[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 4 2021

NIỆM hay LIỆM

Người ta, ai cũng muốn được “Trường sinh bất tử” (H: 長生不死, A: The immortality, P: L'immortalité) hay chí ít cũng đạt “Tuổi hạc” (H: 鶴岁, A: The age of crane, P: L'âge de la grue). Nhưng, như người xưa đã biết: “Bách tuế vi kỳ” (H: 百歲為期, A: Hundred years are the limit of life, P: Cent ans sont la limite de la vie), nghĩa là con người sống một trăm năm là kỳ hạn, chẳng ai cưỡng được!

Vì vậy, mới có câu “Hữu sinh hữu tử” 有生有死 và ai cũng hiểu rằng Sinh ký tử qui 生寄死歸, tức là sống gởi thác về. Quan niệm về triết lý nhân sinh rất phổ biến ở Á Đông, cho rằng đời sống của con người nơi cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn tạm thời trong suốt một cuộc sống bất tận thiệt thọ của con người nơi cõi TLHS. Con người đầu kiếp xuống cõi trần chỉ tạm trong thời gian nhiều lắm là trăm năm để công tác hoặc học hỏi thêm và tiến hóa.

Vẫn biết Ông bà Cha mẹ “ra đi” lúc tuổi già là đương nhiên, nhưng khi nó đến vẫn cứ bất ngờ hụt hẫng. Là nỗi đau khôn cùng, sự mất mát lớn lao, nỗi trống vắng không sao khỏa lấp. Vì vậy, nhà hiếu luôn mong muốn làm chu đáo tang lễ cho ông bà cha mẹ, cho nên đám tang, còn gọi là “Đám Hiếu”. Làm tang lễ là việc làm của mình, cho chính mình.

Từ hơn hai nghìn năm trước, nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc, Khổng Tử (孔子 hay Khổng Phu Tử 孔夫子; 551 – 479 tCn) trong Luận Ngữ 论语 tại Thiên thứ hai (Vi Chính Đệ Nhị, 為政第二) đã nói: 生,事之以禮;死,葬之以禮,祭之以禮- Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ , tức là “khi sống, phải thảo kính cha mẹ bằng lễ đạo, khi chết cũng phải an táng bằng lễ đạo, tế tự bằng lễ đạo”. Đạo hiếu không những là nguyên tắc cho kẻ sống, mà cũng là nguyên tắc hoạt động của lễ tang.

Việc lo “hậu sự” của nhà hiếu, của họ mạc, làng xóm được gọi là đám tang hay đám ma, lễ tang, tang lễ, tang ma. Đó là một trong những phong tục gồm nhiều quy trình của những người đang sống thực hiện đối với người vừa chết. Những nghi thức đó thay đổi theo thời gian và biến tấu ở mỗi vùng miền, tùy dân tộc, tín ngưỡng của gia chủ.

Trong cộng đồng người Kinh ở Bắc bộ các nghi thức cơ bản là giống nhau, theo Thọ mai gia lễ, tất nhiên trong đó không khỏi có hủ tục rườm rà, mê tín dị đoan, chi phí tốn kém không cần thiết mà việc loại nó đi không phải là dễ. Đồng thời tang lễ ngày nay lại có những điểm khác so với thời kỳ từ thế kỷ 20 trở về trước.

Về cơ bản có các nghi thức: Hộ niệm cho người sắp mất và vừa mất; Báo tang; Thành lập Ban Lễ tang và Cáo phó; Chuẩn bị Tang phục, lễ cho việc xin đất đặt mộ; Lập Bàn vong và Trang trí phòng tang; Lễ Tắm gội; Trị quan, Phạt mộc; Khâm liệm; Lễ Phát tang ;  Lễ Phúng điếu; Lễ Cúng sáng tối ; Chuyển cữu; Lễ Truy điệu, Di quan, (Hỏa táng); An táng; Rước Vong về.

Trong các “lễ” đó có 2 lần nhắc đến một âm mà người khu Ba phát âm, viết lẫn nhau đó là Hộ NIỆM và Khâm LIỆM!

Trước hết là HỘ NIỆM. Việc này chỉ thi hành ở những gia đình Phật tử (H: 佛子, A: Buddhist, P: Bouddhiste) với người đã Quy y. HỘ NIỆM 護念là nói tắt từ “Bảo hộ ức niệm”, khiến cái ác bên ngoài không xâm phạm, điều thiện ở bên trong được nẩy nở, là trợ duyên cho người còn sống (người bệnh) được thực hiện khi rõ là thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với công năng của sự niệm Phật 念經sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Việc hộ niệm với đầy đủ TÍN – NGUYỆN – HẠNH.

Người sắp chết được giúp Niệm Phật trong giờ phút sắp lâm chung càng vô cùng quan yếu giúp họ tập trung tinh thần về với chính niệm bằng cách chí thành tha thiết niệm Phật. Khi người bệnh vừa tắt thở, thì thần thức chưa hoàn toàn rời khỏi thể xác nên còn rất cần thiết cho việc hộ niệm, niệm Phật. Muốn vậy, thân quyến hay con cháu trong gia đình là những nhân tố chính giúp cho người thân của mình khỏi bị đọa lạc vào cảnh khổ nhưng lại bối rối lo buồn thêm bao việc phải lo nên không còn đủ bình tĩnh. Nên phải có người biết cách trợ niệm, để giúp đỡ chỉ bảo mọi việc cho thân nhân và bạn bè lo trợ niệm giúp đỡ cho bệnh nhân.

Còn “KHÂM LIỆM” (H: 衾殮 , A: To wrap a corpse in a shroud, P: Couvrir un cadavre dans un linceul) hay Tẫn liệm (H: 殯殮, A: To wrap a corpse in a shroud and to coffin, P: Envelopper le mort et le mettre en bière) là việc bọc thi hài bằng chăn mỏng hay vải, sau khi thực hiện xong lễ mộc dục ( 沐浴, tắm rửa cho người mất) để chuẩn bị tang lễ chính. Khi  đưa thi xác vào quan tài Chữ là Nhập quan (H: 入棺 /入殮 , A: To coffin a body, P: Mettre en bière) và có xem giờ, chọn người..

Như vậy “khâm liệm” là công việc bao bọc thân thể của người đã khuất bằng vải hoặc lụa sau khi thực hiện xong lễ mộc dục rồi đưa thi xác đã bọc đó nhập quan, có ở cả Phật giáo và Công giáo. Còn “hộ niệm” là việc tụng kinh, niệm Phật của các Phật tử  để người sắp mất nghe, đi theo chính đạo và sẽ sớm siêu thoạt nếu “mệnh” không qua khỏi và nghi thức này chỉ có ở Phật giáo!

Hiện nay, tang lễ được làm giản tiện hơn, thường chỉ gồm khâm liệm, nhập quan, lễ viếng, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt và nếu là Phật tử thì khi sắp mất và lúc vừa tắt thở có tiến hành hộ niệm. Thời Covid đã lược được một số nghi thức rườm rà nhưng nhiều nơi hình như các văn bản chưa thẩm thấu tới nên vẫn còn lắm thứ nhiêu khê diệu vợi! Đặc biệt, chắc do phú quý sinh lễ nghĩa, rồi đua nhau nên một số nghi thức tưởng đã mất đi theo thời gian và sự tiến bộ của nhận thức lại có cơ phục hồi, phát triển mà không phải ở nơi thâm sơn cùng cốc, tại gia định ít học gì mà lại ở nơi đô hội trong những gia đình "có điều kiện!

Tất nhiên những gì thuộc về MỸ TỤC thì không bỏ được. Điều đáng tiếc nhiều gia đình, nhiều nơi, kể cả với đoàn nhạc hiếu, các “thầy pháp” đều gọi lễ bọc thi hài, nhập quan là “khâm niệm”!

-         Lương Đức Mến BS, cận Thanh Minh 2021-

1 nhận xét:

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!