Trong đời sống
con người thì con chó là động vật thân thiết gắn bó từ thuở ấu thơ đến lúc “về
già”.
Con người, dù
thuộc chủng tộc, quốc gia, tầng lớp nào cũng muốn sống thật lâu để hưởng lộc
trời nhưng như cổ ngữ có câu “Nhân sinh bách tuế vi kỳ”
人生百歲爲祇, nghĩa là “mỗi con người ta sống lâu chỉ chừng trăm tuổi”. Thế là thọ nhiều nếu so với con chó. Các giống chó nhỏ con
sống lâu hơn các giống to con. Loại chó nặng 9 kg sống thọ trung bình 11 năm,
nhưng chó nặng 40 kg chỉ sống trung bình được 8 năm. Tuy đời sống cá nhân cho
ngắn nhưng vậy nhưng loài chó sống với con người đã từ rất lâu, nên chó và bóng
dáng của nó xuất hiện nhiều trong đời sống con người cả về vật chất và tinh
thần.
Hình ảnh, đức tính,
giá trị dinh dưỡng của chó đã được người Việt biết đến từ lâu và khẳng định.
Nhân năm Mậu Tuất
thử điểm lại vài nét cơ bản nhất.
1. TRONG ĐỜI SỐNG
HẰNG NGÀY:
Những đức tính tốt của chó được tôn vinh như
trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ...Chó là bạn gần gũi, canh gác nhà
cửa cho con người, giúp người săn thú, đuổi kẻ thù, mừng vui đón chủ về nhà.
Ở Việt Nam, nhất
là miền Bắc, thịt chó được một bộ
phận dân cư đặc biệt ưa chuộng. Bởi thế mới có câu: “sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không” và
trong ca dao có bài:
Con gà cục tác là chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,
Con chó khóc đứng, khóc ngồi:
“Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!”
Cội nguồn ăn thịt
chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là
thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do
mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên
người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn (mà
“mộc tồn” nếu âm Hán Việt chuyển sang thuần Việt là “cây còn”, nói lái thành “con
cầy” chính là “con chó!). Quan niệm người Việt mê tín dị đoan từ trước đến
nay vẫn cho rằng: ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ không tốt, không gặp
may mắn trong cả năm, cả tháng đó; nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng
hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái “vận đen” đi.
Tuy thịt chó là
món khoái khẩu, nhất là đấng mày râu (RTC) nhưng khi cúng giỗ không bao giờ người Việt dùng thịt chó. Có thể việc ăn
thịt chó “mới” du nhập vào nước ta từ sau khi các lệ tục đã ổn định[1]. Hơn nữa con chó là loài
vật hung dữ, hay cắn người, mang bệnh dại, chó tượng trưng cho ban tối, cho
tầng dưới, cho sự chết và cho pháp thuật, chó là loài vật ăn bẩn và nói đến chó
là nói đến một điều xúi quẩy. Do vậy, người Việt cũng không thờ chó, không dùng
thịt chó để cúng tế, cả trong cúng trừ ma tà. Lại có quan niệm rằng nói đến chó
là nói đến một điều xúi quẩy, vì thế, người ta cũng phải đợi gần cuối tháng,
hay ít nhất là qua ngày Rằm mới dám dùng thịt chó, và khi gặp vận hạn, người ta
thường “giải đen” bằng ăn thịt chó.
Thành kiến đó
được xem là bản chất xấu xa của con chó, làm mờ nhạt những tính tốt của con chó
và được đúc kết trong nhiều nội dung với những khía cạnh khác nhau trong tục
ngữ nói về con chó.
Con người học, mô phỏng từ chó nhiều việc: Nút
chân chó là một loại nút dây dùng để rút ngắn một dây thừng hoặc thâu gọn phần
dây chùng. Động tác bơi của loài chó cũng được con người học hỏi để phóng tác
thành kiểu bơi chó, người bơi kiểu này thở đơn giản, thậm chí không cần ngụp
đầu xuống nước. Trong quan hệ tình dục, những động tác giao phối của loài chó được con người mô phỏng và biến thể thành một
trong những tư thế kiểu chó (người cho
đưa dương vật vào từ phía sau, người nhận quỳ bằng cả tay và chân, thân song
song mặt sàn).
2. TRONG ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA TINH THẦN:
2.1. Trong đời sống tâm linh:
Ở một số tộc
người còn nặng “Totem giáo” thì chó vừa là tổ phụ huyền thoại vừa là anh hùng
khai hoá và tộc người này không ăn thịt chó.
Ở Việt Nam, Gia
Long Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎嘉隆,1762 - 1820) sau khi lên ngôi (Nhâm Tuất 壬戌, 1802) đã sắc phong cho bốn con chó Phú
Quốc từng theo Ngài là “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần Khuyển Đại
tướng quân”[2]
và lập miếu thờ (nhưng hiện không còn
biết các miếu thờ này ở đâu).
Thực tế, nhiều
nơi chó đá được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo, cổng làng, ngõ xóm[3]. Chó đá tuy không có vai
vế như thần Thổ Địa nhưng có chức năng canh giữ yêu quái vào làng nên được tôn
trọng một cách thân mật kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng
Thạch. Tục thờ chó đá ở ta có thể liên quan tới nhiều truyền thuyết lịch sử:
Tục truyền An Dương Vương Thục Phán dời đô về làng Cổ Loa là do theo chân của
một đoàn chó săn. Hoặc chuyện Phạm thị, trong lúc viếng chùa Tiên Sơn, nằm mơ
thấy giao hoan với thần chó đá mà mang thai, sinh Lý Công Uẩn[4] vào năm Giáp Tuất 974. Nhưng
vì không chồng nên mang con đến chùa Cổ Pháp để nhờ nuôi và khi đó con chó đá
trước cổng chùa bỗng lên tiếng sủa mừng. Sau đó, vào năm Canh Tuất 1010, sau
khi lên ngôi, Lý Thái Tổ[5] dời đô từ Hoa Lư về Đại La
thì có con chó cái vượt sông bơi theo thuyền vua rồi lên núi Nùng làm ổ để đẻ
nên nhà vua đã chọn núi Nùng làm chính điện.
Trong quan niệm
của người Việt xưa, muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá. Ngày nay, người
Việt ít còn chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà,
vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.
2.2. Trong văn hóa:
Trong phép tính lịch âm chó được xếp vào
12 con giáp (Thập Nhị Chi 十二支, là: Tý 子, Sửu 丑, Dần 寅, 卯 Mão, Thìn 辰, Tỵ 巳, Ngọ 午, Mùi 未, Thân 申, Dậu 酉, Tuất 戌, Hợi 亥 ) ở vị trí thứ
11 với chi Tuất 戌 và một trong
những con vật thuộc lục súc. Khi kết hợp với Thập Thiên Can (十天干, gồm:
Giáp 甲,
Ất 乙, Bính 丙,
Đinh 丁, Mậu 戊 ,
Kỷ 己, Canh 庚, Tân 辛,
Nhâm 壬, Quý 癸) được 5 năm Tuất (trong mỗi hoa giáp 六十花甲 60 năm) là: Giáp Tuất 甲戌, Bính Tuất 丙戌, Mậu Tuất 戊戌, Canh Tuất 庚戌, Nhâm Tuất 壬戌 và cứ 60 năm chúng lại quay lại trùng tên Can Chi. Ví như năm nay
2018 là Mậu Tuất thì trước đó 60 năm, năm 1958 và sau đây 60 năm, năm 2078 cũng
là năm Mậu Tuất trong lịch âm.
Trong quan niệm
của người Việt thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến
thuận lợi và nhiều niềm vui (mèo đến nhà
thì khó, chó đến nhà thì sang). Người Việt còn dựa vào vị trí chọn chỗ nằm,
làm ổ đẻ để định nơi làm nhà, kê giường.
Trong Thiên văn người ta đặt tên
chó cho một số chòm sao, như: Tiểu Khuyển (小犬座, Canis Minor, tức “con chó
nhỏ”), Đại Khuyển (大犬座, Canis Major, nghĩa là “con chó lớn”),
Lạp Khuyển (猎犬座,Canes Venatici tức “chó săn”).
Nhưng chó cũng là
đối tượng bị khinh rẻ, coi thường, nó được xem như một con vật bẩn thỉu, ngu
dốt và đáng khinh. Người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng,
thuật ngữ, có nhắc đến con chó như: đồ chó, đồ con chó, đồ chó má, đồ chó đẻ,
đồ chó săn, thằng chó, chó chết, thằng chó chết, đồ chó cái (ám chỉ gái mại dâm), chó ghẻ, ngu như
chó, cẩu nô tài (ám chỉ những kẻ tay sai),
tuồng chó lợn, đồ chó vô chủ, đám chó hoang, chó chui gầm chạn....
Hình tượng con
chó được một số nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc trong giới mỹ thuật quan tâm
trong sáng tác, tạo thành hình tượng nghệ thuật nhưng hiếm thấy hơn các con vật
khác như: Rồng, ngựa, hổ...
2.3. Thành ngữ về chó:
2.3.1. Trong số
những câu tục ngữ thành ngữ có liên quan đến “chó” có thể phân thành ba
nhóm:
- Ví von, nói về
những hiện tượng tiêu cực của xã hội, của con người:
- Từ tập tính của
loài chó liên hệ đến tính tình của con người:
- Từ con chó để
nói về những kinh nghiệm của con người.
2.3.2 Người soạn
sưu tầm khoảng trên 100 câu, xếp theo thứ tự a,b,c như sau:
Bán gà tránh trời
gió, bán chó tránh trời mưa.
Bẩn như chó: bẩn
thỉu hết mức; keo bẩn, bủn xỉn, hẹp hòi.
Bỏ đuôi bên trái
thì nuôi, bỏ đuôi bên phải thì thịt: khi chó đang ở trong trạng thái tự nhiên,
đuôi sẽ nghiêng về bên trái là tốt.
Bọ chó múa bấc:
chỉ người không có tài cán mà học đòi phô trương thanh thế, làm việc quá sức
mình nên thường không thành công, bị cười chê, khinh bỉ.
Con không chê cha
mẹ khó, chó không chê chủ nghèo.
Chỉ chó mắng mèo:
ngầm ý nhắc nhở.
Chó 3 năm mới
nằm, gà 3 lần vỗ cánh mới gáy: khuyên người ta trước khi làm việc gì, nói điều
gì phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.
Chó ăn đá, gà ăn
sỏi (muối) : chỉ nơi đất đai cằn cỗi, hoang vu.
Chó ăn trứng
luộc: vớ bở dễ dàng ngoài trí tưởng tượng của mọi người.
Chó ăn vụng bột:
lấm lét, sợ sệt vì hành vi mờ ám bị phát hiện.
Chó ba khoanh mới
nằm, người ba năm mới nói: cẩn trọng trước khi phát ngôn.
Chó bỏ giỏ cua: ở
vào trong tình cảnh bị kìm kẹp, không xoay sở được.
Chó cái bỏ (cắn)
con: chỉ những người mẹ không mặn mà, thiết tha gì với con cái.
Chó càn (cùng)
cắn (dứt) giậu: khi bị cưỡng bức, chèn ép đẩy vào bước đường cùng, không còn
cách nào khác, thường làm liều, gây gổ bừa bãi, thiếu cân nhắc.
Chó cắn áo rách,
Đã khó chó cắn thêm: chỉ tình huống chớ trêu trong cuộc sống đã nghèo khó, cùng
cực bị kẻ xấu làm hại, bóc lột thêm - kẻ bất lương làm hại người khốn khó.
Chó cắn càn: hành
động bừa bãi, liều lĩnh, không tính toán cẩn thận từ trước.
Chó cắn ma: sủa
dai dẳng như chó sủa đêm khi thoáng thấy có bóng ẩn hiện nào đó.
Chó cắn trộm:
hành động hung ác, vừa lén lút, vừa bất ngờ, mau chóng.
Chó cắt tai: lầm
lì, lủi thủi do cảm thấy xấu xa, nhục nhã.
Chó cậy gần nhà,
gà cậy gần chuồng: ỷ vào thế có lợi của mình mà hung hăng, bắt nạt người khác,
không quân tử mà hèn hạ.
Chó có chê cứt
thì người mới chê tiền: thói tham lam.
Chó cùng nhà, gà
cùng chuồng: những người thân thích với nhau thì thương yêu nhau.
Chó cứ sủa, đoàn
người cứ đi.
Chó chạy (nằm,
ngồi) hở (ló) đuôi: chân ruộng xấu, cây lúa không mọc tốt được, thân cây lè tè,
giả như con chó chạy trong ruộng lúa thì còn bị hở đuôi.
Chó chạy cùng sào,
Chó chạy đường cùng: tình thế không lối thoát.
Chó chạy trước
hươu: không khiêm tốn, chẳng có tài, thiếùu hiểu biết nhưng lại lanh chanh dạy
bảo, tranh đua với người khôn hơn mình.
Chó chê cơm, Chó
chê cứt nát: chuyện ngược đời, không mấy khi xảy ra, ám chỉ những người khó
tính, đòi hỏi quá đáng.
Chó chê mèo lắm
lông: Phê phán kẻ khác không nhìn thấy lỗi mình mà chỉ nhìn thấy lỗi của người
khác.
Chó chê nhà dột
ra nằm bụi tre: chê bai điều xấu nhưng lại gặp điều tệ hơn.
Chó chết hết cắn,
Chó chết hết chuyện: diệt tham nhũng, diệt ác phải diệt tận gốc.
Chó chui gầm
chạn: người rể phải nương nhờ nhà vợ, không được tự do thoải mái, chịu cảnh phụ
thuộc.
Chó chực máu
giác, Chó chực chuồng chồ: cam lòng chờ đợi, kiếm chút lợi lộc bẩn thỉu.
Chó dại cắn càn,
Chó dại cùng đường: hung hăng, liều lĩnh, không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ
thiệt hơn.
Chó dại có mùa,
người dại quanh năm: những người đã dại khờ thì lại dại quanh năm suốt tháng,
chứ chó thì chỉ dại có mùa.
Chó dữ mất láng
giềng (bạn hiền): kinh nghiệm trong ứng xử, giao tiếp.
Chó đá vẫy đuôi:
chỉ về chuyện không có thực.
Chó đen ăn vụng,
chó trắng chịu đòn: chỉ kẻ này gây lầm lỗi để người khác (người gần gũi) phải
oan uổng, gánh chịu hậu quả.
Chó đen giữ mực,
Chó đen một mực, Chó đen quen ngõ: cố hữu, bản tính không thay đổi, hành động
theo bản tính.
Chó già giữ
xương: tham lam, không kham nổi mà vẫn cố giữ, không buông ra cho người khác.
Chó già, gà non;
Gà lọt giậu, chó sáu bát: kinh nghiệm chọn thú mổ thịt.
Chó giống cha, gà
giống mẹ: quy luật di truyền ở súc vật.
Chó giữ nhà, gà
gáy sáng (trống canh): mỗi người một phận sự, ai có việc nấy, không nên suy bì.
Chó húp cháo
nóng: không thực tế.
Chó ỉa bờ giếng
không sao, chó ỉa bờ ao thì bị người ta cắn cổ: chỉ kẻ có tội thì không sao,
còn người mắc khuyết điểm nhỏ lại bị tai vạ.
Chó khom lưng vãi
cải, chó le lãi vãi mè: kinh nghiệm nhà nông: Thời tiết lạnh vãi cải, thời tiết
đầu hè, nóng, chó le lưỡi, vãi vừng.
Chó khô mèo lạc:
loại người lang thang vơ vẩn, không hiểu biết chuyện gì.
Chó khôn chẳng
sủa chỗ không.
Chó khôn tha cứt
ra bãi, chó dại tha cứt về nhà: chỉ việc làm ngu ngốc, dại dột (thường dùng khi
la con cái).
Chó lê trôn, gà
gáy gở: người mê tín coi đây là điềm xấu, báo hiệu điều dữ sắp xảy ra.
Chó liền da, gà
liền xương: kinh nghiệm chăn nuôi: chó bị thương, gà bị gãy xương thì chóng
lành.
Chó mái chim mồi:
bọn làm tay sai cho kẻ thù, như chó săn, chim mồi trung thành với chủ nó để hại
đồng loại.
Chó mặc váy lĩnh,
Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi: chỉ kẻ không có đức, tài mà hợm hĩnh, kiêu kì, đua
đòi, lố bịch, bản chất xấu lại làm ra vẻ tốt đẹp, đài các rởm.
Chó nào ăn được
cứt thuyền chài: không thể kiếm chác được gì ở những nơi người ta không hề có
sơ hở.
Chó nào chủ nấy,
Chó nhà nào sủa nhà ấy: trung thành với con đường đã chọn, hãy nên lo việc của
mình, đừng xía vào chuyện người khác.
Chó ngáp phải
ruồi: sự may mắn ngẫu nhiên, họa hoằn, hiếm hoi của những kẻ bất tài chứ không
phải do tài mà có đã được.
Chó nhà quê đòi
ăn mắm mực: ở địa vị thấp hèn mà đòi hưởng những thứ cao sang.
Chó nhảy (ngồi)
bàn độc, mèo ăn mâm ỉa bếp: bất tài, hèn kém mà gặp thời làm nên địa vị cao
sang; chuyện trớ trêu, ngược đời.
Chó ông thánh cắn
ra chữ: kẻ dốt nát mà hay nói chữ, tỏ ra tài cán hơn người khác.
Chó quen nhà, gà
quen chuồng: loài chim, thú dù đi xa mấy vẫn biết tìm về nơi chốn mình ở.
Chó sủa là chó
không cắn: kinh nghiệm khi gặp chó lạ.
Chó sủa trăng:
chửi vu vơ, chửi mò vì không biết được điều gì cụ thể.
Chó tha đi, mèo
tha lại: chỉ thứ bỏ đi không có giá trị, không ai muốn dùng, muốn nhận.
Chó tháng 3, gà
tháng 7: kinh nghiệm ăn uống vì tháng 7 và tháng 3 là tháng giáp hạt, gà và chó
đều gầy, ăn không ngon.
Chó treo, mèo
đậy: cách cất giữ thức ăn không cho chó mèo ăn vụng rộng ra là có của thì phải
biết giữ gìn, bảo vệ.
Chơi (giỡn) chó,
chó liếm mặt: khình nhờn do quen biết, chơi thân, đùa giỡn với kẻ xấu (kẻ
dưới), chúng đâm ra nhờn, không nể mặt hay thậm chí, còn làm hại đến ta.
Chực như chó chực
cối (máu giác): chầu chực như chó canh người ta giã thức ăn trong cối, mong
được chút gì.
Chửi chó chửi
(mắng) mèo: mượn cớ mắng cái này để biểu hiện sự tức giận với cái khác.
Chửi như chó ăn
vã mắm: chửi nhiều, chửi tới tấp, xối xả.
Đánh chó đá vãi
cứt: bất tài, không làm nên công cán gì mà còn khoe khoang, hợm hĩnh.
Đánh chó ngó chủ,
Đánh chó không nể chủ: phê phán, trừng phạt người/vật khác mà không kiêng dè
người cấp trên của người/vật đó.
Đen như chó mực.
Đồ chó đểu ( chó
ghẻ, chó chết, chó má, chó đẻ....), Đừng chõ mõm vào việc của người khác: mượn
chó để chửi rủa, phê phán kẻ khác hoặc bực bội thân phận.
Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt: chó mà có
đốm ở trên đầu thì tốt nên để nuôi, còn chó mà có đốm ở đuôi thì không tốt.
Giả cầy người ăn
như chó.
Giậm giật như chó
tháng bảy: bản năng.
Giậu nát chó ỉa:
nhân khi có người gặp vận rủi, kẻ xấu lấn tới kiếm chác hay làm hại thêm.
Hàm chó, vó ngựa:
thuộc hạng phàm phu tục tử, hay gây sự, độc địa, cũng như chó và ngựa là những
loài vật phàm ác.
Hục hặc như chó
với mèo: thói hay tranh giành.
Khoang cổ, lổ
đuôi, hại chủ nhà: kinh nghiệm chọn chó để nuôi.
Không có chó bắt
mèo ăn cứt, Trâu không có bắt chó kéo cày: thích nghi với tình thế, buộc phải
thay thế một cách gượng ép dù biết rằng không hợp lý.
Khuyển mã chí
tình: Tức là chó và ngựa là hai con gắn bó với người nhất.
Lạc đàng nắm đuôi
chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu: trí nhớ của chó.
Làm người thì
khó, làm chó thì dễ: tổng quát về cách sống.
Lang lảng như chó
cái trốn con: lảng tránh, không muốn gặp ai để tránh phiền toái, ví như chó mẹ
trốn đàn con đang bú.
Lắt nhắt như chó
đái: không việc gì ra tấm ra miếng.
Lẩu bẩu như chó
hóc xương: nói nhỏ, lầm bầm trong miệng với vẻ bực tức, khó chịu.
Lên voi xuống
chó: những chuyện thăng trầm trong cuộc đời, lúc phất lên, lúc thất thế.
Lơ láo như chó
thấy thóc: ngỡ ngàng, thờ ơ trước việc không liên quan đến mình, như chó khi
nhìn thấy thóc, không biết làm gì vì chó không ăn thóc.
Lợn rọ, chó thui:
tình thế bất khả kháng.
Mang chết chó
cũng lè lưỡi: làm hại được người khác thì mình cũng thiệt thòi, ví như chó cắn
chết được rắn hổ mang thì cũng hết hơi.
Mèo đàng chó
điếm: kẻ vô lại, ma mãnh hay sống lang thang, không nhà cửa.
Mèo đến nhà thì
khó, chó đến nhà thì sang: kinh nghiệm sống.
Nói dai như chó
nhai giẻ rách: chỉ người nói dai, nói dài, nói dại.
Nói như chó cắn
ma: ăn nói dấm dẳng, không liền mạch, nói từng tiếng một.
Nói như chó ngậm
cám, Nói như chó ăn vụng bột: ăn nói thiếu chững chạc,
Ngay lưng như chó
trèo chạn: lười biếng, không chịu siêng năng làm việc.
Ngồi xó ró như
chó tiền rưỡi: ngồi co rúm như không còn chút sức lực nào nữa.
Ngu như chó: quá
ngu ngốc.
Nhất một, nhì
chín: chó mẹ chỉ đẻ có một con thì con chó con đó rất quý, bởi lẽ chó mỗi lần
sinh ra năm bảy con là chuyện bình thường.
Nhất mực, nhì
vàng, tam khoang, tứ đốm: phân biệt màu lông để biết thịt có ngon hay không.
Nhục như con chó:
nhục nhã quá mức, như thân phận hèn mọn của con chó.
Như chó với mèo:
Chỉ sự xung khắc
Ra sức khuyển mã:
tận lực với chủ.
Ráng mỡ gà thì
gió, ráng mỡ chó thì mưa: kinh nghiệm xem thời tiết.
Tâng hẩng như chó
cụt tai: ngớ người vì mọi chuyện xảy ra không như dự tính.
Tuồng chó lợn, Phường
chó lợn: Chỉ những hạng người đáng khinh.
Thắt cổ mèo treo
cổ chó: chỉ người hà tiện, đến thú nuôi mà cũng không cho ăn.
Thịt chó chấm
nước chó: sử dụng ngay nguồn sẵn có vì không có gì hơn, thường chỉ người mới
học xong thì bắt đầu dạy lại người sau những gì mới học.
Trâu đeo mõ, chó
leo thang: vùng núi hẻo lánh người dân cho trâu đeo mõ để dễ tìm khi nó đi xa
vào rừng, nhà cửa ở đây cũng thường là nhà sàn có thang đi lên.
Treo đầu dê, bán
thịt chó: mua gian bán lận.
Voi đú, chó đú,
lợn sề cũng hộc: đua đòi, bắt chước kẻ khác đến độ lố bịch, làm trò cười cho
thiên hạ.
Xuỵt chó bụi rậm,
Quăng xương cho chó cắn nhau: cơ hội, xui nguyên giục bị.
2.3. Hình ảnh con chó trong Ca dao:
Chó chê rằng khỉ lắm lông,
Khỉ lại chê chó ăn dông nằm dài.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
Con không chê cha mẹ khó,
Chó không chê chủ nghèo.
Con mèo trèo lên cây vông,
Con chó đứng dưới ngó mông con mèo.
Mèo rằng sao chó chẳng theo,
Lên đây tao dạy leo cho mày.
Cơm đâu nuôi chó nuôi mèo,
Để nuôi em vợ mà rèo mà chim.
Chó đâu chó sủa chỗ không,
Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
Chó nằm hè gặm vỏ khoai,
Lợn nằm ủi đất ngâm hơi gầy gò.
Chuột chê xó bếp chẳng ăn,
Chó chê nhà chật ra nằm bụi tre.
Em như cục cứt trôi sông,
Anh như con chó đứng trông trên bờ.
Hát cho chó cắn bò lông,
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo.
Hôm qua anh đến nhà chơi,
Thấy mẹ vét chảo, thấy cha vét nồi.
Thấy em dựa cột liếm môi,
Anh tưởng con chó anh lùi chân ra.
Nào ai buôn bán trăm bề,
Chẳng bằng nuôi chó huyền đề 4 phân.
Nhà bà có con chó đen,
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
Củ to thì để mời làng,
Còn như củ nhỏ họ hàng cùng xơi.
Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi !
Để cho con chó ăn chơi giữ nhà.
- Lương Đức Mến, biên soạn từ nhiều nguồn tham khảo-
[1] Có người nói tục ăn thịt cho là từ bên Bắc Quốc sang.
[2] Chuyện rằng: Thuở đang bôn tẩu, Phúc Ánh nuôi 4 con chó
Phú Quốc (2 đực, 2 cái), 4 con chó này đã theo ông trong suốt những
năm bôn tẩu, từ miền biển lên miền núi, từ nơi bình an đến chốn hiểm
nghèo và từng cứu ông 2 lần thoát chết:
- Lần thứ nhất, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi ở
dưới chân phía Nam dốc Gành Đỏ (vùng Bằng Lăng, Phú Yên), ông trốn
vào một lũy tre, xung quanh là bụi rậm. 4 con chó vây quanh bảo vệ
ông. Không ngờ trong bụi rậm này có một hang rái cá (khoảng 10 con
lớn nhỏ). 4 con chó khống chế đàn rái cá, khiến chúng im thin thít.
Khoảng 1000 quân Tây Sơn cùng một bầy chó Ngao siết chặt vòng vây. Khi
vòng vây khép lại còn đường kính khoảng 30 mét, những con chó Phú
Quốc khôn ngoan lập tức mở đường cho bầy rái cá chạy để đánh lạc
hướng bầy chó Ngao. Quả nhiên bầy chó Ngao rượt đuổi theo bầy rái cá
và quân Tây Sơn chuyển cuộc truy lùng theo hướng bầy chó Ngao, nhờ đó
mà Phúc Ánh thoát nạn.
- Lần thứ 2, khi ông bị truy đuổi ở Cà Tang hạ
(Quế Sơn, Quảng Nam), cùng đường phải chui vào một bụi rậm, 4 con chó
cũng vây quanh bảo vệ. Khi quân Tây Sơn hãm sát nơi ông trú ẩn, họ
dùng giáo chọc khắp nơi. Một con chó đã lấy thân mình đỡ ngọn giáo
đâm vào ông, 3 con còn lại ở đường cho ông chạy thoát.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long khi bình công phong
thưởng cho tướng sĩ, đã không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc
danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại
tướng quân”. Sau khi 4 con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu
thờ trọng thể.
[3] Hồi nhỏ ở quê tôi gặp nhiều.
[4] Theo sách Việt sử
tiêu án: năm 20 tuổi Phạm thị nghèo hèn
không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu,
khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình
trở dậy rồi có thai mà sinh ra Lý Công Uẩn (李公蘊, 974-1028). Về sau Công Uẩn nương nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn,
Vạn Hạnh dạy dỗ.
[5] Khi Lê Long Đĩnh
(黎龍鋌, 986 – 1009)
băng, con trai là Sạ còn bé, dưới sự sắp đặt của quan Chi Hậu Đào Cam Mộc,
triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế vào tháng 11, ngày Quý Sửu, năm
Kỷ Dậu (tức 21 tháng 11 năm 1009),
đặt niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là "theo ý trời". Khi băng được
tôn là Lý Thái tổ 黎太祖.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!