[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


21 tháng 5 2018

Tìm hiểu về LỄ PHẬT ĐẢN

Sự ra đời của Đức Phật: Hoàng hậu Maya vin một nhánh cây
trong khi khai sinh ra 
Tất-đạt-đa Cồ-đàm lúc đó đang trong tay thần Indra
và các vị thần khác nhìn. Tranh cổ của Sri Lanka
1. Đại cương:
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (H: 佛敎 , A:Buddhism, P: Bouddhisme) bao gồm: Phật Đản, Vu Lan, Thành đạo. Lễ này cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Phật Đản (A: Vesak tức Buddha Purnima hay Buddha 's birthday, P: Jour de la naissance du Bouddha, H: 佛誕, tiếng Phạn: Vaiśākha) -nghĩa là ngày sinh của đức Phật). Đây là ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm 悉達多 瞿曇 (Siddhartha Gautama hay Phật Thích ca 釋迦佛) sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni 藍毗尼 (tức Lumbini thuộc quận Rupandehi, Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36 km), năm 624 trước Công nguyên.
Cũng từ mốc đó sinh ra Phật lịch  (H: 佛曆, A: Buddhic calendar, P: Le calendrier bouddhique) tức là phương pháp tính năm, tháng, ngày của Phật giáo. Tổng Hội Phật giáo Thế giới lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn (năm 544 tCn, khi Ngài thọ 80 tuổi) làm khởi đầu kỷ nguyên Phật lịch. Do đó, công thức tính Phật lịch là: Phật lịch = Dương lịch + 544, ví như năm Mậu Tuất 2018 thì Phật lịch là 2562.
Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn) được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia.
2. Lịch sử ngày Phật đản:
Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông (Thượng tọa bộ Phật giáo, A: Theravada, H: 上座部佛教 là một nhánh của Phật giáo Tiểu thừa, xuất hiện đầu tiên ở Sri Lanka, rồi sau đó được truyền rộng rãi ra nhiều xứ ở Đông Nam Á) và Bắc tông  (A: Mahayana, H: 北傳佛教tức Phật giáo Đại thừa) với hình tượng tiêu biểu là Bồ Tát 菩薩 (bodhisattva) và đặc tính vượt trội là lòng bi.
Ngày nay người ta thường biết đến Phật Đản qua tên gọi Vesak. Từ Vesak chính là từ ngữ thuộc ngôn ngữ Sinhalese cho các biến thể tiếng Pali, “Visakha”. Visakha / Vaisakha là tên của tháng thứ hai của lịch Ấn Độ, ngày lễ vào tháng vesākha theo lịch Ấn Độ giáo, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch.
Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước láng giềng Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu, mà thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 của lịch Gregorian phương Tây.
Lễ hội được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah) hay là Buddha Purnima, Phật Purnima, (Purnima nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn) hay là Buddha Jayanti, Phật Jayanti, với Jayanti có nghĩa là sinh nhật ở Nepal và Tiếng Hindi. Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa và Myanmar (Miến Điện) gọi là Ka-sone-la-pyae (nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Myanmar).
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái Bắc tông thì đó là ngày sinh của Phật).
Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên ở Colombo thuộc Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka (xưa ta thường gọi là Tích Lan 錫蘭) từ 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Thông thường tháng 5 dương lịch là tháng 4 âm lịch nên thống nhất NGÀY PHẬT ĐẢN LÀ NGÀY RẰM THÁNG TƯ ÂM LỊCH.
3. Ý nghĩa:
Vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
4. Ngày lễ Phật Đản ở Việt Nam:
Từ Ấn Độ, ngày lễ này được truyền sang nước ta và được duy trì suốt chiều dài lịch sử, kể cả khi đạo Phật trở thành “Quốc giáo” hay thời “tam giáo đồng nguyên” (H: 三敎同原, A: Three religions was originated from the same source, P: Trois religions sont provenues de même source).
Thời Lý - Trần, Phật giáo là quốc giáo, nên những lễ hội Phật giáo đều có quy mô quốc gia và có tầm ảnh hưởng khu vực. Thông tin còn lại để chúng ta khẳng định lễ Phật đản là quốc lễ được đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư và cũng chính nhờ những thông tin ghi chép này mà ta được biết hồi đó Đại Việt tổ chức Phật đản vào ngày Mồng Tám tháng tư âm lịch. Bởi trong đó có đoạn: “  月”...“      寕四 年”... “              臨幸         之式    ”. Nghĩa là: “tháng 9 mùa Thu Ất Dậu, Long Phù năm thứ 5 (1105)”, ... “Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”.
 Phật đản là một lễ hội văn hóa tâm linh lâu đời, không hẳn như một chỉnh thể văn hóa biệt lập riêng của Phật giáo mà là mạch sống tâm linh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, được người Việt nhiều đời gọi một cách gần gũi thân thương với khát vọng thuần thiện, hòa bình, no đủ, hướng lành: ngày Bụt sinh, Bụt đẻ, ngày Tắm Bụt!. Dân gian còn cho rằng đứa trẻ sinh vào ngày đó là được “vía lành”!
Những năm gần đây sự du nhập ồ ạt của văn hóa thời hội nhập làm thay đổi nhận thức của con người trong những thang bậc giá trị mang tính thống trị, chinh phục hay đồng hóa. Nhưng những gì tốt đẹp nhân văn của Phật giáo vẫn được tiếp nhận, duy trì. Đặc biệt, 5 nguyên tắc sống căn bản của Phật pháp (không giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện) trở thành động lực tiến tới xây dựng một cộng đồng văn hóa tiến bộ và hài hòa.
Trên tinh thần đó, hiện nay ngày này giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng.
Trước hết, từ năm 2000, Việt Nam theo quy định ngày lễ Phật Đản được thống nhất tổ chức vào ngày 15/4 âm lịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới, gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Tuy Đạo Cao Đài (H: 高臺大道, A: The Great Way of Caodaism, P: La Grande Voie du Caodaisme) cũng tôn thờ Phật Thích Ca (A:Sakyamuni Buddha, P: Çakyamouni Bouddha, H: 釋迦牟尼文佛) nhưng giữ lệ cử  hành Đại lễ Vía Đức Phật Thích Ca vào giờ Tý ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch.
Năm 2018 này, Lễ Phật đản là thứ Ba ngày 29/5/2018, tức ngày 15 (Tân Dậu - Thạch lựu Mộc) tháng 4 (Đinh Tị - Sa trung Thổ) năm Mậu Tuất (Bình địa Mộc). Ngày này có các giờ Hoàng Đạo là: Tý (23-1), Dần (3-5), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Mùi (13-15), Dậu (17-19)). Nhưng với các Phật tử quy y từ trước 2000 vẫn thường ấn tượng sâu sắc với ngày 08/4 âm. Có thể do vậy ngày nay thường dùng cụm từ “Tuần lễ Phật đản” dung hợp hơn. Việc tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 (2018) được Thường Trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn tại đây: http://phatgiao.org.vn/thong-bao/201803/Thong-bach-huong-dan-to-chuc-dai-le-Phat-dan-PL-2562-30319/. Theo đó:
- Tuần lễ Phật đản: Từ ngày mùng 8 – 15/4/Mậu Tuất (22/5 – 29/5/2018).
- Chính lễ ngày 15 tháng 4 năm Mậu Tuất (29/5/2018)..
Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng tư, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có đông tăng, ni, phật tử và cả du khách tham dự.
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt... mà tất cả mọi người đều ăn chay, người bán hàng ở chợ chỉ bán đồ chay.
Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài, với tâm niệm: “Phóng sinh một lần, phúc báo đời đời, nghiệp lành khai nở.
Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, vốn là đạo lý nhà Phật.
Nhưng lễ Phật đản chưa thu hút được số đông nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia bằng lễ Giáng sinh (25/12 dương lịch) và ý nghĩa “phóng sinh” cũng cần phải được xem xét lại khi những con vật kia là mua lại từ kẻ săn bẫy.
                                                                                    - Lương Đức Mến, ngày 07/4 Mậu Tuất-

3 nhận xét:

  1. Bài viết từ 4 năm trước https://holuongduclaocai.blogspot.com/2012/04/tim-hieu-ve-phat-2012.html

    Trả lờiXóa
  2. Lễ Phật Đản năm 2021 là thứ Tư ngày 26/5/2021, tức Rằm tháng Tư năm Tân Sửu, Phật lịch 2565!

    Trả lờiXóa
  3. Phật đản năm 2022 này là ngày Rằm tháng Tư Nhâm Dần, Chủ nhật 15/5/2022, năm 2566 Phật lịch.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!