[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 6 2014

Địa dư chí THỊ TRẤN PHỐ LU

Thị trấn Phố Lu và vị trí của nó
trên bản đồ huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai
Từ lâu, địa danh Phố Lu đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Với lứa chúng tôi, đây là nơi duy nhất cho ai muốn đi lên trên con đường học vấn bởi những năm trước kia cả huyện chỉ duy nhất nơi đây có Trường Cấp III mà nay gọi là THPT.
Tuy là vùng đất cổ, sớm có người sinh sống và thời văn hóa Đông Sơn kết quả khảo cổ đã chứng minh vùng đất Phố Lu nay đã có người ở. Nhưng “nơi ngã ba sông biên giới” Việt-Trung này trong thời sơ sử, thời Bắc thuộc cũng như thời kỳ đầu của nền quân chủ tự chủ các sách, động vùng này chưa trực thuộc chính quyền trung ương mà do các tù trưởng người địa phương cai quản. Triều đình không với tay tới được nên cho hưởng quy chế Ki Mi (羈縻, ràng giữ nhưng buông thả nhằm duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn). 
Trong thời tự chủ vùng Phố Lu nay thuộc đạo Lâm Tây 林西 (Đại Cồ Việt thời Đinh, Tiền Lê và Đại Việt thời Lý), đất Đăng Châu 镫州 (nhà Lý) tiếp là huyện Thủy Vĩ 水尾縣 thuộc trấn Quy Hóa 歸化鎭, đạo Đà Giang 沱江道 (nhà Trần). Triều Lê đổi đổi lộ làm phủ , đổi trấn làm châu , khi đó vùng này trực thuộc phủ Quy Hoá 歸化府, thừa tuyên Hưng Hoá 興化承宣 (sau là trấn Hưng Hóa 興化鎭).Đến năm 1831 Minh Mạng 明命 tiến hành cải cách hành chính, đổi Trấn thành Tỉnh . Vùng đất Phố Lu thuộc châu Thuỷ Vĩ 水尾, phủ Quy Hoá 歸化府của tỉnh Hưng Hoá 興化省. Khi Hưng hóa tách ra thành các tỉnh nhỏ[1] thì địa bàn Phố Lu thuộc tỉnh Lào Cai.
Địa danh Phố Lu chép trong sách tôi tìm được sớm nhất là trong cuốn Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ  Respeertoire des potonymes et des archives villageoises du Bắc- Kỳ của Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, NXB VHTT, Hà Nội 1999. Trong đó Phố Lu viết bởi chữ Hán là 富瀘[2] thuộc xã Xuân Quang 春光社, châu Bảo Thắng 保勝州 (đất bên tả ngạn sông Hồng của Thủy Vĩ xưa[3], bao gồm cả đất Bắc Hà, Si Ma Cai 新馬街, Bảo Thắng và một phần thành phố Lào Cai ngày nay)[4], tỉnh Lào Kay[5] 老街省.
Ngày 9/3/1944, thống sứ Bắc Kỳ ban hành nghị định bãi bỏ châu Thuỷ Vĩ, châu Bảo Thắng, thành lập phủ Thuỷ Vĩ, phủ Bảo Thắng, sau đó chính quyền đô hộ thống nhất châu, phủ ở miền núi cũng gọi là huyện như dưới xuôi nên phủ Bảo Thắng thành huyện Bảo Thắng bao gồm một số xã nằm hai bên bờ sông Hồng vùng hạ lưu của Lào Cai. Cũng từ đó địa danh “Bảo Thắng” không hàm ý chỉ vùng cửa khẩu thông với Trung Quốc nữa. Khi đó Bảo Thắng 保勝 có 17 xã, trại, phố: Nhạc Sơn 樂山, Cam Đường 甘堂, Gia Phú , Xuân Giao 春胶, Pha Long 芘竜, Mường Khương 猛康, Bản Lầu 蔓樓, Phong Niên 豐年, Xuân Quang 春光, Phố Mới , Trại Mới 寨買, Soi Mười 𤐝𨒒, Sơn Mãn 山滿, Cánh Chín 𦑃𠃩, Giang Đông 江東, Thái Niên 太年, Phố Lu 富瀘, lỵ sở của phủ đặt tại Lào Cai 老街[6].
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Lào Cai tiến hành chậm so với toàn quốc nhưng Bảo Thắng là huyện đầu tiên của Lào Cai thành lập Uỷ ban lâm thời Phố Lu. Ủy ban chỉ tồn tại một thời gian ngắn (10/1945) do Quốc dân đảng khủng bố. Ngày 02/11/1946 Phố Lu đã được giải phóng trước khi thị xã Lào Cai giải phóng khỏi ách Quốc dân Đảng vào 12/11. Nhưng sau đó bị Pháp tái chiếm, Phố Lu lại cùng cả nước tiến hành cuộc “kháng chiến kiến quốc”.
Trong kháng chiến, thị trấn Phố Lu có đồn Pháp xây khá kiên cố. Đồn này ở vị trí yết hầu án ngữ cửa ngõ Lào Cai. Đồn do Vallet Olivie làm đồn trưởng. Châu uý Bảo Thắng là Nông Du Trang[7] chỉ huy lực lượng Bảo an, được Trưởng Ty CA Lào Cai, phụ trách địch hậu là Trần Long gặp gỡ và giác ngộ. Trong Chiến dịch Lao-Hà (01/3-20/4/1949) cơ sở này được bàn giao cho quân đội sử dụng[8]. Đại đội 684 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Quang Sơn đã thống nhất với LLCA và cơ sở Nông Du Trang về kế hoạch nhổ đồn Phố Lu. Lúc 4 giờ kém 15’ ngày 05/3/1949, khi loa gọi hàng từ bên kia sông vừa vang lên, Châu uý cùng 2 người lính thân tín đã bắn chết Đồn trưởng rồi tập hợp 43 lính Bảo an mang toàn bộ vũ khí nộp. Việc diệt Đồn Phố Lu đã tạo điều kiện chiến dịch Lao-Hà toàn thắng. Sau đó chủ lực ta rút ra ngoài và Pháp tái chiếm Phố Lu và để đối phó với Chiến dịch Sông Thao (từ 19/5-18/7/1949) của ta, Pháp Đầu tháng 7 năm 1949, thực dân Pháp lập lại phòng tuyến Bảo Hà - Phố Lu - Bảo Nhai - Nghĩa Đô, bổ sung quân cho các điểm trọng yếu. Riêng Đồn Phố Lu địch bố trí hai đại đội, một đại đội khố đỏ, một đại đội bảo an do tên quan hai Gauthier chỉ huy hành quân càn quét mạnh các vùng du kích ở Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao, Võ Lao buộc ta phải chuyển hướng đấu tranh.
Trong Chiến dịch Lê Hồng Phong (08/2-10/3/1950), Bộ Chỉ huy đã chọn đồn Phố Lu làm điểm khởi hoả (ngày 08/02/1950) và Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 đảm nhận. Đây là trận công kiên lớn cuối cùng của giai đoạn nửa đầu cuộc kháng chiến. Trong trận này, lần đầu tiên QĐNDVN tiến hành công kiên với quy mô trung đoàn đánh vị trí đại đội tăng cường có phi pháo yểm trợ mặc dù vẫn có xung kích cầm mác, đeo lựu đạn xông lên đánh chiếm từng căn nhà, lô cốt.... trong thị trấn. Trận đánh phải diễn ra suốt gần 1 tuần mới dứt điểm với tổn thất khá lớn. Chính những khẩu súng ĐKZ vừa được chế tạo tại xưởng quân khí Trần Đại Nghĩa ở Việt Bắc đã kiến 2 đại đội đối phương bị tiêu diệt. Lại thêm một máy bay bị hạ khiến binh lính đồn Phố Lu phải hàng và ngày 13/02/1950 Phố Lu được giải phóng. Tiếp theo Xuân Quang, Gia Phú...được giải phóng; các khu du kích ở Phong Niên, Bản Lầu hoạt động mạnh. Khu du kích tả ngạn sông Hồng đã kiên cường đánh trả các đợt càn quét của địch hồi 5-8/1950, âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của Pháp bị phá vỡ trên mảnh đất Thuỷ Vỹ xưa. Do có những khu căn cứ du kích hoạt động mạnh và vững nên trong kháng chiến Bảo Thắng thực sự “trở thành cái nôi của phong trào Cách mạng trong hậu địch ở Lào Cai”. Trong màn II Chiến dịch Lê Hồng Phong (16/9 đến 14/10/1950), những thắng lợi ở Bảo Thắng đã tạo đà cho quân ta giải phóng toàn tỉnh Lào Cai vào ngày 01/11/1950[9].
Sau hòa bình, Phố Lu từng bước vươn lên, xứng đáng là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não huyện Bảo Thắng. Những năm 1960, thực hiện chủ trương đưa đồng bào lên khai hoang ở miền núi, qua các đợt 1961, 1962 và đến năm 1963 nhiều đợt đồng bào Hải Phòng lên đã được đón nhận về cơ sở, ổn định đời sống. Người dân khai hoang được tổ chức thành các HTX tập trung độc lập (25 HTX) hay xen kẽ với nhân dân địa phương (22 HTX) với 5.131 người[10]. Trong số đó, điển hình là Sơn Hải[11] với mỗi Đội mang tên một huyện ở quê cũ hoặc tổ chức xen ghép trong các HTX có từ trước.  Chính những người khai hoang lên làm cơ cấu dân số và bộ mặt của Bảo Thắng, trong đó có Phố Lu thay đổi hẳn.
Do nhu cầu phát triển văn hóa, giáo dục, năm 1966 Trường Liên cấp II-III huyện Bảo Thắng được thành lập tại đây. Riêng hệ cấp III có 3 giáo viên là các thầy: thầy Nguyễn Văn Kim (quê ở Đa Phúc) dạy Toán sau là Hiệu trưởng đầu tiên của trường, thầy  Dương Thế Vận (quê Nam Hà) dạy Sinh vật kèm Hóa, thầy Bùi Văn Tôn (quê Hải Dương, sau được phong NGUT) dạy Văn. Một số môn khác, do thiếu giáo viên nên do các thầy cấp II dạy “kê”, như thầy: Đinh Quang Nhượng, Lê Văn Viêm, Thái Doãn Bạt. 
Lớp 8 đầu tiên có 32 học sinh là con em của đồng bào Bảo Thắng, Văn Bàn, Bắc Hà nhưng đến khi thi thi tốt nghiệp chỉ còn 22 người. Năm học sau (1967-1968) trường có thêm các thầy: Nguyễn Minh Nhân (sau chuyển Yên Bái) dạy Sử, Ngô Văn Hào (sau chuyển về quê) dạy Toán. Phan Mạnh Quân (Chủ nhiệm lớp tôi, Hiệu trưởng thứ hai của trường, sau chuyển Hà Nội) dạy Lý. Các năm học 1966-1969 đầu học tại nơi sơ tán ở khe Lũng Trâu các trung tâm thị trấn 2 km. 
Đến năm học của tôi, khóa 5, 1970-1971 mới chuyển ra thị trấn tại địa điểm hiện nay mà khi đó gần Nghĩa trang huyện. Nhưng khi tình hình căng, chúng tôi vẫn phải sơ tán và khu lò gạch[12]. Ban đầu lớp tôi có 56 bạn nhưng khi thi Tốt nghiệp chỉ còn 19, phần do bỏ học, phần lưu ban và một phần các bạn to khỏe đều lên đường nhập ngũ[13] khi đang học dở lớp 8, 9. Người dân Phố Lu rất tốt và đùm bọc những học sinh ở xã ra như chúng tôi. Đặc biệt là cụ Mai (mẹ chị Bảo, nhà gần chợ cũ, sau là mẹ vợ Giám đốc Sở Giáo dục Trương Kim Minh), cụ Trình (nhà ở phố ngang, giáp đường sắt, mẹ anh Nguyễn Bắc Son, học sinh Khóa 2, đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bà nội thím út nhà tôi), mẹ anh Thạo... Ngày 20/11/2006 tổ chức Kỷ niệm 40 năm thành lập trường (khi đó đa mang tên Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Bảo Thắng) rất vui và cảm động. Trong thành công của Lễ Kỷ niệm phải kể đến sự đóng góp của các cựu học sinh nhà trường đang công tác tại thị xã Lào Cai[14].
trung tâm các đầu mối giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) của các huyện phía Bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn[15] nên trong những ngày căng thẳng cuối 1978 dân cư từ thị xã Lào Cai, Cam Đường đổ về thị trấn có thời đông đúc hơn cả thị xã. Trong cuộc chiến 02/1979 Bảo Thắng bị tàn phá nặng nề, trên tuyến đường sắt Quân đoàn 13 PLA đã tiến đến Phố Lu. Còn trên đường 4E đến Bến Đền , trên đường 7 đến Bắc Ngầm. Đồng thời Bảo Thắng cũng là địa bàn tiêu hao nhiều sinh lực đối phương ở Bản Phiệt, Bản Cầm (20/02), Bến Đền (26/02), Phong Hải (01/3), Phong Niên (03/03), Phố Lu...buộc họ không tiến xa và nhanh hơn được rồi tuyên bố rút quân vào ngày 05/3.
Ngay sau cuộc chiến 279, ngày 13 tháng 03 năm 1979 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định Số: 109-CP “thành lập thị trấn huyện lỵ của huyện Bảo thắng, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, lấy tên là thị trấn phố Lu[16], cách thành phố Lào Cai 30 km về phía Nam. Đây cũng là thời kỳ mà thị xã Lào Cai cũ bỏ hoang, vùng Cam Đường (nơi đóng các cơ quan của thị xã Lào Cai mới) giao thông khó khăn (các cây cầu qua sông Hồng, cầu trên đường 7 vào thị xã đều bị đánh sập) nên thị trấn Phố Lu thành trung tâm của các huyện phía Bắc tỉnh, nơi đặt Ban chỉ huy tiền phương và là đầu mối giao thông quan trọng đi các huyện biên giới, sang Lai Châu[17]. Đồng thời nó trở thành điểm xả hơi của bọn làm ăn phi pháp, cán bộ, bộ đội biến chất lắm tiền ở Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát xuống và điểm dừng chân trên đường từ xuôi lên tỉnh Lai Châu. Đây còn nổi tiếng, ví như “Hồng Công của Hoàng Liên Sơn” vì là điểm trung chuyển hàng nhập lậu mua từ các chợ âm dương ở biên giới về (máy khâu, vải, phích, pin, nước hoa, dép…) và  ma tuý từ xuôi lên, từ Nghĩa Lộ, Lai Châu sang lén lút đưa sang TQ. Nhiều vụ trọng án xẩy ra[18] hay có liên quan đến Phố Lu mà mỗi bận tham gia bước điều tra ban đầu tôi đều phải nghỉ lại đây trước khi đi tiếp xuống hiện trường.
Khi tỉnh Lào Cai được tái lập[19] (01/10/1991), Phố Lu trở thành nơi tập kết của một số cơ quan tỉnh, như: Sở Xây dựng, Đài Phát thanh, BCHAN Công an tỉnh, Hải quan tỉnh, Sở Giáo dục... Khi thị xã Lào Cai cơ bản hoàn thành việc tái thiết cơ sở hạ tầng, các cây cầu, tuyến đường bộ, đường sắt nối thông (1994),  Phố Lu trở lại chỉ còn là thị trấn huyện lị của Bảo Thắng.
Ngày nay, thị trấn Phố Lu có diện tích tự nhiên 1448ha, đất nông nghiệp 101ha (trong đó diện tích lúa nước 25,45 ha), lâm nghiệp 951,8 ha. Có 2.980 hộ, 10.226 khẩu với 16 dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh, Tày, Mường, Nùng, Dao, Mông, Thái, Hoa, Xa Phó, Dáy, PaDí, Sán Dìu, Cao Lan, Phù Lá, Mọi,  La Chí), mật độ dân số đạt 661 người/km². Thị trấn có 4 khu được đánh số từ 1 đến 4 và các thôn xóm: Phú Long 1, Phú Long 2, Phú Cường 1, Phú Cường 2, Phú Cường 3, Phú Cường 4, Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3.
Về ranh giới: phía Bắc và Tây Bắc giáp xã Thái Niên; phía Đông và Đông Bắc giáp xã Trì Quang và xã Xuân Quang; phía Nam và Đông Nam giáp xã Sơn Hà (qua sông Hồng) và xã Phố Lu; phía Tây giáp xã Sơn Hải (qua sông Hồng).
Là một Thị trấn trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của huyện Bảo Thắng, có ưu thế về giao thông đường sắt, đường thuỷ và đường bộ. Tạo ra thế mạnh trong việc giao lưu để phát triển và mở rộng thị trường. Trên địa bàn có có 08 trường học các cấp (trong đó 05 trường thuộc quản lý của TT Phố Lu) có 01 trạm y tế, có 13 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố; có 03 điểm sinh hoạt tâm linh gồm: Chùa Thiên Chức thuộc tổ dân phố số 2, Đạo Công Giáo thuộc thôn Phú Thịnh 2, Đạo Tin Lành khe Măng Mai thuộc thôn Phú Long 1.
Thị trấn nằm trên thung lũng nằm ven sông Hồng, chủ yếu là địa hình vùng trũng thấp và đồi bát úp có độ cao phổ biến từ 80-400 m, có hướng dốc nghiêng dần về phía Tây Nam đổ ra sông Hồng. Nhìn chung địa hình của thị trấn không phức tạp (so với các xã, thị trấn vùng núi khác), khá thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác.
Phố Lu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt: Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,9°C, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.750 mm, độ ẩm trung bình 85%.
Do ảnh hưởng của địa hình, địa mạo trong khu vực đã gây nên một số hiện tượng đặc biệt như: mưa phùn chủ yếu vào tháng 12, 1, 2; sương mù chủ yếu vào tháng 11, 12. Với đặc điểm thời tiết khí hậu này đã tạo điều kiện cho thảm thực vật nhiệt đới sinh trưởng và phát triển tốt.
Thị trấn có hệ thống sông Hồng chảy qua, đây là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt của địa bàn dọc theo hai bên sông. Ngoài ra thị trấn còn có các hệ thống suối lớn khác cũng là nơi cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương, như suối Lu, suối My, suối Khe Mon…. Tuy nhiên lưu lượng nước ở các khe suối này nhỏ và không ổn định. Trước kia việc qua lại sông Hồng là bằng đò, sau là phà. Đến giữa những năm 1980 mới có cây cầu chung đường bộ và đường sắt, chủ yếu phục vụ cho việc vận chuyển bằng đường sắt. Cầu được xây dựng bằng kết cấu dàn thép, khổ cầu hẹp, đường sắt đi chung với đường bộ, lưu lượng giao thông đông, phải chờ tàu mất nhiều thời gian nên không còn phù hợp với yêu cầu sử dụng. Ngày 16/5/2012, đã khởi công xây dựng cầu đường bộ Phố Lu, tách đường bộ khỏi đường sắt nối hai bên bờ sông Hồng. Cây cầu giao thông đường bộ này được phê duyệt với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng, được xây dựng về phía hạ lưu của cầu chung Phố Lu cũ khoảng 220m về phía hạ lưu sông Hồng. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, gồm 10 nhịp, dài 528m, mặt cầu thảm bê tông nhựa rộng 12m, tải trọng chống chịu động đất cấp 7[20].
Bên cạnh đó thị trấn còn có nguồn tài nguyên đất tương đối đa dạng với nhiều nhóm đất như: Đất phù sa sông suối; Đất đỏ vàng trên đá biến chất.  Diện tích rừng của thị trấn Phố Lu hiện có là 667,2 ha, chiếm 46,07% tổng diện tích tự nhiên, trong đó: 103,3 ha rừng tự nhiên, chiếm 15,48% diện tích đất lâm nghiệp và 563,9 ha rừng trồng, chiếm 84,52% diện tích đất lâm nghiệp. Là một trung tâm kinh tế, văn hoá chính trị của huyện Bảo Thắng nên thị trấn Phố Lu có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển kinh tế xã hội với bên ngoài. Có hệ thống giao thông thuận lợi, có tuyến đường sắt, đường bộ và đường thuỷ chạy qua đây là lợi thế để trao đổi, giao lưu hàng hoá với các vùng lận cận và đặc biệt là thành phố Lào Cai.
Là trung tâm kinh tế chính trị của huyện do đó trong những năm qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng của thị trấn được đầu tư tương đối hoàn chỉnh về mọi mặt như việc phát triển về giao thông đường bộ, đường sắt. Tổng số chiều dài đường bộ trên địa bàn có 28 km, trong đó đường QL4E[21] dài 4,5 km, còn lại là đường nội thị và đường liên thôn. Mật độ đường giao thông/diện tích tự nhiên là 1,9 km/km2, mật độ đường giao thông trên 1000 dân là 2,9km/1000 dân. Trên địa bàn Thị trấn có hai tuyến đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua Thị trấn dài 4,5 Km, phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá. Ngoài ra còn tuyến đường sắt chuyên dùng dài 1 Km chủ yếu phục vụ hoạt động khai thác vận chuyển quặng. Ga Phố Lu, trong những năm 1979-1992 là ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai.
Những năm gần đây, các công trình thuỷ lợi của thị trấn chủ yếu là nâng cấp, nạo vét và kiên cố hoá hệ thống kênh mương hiện có. Thị trấn đã có điện lưới Quốc gia phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đến nay đã có 100 % số hộ được sử dụng lưới điện Quốc gia. Thị trấn Phố Lu đã được đầu tư, đổi mới công nghệ thông tin, có 1 trạm vi ba liên tỉnh, 1 bưu cục trung tâm huyện. Hệ thống bưu chính viễn thông phát hành báo chí cũng được đầu tư đáng kể. Đã đưa báo chí đến từng khu phố...Bình quân số máy điện thoại đạt khoảng 5 máy/ 100 dân. Công tác giáo dục - đào tạo được Đảng uỷ thị trấn xác định là ưu tiên hàng đầu và đã được các cấp; các ngành cùng với nhân dân quan tâm chăm lo. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dậy và học tập như: Bàn ghế, lớp học,...được đảm bảo đầy đủ.
Thị trấn Phố Lu có lợi thế hơn so với các thị trấn và các xã trên địa bàn huyện, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi nên có nhiều tiềm năng phát triển ngành thương mại dịch vụ, những năm qua Đảng bộ thị trấn luôn giữ vững và phát huy sức mạnh tổng hợp, qua đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo; chỉ đạo cùng với nhân dân thị trấn hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Nghị quyết  Đại hội Đảng bộ thị trấn Phố Lu lần thứ XVI đề ra. Đó là mục tiêu phát triển Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh - dịch vụ, giáo dục - đào tạo,....thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị,.... Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn những năm qua đã tạo thế và lực cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tốc độ và cơ cấu kinh tế có sự tăng trưởng và chuyển dịch hợp lý đã làm thay đổi nền kinh tế, từ một nền kinh tế tự cung tự cấp chuyển dần sang nền kinh tế hàng hoá. Hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục; y tế;..  có bước chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới thì không thể tránh khỏi việc gây áp lực mạnh dẫn đến thay đổi tình hình sử dụng đất hiện nay, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề bức xúc trong việc bố trí sử dụng đất của thị trấn; Do tốc độ gia tăng dân số lớn cùng với xu hướng đô thị hoá nhanh dẫn đến phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông và các công trình công cộng nên quỹ đất dành cho các nhu cầu này tương đối lớn. Để đạt được cơ cấu kinh tế trong đó khu vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ đóng vai trò chính, thì cần phải bố trí quỹ đất lớn sử dụng vào các mục đích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch, nhằm khai thác hết tiềm năng về lao động, tài nguyên đồng thời đáp ứng yêu cầu về sản phẩm của các lĩnh vực sản xuất.
Về tương lai, UBND tỉnh Lào Cai trong CHỈ THỊ Số: 06/2010/CT-UBND ngày 21 tháng 06 năm 2010 chủ trương: “Nâng cấp, mở thị trấn Phố Lu theo định hướng phát triển sát nhập thị trấn Tằng Loỏng và các xã xung quanh để đáp ứng quy mô diện tích, dân số đô thị loại IV, tiến tới nâng cấp thành đô thị loại IV (thị xã Phố Lu – đô thị Công nghiệp) vào năm 2015”[22].
- Lương Đức Mến, hè 2014-



[1] tỉnh Chợ Bờ (18/3/1891, tức tỉnh Mường, sau đổi thành tỉnh Hòa Bình tháng 5 năm 1886), tỉnh Yên Bái (1895, chính thức 01/4/1900), tỉnh Vạn Bú (1895, sau đổi thành tỉnh Sơn La vào 23/8/1904), tỉnh Phúc Yên (18/2/1904), tỉnh Lai Châu (tháng 6 năm 1909) và tỉnh Lào Cai (24/5/1886, chính thức 12/7/1907), phần còn lại của tỉnh Hưng Hóa được đặt tên thành tỉnh Phú Thọ (05/5/1903).
[2] Chưa rõ tại sao lại dùng 富瀘, đọc là Phú Lô để chỉ địa danh này? Theo tôi chắc “Phú” là đúng bởi dưới nó có các thôn Phú Long, Phú Thịnh, Phú Cường sau thấy có “phố” nên dân gian gọi là “Phố”.
[3] Còn 4 xã bên hữu ngạn sông Hồng là xã Nhạc Sơn 樂山 (16 thôn bản), xã Xuân Giao 春胶 (14 thôn bản), xã Cam Đường 甘堂 (37 thôn, bản) xã Gia Phú 嘉富 (16 thôn bản) với tổng số 83 thôn bản cùng với đất của Chiêu Tấn 昭晉 (tục gọi Mường Thu có 14 động do tù trưởng Đèo Chính Dân là Phụ đạo. Nay là vùng Bát Xát, Sa Pa của Lào Cai, Tam Đường, Phong Thổ... của Lai Châu) để lập châu Thuỷ Vĩ 水尾.
[4] Trong 14 xã, trại  của 3 tổng (Gia Phú, Ngọc Uyển, Lạc Sơn) của châu Thủy Vỹ trong Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿誌 do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, hoàn thành dưới thời Đồng Khánh (1886-1887); Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Dương Thị The...dịch , NXB TG, Hà Nội, 2003 không thấy có địa danh Phố Lu mà chỉ có các xã, trại, vạn, phố là:  xã Gia Phú, xã Phong Niên, trại Phủ Yên, xã Làng Pha, xã Cam Đường; xã Ngọc Uyển,  xã Sơn Yêu, trại Nam Lư, vạn Bảo Thắng, phố Bảo Thắng, phố Minh Hương; xã Lạc Sơn, Đồng Quán, Trình Tường.
[5] Vùng đất phường Cốc Lếu ngày nay xưa kia có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là 老街 Lão Nhai (tức Phố Cũ). Sau này người ta mở thêm một phố chợ khác bên kia sông gọi là Tân Nhai 新街 (Phố Mới ngày nay). Nhưng cũng có ý kiến xác định “Lão”, hay “Lạo” là tên của một tộc người, như vậy cách thích nghĩa “Lão Nhai” là phố của người bộ tộc Lão, Lạo. Có tác giả lại cho rằng tên gọi Lào Cai hiện nay chắc chắn bắt nguồn từ tên Lao Kaù xuất hiện từ 1872 (tên Chiếc pháo hạm của Đuypuy- Jeans Dupruis âm Hán Việt đọc là Đồ Phổ Nghĩa- theo sông Hồng tiến công ngược lên Vân Nam của Trung Quốc vào tháng 1-1873) và cũng có thể còn trước nữa nhưng chưa có đủ bằng cứ. Trong khi chính sử triều Nguyễn luôn ghi địa danh Bảo Thắng thì tài liệu Pháp đã bắt đầu dùng từ Lao Kaù để chỉ phố Bảo Thắng. Trải qua một thời gian dài, nhất là sau khi Pháp đã đặt xong chế độ bảo hộ đối với Trung và Bắc Kỳ, danh từ Lao Kaù được dùng chính thức và phổ biến, còn Bảo Thắng chỉ để chỉ một châu hay một đồn và rồi dần dần không được dùng để chỉ phố hay thị xã Lao Kaù nữa.Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ Lão Nhai, khi làm bản đồ, người Pháp viết Lao Cai thành Lào Kay. Danh từ Lào Kay đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu còn người Việt khi đọc, biến âm theo tiếng Việt thành Lào Cai và trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai. Sau ngày tỉnh Lao Cai được giải phóng (11/1950), đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.
[6] Như vậy địa bàn Bảo Thắng hồi đó gồm cả một số vùng nay đã thuộc thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương nhưng lại không bao gồm một số xã bên hữu ngạn khi đó thuộc Thuỷ Vỹ
[7] Ông Nông Dư Trang 农愉奘, người xã Phong Niên huyện Bảo Thắng, biết tiếng Pháp, chữ Hán, từng được đ/c Trần Long khi công tác tại huyện bộ Việt Minh Bảo Thắng giác ngộ từ 1946, rồi được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Bảo Thắng. Sau sự kiện 05/3/1949, Pháp tái chiếm Lào Cai, chính quyền Cách mạng có kế hoạch đưa ông và gia đình cùng các cơ quan của huyện về Lục Yên. Nhưng ông xin ở lại với lý do phải lo cho gia đình, nhưng có lời hẹn khi nào quân ta trở lại sẽ ra làm việc tiếp. Giặc Pháp lôi kéo ông ra làm châu úy. Khi chuẩn bị nhổ đồn Phố Lu, Ban chỉ huy của ta nhận định: Với uy tín của cách mạng và sự tiến triển của tình thế, chắc chắn ông Nông Dư Trang sẽ ngả theo ta và kết quả đúng như vậy.
Trong chính quyền liên hiệp sau giải phóng Lào Cai, Nông Dư Trang là Phó Chủ tịch huyện Bảo Thắng. Từ 8/1968 nghỉ hưu cùng sống với người con thứ  là Nông Văn Thèn ở Làng Đo Ngoài, xã Thái Niên, tới 11/1975 về Phong Niên ở cùng người con cả là Nông Khải Hồ (农凱胡 thày dạy tôi năm lớp 3,4) tại thôn Cốc Tủm. Cụ mất ngày  23/6 Bính Thìn (thứ Hai ngày 19/7/1976) sau khi ốm nặng tại nhà con trai thứ là Nông Khai Xá ở Cốc Tủm (Phong Niên). Vợ hai và người con cả đã chuyển lên ở tại Tổ 6 phường Lào Cai.
[8] Thông qua mối giao liên là bà Cầu làm nghề trồng và bán rau, hoa quả ở Đồng Ruộng,  ở Phố Lu.
[9] Vì ý nghĩa ấy, Bộ VH, TT và DL đã có Công văn Số: 1900/BVHTTDL- DSVH ngày 23 tháng 5 năm 2013 về thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm chiến thắng đồn Phố Lu, Lào Cai. Dự án gồm các hạng mục: tu bổ lô cốt, xây dựng bia đá ghi tên công trình, đài tưởng niệm (mục đích vừa tôn vinh chiến thắng đồn Phố Lu vừa tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh), cổng tứ trụ đá, bãi đỗ xe... Bộ đề nghị chỉ xây dựng mới hạng mục đài tưởng niệm, diện tích còn lại nên làm sân vườn tạo cảnh quan và sử dụng vào các hoạt động văn hóa tại di tích.
[10] Báo Lào Cai đổi mới số 15 ra ngày 21/6/1963. Phần này được chép kỹ trong chuyên khảo: “NGƯỜI HẢI PHÒNG TRÊN ĐẤT LÀO CAI” VIẾT NĂM 2012.
[11]  Nơi đây là đất bãi ven hữu ngạn sông Hồng xen những đồi thấp trước đó thuộc xã Sơn Hà,  phần đông là người Tầy,  người Dao Họ. Đầu 1962 đã có những tốp thanh niên đầu tiên gồm 212 lao động trong Đội tiền tiêu lên vỡ đất,  lập làng. Đến năm 1964 thì Sơn Hải là HTX  đầu tiên  với quy mô hoàn chỉnh. Nhà làm theo dãy kiểu như Phố  (theo mô hình “Công xã” hay  “Nông trang” ?). Khi đó thuộc xã Sơn Hà ngày 19 tháng 01 năm 1965 Bộ Nội vụ có Quyết định số 18-NV chia Sơn Hà thành hai xã: Sơn Hà và Sơn Hải (gồm các thôn Tân Lập, Cánh Địa, Cố Hải, Soi Chát, Đồng Hầm, An Tiền).
[12] Đã viết ở: http://menthuong.blogspot.com/search/label/Chuy%C3%AA%CC%A3n%20ho%CC%A3c
[13] Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Trọng, Lê Đức Chùng, Đinh Xuân Ngầu. Khi hội trường 2006 chỉ có 3 bạn trở về còn Đinh Xuân Ngầu đã nằm lại dưới chân thành Quảng Trị.
[14] Họp bàn, đề xuất Kế hoạch, sưu tầm, cung cấp tư liệu, lo ra Nội san, đón khách..., gặp gỡ các thầy trên thị xã. Bản thân tôi đảm nhận việc chụp ảnh, lo thủ tục để các thầy thăm Trung Quốc, được các thầy đánh giá cao....
[15] Sau khi thống nhất đất nước, kỳ họp từ 22-27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V, kỳ họp thứ 2 ra quyết nghị hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên về Sơn La) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (Ngày 3-1-1976).
[16] Địa giới của thị trấn phố Lu ở phía bắc và đông bắc giáp Ngòi Mỵ, đỉnh đồi 325, phía đông và đông nam giáp suối Đá Đen, thôn Đá Đen (xã phố Lu), phía tây và tây nam giáp sông Hồng.
[17] Trong bối cảnh đó, phóng viên Dương Soái ngồi trong căn nhà lá ở Phố Lu (là nhà khách của huyện) viết bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài thơ được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đã nhanh chóng được tiếp nhận và “còn mãi với thời gian”.
[18] Ví dụ vụ này: http://menthuong.blogspot.com/2009/08/buoc-ten-cuop-cua-giet-nguoi-mo-mieng.html
[19] Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (họp từ ngày 22-7 đến ngày 12-8-1991) đã quyết định tách Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
[20] Một tỉnh miền núi mà có năm cây cầu bắc qua sông Hồng (Kim Thành, Cốc Lếu, Phố Mới, Phố Lu sắt và bộ, Bảo Hà), chưa kể hai cây cầu bắc qua sông Nậm Thi (một cầu đường sắt và một cầu đường bộ) có lẽ Lào Cai là tỉnh thứ hai sau Hà Nội có nhiều cây cầu nhất nước .
[21] Xuất phát từ ngã ba Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (chỗ giao với Quốc lộ 70), chạy qua Phố Lu, qua cầu Lu, ngược ven hữu ngạn sông Hồng tới thành phố Lào Cai, chiều dài 44 km, chạy hoàn toàn trong tỉnh Lào Cai. Đây là tuyến đường chính để vận chuyển quặng của Khu công nghiệp Apatits Lào Cai, đồng thời là tuyến tránh cho đoạn cuối của Quốc lộ 70.
[22] Trước đó, ngày 31 tháng 03 năm 2008, trong Quyết định Số: 46/2008/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép rồi.  

1 nhận xét:

  1. Bức điện đề ngày 20-3-1950 của Tổng Tư lệnh chỉ thị Ban Chỉ huy Lê Hồng Phong 1 "cần tự kiểm thảo nghiêm ngặt" tìm ra nguyên nhân dẫn đến thương vong của ta trong trận Phố Lu. Nhắc lại báo cáo của Ban Chỉ huy Mặt trận viết rằng: "Trong trận Phố Lu, ta tiêu diệt được một thị trấn quan trọng của địch, thu được vũ khí, đạn dược, địch bị thiệt hại gần 100, nhưng ta bị hy sinh 100, trong đó có 11 cán bộ cấp đại đội và trung đội, bị thương 180, trong đó có 13 cán bộ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề: "Trước khi đánh Phố Lu, Ban Chỉ huy ước lượng mức hy sinh như thế nào? Và nếu biết trước là phải hy sinh đến chừng ấy thì có quyết định đánh không? Trong cả hai trường hợp (không ước lượng hoặc ước lượng trước nhưng vẫn chủ trương đánh), Ban Chỉ huy đều phải thấy khuyết điểm của mình và phải tìm ra nguyên nhân.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!