Tháng 3/1975, đang học năm thứ hai, K69 ĐHQY (nay gọi là DH 9 HVQY) nghỉ học đi tham gia Đại Công trường đắp đê sông Đáy, không đem theo phiên hiệu Nhà trường.
Sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc, nó là con sông chính của lưu vực sông Nhuệ - Đáy ở phía tây nam vùng châu thổ và chảy gần song song bên hữu ngạn sông Hồng. Sông có chiều dài 250 km nếu tính theo nhánh bên tả, còn theo nhánh chính bên hữu thì sông Đáy dài 325 km (đoạn thượng nguồn còn gọi là sông Tích) khởi từ sông Hồng (cửa Hát đọan Phúc Thọ) chảy qua Hà Nội, xuyên Hà Nam rồi thành ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra biển đông tại cửa Đáy.
Trước khi chảy qua vùng Ứng Hòa-Mỹ Đức, trên bờ sông này có những danh thắng nổi tiếng như: cửa Hát Môn (thuộc Phúc Thọ, Hà Nội có Đền thờ Hai Bà Trưng), Chùa Thầy (ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội là quê hương cụ nghè Dương Khuê) đi xuôi xuống có Chùa Hương (thuộc Mỹ Đức, Hà Nội).
Đoạn từ Vân Đình trở xuôi là hạ lưu thuộc nơi “phân lũ” với sông Hồng để bảo vệ Hà Nội. Vì vậy, tuy là huyện bán sơn địa nhưng Ứng Hòa có hơn 36 km đê tả Đáy (từ K43+700 đến K80+022), trong đó có 14,7 km đê kết hợp giao thông.
Ngày đó, chúng tôi hành quân bộ từ Sa La trại qua thị xã Hà Đông đến điểm tập kết ở xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Nhớ rằng: tỉnh này được thành lập ngày 1/7/1965 theo Quyết định số 103-NQ-TVQH của ỦBTVQH ngày 21/ 4/1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Ngày 27/12/1975 hợp nhất với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình và được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12/8/1991. Sau đó, từ 1/8/2008 được sáp nhập vào Hà Nội.
Viên Nội nằm ở phía tây bắc huyện Ứng Hòa, có 4 thôn là Thượng, Trung, Giang và Tiền. Phía đông và phía bắc giáp xã Viên An; phía tây là dòng sông Đáy, bên kia sông là xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức); phía nam giáp xã Cao Thành. Đó là một vùng quê thanh bình, con người đôn hậu, chất phác.
Đoạn mà chúng tôi tham gia bồi đắp là thuộc Đê Tả sông Đáy nằm giữa Cụm cầu Hòa Viên, cầu Ba Thá sắt, cầu Ba Thá với cầu Mỹ Hòa (nối 2 xã: Bột Xuyên của Mỹ Đức với Cao Thành thuộc Ứng Hòa).
Các tổ được bố trí nghỉ trong nhà dân phía trong đê và được nhân dân rất quý. Tổ của tôi, thuộc A1169B1 đóng quân ở một gia đình 2 bác đứng tuổi, anh con trai đang tại ngũ và được cái bọn tôi “dân vận” khá (cắt tóc, dạy trẻ nhỏ học, quét dọn sân nhà,...) nên bác chủ rất quan tâm, sáng còn luộc khoai cho ăn!.
Ở cánh đồng ven chân đê ngay kề tỉnh
lộ 80 có một ngôi đình (đình thôn Trung,
thôn ở trong đê, đình ở ngoài) lớn hơn và đẹp hơn nhiều so với đình làng
tôi ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng. Hồi
ấy, khi đi lao động chúng tôi mang theo đến nửa Balo sách vở nên ngày lao
động, tối bận xoay ra học bài với lại “kỷ luật quân đội” rất nghiêm, đi đâu
phải đủ “tổ tam tam” nên chúng tôi cũng ít ngắm cảnh và cũng không có phương
tiện lẫn phong trào selfie như hiện nay nên chả lưu được tấm ảnh nào! Nhưng cũng kịp nghe kể rằng: ở nơi ranh giới giữa hai thôn Giang - Tiền
và nằm sát con đường liên xã có “ông” chó đá hay “thần khuyển” lâu đời. Tương
truyền “thạch khuyển” này được dựng từ thời nhà Trần và rất linh thiêng !
Toàn khóa lao động rất hăng. Những chiếc xe cải tiến cắm cờ nối đuôi nhau băng từ chân đê lên đổ đất tôn mặt đê, những nhát xẻng, cuốc hối hả...Cuối buổi chiều loa luôn tuyên dương các A vượt năng xuất, nhưng chỉ nói phiên hiệu.
Sau này mới hiểu là Bộ TTM dùng SV trường ĐHQY để “nghi binh” khi một số Sư đoàn chủ lực đã hành quân vào Nam chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, giành trận thắng cuối cùng. Chính vì vậy, những “quả đấm thép” của ta cũng cùng làm nhiệm vụ “đắp đê sông Đáy" với chúng tôi. Ví dụ: Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (sau này đổi phiên hiệu là Sư đoàn 390). Hay toàn bộ Quân đoàn I (có Sư đoàn 308) khi đó đang đứng chân ở Bắc và Trung Trung Bộ được lệnh rút hết ra Bắc và “phải” tham gia đắp đê sông Đáy!
Trước khi chúng tôi về Trường (ĐHQY vào ngày 29/3/1975) thì 28/3 các đơn vị này đã nhận được Mật lệnh “Các phân đội dừng đắp đê, cử người đo nghiệm thu khối lượng, bàn giao công trường…cho địa phương, đơn vị khác. Họ nhận quân trang, quân dụng… lên đường đi chiến đấu…” góp phần làm nên Đại chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!.
Đến khi giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975),
K69 được lệnh về Trường chuẩn bị sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Thế là
ý định tham quan Bệnh viện Vân Đình của chúng tôi gác lại. Nhưng chúng tôi tự hào là đã Hoàn thành xuất sắc, có hiệu quả nhiệm vụ của những “diễn viên đóng thế”, góp công sức mình hoàn thành được ý đồ tác
chiến của Bộ Chỉ huy tối cao, đánh lừa được đầu não địch với bộ máy tình báo,
gián điệp được tổ chức khá chặt chẽ và trang bị hiện đại !
Về Trường, râm ran trong dư luận toàn khóa sẽ học Ngoại Dã chiến cấp tốc để chi viện cho
chiến trường khi cần. Chúng tôi háo hức và sẵn sàng!
Ngày đó sinh viên trong trường được học và nghe kể nhiều về tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Cao Văn Khoan. Anh là học viên K62 ĐHQY. Chuyện kể rằng: trong suốt 40 ngày đêm tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, cho tới lúc hy sinh, dưới mưa bom bão đạn tàn khốc của kẻ thù, đồng chí Cao Văn Khoan đã trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca, có ngày địch phản kích ác liệt, bộ đội thương vong nhiều, anh phẫu thuật liên tục 18 - 20 giờ. Trong một lần cứu chữa thương bệnh binh trên chiến hào, anh bị một mảnh bom cắt đứt một chân, một mảnh khác găm vào đầu, y tá đến băng bó, nhưng anh xua tay và nói: “cứ để tôi tự làm, các đồng chí hãy đi cứu những đồng đội khác bị thương nặng hơn”. Nhưng do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, Cao Văn Khoan đã hy sinh.
Sau này, vào những năm 2017-2020 gần Viên Nội, ở bên huyện Mỹ Đức có xẩy ra “vụ Đồng Tâm” ồn ào trên MXH và các phương tiện thông tin đại chúng mà ít người không biết.
Cỡ 4/2019, khi đi viếng mẫu thân một
anh bạn ở thôn Phú Yên (hình như thuộc xã
Viên An và xã này có thời đã nhập vào Viên Nội), tôi có trở lại Viên Nội nhưng không thể nào
nhận ra được “cảnh cũ người xưa” ! Một phần do thời gian và những đổi thay của
vùng quê đang đà phát triển một phần lần 2019 chúng tôi cưỡi ô tô theo đường từ Vĩnh Phúc sang
Sơn Tây rồi xuống Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu
Môn để vào Viên Nội khác hồi 1975 cuốc bộ từ Sa La xuyên Hà Đông qua Thanh Oai
tới Viên Nội! Khác chặng đường, khác phương tiện và tư thế !
-Lương Đức Mến, viết lại và bổ sung 29/3/2022-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!