Tranh thủ thời gian giữa khoảng nhận mộ
tiết Thanh minh, thông qua Gia phả, giỗ Tổ ngành, thăm bà con họ mạc, đưa mẹ,
vợ và em gái đi thăm quan một số thắng tích. Thế là tự nhiên thành hướng dẫn
viên du lịch.
Để thuận tiện, chúng tôi không nghỉ ở dưới
làng (Hương và Cốc) mà nghỉ ở Bến
Khuể trong nhà anh Phạm Ngọc Kỷ (con kế
mẫu của bác rể tôi). Đây là biệt thự mới xây năm vừa
rồi trên nền đất trụ sở Ban Quản lý Phà Khuể mà gia đình anh mua lại.
Sau khi điểm tâm, anh Phạm Ngọc Tuy (một lão nông thực sự yêu nghề trông cây
cảnh, nổi tiếng với cây duối khủng có giá tiền tỉ) đưa chúng tôi
qua Cầu Khuể sang bên Tiên Lãng. Không vào Chợ Đôi, khu tắm nước nóng mà chúng
tôi rẽ trái xuôi ra phía biển. Được 5,6 cây rẽ trái vượt qua đê hữu ngạn sông
Văn Úc vào Đền Gắm.
1. Ngôi Đền này vốn là một ngôi miếu cổ tọa
lạc trong một khuôn viên rộng trên gò đất cao, lao ra dòng sông Úc như một bán
đảo, giữa vùng đất thiêng rợp bóng cây xanh. Nơi đây nay thuộc địa phận thôn
Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng và là nơi thờ Ngô Lý Tín (吳履信, 1126-1190), một tướng tài có công lớn vào
cuối đời nhà Lý, từng giữ chức Thượng tướng quân 上将軍, rồi thăng Thái phó 太傅, được cử làm
Phụ chính 輔政.
Là một trong năm ngôi đình, đền thuộc “ngũ
linh từ” 五領祠[1]
của huyện Tiên Lãng, đền Gắm
được xây dựng trên chính mảnh đất mà Tín Công đã cắm đất làm nhà, mở trường dạy
học, dùi mài kinh sử, rèn luyện binh thư, võ nghệ. Tuy là nơi thờ vọng nhưng
đền Gắm có phần mộ của Tín Công thuộc hậu cung của đền. Chính nét khu biệt này
là cội nguồn của sự linh thiêng cho nên ngay từ xa xưa nhân dân nơi đây đã lưu
truyền câu ca: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”.
Hơn 800 năm đã qua, đền Gắm đã được nhiều
lần tu sửa trùng tu và ngày 8 tháng 8 năm 1992 được Nhà nước công nhận là Di
tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 2/3/2010, tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ, tôn
tạo di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Đền Gắm hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng
Long tạo bộ mặt hiện nay.
Hôm nay vắng khách, chụp vài kiểu kỷ niệm lưu tại đây: http://anhcuamen.blogspot.com/2015/04/vieng-en-gam.html
2. Chiêm bái xong nơi thờ tự vị dũng tướng
có tài phò vua đánh đuổi giặc đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và thống nhất
đất nước chúng tôi trở ra xuôi tiếp sang
thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng cách đó không xa vãn cảnh chùa Thắng Phúc 勝福寺 đang trong
giai đoạn tiếp tục xây dựng.
Theo chân một bà đang làm công quả tại
chùa, tôi được biết: Đây là một ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý cách
đây trên 800 năm lịch sử, cạnh bến đò An Tháp, với tên gọi là chùa Vọng Phúc 望福寺.
Thời kháng chiến, năm 1947 chùa Vọng Phúc
buộc phải tiêu huỷ không cho địch làm nơi đồn trú, án ngữ nơi yết hầu về giao
thông.
Những
năm 2000, dân làng Mỹ Lộc đã chuyển chùa Vọng Phúc về miếu vua Bà và đổi tên là
chùa Thắng Phúc. Sau đó, bãi lầy ven sông Văn Úc được bơm cát, san ủi tạo mặt
bằng cho công trình và mùa xuân năm 2008, chùa Thắng Phúc đã tổ chức lễ động
thổ.
Khi chúng tôi thăm, tháp 13 tầng mới đổ
móng còn cụm kiến trúc thờ Phật với 85 gian của giai đoạn 1 về cơ bản đã hoàn
thành. Thăm Ngôi tam bảo, lễ Phật dâng sớ cầu an xong chúng tôi dạo qua La Hán Đường (bên hữu) rồi vào Tổ đường. Tại
đây chúng tôi thành kính ngắm dung nhan, lễ tạ ơn sư tổ Tự Tâm Cẩn và 5 nhà sư đã hi sinh thân mình vì đất nước,
được nhà nước truy tặng là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp (Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Đại đức
Thích Quảng Tại, sư bác Thích Quảng Hợp, sư bác Thích Quảng Tuệ). Sang Kim
Cương Đường, thời gian đã gần hết chỉ kịp bái Tứ phủ và tượng Hưng Đạo đại
Vương Trần Quốc Tuấn rồi ra về. Những vườn tháp, hồ Liên Trì, cầu đá và tượng
phật bằng đá ngoài trời cao …chỉ mới ngắm qua.
Lưu vài ảnh kỷ niệm tại đây: http://anhcuamen.blogspot.com/2015/04/van-canh-chua-thang-phuc.html
3. Nghe nhiều về Đền thờ tiến sĩ - nhà thơ
yêu nước Lê Khắc Cẩn tại quê hương ông ở thôn Đông Hạnh xã An Thọ, huyện An lão
mà nay mới có dịp thăm quan. Khu vực này có nhiều hạng mục: Đền thờ chính, nhà
giải vũ, nhà bia, hồ sen, cổng tam quan, sân nội bộ, ao cảnh, tường bao, lăng
tưởng niệm, vỉa hè cây xanh...nằm ngay ve đường từ Văn Khê (có nhà em Vũ Văn Ruệ) sang Đông Hạnh (nhà chị Phạm Thị Bộn).
Đây là đền thờ Lê Khắc Cẩn (黎克謹, 1833-1874) mới được xây dựng từ 2009. Ông
xuất thân trong một gia đình nghèo thi hương khoa Ất Mão (1855) đậu Giải nguyên
tại trường thi ở Nam Định. Trong kỳ thi hội khoa Nhâm Tuất (1862) tại kinh đô,
ông đậu Hoàng giáp. Như vậy, ông là người Hải Phòng duy nhất đỗ Tiến sĩ Nho học
dưới triều nhà Nguyễn. Ông được bổ làm việc ở những cơ quan gần vua như Viện
Tập hiền, Tòa Kinh diên tại Huế. Năm 1866, ông được cử làm tham biện nội các
Huế. Những năm sau đó, ông được cử đi Nam Định và trải qua nhiều chức vụ
tại đây như Tri phủ, Án sát, Bố chính.
Trong bối cảnh đất nước hồi đó Lê Khắc Cẩn đã
đứng về phe chủ chiến chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Ghi vội mấy hình tại đây: http://anhcuamen.blogspot.com/2015/04/tham-en-tho-le-khac-can.html
-
Lương Đức Mến, Tiết Thanh Minh 2015-
[1] Gồm: đền Bì Tử Đôi, đền
Bì Vân Đôi (đền Tử Đôi và đền Vân Đôi đều nằm bên đầm Bì thuộc xã Đoàn Lập
nên đều có tên gọi là đền Bì), đền Gắm (xã Toàn Thắng), đền Hà Đới (xã
Tiên Thanh) và đền Để Xuyên (xã Đại Thắng).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!