu vi Hải Phòng ba trăm (300) ngày (Haiphong perimeter 300 Days).

Quân đội nhân dân Việt Nam (Forces of the People's Army of Viet-Nam): Khu Hàm Tân- Xuyên Mộc tám mươi (80) ngày. Đợt thứ nhất của khu tạm đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam tám mươi (80) ngày. Khu Đồng Tháp Mười một trăm (100) ngày. Khu thứ hai của khu tạm đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam một trăm (100) ngày. Khu mũi Cà Mau hai trăm (200) ngày. Đợt chốt của khu tạm đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam ba trăm (300) ngày.

Thi hành quy định của Hiệp định Giơnevơ, Hội nghị quân sự giữa đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam (Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) làm trưởng đoàn) và Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (Đại tá Paul Lennuyeux làm trưởng đoàn) họp tại bãi Đa, xã Trung Giã huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Nơi đây cách Hà Nội 40 km, cách thị xã Thái Nguyên 30 km, nằm sát Quốc lộ 3 và có ga xe lửa Trung Giã trên tuyến đường sắt Thái Nguyên, Hà Nội. Hội nghị tiến hành từ ngày 4 đến 27/7/1954 (có tài liệu nói 03/8), kết thúc sau khi hai bên đạt được thỏa thuận trong bốn vấn đề chính, trong đó có vấn đề trao trả tù binh, thường dân bị bắt trong chiến tranh, ngừng bắn và việc tiếp quản các thành phố.

Nhưng cuộc ngừng bắn ở Việt Nam khá đặc biệt bởi lực lượng của hai bên đan xen với nhau đến mức các nhà quân sự Pháp phải đặt ra một từ mới để gọi hiện tượng này là “Imbrication” (lồng vào nhau như các viên gạch của một bức tường), còn ta thì gọi đó là thế “cài răng lược”. Vì thế có quy định khu vực tập kết 300 ngày của quân Pháp ở vùng duyên hải Bắc Bộ, bao gồm: Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng và 2 huyện Kinh Môn, Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương. Cũng vì vậy, văn bản do 2 Trưởng đoàn ký ngày 25/7/1954 mở đầu bằng một định nghĩa: “Gỡ thế cài răng lược là một hành động đầu tiên để phân chia quân đội đôi bên, làm cho các đơn vị đối lập giãn ra, trở về các căn cứ của mình hoặc tập trung ở những địa điểm trú quân tạm thời đầu tiên, cốt để tránh mọi sự tiếp xúc có thể gây xung đột đôi bên”.

Khu tập kết 300 ngày của quân đội Pháp (Hải Phòng và phụ cận) bao gồm thành phố Hải Phòng và bốn tỉnh Kiến An, Hải Dương, Quảng Yên và Hòn Gai. Phạm vi tập kết của Hải Phòng và Kiến An có thành phố Hải Phòng và các huyện thị: An Dương, Hải An, An Lão, Kiến Thụy, tỉnh lỵ Kiến An, thị trấn Đồ Sơn. Hai huyện Thuỷ Nguyên, Cát Hải trong phạm vị tập kết 300 ngày nhưng thời kỳ này thuộc tỉnh Quảng Yên.

Theo quy định đó, các khu vực tập trung quân của Pháp trong thời kỳ 300 ngày gồm 11 khoảnh: khoảnh 1: Cẩm  Phả  bến,  Cẩm  Phả  mỏ;  khoảnh  2:  Hòn  Gai,  Bãi  Cháy; khoảnh 3: Quảng Yên; khoảnh 4: Kim Thành, Kinh Môn, một phần An Dương; khoảnh 5: Thị xã Kiến An; khoảnh 6: huyện An Dương; khoảnh 7: thành phố Hải Phòng, Núi Đèo, Cát Hải; khoảnh 8: Kiến Thụy; khoảnh 9: Đồ Sơn; khoảnh 10 và 11: đảo Cát Bà và các đảo trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ. Về việc này, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Ðể thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Ðể ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Ðiều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử… Ðó là một việc cần thiết. Nhưng Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”[4].

Với đặc thù của khu tập kết, nên tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp, tàn quân Pháp kéo về đây đông, với đủ loại quân, binh chủng, ngụy quân, ngụy quyền, tay sai, phản động và cả đồng bào bị ép di cư vào Nam (từ Hà Nội xuống, từ Thái Bình, Nam Định sang,…). Việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hải Phòng lúc bấy giờ càng trở nên phức tạp, bởi đế quốc Mỹ và thực dân Pháp tăng cường cấu kết nhằm phá hoại Hiệp định Genève 1954. Đồng thời, để trợ giúp cho các hoạt động khác, Pháp thực hiện việc dồn dân ở các làng đi để lấy nơi đồn trú và từ chỗ đóng quân, chúng tiếp tục cho quân đi càn quét, đánh, giết người, bắt lính tại các vùng do lực lượng liên hiệp Pháp kiểm soát và cả vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, nhất là khu vực hai bờ Văn Úc, đường từ Tiên Lãng lên Kiến An, ra Hải Phòng. Chính những việc đó nhằm gây thêm tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng vào thắng lợi hòa bình của ta.

Đối tượng chính của chiến dịch di cư chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Ở những vùng công giáo toàn tòng, trong kháng chiến giáo dân đã vì theo linh mục mà vũ trang “diệt cộng” thì nay trở thành nạn nhân chính. Lợi dụng lòng tin và sự hiểu biết hạn chế của giáo dân về chính sách tôn giáo của Chính phủ, kẻ thù dựng lên nhiều chuyện giật gân, nhảm nhí để chứng minh “Cộng sản phá đạo”,  “Chúa đã vào Nam”, về những cuộc “trả thù đẫm máu”, “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử”,.... Khẩu hiệu mà nhóm của Lansdale đặt ra: “Chúa đã vào miền Nam” và “Đức Mẹ đồng trinh đã rời miền Bắc” được trưng nhan nhản. Tại các xứ đạo ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão…, Linh mục lợi dụng những buổi cầu lễ rửa tội công khai dụ dỗ giáo dân, tung tin: “Chúa đã vào Nam, ở miền Bắc bị mất linh hồn, các cha đi hết sẽ không có ai rửa tội”, “Ngày mai cha và một số người sẽ vào Nam” hoặc “Cha sẽ đi Nam” đối với những tín đồ đang lưỡng lự…

Nhận rõ tính chất đấu tranh quyết liệt trong khu vực địch tập kết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (mở rộng) họp từ ngày 15 đến ngày 18/7/1954 về nhiệm vụ tiếp thu vùng mới giải phóng, đặc biệt là tiếp thu và quản lý các đô thị, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo khu tập kết 300 ngày và phân công đồng chí Đỗ Mười (Bí thư Khu Tả ngạn) làm Trưởng ban với sự tham gia của Tỉnh ủy Kiến An, Thành ủy Hải Phòng.

Lãnh đạo, quân và dân Hải Phòng, Kiến An chuẩn bị tốt mọi mặt cho việc tiếp quản, chống cưỡng ép di cư, chống di chuyển phá hoại tài sản, chống càn quét, chống bắt lính,... của quân đội Liên hiệp Pháp cùng bè lũ và vận động binh sĩ ngụy trở về gia đình quê hương…

Thi hành chủ trương của Khu ủy, Đảng bộ Hải Phòng và Kiến An đã huy động hàng ngàn cán bộ các đoàn thể cùng bộ đội về các làng Công giáo tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào nhận rõ âm mưu địch, vạch trần thủ đoạn của thực dân Pháp, vận động nhân dân yên tâm ở lại quê hương, an tâm giữ đạo. Cán bộ và bộ đội ta kiên trì tố cáo âm mưu địch, vạch mặt những phần tử xấu đã lợi dụng mê tín, thần quyền để ép buộc đe dọa đồng bào; tuyên truyền, giải thích chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, Chính phủ cho nhân dân.

Về phát triển kinh tế, xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các tuyến đê ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, Thuỷ Nguyên đã được bồi đắp như cống Trung Trang, đê Kim Côn, đê sông Hoá, sông Luộc, Đông Côn… Lúa và khoai lang lên xanh tốt. Đặc biệt, khoai lang chống đói được trồng ở khắp mọi nơi, từ chân gò, đồng hoang tới ven bãi. Binh sĩ ngụy đào ngũ trở về cũng tích cực tham gia lao động, hoà mình trong tấm lòng nhân ái của đồng bào.

Theo đúng quy định của Hiệp định Giơnevơ, ngày 28 tháng 4 ta đã tiếp quản huyện An Dương, phía Tây huyện An Lão; ngày 8 tháng 5 tiếp quản Hải An và các vùng còn lại của An Lão; ngày 10 tháng 5 tiếp quản tỉnh lỵ Kiến An. Ngày 13 tháng 5, tiếp quản thành phố Hải Phòng; ngày 14, 15 tháng 5 tiếp quản huyện Kiến Thụy và thị trấn Đồ Sơn; ngày 16 tháng 5 tiếp quản huyện đảo Cát Hải-Cát Bà, nơi người lính Pháp cuối cùng rời miền Bắc.

Địch rút đến đâu, ta tổ chức rà phá mìn, gỡ bỏ dây thép gai để nhân dân sống yên ổn, chăm lo phục hồi sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Quê tôi, bên Tả ngạn Văn Úc, có Bến Khuể, nằm trên con đường từ Tiên Lãng sang Kiến An và ra Hải Phòng, nằm trọn trong vùng “300 ngày”, có xứ đạo Kim Côn, gần xứ đạo Văn Khê, nên tình hình khá phức tạp và đến 08/5/1955 mới hoàn toàn giải phóng.

Ngày ấy, tôi vừa chào đời nên không biết gì, tất cả thông tin trên chỉ là nghe kể, nhớ lại theo chính sử và lượm lặt trên các trang sách, bài báo rồi chắt lọc, sắp xếp, biên soạn lại tất nhiên là theo nhận thức của bản thân!

Việc này là thảo dân cố gắng học theo người xưa “秀才不出門,能知天下事” (tú tài bất xuất môn, năng tri thiên hạ sự) tức người đọc nhiều sách, có thể không có mặt ở đó, không đi ra ngoài nhưng cũng có thể biết được chuyện quan trọng trong nhân gian.

-Lương Đức Mến, 25/3/2022-



[1] Từ cuối tháng 11/1946, những nỗ lực cứu vãn hoà bình từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cuối cùng đã bị đổ vỡ. Ngày 20/11/1946 tầu Pháp tấn công Hải Phòng, quân và dân thành phố Hải Phòng đã kiên cường chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ra miền Bắc.

[2] Vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương chính thức được khai mạc. Tham gia Hội nghị gồm có 9 đoàn đại biểu: Phái đoàn Anh do Anthony Eden làm trưởng đoàn; Phái đoàn Hoa Kỳ do Bedell Smith làm trưởng đoàn; Phái đoàn Liên Bang Xô Viết do Viacheslay Molotov làm trưởng đoàn; Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn; Phái đoàn Pháp do Georges Bidault làm trưởng đoàn; Phái đoàn Quốc gia Việt Nam do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau thay thế là Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ; Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn; Phái đoàn Vương Quốc Lào do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn; Phái đoàn Campuchia do Tep Than làm trưởng đoàn. Hai phái đoàn Pathet Lào và Khme Issarak không được chính thức tham gia hội nghị các nguyện vọng của hai đoàn này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình bày trước hội nghị.

Vấn đề đầu tiên trên bàn hội nghị là bàn về chiến tranh Triều Tiên, nhưng ngay sau khi biết tin thực dân Pháp thất thủ tại chiến trường Điện Biên Phủ, sáng 8/5/1954 vấn đề Đông Dương được đưa lên bàn nghị sự. Từ đó đến ngày 23 tháng 6 năm 1954, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

[3] Thực ra, để tỏ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, ngay từ tháng 3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh để bàn với Ban lãnh đạo Trung Quốc về việc Việt Nam tham dự Hội nghị Giơnevơ. Sau đó, đoàn cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang Liên Xô họp cấp cao ba nước Liên Xô – Trung Quốc – Việt Nam để bàn giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ sắp được triệu tập.

Chính phủ Việt Nam thành lập Đoàn đi dự Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Đoàn gồm:  Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn; các thành viên là:  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu, Đặng Tích và nhiều chuyên viên khác.

[4] Cũng vì nằm trong khu vực tập kết 300 ngày nên mặc dù trên toàn quốc, Cải cách ruộng đất đợt 5 tiến hành ở 172 xã trong 20 tỉnh theo nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 12/1955 nhưng vùng Kiến An mãi tới đầu 1956 mới tiến hành. Khi đó, Đoàn 3 cải cách ruộng đất phụ trách các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, vùng căn cứ du kích cũ của Kiến An; Đoàn 4 phụ trách các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy (Kiến An) và Hải An (Hải Phòng); Đoàn 1 phụ trách Thủy Nguyên thuộc Hồng Quảng.

2 nhận xét:

  1. Nhiều người cao tuổi ở làng Cô tôi (Mỹ Lang), Mợ tôi (Sái Nghi) và xã tôi (Chiến Thắng) còn nhớ và kể về mấy ngày 20/02-25/02/1955 (01/02-05/02/Ất Mùi) lính da đen đóng tại làng Sái Nghi đã tràn ra các xã quanh vùng, xuống cả Chiến Thắng cướp phá, đánh chết và đánh bị thương nhiều người!
    Phải chăng tôi được "đẻ rơi" trong dịp này. Nếu đúng vậy thì tôi sinh 23/02/1955 như trong Giấy khai sinh ghi là đúng chứ không phải 23/02/Ất Mùi (16/3/1955) như lời kể! Thôi mà ngày nào cũng được, chênh nhau có ngót tháng với thảo dân thì chả sao!

    Trả lờiXóa
  2. Cũng tại Hiệp định trên, tại Điều 35 Chương VI ghi rõ:
    Uỷ ban Quốc tế (The International Commission) sẽ phiên chế những đội thanh tra lưu động và cố định, soạn thảo số lượng nhân viên cân bằng được chỉ định bởi mỗi nước đã đề cập bên trên.
    Những đội cố định (The fixed teams) sẽ được bố trí vào các nơi sau đây: Lào Kay (Laokay), Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng (Haiphong), Vinh, Đồng Hới, Mường Sén, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ba Ngòi, Sài Gòn, Vũng Tàu, Tân Châu.
    Như vậy, ngay từ ngày đó, Lào Cai đã "cột" chặt với Hải Phòng!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!