[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


21 tháng 9 2018

Tản mạn về BÁNH TRUNG THU

Là nước Nông nghiệp, Việt Nam ta có nhiều loại bánh theo kiểu “mùa nào thức nấy”. Ngoài việc ăn, làm lương khô, người Việt còn làm bánh dâng lên Trời Đất như là một lễ vật cảm tạ Trời Đất đã ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Theo cổ truyền, người Việt đã từng làm và ăn bánh chưng, bánh dầy vào Tết Nguyên Đán; bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn Thực; rượu nếp, bánh tro, bánh ú Tết Đoan Ngọ; bánh dẻo, bánh nướng vào Tết Trung Thu; uống rượu cúc vào tiết Trùng Cửu.
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm và Bánh Trung Thu trở thành biểu tượng của Rằm tháng Tám! Nhưng theo thời gian, chiếc bánh Trung Thu còn được gán thêm chức năng “hối lộ” và vô hình trung nó thành một biến dị của lệ tục truyền thống!
1. Về nguồn gốc của Tết Trung Thu, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau và ai cũng từng biết, tin vào một trong những truyền thuyết đó. Người viết bài này cũng từng tìm hiểu và đưa lên tại đây.
Dù có theo thuyết nào thì Tết Trung Thu cũng không thể tách rời khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp Á Đông và nó rơi vào giữa mùa Thu秋分 hay Trọng Thu 仲秋, ở tháng Tám âm lịch八月tháng Dậu酉月còn gọi là tháng Bạch Lộ (白露, nắng nhạt), Quế Nguyệt 桂月, Sảng nguyệt 爽月, Quế thu桂秋. Ngày đó là ngày Rằm tháng Tám, được gọi là Tết Trung thu 中秋.
Đây là dịp khi gặt hái xong, cũng là thời điểm trăng tròn, sáng đẹp nhất, thời tiết mát mẻ nhất, con người rảnh rỗi thuận lợi cho việc mở lễ hội.
2. Trong Tết Trung Thu, ngoài lễ hội rước đèn, với múa Sư tử, múa Lân lân…không thể thiếu bánh Trung Thu.
Sự tích loại bánh này có cội nguồn từ bên Tầu.
2.1. Từ một tích xa xưa:
Sử sách ghi chép từ thời Ân (商朝, 1766 –1122 tCn), Chu (周朝, 1122 –249 tCn) ở vùng Triết Giang (浙江, ven biển phía đông của Trung Quốc nay) đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng 聞仲太師gọi là bánh Thái Sư. Vào thời Tây Hán (西漢, 206 tCn - 9), Trương Thiên张天đi Tây Vực (西域, vùng Tân Cương nay) mang về hạt Vừng, hạt Hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào và bánh này còn gọi là bánh hồ đào.
Đến thời, thời nhà Tống (宋朝, 960–1279), tập tục ăn bánh Trung Thu rất thịnh hành trong giới quý tộc và các nhà kinh doanh nghề bánh dùng câu chuyện Hằng Nga姮娥 trên cung Trăng gắn với sự tích Hậu Nghệ射日英雄后羿bắn mặt trời để làm tăng thị hiếu và huyền thoại hóa phong tục “bái nguyệt” vào tết Trung Thu. Vì vậy tục thưởng ngoạn, bái trăng được truyền đi sâu rộng, bền vững trong dân gian.
2.2. Từ chuyện khởi nghĩa lật Nguyên thành công:
Chuyện rằng: Cuối thế kỷ XIII quan quân Mông Cổ (大蒙古國, 1206- 1279) nhập Trung nguyên diệt Nam Tống (南宋, 1127-1279) lập ra Đại Nguyên đế quốc (大元帝國, 1279-1368) thì Hán tộc bị ngoại nhân đè nén nặng nề. Triều đình cấm Hán dân sở hữu vũ khí, thậm chí đồ ăn cũng bị chia khẩu phần, tụ tập đông người...Do vậy việc nhóm họp, truyền tin và tổ chức cuộc nổi dậy quy mô lớn của Hán tộc chống lại Mông Cổ bị hạn chế nên các ý đồ, việc tổ chức chống Mông thường lẻ tẻ và sớm bị đàn áp.
Dó sức ép cuộc sống, ý chí quật cường, Chu Nguyên Chương (朱元璋, 1328 - 1398) tham gia Hồng Cân quân (红巾军, quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng (郭子興, 13121355) và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống Mông Cổ. Trong quá trình đi đến thắng lợi nghĩa quân vấp phải một trở ngại rất quan trọng là khó mà chiếm được thành Tô Châu (蘇州) chiến lược để làm đầu cầu then chốt đánh thốc vào Nam Kinh南京. Để vượt qua, mùa Thu năm 1368 quân sư Lưu Bá Ôn  (劉伯溫, 1311-1375, người từng giúp chủ soái lần lượt đánh bại các tập đoàn quân phiệt khác như Trần Hữu Lượng (陳友諒, 1320 - 1363) và Trương Sĩ Thành (張士誠,, 1321 1367), nhiều lần biến nguy thành an) bày mưu rằng: Tết Trung Thu đang đến, nên tận dụng loại bánh bột nhồi đặc hữu của Hán dân để truyền tin, tập hợp mọi người nổi dậy. Nguyên Chương nghe theo kế đó.
Lập tức, Lưu Bá Ôn cho người tung tin rằng: Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời sắp cho 5 vị Ôn Thần giáng xuống để gieo tai ương cho dân bởi bệnh dịch lớn gây chết chóc nhiều. Mọi người lo lắng, Lưu Bá Ôn lại phái các Đạo sĩ và người thân tín đi “mách bảo” chúng dân rằng cách duy nhất để vượt qua là ăn một loại bánh Trung Thu đặc biệt. Tin vào lời đồn đó, mọi người dân rất tích cực tìm mua bánh Trung Thu. Đồng thời, ông cho người đi khắp các tiệm bán bánh nhồi vào trong nhân bánh dòng chữ “đêm 15 tháng 8, vào lúc trăng sáng nhất, khởi nghĩa” kêu gọi người Hán đồng loạt nổi dậy chống lại triều đình Mông Cổ vào đêm Tết Trung Thu.
Có thuyết cũng cho rằng, thông điệp đó nằm trên mặt bánh và người ta phải cắt bánh ra làm bốn miếng và ghép lại thì mới nhận được thông điệp.
Người Mông Cổ không ăn bánh Trung Thu, cũng không đọc được Hán tự nên họ không biết được kế hoạch, chỉ người Hán mua, ăn bánh và biết được kế hoạch và lời kêu gọi nổi dây của Chu Nguyên Chương.
Nhờ sự hưởng ứng đồng hoạt của chúng Hán dân, từ An Huy安徽 Chu Nguyên Chương dẫn quân Bắc phạt: chiếm Sơn Đông (山東, ven biển), Hà Nam (河南, giáp Sơn Tây về phía Đông Nam), rồi tiến đánh kinh đô của nhà Nguyên là Đại Đô (大都, Khanbaliq, nay là Bắc Kinh北京), khiến Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyên cai trị cả Trung Hoa là Nguyên Huệ Tông 元惠宗Ô Cáp Cát Đồ Hãn 烏哈噶圖汗 (1333-1370) tháo chạy, triều Nguyên thống nhất sụp đổ.
Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế (1368 - 1398), đặt quốc hiệu Đại Minh (大明, 1368–1644), niên hiệu Hồng Vũ 洪武. Đồng thời phong quân sư Lưu Bá Ôn giữ chức Ngự sử trung thừa御史中丞 kiêm Thái sư lệnh太史令, tước Thành Ý bá诚意伯giúp vua chế định mọi công việc, từ khoa cử, hình pháp cho đến lễ nhạc...
Chu Nguyên Chương là vị hoàng đế khai quốc vương triều Minh và các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là Hồng Vũ chi trị 洪武之治. Ông được xem như là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn của mình với đất nước. Khi qua đời, ông được truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ 太祖 và thụy hiệu là Cao Hoàng đế 高皇帝.
2.3. Bánh Trung Thu ở Việt Nam:
Nguồn gốc ngày Tết Trung thu người dân biết nhiều đến qua truyền thuyết “chị Hằng”, “chú Cuội”. Tuy bị ảnh hưởng bởi tục lệ của người Hoa nhưng lễ cúng thần trong dịp này đơn giản hơn nhiều. Tết Trung Thu đã trở thành ngày Tết của thiếu nhi nên mới có câu tếu: “Trung Thu là Tết Thiếu nhi, Mà sao người lớn cứ đi chơi nhiều”. Ngày này. trẻ em được ăn bánh ngọt và vui chơi với nhiều loại lồng đèn có hình dáng, màu sắc sặc sỡ và được thưởng thức nhẵng màn mua Sư tử hấp dẫn, được phát phần thưởng,....
Từ quan niệm sơ khai “Trời tròn, đất vuông”, người Việt làm ra chiếc bánh tròn, bánh vuông bằng bột gạo có nhân thịt, đậu,...là bánh DẺO và bánh NƯỚNG. Trong đó bánh Dẻo được làm bằng bột nếp trắng nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, có riềm cánh viền. Nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn là chiếc bánh Trung Thu mang đậm sắc thái Việt. Đấy là những sản phẩm từ tự nhiên do lao động của con người tạo ra. Hộp đựng bánh thường in hình vẽ Hằng Nga bay lên Quảng Hàn cung hay Đường Minh Hoàng du Nguyệt Điện cho tăng phần hấp dẫn.
Đồng thời, từ những hoa quả thường ngày mùa Thu sinh ra tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh Trung Thu và hoa quả. Trong đó nhiều quả được cắt, gọt, tỉa, nhuộm mầu thành những con giống,...
3. Thời thế đổi thay:
Bánh Trung Thu những năm 196-2-1980s chỉ có một loại duy nhất: nhân thập cẩm, đóng hộp giấy nâu hay gói trong túi. Nhân bánh có thịt mỡ, mứt bí, lạp xưởng, lá chanh… đôi khi có cả hạt sen, hạt dưa và bánh rất cứng nhưng hiếm nên khá hấp dẫn với lứa tuổi sinh 1950s đến 1970s.
Ngày nay, bánh Trung Thu đã quá khác biệt và không thể kể hết các loại bánh với các chủng loại nhân khác nhau. Người ta dùng bất cứ thứ gì ăn được để làm nhân bánh: từ trà xanh, dăm bông, kem phô mai (cream cheese), chocolate, khoai môn, đậu đỏ, đậu xanh, thịt lợn, khoai lang, sầu riêng, thạch sữa...nên không còn hương vị truyền thống.
Ngày càng có nhiều loại với thương hiệu nổi tiếng và cả bánh nhập ngoại với giá cả mà thường dân nghe phát ngất!!
4. Đâu rồi ý nghĩa Nhân văn:
Bánh Trung Thu vốn được làm từ những sản phẩm thu hái trong tự nhiên hình thành từ sự nuôi, trồng của con người. Người ta làm ra để ăn, thưởng thức và quan trọng là dâng cúng Trời Đất trong cảnh trăng thanh gió mát. Đồng thời, vì bánh có mùi vị thơm ngon, hình tương tự như mặt trăng, cho nên loại bánh này đã tượng trưng cho chuyện gia đình đoàn tụ và nó được dùng làm quà ngày lễ để bạn bè thân thuộc tặng cho nhau kèm theo những lời chúc tốt lành.
Còn nay, bánh Trung Thu mua về không phải là để ăn, mà là để biếu, để cầu cạnh, để nhờ vả, để gieo ân tình, gặt hái quan hệ, để thể hiện sự có đi có lại, sự vay trả,... Do vậy, nhiều người không có nhu cầu ăn bánh nhưng cũng phải mua bánh mà là mua loại đắt tiền để biếu những người quan trọng !.
Do vậy cái bánh càng ngày càng cần đẹp mã, sang trọng, độc đáo, cầu kỳ cả vỏ hộp (sặc sỡ) và bánh, nhân (chả hợp tí nào) cũng như thứ đi kèm (đôi khi chả liên quan gì đến Trung thu và bánh Trung thu). Lại còn có những hộp bánh "Tân cổ giao duyên", "Đông Tây kết hợp",...loạn cả lên! Chất lượng, ý nghĩa thực sự của bánh Trung Thu được đặt xuống hàng thứ yếu, mặc dù in đậm dòng chữ "truyền thống" hay "gia truyền"!.
Nếu gặp người được biếu không thích bánh, phải kiêng những thành phần tạo ra bánh hay được biếu nhiều quá,... đương nhiên cái bánh đó được đem đi biếu lại hoặc cho đi, có khi là bỏ đi! Thế là tạo ra lãng phí lớn về tiền của xã hội lại gây ảnh hưởng môi trường!
Tết Trung Thu, Bánh Trung Thu là những nét truyền thống đầy tính Nhân văn được tích góp từ bao đời cần được trân trọng gìn giữ và phát huy.
Dù thời đại nào, 4.0 hay xa hơn nữa mỗi con dân Việt nên và cần lưu giữ những nết đẹp đó trong dòng máu chúng ta. Mọi sự kệch cỡm sớm muộn rồi cũng bị đào thải!

-Lương Đức Mến, 12/8 Mậu Tuất (21/9/2019)-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!