[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 4 2021

Gần Ngày Giỗ Tổ, càng nhớ TRẦU CAU

Gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhớ về một tục rất nhân văn, tồn tại cho đến ngày nay đó là tục ăn trầu và chuyện liên quan đến Trầu Cau !

Từ thuở xa xưa, có lẽ do kinh nghiệm, cổ nhân đã biết sử dụng các loại lá, rễ, quả của nhiều thứ cây khác tìm được để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa hay trị bệnh. Trong đó có quả cau, lá trầu và một số loại rễ cây.

Tục ăn trầu có từ lâu ở miền nam Trung Hoa, ở Thái Lan, Miến Ðiện, ở Ðông Dương,…

Thuở nhỏ thấy bà và cô tôi gọi là ăn “giầu”, lớn lên đi học thấy sách báo chỗ viết ăn “trầu”, nơi ghi ăn “giầu” …Đây đều là chữ Nôm, nhưng “giầu” 𢀭 đã quá quen trong “giầu nghèo” nên trong bài này tôi cứ chép là “trầu” (bộ thảo + chữ châu , có bộ mộc ) cho dễ phân biệt!

Dân gian gọi “ăn trầu” nhưng thực ra trong miếng “trầu” có đủ thành phần:  một phần lá trầu, một phần quả cau (khô hay tươi), miếng nhỏ vỏ (chay, quạch), đôi khi cả một viên thuốc (lào). Bởi vậy mới có câu:

Ăn trầu mà có vỏ chay,

Vôi kia có nhạt cũng cay được mồm.

 Lá trầu, còn gọi là trầu không, một loại dây leo có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

Vôi được làm bằng cách bỏ đá vôi vào lò nung. Vôi ăn trầu được làm từ vôi cục hòa với nước (vôi tôi) để lâu. Theo tục ăn trầu, vôi càng nồng càng ngon.

Cau là một loài cây có nhiều ở vùng nhiệt đới, thân gỗ, lá dài hình lông chim, quả thành từng chùm hợp lại thành buồng. Quả cau được bổ (hay cắt) thành miếng, để tươi hay phơi không cuộn trong lá trầu không và têm vôi thành miếng trầu.

Vị trầu rất nóng và hăng, cau có vị thơm nồng và hăng và có thể gây say khi lần đầu tiên sử dụng nó. Cau, trầu và vôi làm răng và môi người nhai đỏ thẫm.

Vỏ chay là vỏ rễ cây chay, cây vỏ quạch, cây sung,…là gia vị thêm vào tăng vị cay nồng làm miếng trầu thêm đậm đà và nước cốt hay bã trầu thêm tươi đỏ. Những người thêm thuốc là là “ăn trầu thuốc”. Ví dụ cô ruột tôi, một người nghiện trầu thuốc thì miếng trầu bao giờ cũng đủ: trầu, cau, vôi, vỏ, thuốc !

Chính vì “thành phần” đó mà miếng trầu đủ vị: Đắng, Cay, Ngọt, Bùi, Nồng gợi những thăng trầm của cuộc sống và ăn trầu giúp cho cơ thể được ấm nóng chống lạnh, chống “lam sơn chướng khí” lại sạch miệng, chắc răng.

Khi tạo thành miếng trầu (têm), người dùng nhai rồi nhả bã, nước cốt có mầu đỏ và họ tin rằng ai ăn trầu mà cốt không đỏ là kém duyên:

“Ăn trầu phải nhả trầu ra

Một là thuốc độc, hai là mặn vôi.”

Ở Đại Việt, tục này có một câu chuyện rất nhân văn kể về nguồn gốc. Chuyện rằng, có hai anh em nhà họ Cao, một người tên Tân, một người tên Lang rất mực thương yêu nhau. Khi cha mẹ qua đời, hai anh em đến trọ học nhà ông thầy họ Lưu. Chăm ngoạn, học giỏi nên 2 anh em được thầy đồ yêu quý gả con gái Xuân Phù cho người anh.

Tuy đã có vợ nhưng người anh vẫn sống chung nhà với người em, họ sống rất hạnh phúc. Nhưng về sau, vì một chuyện hiểu nhầm nên đã tự chia lìa.

Đến khi cả ba người cùng chết và chết bên nhau, người em hóa cây cau, người anh hóa phiến đá vôi và vợ người anh hóa cây trầu không, họ mới có được sự cảm thông hoàn toàn. Từ nay họ sẽ mãi mãi gắn bó bên nhau và kết hợp thành một qua miếng trầu tình nghĩa mà ở đó, một giòng nước đỏ tươi như máu được tiết ra, tượng trưng cho tình gia đình muôn đời thiêng liêng, bền chặt.

Một hôm vua Hùng thứ tư tuần du qua, thấy có miếu thờ, biết rõ cội nguồn nên vô cùng cảm động. Khi Hùng Vương ăn thử, tháy rõ mùi vị thơm cay, nồng ấm, và càng trân quý hơn khi Người nhổ nước cốt trầu xuống tảng đá vôi hiện ra sắc đỏ tươi như máu! Vương truyền nhân giống và ban lệnh cho thần dân từ nay sẽ nhất thiết dùng trầu cau trong các dịp cưới hỏi, và trong các buổi hội họp lớn, nhỏ. Tục ăn trầu ở nước ta có từ đó.

Từ tục ăn trầu nên có thêm vật dụng đi kèm cối giã trầu, bình vôi, cơi đựng trầu, trầu têm cánh phượng,… rồi câu hát:

“Đàn ông nông nổi giếng khơi,

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.”

“Vô giàn hái lá trầu giàn,

Đem têm kiểu phụng bỏ ngang khay cừ.”

Khi nói về người mải lo chuyện người mà quên mất phần mình, dân gian có câu: “Thợ rèn không dao ăn trầu ”!

Xưa kia, không chỉ đàn bà mà cả đàn ông cũng ăn trầu nên có lệ mời ăn trầu khi gặp nhau, “gặp nhau không trầu thì nước” !. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Có câu :

“Trầu em trầu gói trong khăn,

Trầu gói trong áo, anh ăn sao đành.”

“Đôi ta như trầu với cau,

Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng.”

“Thương ai em nói khi đầu,

Để cho thầy mẹ ăn trầu một nơi.”

Ngày nay, nam thanh nữ tú, ai cũng răng trắng, môi đỏ son, chẳng ai ăn trầu, không mấy người biết têm trầu nhưng đồ dẫn cưới bao giờ cũng có buồng cau và đám cưới hỏi nào cũng có cơi trầu têm cánh phượng đón, tiễn khách! Hay thế!

-Lương Đức Mến, tháng 3 năm Tân Sửu 2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!