[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


16 tháng 10 2013

GIẢ THUYẾT KHÁC VỀ CỘI NGUỒN DÒNG HỌ

Theo truyền ngôn và dựa vào chính sử thì: Vào thế kỷ XVI cũng tránh họa truy diệt thời nội chiến Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592), một hậu duệ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 - 1522) là Lương Đắc Cam 梁得甘 từ Hội Triều xứ Thanh ra Bắc và được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491 - 1585) giúp đưa đến sinh cư tại làng Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖,huyện Tân Minh 新明 (sau cải Tiên Minh 先明), phủ Nam Sách 南策, trấn Hải Dương 海陽 (nay là xã Hùng Thắng huyện Tiên Lãng, tf Hải Phòng). Từ đó lập nên dòng họ Lương Lao Chữ 梁牢渚 mà khởi đầu là cụ Lương Đắc Cam 梁贵公諱甘字三郎. Đây là gốc khởi thủy của hầu hết các dòng họ Lương Tiên Lãng trong đó có phái họ Lương Đăng Lai 梁登來,họ Lương Thái Lai 梁泰來,họ Lương Quan Bồ 梁關蒲 ở tổng Kinh Lương 涇涼.Nhưng Cụ Bảng nhãn chỉ có 1 con trai là Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590), 1 cháu là Lương Khiêm Hanh (sinh năm 1563) do vậy mối liên hệ giữa  Lương Đắc Cam  và Lương Đắc Bằng  tôi truy tìm mãi chưa ra.

Có người gợi ý: Họ Lương vùng Tiên Lãng là hậu duệ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh chứ không phải của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Đi theo hướng này, tôi thấy có những tư liệu sau:
Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441–1496) người thôn Cao Hương 高香, huyện Thiên Bản 天本, trấn Sơn Nam Hạ 山南下鎭 (nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (第一甲進士及第第一名, Trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng 院侍 Chưởng viện sự 院事, Nhập thị Kinh diên , Tri Sùng văn quán 知崇文館.
Theo Gia phả họ Lương Cao Phương và gia phả họ Lương Tam chi (do cụ Lương Ngọc Châu soạn năm 1943 có sửa chữa và bổ sung bởi ông Hoàng Đình Khảm) thì: Trạng nguyên sinh 2 con trai: trưởng là Lương Trinh Túc (Lương Thế Hạo) làm Hiến sát phó sứ ty Hiến sát 使 副司châu Ái (愛州, tỉnh Thanh Hoá ngày nay); thứ là Lương Thế Khôi làm Đô đốc 都督 Châu Hoan (, tức vùng Nghệ Tĩnh ngày nay). Năm Hồng Thuận thứ bảy (洪順七年, 1515)[1] đời Lê Tương Dực (黎襄翼, 1495 – 1516), Hiến sát Sứ 憲察使 châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa) Lương Thế Hạo được cử làm Chinh tây Đô đốc Đại tướng quân 征西都督大將軍 cùng với Chinh Tây phó tướng quân 征西 將軍 là em ruột mình Lương Thế Khôi hợp binh đánh giặc[2]. Sau tám chín trận thắng liên tiếp, Thế Hạo tiến vào sào huyệt  giặc mở tiệc khao binh. Bất ngờ quân giặc quay lại cùng viện binh bao vây bốn mặt, Chính tướng lệnh cho Thế Khôi vượt vây về triều xin binh cứu viện.
  Trong vòng vây của giặc hơn một tháng, không thấy viện binh, Thế Hạo phá vây. Khi thoát về đến mé đông thành Hạnh Lâm thấy Thế Khôi đang chuẩn bị đón mừng, trong lúc nóng lòng, Chính tướng tưởng Phó tướng “ham mê tửu sắc, bỏ việc quốc gia, quên tình cốt nhục” nên khép vào quân lệnh, đuổi giết ném xác xuống sông[3]. Thi hài ông trôi về huyệt Hàm Rồng ở Triều Khẩu, thuộc địa phận làng Báo Long (nay là làng Ngọc Long ở gần Hội Triều).
Khi đó, Đô đốc đã có 4 người con: Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực (con bà cả) và Thế Khải (con bà hai). Người con trai út của ngài do bà vợ thứ sinh ra tên là Lương Thế Khải năm đó 17 tuổi, đi tìm thi hài cha, đến Triều Khẩu thì nhận được dấu tích và thấy mối đã đùn đất thành ngôi mộ lớn. Nhân thấy nơi đó, gần làng Hội Triều là quê hương của Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516), vốn là chỗ thân tình lâu đời của gia tộc nên Thế Khải cùng mẹ quyết định ở lại Hội Triều thờ phụng hương khói cho Đô Đốc và làm chỗ nương náu. Từ đó hình thành họ Lương Tam Chi tại đây.
Còn các người con của bà chính thất là Lương Thế Kỳ, Lương Thế Phụ, Lương Thế Dực thì lưu tán nơi nào không rõ tung tích. Đây có thể là Thuỷ tổ của dòng họ Lương ở Phượng Ngô (nay thuộc xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và họ Lương nhiều vùng khác buộc phải che dâu gốc gác tránh hoạ tru diệt[4].
Khi Đô đốc Thế Khôi bị nạn thì Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vẫn còn[5]. Do mối thân tộc, có thể con cháu Đô đốc đã nương nhờ Bảng nhãn. Để bảo vệ giọt máu của Lương Thế Khôi, Cụ đã nhận con cháu Lương Thế Khôi làm con cháu mình và từ Lương Thế những người này chuyển qua Lương Đắc mà đời sau không rõ hay cố tình lờ đi. Do vậy có thể Lương Đắc Cam là hậu duệ của Lương Thế Vinh nhưng lại ngộ nhận là hậu duệ của Lương Đắc Bằng.
Dù sao đây cũng chỉ là giả thuyết! Rất mong được quan viên họ và những người quan tâm, có tư liệu cung cấp, bổ sung, sửa chữa dần hoàn chỉnh việc “Đi tìm Cội nguồn dòng họ”.



[1] Không phải năm Hồng Đức thứ bảy (洪順七年, 1476) như đã viết trong tộc phả.
[2] Đại Việt Sử ký toàn thu chép: Năm Hồng Thuận năm thứ 7 (Ất Hợi, 1515): “bắt các trấn nộp thuyền gỗ để đi đánh Ai Lao” chứ không có việc đánh Chiêm Thành như Phả chép.
[3] Đây là thời nhà Lê Sơ (1428-1527) suy tàn, Mạc Đăng Dung (莫登庸, 1483-1541) lăm le cướp ngôi, đã dùng kế “Tá đao sát nhân” (借刀杀人, mượn dao giết người) sát hại trung thần. Từ việc để Lương Thế Hạo giết Đô đốc Lương Thế Khôi, rồi giặc giết Lương Thế Hạo (1515), Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực lập vua Lê Chiêu Tông (1516), Lê Chiêu Tông giết Đô ngự sử Đỗ Nhân (1517), dọn đường cho mười năm sau  bước lên ngai vàng, lập ra nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) .
[4] Mãi đến thời Lê Trung Hưng (1533–1789), vào năm 1600, sau khi diệt xong nhà Mạc (1592), Lê Kính Tông (黎敬宗, 1588 – 1619) mới minh oan cho Đô đốc và có sắc phong “Thượng Đẳng Phúc Thần”.
[5] Có tài liệu viết 1477-1526, tức cụ mất năm Bính Tuất, 1526 đời Lê Cung Hoàng vào dịp Trần Cảo đã kéo quân uy hiếp kinh thành. Còn theo nhận xét của tôi trong chuyên luận này thì Cụ sinh sinh năm 1472,  thọ hơn 50 tuổi nên mất năm Bính Tý 1516 hay Bính Tuất 1526 hoặc khoảng giữa 2 mốc đó!

1 nhận xét:

  1. Bản Phú úy 賦諱 họ Lương Hùng Thắng-Vinh Quang viết: “始祖高高枝祖考梁贵公字三郎諱 甘忌八月十五日” (Thủy tổ Cao Cao Chi Tổ khảo Lương quý công tự Tam Lang húy Cam) có thể hiểu cụ là con trai thứ ba và tên là Cam.
    Lương Thế Dực là thứ ba của Lương Thế Khôi, lại trùng tên với vua Lê Tương Dực (1510- 1516) nên phải chăng được đổi ra Lương Đắc Cam theo phép Kị huý và tránh được hoạ tru diệt.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!