[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 3 2021

TÊN CỦA NGƯỜI VIỆT (NGƯỜI KINH)

Mặc dù Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người và “Tên” của người Việt Nam được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu có từ thế kỷ 2 tCn, càng ngày càng đa dạng hơn nhưng việc nghiên cứu về “tên người”, tức “Tính danh học” (A: anthroponymy, H: 姓名學) ở ta còn chưa được lâu lắm!

Nhưng có điều chắc chắn là, kết cấu họ tên (H: 姓名, A: Name and forename, P: Nom et prénom) của người Việt (người Kinh ở Việt Nam) thường cũng gồm 3 thành tố tương tự người Hán là: họ + chữ đệm + tên. Điều này thể hiện rõ qua Gia phả của các gia đình, dòng họ.

Song trong giao tiếp thì người Việt ít nhắc đến “họ” và thường kèm từ “anh” (“em”, “cô”, “bác”, “chú”, “ông”, “bà”, “cụ”,…) đứng trước “tên” chứ không gọi: Phạm tướng quân 范将军, Đặng Giám đốc 鄧经理, Lương Bác sĩ 梁大夫, Nguyễn tiểu đệ 阮小弟...như người Hoa! Đồng thời người Việt dùng chữ “Văn” , “Thị” làm tên đệm để phân biệt nam nữ còn người Hoa thì không.

 Vì sao lại có hiện tượng nam Văn nữ Thị” lại là việc khác và nó không thuộc chuyên đề này nên không bàn ở đây.

Ngày nay, trong thời hội nhập mọi mặt xã hội có nhưng biến chuyển lớn nhưng đối với tâm lý của người Việt Nam, việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người suốt đời. Lớp trẻ khi sinh con thường có thói quen đặt tên con gọi ở nhà (gọi bằng tiếng Anh hay Việt một cách thân mật) khác với tên gọi trên lớp (tên khai sinh chữ quốc ngữ)

Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội, ước vọng hoặc thậm chí nỗi uất hận của người đặt tên gửi gắm vào cái tên nào đó.

Họ và tên đầy đủ của người Việt Nam thường được đọc và viết theo thứ tự họ trước tên sau, tên đệm (lót) ở giữa. Riêng tên gọi thường có:

1. TỤC là tên đặt ra khi mới đẻ để người trong nhà gọi thường là tên “xấu” với quan niệm để “ma nó chê, dễ nuôi”. Xưa là cái Hĩm, thằng Cu, Bờm, Bống,…nay thường là một cái tên Anh ngữ nào đó, ví như Bell, Boom, Bim,…

2.HÚY : là tên cha mẹ đặt cho từ lúc mới đẻ nay là tên khai sinh, tên thường gọi. Tên này được ghi vào Gia phả 家譜 nên gọi là Phả danh 譜名. Trong thực tế không ít người hiểu nhầm rằng  tên húy là tên cúng cơm.

3.TỰ : được đặt ra khi đến tuổi trưởng thành để kiêng gọi tên tục và nó phải bắt nguồn từ tên húy, liên quan đến tên húy, giải thích bổ nghĩa cho tên chính. Nó thường có ở người có địa vị, chữ nghĩa

Ví dụ: Lê Quý Đôn (黎貴惇, 1726-1784) vốn húy Danh Phương 名芳, có tự là Doãn Hậu 允厚 trong đó “Đôn” và “Hậu” đều có nghĩa là thành thực hay Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) vốn húy là  Văn Đạt 文達 , tự là Hạnh Phủ 亨甫 mà Hạnh là đức hạnh liên hệ đến Khiêm là nhún nhường, “Phủ” thêm vào để tỏ sự tôn kính.

4.HIỆU : là tên được đặt thêm khi: Người thành đạt đặt thêm để gọi cho đẹp; Người quy y cửa phật được nhà chùa đặt Pháp danh của nữ là “hiệu Diệu….” 号妙; Người mới mất được thầy cúng, người thân đặt thêm để kiêng gọi tên húy… Ví dụ “Từ…” : đặt trước tên của cụ bà với ý là cụ có lòng hiền lành; cụ ông là “Nghiêm…” …Theo tuổi, cổ nhân đặt ra Quy tắc cụ thể như sau:

-Từ 1 đến 10 tuổi: Nam đặt Tảo + tên,  Nữ đặt Xuân + tên;

-Từ 11 đến 20 tuổi: Nam đặt Trực + tên, Nữ đặt Mỹ + tên;

-Từ 21 đến 30 tuổi Nam đặt Trung+ tên,  Nữ đặt Trinh + tên;

-Từ 31 đến 40 tuổi Nam đặt Thuần+ tên, Nữ đặt Thục + tên;

-Từ 41 đến 50 tuổi  Nam đặt Đôn+ tên,  Nữ đặt Từ + tên;

-Từ 51 trở lên tới già: Nam đặt Phúc+ tên, Nữ đặt Diệu + tên. 

5.THỤY : hay Thuỵ hiệu, Hiệu bụt hoặc tên hèm, tên cúng cơm được đặt cho người quá cố là vua chúa, quan to. Tên thụy được chép vào Gia phả và xướng lên mời về thụ hưởng lễ phẩm do con cháu cúng tế.

Theo thông lệ khi nhà Vua mất (chữ là băng hà 崩遐) tạm gọi là “Đại Hành” 大行皇帝 trước khi có tên thụy. Riêng nhà Vua mở đầu triều Tiền Lê (前黎朝, 980-1009) là Lê Hoàn (黎桓, 980-1005), sau khi mất triều thần và  vua nối ngôi là Lê Trung Tông Long Việt (黎中宗龍鉞, 3 ngày trong năm 1005) rồi Lê Ngọa Triều Long Đĩnh (黎臥朝龍鋌, 1005-1009) không đặt thụy cho nên vua vẫn gọi là Lê Đại Hành 黎大行.

6. TƯỚC là một ân điển của vua ban cho những người trong hoàng tộc, quan lại, hay người có công. Đây là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành, gồm: Vương , Công , Hầu , Bá , Tử , Nam . Trong nhóm này còn có XƯNG HIỆU 稱號.

7. TÊN KHÁC: Biệt hiệu (tự đặt hay người khác gán thường mang tính cợt nhả, vui đùa,…), Nghệ danh (với người hoạt động nghệ thuật), Bút danh (với nhà văn, nhà thơ), Pháp danh, Đạo danh (tên của những người theo mototj tôn giáo nào đó), Bí danh (người hoạt động bí mật nhằm che dấu tung tích),…hay những danh xưng đi kèm, như: Chức vụ (Bá hộ, Lý trưởng, Chánh tổng, Tri huyện, Tuần phủ, Thượng thư, …), Học vị (Cử nhân, Bảng nhãn, Trạng nguyên,…), Học hàm (Giáo sư, Phó Giáo sư,…), Chức danh (Điều tra viên, Giảng viên chính,…)…tùy người có.

8. HỖN DANH 混名 là tên tự đặt ra trong thời @, được gọi là “nick name” để liên lạc, trao đổi thông tin  khi dùng Internet và thường là không đúng tên thật. Nhiều nick name của các Blogger, Facebooker,…nếu hiểu theo tiếng Việt thuần túy thì khá buồn cười!

9. TỪ CHỈ VAI VẾ, KHÔNG PHẢI TÊN:

- Khai cơ sáng thuỷ 開基創始: Mở ra cơ nghiệp, khai sáng dòng họ; Triệu Tổ 肈祖: Người khai sinh ra dòng họ.

- Đại Tổ 大祖 hay Thái tổ 太祖, Viễn Tổ 遠祖, Tị tổ 鼻祖: Cụ Tổ rất xa xưa, cách quãng Tổ Thượng mà chưa thể xác tín được số đời.

- Thượng Tổ 上祖: Người sinh ra cụ Tổ đời thứ Nhất, tính từ thời điểm xác định chính xác trong Phả hệ.

- Thủy Tổ 始祖, tương tự Đệ nhất Đại Tổ 第一代祖: Cụ Tổ đời thứ Nhất thờ ở Từ đường cả họ 大宗祠堂.

- Đệ Nhất (nhị, tam…) Đại Tổ 第一(二三…) 代祖: Cụ Tổ đời thứ Nhất (hai, ba…), tính từ thời điểm xác định chính xác trong Phả hệ.

- Tổ khảo 祖考, Hiển khảo 顯考: Ông Nội, Bố đẻ đã mất; nếu là Bà và Mẹ thì thay chữ “khảo” bằng chữ “tỉ” .

10. DỊCH NHẦM:

-Các cụ xưa hay chèn danh xưng “Quý Công” 貴公 vào sau từ chỉ họ và trước chữ “húy” nên sau này có rất nhiều cụ tên là “Quý Công”. Ví dụ viết 梁貴公諱秀字德隆 “Lương quý công húy Tú, tự Đức Long” tức là cụ già tôn kính họ Lương tên là Tú, tự Đức Long chứ không phải cụ tên là Lương Quý Công... với Cụ bà thì đặt là Quý thị 貴氏.

-Tương tự, “Phủ quân” 府君: từ thay vào tên tỏ vẻ tôn kính các cụ ông; “Nhụ nhân” 孺人:  từ thay vào tên tỏ vẻ tôn kính các cụ bà chứ đâu phải tên các cụ.

Cái sai hiểu tổ tiên mình tên là “Quý Công”, “Phủ Quân” gặp khá nhiều ở những họ khi tục biên Gia phả, kể cả một số họ không thiếu người “có chữ”!

Mạo muội chép lại đôi điều tâm đắc!

-Lương Đức Mến, 14/3/2021-

1 nhận xét:

  1. Cười ra nước mắt https://holuongduclaocai.blogspot.com/2019/03/chi-la-goi-ten-con.html

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!