[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


01 tháng 3 2021

Tìm hiểu SỐ NGÀY TRONG MỖI THÁNG

Mỗi sự kiện, biến cố xẩy ra trong tự nhiên xã hội đều diễn ra trong không gian. Ý niệm về thời gian được hình thành từ sự cảm nhận tính chu kỳ, lập đi lập lại của các hiện tượng tự nhiên như ngày- đêm, mặt trời mọc lặn, mặt trăng tròn khuyết, mùa đông mùa hè.

Chính quá trình giao tiếp, sự phát triển của xã hội đặt ra yêu cầu phân chia thời gian. Đó chính là phép làm lịch, hay Lịch pháp 曆法. Kết quả được ghi lại gọi là Lịch thư (H:曆書, A: Almanac, P: Almanach), tức sách lịch, niên giám.

Lịch làm ra để đếm ngày, để ghi chép công việc, để tính toán sự biến chuyển của các chu kỳ thiên văn chính. Lấy 2 thiên thể quan sát rõ nhất từ Trái đất là Mặt Trăng và Mặt Trời ta đã biết Mặt Trăng quay quanh Trái Đất theo chu kỳ 29,530588 ngày (tháng), Trái Đất quay quanh Mặt Trời mất 365,2422 ngày (năm). Rõ ràng ngày, tháng, năm là 3 đơn vị cơ bản của lịch nhưng chúng không bao gìơ “trùng khít” nhau, chỉ có thể có 2 trong 3 thông số đó phù hợp nhau nên phải có phương pháp điều chỉnh do đó có nhiều cách tính lịch tùy trình độ và tập quán từng khu vực, thời gian, từng nền văn hóa. Cho đến nay, có 2 phép làm lịch chính, đó là:

Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire) dựa vào chu kỳ mặt Trời , lấy năm Xuân phân làm cơ sở, có độ dài bằng vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời.

Âm lịch (陰曆, Lunar calendar/ Le calendrier lunaire), dựa vào chu kỳ mặt Trăng , lấy cơ sở là tháng giao hội và do có tham chiếu với Dương lịch có hợp với thời tiết nên thực ra lịch âm hiện dùng là Âm Dương lịch (陰陽合歷, Lunisolar calendar).

Không đề cập sâu về phép làm lịch nhưng cũng nên biết qua rằng, Âm lịch và Dương lịch khác nhau ở chỗ: Âm lịch có tính chu kỳ (cyclic) theo Can Chi 干支còn Dương lịch có tuyến tính (linear) theo con số.

Trong phạm vi  bài này chỉ xét đến phép làm lịch dương đồng thời cũng tìm hiểu xem cổ nhân đã xếp số ngày trong mỗi tháng thế nào và vì sao lại bố trí như vậy?. Trong lịch sử đã có một số loại Dương lịch:

- Ban đầu, lịch La Mã được ban hành bởi hoàng đế Romulus thành Rome dựa vào chu kì của Mặt Trăng. Tuy nhiên chỉ có 10 tháng bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 12, tháng 1 và tháng 2 chưa hề tồn tại. Chỉ có các tháng: Martius: 31 ngày, Aprilius: 30 ngày, Maius: 31 ngày, Junius: 30 ngày, Quintilis: 31 ngày, Sextilis: 30 ngày, September: 30 ngày, October: 31 ngày, November: 30 ngày, December: 30 ngày.

Như vậy, một năm chỉ có 10 tháng tương đương với 304 ngày, tức là có một khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ của Mặt Trăng không được đưa vào lịch vì  ông cho rằng 2 tháng mùa đông không thể canh tác nên không cần soạn lịch.

- Lịch La Mã cải biên: Khắc phục sự “vô lý” của năm 10 tháng trên, vua bán thần thoại và là vua thứ hai của Vương quốc La Mã là Num Pompilius (715–673 tCn) vào năm 731 tCn quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào lịch cho đủ 12 chu kỳ của Mặt Trăng và mỗi tháng này có 28 ngày, tổng cộng là 354 ngày. Hồi đó, tháng 2 được coi là tháng cuối cùng của năm thay vì như quy ước hiện nay là tháng 12. Tuy vậy, với quan niệm số chẵn liên quan đến vận đen nên sau đó Numa Pompilius quyết định tăng thêm 1 ngày vào tổng số ngày trong năm thành số lẻ (365) và số ngày của các tháng cũng được điều chỉnh lại thành số lẻ. Riêng tháng cuối cùng của năm (tháng 2, February) lại là  thời gian mà người Roma tổ chức các lễ nghi liên quan đến sự chết chóc nên bớt 1 ngày để thành 28 ngày. Số ngày trong các tháng là: Martius: 31 ngày, Aprilius: 29 ngày, Maius: 31 ngày, Junius: 29 ngày, Quintilis: 31 ngày, Sextilis: 29 ngày, September: 29 ngày, October: 31 ngày, November: 29 ngày, December: 29 ngày, Januarius: 29 ngày, Februarius: 28 ngày.

Trong thực tế, lịch đặt theo chu kỳ của Mặt Trăng không phản ánh đúng được chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa. Vì thế, người La Mã lại quyết định cứ hai năm thì đưa vào thêm một tháng nhuận kéo dài 27 ngày sau ngày 23 tháng 2 có tên Mercedonius (những năm đó tháng 2 chỉ có 23 ngày).

- Lịch Julius: để khắc phục cách tính rắc rối của lịch La Mã cải biên, năm 46 tCn, Chấp chính Ðế quốc La Mã là Julius Ceazar (101-44 tCn) đề xướng lịch mới gọi là Calendrier Julien. Trong đó ông quyết định giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để cho 12 tháng đó trùng với chu kỳ của Mặt Trời (chu kỳ vị trí của Mặt Trời trên bầu trời, chứ không phải chu kỳ Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời vì thời đó người ta không biết Trái Đất có quỹ đạo quanh Mặt Trời).

Sau này, cháu Julius Caesar là Gaius Julius Caesar Octavianus làm Hoàng đế La Mã đầu tiên (27 tCn-14) đã hoàn thiện hơn lịch của cậu mình. Chính ông quy định cứ 4 năm một lần thì tháng Hai lại được cộng thêm một ngày thành 366 ngày cho phù hợp với chu kỳ của Mặt Trời được tính ra khi đó là 365,25 ngày, điều này về cơ bản khá gần với chu kỳ thật của Trái Đất quanh Mặt Trời hiện nay chúng ta biết là 365,2425 ngày. Từ đó, sinh ra “năm nhuận” (H: 閏年, A: Leap year, P: Année bissextile, 366 ngày) được đặt vào các năm có niên số chia hết cho 4. 

Khi được vua cha truyền ngôi, Hoàng đế Tiberius Caesar Divi Augusti filius Augustus (14-37) lấy tên Tiên Hoàng đặt cho tháng có ngày sinh của Gaius Julius Caesar Octavianus, tháng 7 (Quintilis) thành Julius. Đồng thời, để ghi nhớ “công lao” của mình, Augustus lấy thêm 1 ngày của tháng 2 thêm vào cho tháng có ngày sinh mình, là tháng 8 (Sextilis) và đặt tên nó là August. Để “khắc phục” việc 3 tháng liền nhau (7, 8, 9) đều có 31 ngày, ông lấy một ngày của tháng 9 đưa sang tháng 10, và lấy một ngày của tháng 11 đưa sang tháng 12. Vì thế dương lịch mà ta đang dùng có 7 tháng đầy mỗi tháng có 31 ngày là các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12; 4 tháng đủ mà mỗi tháng có 30 ngày là các tháng 2, 4, 6, 11 và 1 tháng thiếu là tháng 2 có 28 hay 29 ngày (năm nhuận). Thực tế ngay sau khi thay đổi quy ước lịch, năm 46 tCn - năm đầu tiên áp dụng kiểu lịch mới - có tới 455 ngày.

Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây. Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Lịch này được dùng đến năm 1582 (sự sai biệt đã lên đến 10 ngày).

Nếu không điều chỉnh phần “lẻ” 0,2425 ngày để có năm “nhuận” thì cứ 4 năm lịch sẽ đi nhanh hơn 1 ngày so với vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, như vậy sau 100 năm thì lịch sẽ nhanh hơn 25 ngày !.

- Lịch Gregorius được dùng từ 15/10/1582, do Giáo hoàng Grégoire XIII (1572-1585) đề xướng với sự hỗ trợ của nhà toán học và thiên văn học người Đức là Christopher Clavius. Độ dài của năm được xác định chính xác bằng 365,2425 ngày, vì thế đến thời điểm áp dụng lịch Gregoriut thì thời gian theo lịch Juliut đã chậm đi 10 ngày. Để loại trừ sai, lịch đó đã quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại và quy định: tại Roma, Espagne và Portugal, cũng như các nhà thờ Thiên chúa giáo thì ngày hôm sau của thứ Năm 4/10/1582 là 15/10/1582; chu kì nhuận xác định là: 400 năm chỉ có 97 năm nhuận.

Quy tắc xác định lịch này như sau: Các năm không nhuận có 365 ngày: các tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày, tháng 2 có 28 ngày, 7 tháng còn lại có 31 ngày; riêng năm nhuận có 366 ngày do thêm 1 ngày vào tháng 2 để có 29 ngày. Cứ 400 năm có 97 năm nhuận. Các năm chia hết cho 4 (chẳng hạn như năm 2020) là năm nhuận; trừ những năm cuối thế kỷ (có 2 số 0 ở cuối: **00) không chia hết cho 400 như 1700, 1800, 1900, 2100 ... là không nhuận. Như vậy, các năm cuối thế kỷ như 1600 và 2000 là năm nhuận.

Nếu năm ấy mà lịch âm tương ứng cũng nhuận (A: Intercalation, P: Intercalation, H: 置閏, 13 tháng) thì là năm “nhuận kép”. Ví dụ năm ngoái là năm nhuận Dương lịch và tháng 2 có 29 ngày nên năm 2020 có 366 ngày; tương ứng với nó Âm lịch là Canh Tý 庚子 có 13 tháng (thêm tháng Tư nhuận) với 384 ngày. Sắp tới có năm “nhuận kép” nữa là 2028 - Mậu Thân, 2036 - Bính Thìn.  

Do tính ưu việt bởi cách tính thuận tiện, đơn giản, phản ánh đúng chu trình thời tiết trong năm nên Dương lịch được dùng cả ở những nước vốn vẫn dùng âm lịch hoặc âm - dương lịch: Anh áp dụng từ 3/9/1752, Nga năm 1918, Hy Lạp năm 1923, Québec năm 1608, Nhật: 1873, Trung Quốc 1912, Hy Lạp, Roumanie: 1820...và ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới.

Chú ý rằng, khi các tháng được đặt tên lại, theo tiếng Anh là: 1 January (31 ngày),  2 February (28 hay 29 ngày),  3 March (31 ngày),  4 April (30 ngày),  5 May (31 ngày),  6 June (30 ngày),  7 July (31 ngày),  8 August (31 ngày),  9 September (30 ngày),  10 October (31 ngày),  11 November (30 ngày),  12 December (31 ngày) Như thế, để dễ nhớ: tháng 2 là tháng cuối của năm thời lập lịch lại liên quan đến chết chcs, án tử nên rút đi chỉ còn 28 ngày (năm thương) hay 29 ngày (năm nhuận) còn tháng 7 (July) và tháng 8 (August) mang tên 2 Hoàng đế lập quốc của La Mã nên có 31 ngày; còn cứ một tháng 31 ngày đến tháng 30 ngày bắt đầu từ tháng 1.

Liên Hợp quốc thấy rằng  lịch Gregorien không thích hợp với sinh hoạt kinh tế hiện tại nên có ý định sửa thành lịch vĩnh viễn quốc tế. Nhưng là vấn đề của các nhà khoa học, họ đang tranh cãi, không thuộc lĩnh vực cần biết của thảo dân.

Dương lịch chúng ta sử dụng ngày nay chính là lịch La Mã đã được hoàn thiện nhiều lần và lần cuối là bởi Giáo hoàng Grégoire XIII (1572-1585). Do lịch sử đó nên có 2 tháng liền nhau (7 July và 8 August) đều 31 ngày và tháng 2 (February) ít ngày nhất, chỉ 28 hay 29 ngày! 

Cũng như việc xác định “năm nhuận”, việc tháng 2 có ít ngày nhất, 2 tháng liền nhau (7 và 8) cùng có 31 ngày,… chỉ là một qui ước. Sự lộn xộn, bất quy tắc đó, ngoài lý do khoa học, để lịch hợp thời tiết, thời vụ còn nguồn gốc từ lòng hẹp hòi, “cái tôi”, muốn lưu danh thiên cổ của Đấng Tối cao khi làm lịch thời xưa!. Tất nhiên với người được cấp lương tháng cố định thì “ngày công” tháng 2 “cao” hơn, nhưng lại có 2 tháng liền kề (7 và 8) lương bình quân một ngày thấp hơn!

Cũng cần nhắc lại rằng tuy một sự kiện xảy ra cùng một lúc (thời gian tuyệt đối) nhưng lại được ghi lại bằng ngày, giờ là thời gian “tương đối”, thay đổi theo vị trí (kinh độ) của điểm quan sát trên trái đất. Để thống nhất khi đánh giá, người ta định ra múi giờ mà trong đó Việt Nam lấy múi giờ thứ 7 làm gốc, Trung Quốc múi giờ 8 nên không thể “áp” lịch Trung sang lịch Việt được!

-Lương Đức Mến, ngày cuối tháng 2/2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!