Cho đến nay, tôi chưa tìm thấy tư liệu nào chỉ rõ việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái chữ là Tế Lễ (H:祭禮, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et le sacrifice) hay Tế tự (H : 祭祀, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et sacrifice) được bắt đầu từ bao giờ, khởi nguồn từ đâu. Nhưng chắc chắn đó là “đạo thuần Việt”, ăn sâu bám rễ từ bao đời nay và trong đó có tục cúng giỗ.
Sắp cuối năm, gia đình và trong họ có nhiều đám cúng giỗ, chép lại hiểu biết của mình để bản thân và anh em, con cháu cùng nhớ, tiện sắm sửa, tiến hành.
Cái thuở “ăn chưa no, mặc chưa ấm”, bữa ăn quanh năm dưa muối chỉ dịp giỗ tết mâm cơm mới có thịt cá. Người xưa có câu: “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng” nhưng khi cúng giỗ mà không có lễ vật thì cầu không thiêng và lấy gì con cháu dự cúng “thụ lộc” sau khi cúng xong?.
Do vậy, lễ phẩm (H: 禮物, A: The offering, P: L'offrande) hay Tế phẩm (H: 祭品, A: The offerings, P: Les offrandes) trong cúng giỗ biểu trưng cho tấm lòng hiếu thuận của con cháu, lễ bạc mà lòng thành 禮薄心誠 là quan trọng. Song gì thì gì trong ngày cúng giỗ, ngoài hoa trái, hương đèn, nước tịnh thì nên có mâm cỗ.
Cỗ ngày Tết thường có bánh chưng, bánh dầy,...là những món để lâu vì chợ nghỉ, không họp và những món ăn kèm thịt mỡ như dưa hành, hành cuốn, cá kho, thịt đông…Còn cỗ ngày giỗ thường làm rất nhiều món, đông người họ hàng tham gia nấu nướng hơn, là dịp các con gái, con dâu trổ tài nấu nướng, mỗi gia đình hay họ tộc có các món khác nhau hoặc cách nấu khác nhau, từ đó các món ăn rất nhiều. Đặc biệt là trong cỗ ngày giỗ thường có những món mà người chết khi sinh tiền rất ưa thích. Vì những người thân muốn tưởng nhớ đến người đã khuất. Có khi chỉ món thường ngày hay làm như canh bánh đa, rau luộc, cá kho… Những gia đình có điều kiện sẽ sắm đồ mặn tam sinh (H: 三牲, A: The three animals of sacrifice, P: Les trois animaux de sacrifice ) gồm 3 con vật làm thịt cúng tế là: bò, lợn, dê hoặc trâu, lợn, dê hay có người hiểu là đủ gia súc, gia cầm và thuỷ cầm.
Trong cúng giỗ thường có con vật bị giết để lấy thịt cúng tế gọi là Tế vật (H: 祭物, A: The victim of sacrifice, P: La victime de sacrifice). Với người Việt vùng châu thổ sông Hồng, thường là một con gà trống chưa đạp mái, xếp cánh tiên, sau khi cúng sẽ xem chân gà để đoán điềm hay dở. Sau đó chặt ra đĩa thịt gà luộc lá chanh. Có nhà hay khi cúng Rằm tháng Bảy chặt ra thành đĩa để cúng chứ không cúng gà luộc để nguyên con.
Dùng Gà làm lễ vật bởi Gà là con vật thân thiện, được thuần hóa từ thời con người còn “ăn hang ở lỗ” nên có thể thay mặt chủ nhân đi “hầu” đối tượng cúng. Mặt khác, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Mặt Trời là đấng Thiêng liêng có quyền năng tối thượng đem lại ánh sáng, sự sống cho nhân gian và chúng sinh mà Gà Trống lại có quyền năng “đánh thức” ông Mặt Trời dậy nên Gà Trống được coi trọng cũng như Con Cóc được tin là có quyền “nghiến răng” gọi trời mưa!
Chú ý:
- Không đặt mâm cơm có đồ mặn trực tiếp lên ban thờ hay dưới đất mà cần phải có một cái bàn thấp hơn ban thờ 50 phân.
- Trong mâm cơm cần có đầy đủ các móm luộc, sào , rau, thịt, canh, 5 bát cơm, 5 đôi đũa, 5 chén uống rượu, 5 chén trà (cỗ xưa chỉ ngồi 5 không ngồi 6, 8, 10 như bây giờ)..... tùy tâm, điều kiện từng nhà.
- Không được nếm hay động miệng vào thức ăn khi chưa thắp hương.
- 5 lá Trầu, 5 quả cau, 1 cốc nước trong, chai rượu tịnh.
- Bao giờ thắp hương xong mới được ăn.
- Không bao giờ dùng xôi đỗ đen hay các món canh cua, riêu ốc, nước mắm.
Mâm cho người nhận giỗ:
- 1 bát cơm lồng chắc vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”; khi cúng vong yếu, mới mất cần có ba bát cơm để ngang nhau: bát ở giữa đơm đầy để một đôi đũa (cúng cho hương linh mới chết), còn 2 bát cơm 2 bên (cúng tả mạng thần quang và hữu mạng thần quang), thì chỉ để mỗi bát 1 chiếc đũa (để các cô hồn không tranh cướp thức ăn hương linh mới mất); Cơm nấu để cúng không được ghế cơm nguội, không được nếm hay lấy cho chó, mèo ăn trước khi cúng.
- 1 quả trứng gà luộc bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít muối.
- 1 bát canh (có thìa), 1 đĩa thức ăn mặn hay món mà sinh thời người đó ưa.
- 1 cái bát, 1 đôi đũa.
- Mấy lát gừng (9 lát cho nữ, 7 lát cho nam).
- Một ly nước.
Nghi thức (H: 儀式, A: The protocol, P: Le protocole) là cách thức làm lễ tuy cùng theo Gia lễ nhưng có biến đổi theo thời gian历代và không gian同代 nên sẽ khác nhau tùy thời, tùy vùng nhưng cần cẩn trọng, đúng phép trong thờ cúng tuy không quá cầu kỳ.
Việc cúng giỗ là theo ngày định sẵn nên con cháu người được giỗ không đợi mời như lễ mừng, lễ cưới và không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (有請有來無請不到,mời thì đến, không thì thôi) được. Ngoài ra, con thứ, con gái, cháu phải đến từ ngày hôm trước để “góp giỗ” trong buổi Tiên thường 先嘗.
Trong đó việc sắm tế phẩm, nghi thức cúng giỗ đáng chú ý là vào những ngày Tiên thường (先尝, trước ngày giỗ chính), Tiểu tường (小祥, giỗ đầu), Đại tường (大祥, giỗ hết), Chính kị (正忌, hay Kị nhật忌日, giỗ từ năm thứ 3 trở đi),... hay các vấn đề về Gửi giỗ, Phẩm vật, Văn khấn, Hóa vàng.
Đặc biệt, theo đạo lý: “Ăn có mời, làm có khiến” nên trong cúng giỗ cần phải có Văn khấn. Lời khấn cốt ở tấm lòng, mộc mạc cốt đủ thông tin: ngày tháng, địa điểm, lý do, thỉnh mời (tên tục, tên hiệu, tên hèm người hưởng giỗ) về hưởng giỗ, trình bày về tấm lòng người giỗ, báo cáo sự trưởng thành của con cháu, sau đó mới trình bầy tâm nguyện thỉnh cầu những điều mình mong muốn. Văn khấn dùng chữ quốc ngữ với âm Hán Việt hay thuần Việt có xen một số từ Hán văn đều được.
Khấn xong, gia trưởng cúi xuống, lễ một nửa lạy nữa rồi đứng lên vái ba vái rồi lùi ra. Tiếp sau đó là những người trong họ tộc, gia đình theo thứ tự quan trọng và hạng bậc vào làm lễ với bốn lạy ba vái.
Cuối cùng là nghi thức Tạ lễ (H : 謝禮 , A: To thank with a present, P: Remercier pour un present): khi hương đã cháy hết, chủ cúng thắp thêm 3 nén nữa, khấn cáo việc cúng đã xong xin phép được hóa vàng. Trước đó cần đọc “Cung phần sớ văn” (H: 恭焚疏文, A: To burn respectfully the petition to God, P: Brûler respectivement le placet au Dieu) tức xin đốt sớ văn cúng đi.
Sau đó đem đốt vàng mã (do gia chủ sắm và khách mang tới, Sớ, mã cúng Thổ công đốt trước) rồi đổ rượu lên đống tro tàn để khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất, dùng một gậy gẩy đống tro. Việc đó, theo quan niệm dân gian là để xuống Âm phủ vàng mã cúng dâng sẽ biến thành đồ thật và người hưởng giỗ có đòn gánh vận chuyển đồ vật. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (tam tài) mang tính triết lý sâu sắc. Khi đã hóa vàng hương đèn trên bàn thờ không cần cháy nữa.
Gạo, muối trên ban thờ mang rải đều ra quanh nhà. Hạ mâm cỗ cúng xuống, những người dự cúng cùng nhau “thụ lộc”.
- Lương Đức Mến, những ngày cuối năm 2018 –
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!