[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


15 tháng 11 2013

Người mang HỌ LƯƠNG đầu tiên có tên trong sử Việt


Trong quá trình đi tìm cội nguồn dòng họ ban đầu tôi tìm được người mang họ Lương xuất hiện đầu tiên trong sử sách Việt là Lương Long梁龍, người vùng núi Giao Chỉ lãnh đạo dân vùng Hợp Phố 合浦, Giao Chỉ 交趾,…chống lại đầu mục nhà Đông Hán (東漢, 25–220) là Chu Ngung 朱喁 vào năm Quang Hòa thứ Nhất (Mậu Ngọ 戊午, 178).
Nhưng khi tiếp tục tìm kiếm, tôi thấy trước thời Lương Long 100 năm đã có một danh gia vọng tộc 名家望族 mang họ Lương ký ngụ Cửu Chân (nay là Thanh Hoá). Hơn nữa đây còn là một dòng họ lớn, các đời từng giữ chức Phụ chính, con gái được phong Quý nhân, Hoàng hậu của Hán triều và liên quan nhiều đến sử Việt thủa quốc sơ. Do vậy, dù chưa rõ kết cục, cứ chép lại đây để nghiên cứu.
1. Từ một ý trong cổ sử:
Tại Đệ Thập quyển (bản dịch): Lịch triều ky thần (chép về những viên quan Trung Quốc bị đày hoặc bỏ trốn sang Việt Nam ký ngụ) trong An Nam chí lược 安南志略[1]do Lê Tắc 黎崱[2] soạn ở Thế kỷ XIV tại bên Nguyên có một đoạn như sau:
Lương Tủng tự  là  Kính Thúc,  đời  vua Minh Đế  năm  Vĩnh Bình  thứ  4  (61),  bị  kết  án liên lụy  vì  việc  của  người  anh  là  Lương Tùng. Nguyên  trước  đó,  Lương Tùng vì có sự oán hận, làm thư phỉ báng triều đình, Tủng cùng cả gia quyến và  em  là Cung đều phải dời qua Cửu Chân,  trải khắp Giang, Hồ, Nguyên, Tương,  cảm  thương Tử Tư  và Khuất Nguyên,  không  tội mà  phải  trầm mình,  làm  bài  phú  điệu tao.  Sau  được  vua  xuống  chiếu  cho  về  cố quận. Tủng thường lên nơi cao trông xa mà than thở rằng: “trượng phu ở đời, sống phải được phong hầu, chết được  lập miếu  tế  tự, nếu chẳng  thế,  thà nhàn cư để dưỡng chí, thơ rượu cho vui vầy, chớ chuốc lấy công việc châu quận làm chi, cho nhọc người vô ích”. Sau  luôn  luôn có chỉ  triệu của nhà vua, nhưng nhất định không đến.”
Vùng Thanh Hoá nay có rất nhiều người mang họ Lương và là trung tâm, nơi khởi phát của nhiều dòng họ Lương Việt Nam. Tôi nẩy ra ý định tìm hiểu về thân thế, hậu duệ của Lương Tủng hầu tìm ra lời giải đáp nào chăng.
2. Gia thế của Lương Tủng:
Tìm trong tư liệu Hán tự 漢字 biết được Lương Tủng thuộc dòng dõi quan Đại phu nước Tấn 晉国大夫 là Lương Ích Nhĩ 梁益耳. Lương Tủng là con của Lăng hương Hầu 陵乡侯 Lương Thống 梁統, cháu  Lương Luyên 梁延, chắt Lương Phổ 梁溥, chút Lương Kiều 梁桥 và chít của Lương Tử Đô 梁子都, một danh gia vọng tộc vùng An Định 安定 (nay là Bình Lương 平涼, Cam Túc 甘肅).
Lương Thống 梁統 tự Trọng Ninh 仲寧, có bản tính cương nghị, ham thích tìm hiểu pháp luật. Năm Canh Thủy thứ 2 (更始二年, 24) được bổ làm Trung lang tướng 中郎將, Sử an tập châu Lương 涼州 thời Nhũ Tử Anh (孺子嬰, 5 – 25). Cuối thời Vương Mãng (王莽, 45 tCn-23) của nhà Tân 新朝, cùng với Đại tướng quân 大將軍 Hà Tây 河西 là Thôi Đậu Dung 推竇融, Lương Thống khi đó đang là Thái thú Vũ Uy 武威 (nay thuộc Cam Túc) nổi lên cát cứ vùng Tây Bắc 西北.
Sau khi nhà Đông Hán (東熯, 23-220) tái lập, vào năm Kiến Vũ thứ 5 (建武五年, 29) 2 ông quy thuận Lưu Tú (劉秀, 6 tCn – 57) và Lương Thống được phong Thành nghĩa Hầu 成义侯. 7 năm sau ông đến Lạc Dương 洛阳và được phong Cao Sơn Hầu 高山侯, lĩnh Thái trung Đại phu 太中大夫. Cuối đời là Thái thú Cửu Giang 九江được phong Lăng hương Hầu 陵乡侯  và mất ở đó.
Ông được 3 người con trai là Lương Tùng (梁松, ?61), Lương Tủng (梁竦, - 83) và Lương Cung 梁恭.
Trong đó, con trưởng Lương Tùng (梁松, ?61), tự Bá Tôn 伯孙 là Phò mã của Hán Quang Vũ đế (漢光武帝, 25- 57).
Thep phép thế tập 世襲, Lương Tùng được nối tước hầu 襲侯 của cha. Ông thông hiểu kinh thư 經書, được thăng Hổ bí lang tướng 虎贲郎将. Lúc Mã Viện (馬援, 14 tCn-49)[3] lâm bệnh, Lương Tùng có ý tiến thân cầu cạnh, Mã Viện lơ đi làm ông bất mãn. Khi Vũ đế băng ông nhận di chiếu 遗诏 lãnh chức Phụ chính 辅政đã cùng với phó tướng của Mã Viện là Cảnh Thư 耿舒 tạo ra nhiều chứng cứ để chống lại Mã Viện. Đến thời Hán Minh đế (漢明帝, 57-75), Lương Tùng, khi đó đang giữ chức Thái phó 太傅, bị tố là gian lận trong việc tiến cử bị biếm chức sau thêm thư nặc danh nên bị hạ ngục và chết trong tù. Sự kiện này làm các em ông cũng bị liên luỵ, phiêu tán.
3. Về nhân vật Lương Tủng:
Lương Tủng (梁竦, - 83) là con thứ của Lương Thống, tự là Kính Thúc 步敬. Thời nhỏ ham học nên thông Kinh dịch 易经, gia đình mong khi trưởng thành sẽ được giao chức. Nhưng gặp khi anh là Lương Tùng phạm pháp nên Lương Tủng phải đem em là Lương Cung 梁恭 và gia quyến đi lánh nạn xuống Cửu Chân 九真[4] . Trên đường xuống phía Nam gia đình ông từng qua Trường Giang 长江, Động Đình hồ 洞庭湖, rồi Tương Giang 湘江, Nguyên Giang 沅江.
 Về sau Hán Minh đế (漢明帝, 57-75) hạ chiếu tha, cho phép Lương gia hồi hương. Trở về cố quận ông đóng cửa đọc và viết sách, trở thành một tác gia nổi tiếng.
Sang thời Hán Chương Đế (漢章帝, 58 – 88) con gái Lương Tủng nhập cung được phong Lương Quý nhân 梁贵人, tức Cung hoài Hoàng hậu (恭怀皇后梁贵人, 61-83) sau này[5]. Vào năm Kiến sơ Tứ niên (建初四年, 79) Quý nhân sinh Lưu Triệu (劉肇, 79 – 105), nhưng Đậu Hoàng hậu 窦皇后nhận là con. Nhằm diệt vây cánh ngoại tộc của Lương Quý nhân, năm Kiến sơ bát niên (建初八年, 83) Đậu Hoàng hậu lập thư nặc danh hãm hại tố Lương Tủng mưu phản khiến ông nhập ngục và do Thái thú Hán Dương 漢陽太守thẩm vấn và ông đã chết trong ngục. Lương Quý Nhân cũng bị thiệt mạng.  Sau này khi Lưu Triệu 劉肇lên ngôi, tức Hán Hòa Đế (漢和帝, 88-105), dẹp trừ vây cánh họ Đậu và đến năm Vĩnh Nguyên cửu niên (永元九年, 97) khi Đậu Thái hậu 窦太后 mất Lương Tủng được truy phục tang chế, truy phong là Bao thân mẫn Hầu 褒亲愍侯.
4. Vài nét về hậu thế của Lương Tủng:
Khi Lương gia được minh oan, các con trai của Lương Tủng là Lương Đường 梁棠, Lương Ung 梁雍, Lương Địch 梁翟 đều được phong Hầu thứ tự là: Nhạc bình Hầu 乐平侯, Thừa thị Hầu 乘氏侯, Đan phụ Hầu 单父侯.
Sau này, chắt Lương Tủng (con của Thừa thị trung Hầu Lương Thương 乘氏忠侯梁商, ?141) có 2 người được phong Hoàng hậu là Lương Nan 梁妠Thuận liệt Hoàng hậu 顺烈皇后 và Lương Nữ Oánh 梁女莹Ý hiến Hoàng hậu 懿献皇后. Vì vậy Lương Thương từ tước vị tập ấm 襲蔭là Thừa thị Hầu được thăng Thị trung 侍中 rồi Chấp kim ngô 执金吾 đến Đại tướng quân 大将军.
5. Điều còn đọng lại:
Theo Phả đồ 世系图 đại gia đình Lương Thống 梁統 thì Lương Tủng còn một người em nữa là Lương Cung 梁恭 cùng lánh sang Cửu Chân với ông sau khi anh cả Lương Tùng bị nạn năm 61 và người con út là Lương Yên 梁嫕 (chưa rõ sinh ra hồi gia đình còn ở Bắc quốc hay sinh ra tại Cửu Chân?). Nhưng trong các tài liệu tôi tìm hiểu về Lương Tủng không thấy nhắc đến 2 người này.
Cửu Chân hồi đó do sự cai quản bớt hà khắc lại khuyến khích dân làm ăn của các Thái thú Nhâm Diên, Lý Thiện[6] nên người dân thuần phác, mến khách, đất đai rộng, dễ kiếm sống. Do vậy, có thể nghĩ đến việc em và một người con Lương Tủng đã ở lại, thành người Việt và sinh ra dòng họ Lương nơi đây?
-Lương Đức Mến, Song Thập năm Quý Tị-




[1] Có nghĩa: "Lược ghi về An Nam", là một bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Hán (nguyên bản có 20 quyển, nhưng hiện tại chỉ còn 19 quyển) do Lê Tắc (? - ?) biên soạn khi sống lưu vong tại Trung Quốc ở khoảng nửa đầu thế kỷ 14. Nội dung sách ghi chép hỗn hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, v.v...An Nam  từ ban đầu đến cuối đời Trần. Có lẽ đây là một công trình khảo cứu về Việt Nam lâu đời nhất còn lại, do một người Việt viết, có nhiều tư liệu quý song nhiều chỗ mang nặng tư tưởng cầu thân với “thiên triều”.
[2] Vốn họ Nguyễn sau đổi thành họ Lê do làm con nuôi của người cậu tên là Lê Bổng thành ra Lê Tắc, tự là Cảnh Cao 景高, hiệu là Đông Sơn 東山; người huyện Đông Sơn, Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) là một sử gia người Việt, chức Thị lang. Sau ông qua giúp việc dưới trướng của Chương Hiến hầu Trần Kiện (con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, và là cháu nội vua Trần Thái Tông), rồi theo vị quan này vào trấn giữ Nghệ An.
Đầu năm Ất Dậu 1285, khi quân Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ hai có đạo quân thứ 3 do tướng Toa Đô chỉ huy đang ở Chiêm Thành tiến đánh lên. Khi đó, Hưng Đạo Vương bàn với Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ra quân chặn đánh ở Nghệ An. Tháng 2 (âm lịch) năm ấy, Trần Kiện và liêu thuộc (trong số đó có Lê Trắc) đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên đã sang Trung Quốc sống. Tại đây, Lê Tắc được nhà Nguyên phong Tòng thị lang, lãnh chức Chỉ huyện Lệnh doãn được cấp hàm Phụng Sự lang, lĩnh hư chức đồng Tri châu An Tiêm rồi  được bổ làm Phụng nghị đại phu ở đất Hán Dương (nay là các quận Hán Dương và Thái Điện, địa cấp thị Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc).
Ông soạn An Nam chí lược trong thời gian lưu vong, làm quan xứ người nên có nhiều câu, đoạn xu nịnh Nguyên Mông.
[3] Một trong những vị tướng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, giúp Hán Quang Vũ Đế thống nhất Trung nguyên sau “loạn Vương Mãng”. Một trong những chiến tích lớn nhất của ông là việc chinh phạt Giao Chỉ khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 43. Vì vậy, trong chính sử Việt Nam, ông là kẻ xâm lược bạo tàn, dựng lên cột đồng khắc sáu chữ: “銅柱折交趾滅 (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt)”, tức “Cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn”. Nhờ thành tích thu phục Giao Chỉ, ông được phong là "Phục Ba tướng quân" 伏波將軍.
[4] Là 1 trong 15 bộ của Văn Lang 文郎thời các Vua Hùng 鴻龐氏và trở thành “Quận” vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (元鼎六年, 111 tCn) sau khi nhà Hán chiếm toàn bộ Nam Việt và đặt thuộc Giao Châu. Nó là vùng đất bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần Ninh Bình ngày nay và lúc đầu Cửu Chân gồm 7 huyện: Tư Phố 胥浦 (thời Vương Mãng gọi là Hoan Thành 驩成), Cư Phong 居風, Đô Lung 都龐, Dư Phát 餘發, Hàm Hoan 咸驩, Vô Thiết 無切, Vô Biên 無編.
[5] Có chỗ nói Quý nhân và Hoàng hậu là 2 chị em.
[6] Thời Vương Mãng các quận ở xa đều tự giữ lấy. Sang Đông Hán, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân có nhiều cải cách tiên bộ. Hán Minh đế thấy Lý Thiện cai trị có hiệu quả tại Nhật Nam đã chuyển sang làm Thái thú Cửu Chân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!