Việc cưới hỏi mùa này diễn ra thường xuyên, cứ tưởng ai cũng hiểu
nhưng xem ra đa phần “bắt chước” làm theo nên hay bị lẫn, nhất về tên gọi các
lễ. Nhân mùa cưới 2013 lại đúng dịp cháu Nguyệt xuất giá, viết lại bài này:
1. Lệ tục trong cưới xin:
Hôn nhân (H: 婚人/婚禮, A: Marriage - Marriage ceremony, P: Mariage - Cérémonie de mariage) là việc cưới vợ gả chồng cho con trai và
con gái, việc kết nghĩa hai họ; là sự cam kết đồng ý giữa hai cá nhân Nam và Nữ
về các khía cạnh luật pháp, xã hội và tôn giáo; nó là nền tảng của gia đình
trong hầu hết các dạng hình xã hội hậu nguyên thủy. Theo truyền thống, muốn
thành đôi lứa phải trải qua Lục lễ danh nghi (H: 六禮名儀, A: The six ceremony of
marriage, P: Les six cérémonies de
mariage), gồm: Nạp thái 納釆, Vấn danh 問名, Nạp cát 納吉, Nạp trưng 納徵, Thỉnh kỳ 請期, Thân nghinh 親迎. Ngày nay, tục
lệ cưới xin đã có phần đơn giản, nhanh gọn và tiết kiệm hơn nhiều, nhưng không
vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy một số Lễ vẫn phải theo,
là:
1.1. Lễ chạm ngõ (xem mặt, dạm
ngõ) : là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình,
thông qua đó hai gia đình có thể biết rõ về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay
không quan hệ hôn nhân của hai gia đình.
1.2. Lễ ăn hỏi: Còn được gọi là “lễ Đính hôn” là một thông báo chính
thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Khi đó cô gái được hỏi đã chính
thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi và trên thực tế, nó đã bao
hàm cả lễ dẫn cưới. Nên trong các nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày nay phải có cả
những nghi thức của lễ dẫn cưới. Chú ý số mâm quả (hoặc tráp) thường là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 vẫn chỉ là 1 lễ (Lễ Ăn hỏi) không phải đây là số lễ như
có người hiểu. Trong các tráp này có trầu, cau; bánh cốm; mứt sen; rượu; chè;
thuốc lá; bánh phu thê (bánh xu xê),
bánh đậu xanh, lợn sữa quay, tiền dẫn cưới. Riêng tiền dẫn cưới phải để trong 3
phong bì (1 đặt tại nhà cô dâu, 1 bên gia
đường họ Nội, 1 bên Gia đường họ Ngoại của cô dâu) và mỗi phong bì đặt số lẻ đẹp tiền (như 999.000 hay 1.599.000 hoặc 3.333,000 đ)v.v.
Nhận lễ và yết cáo Tổ tiên xong, nhà gái phải trả lễ một phần cho
nhà trai (riêng cau phải xé không cắt và
tráp đựng lễ không đạy nắp). Sau đó
nhà gái thường làm cơm thết đãi rồi chia trầu biếu quà cho họ hàng lân
xóm.
1.3. Lễ cưới là đỉnh điểm của quy trình tiến tới hôn nhân, là hình
thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, công bố sự thành
hôn của đôi trai gái. Nó bao gồm: Lễ Vu
quy, Lễ Xin dâu thực hiện tại nhà gái trong đó có việc “liên hoan” và gia
đình nhà gái trao của Hồi môn (H: 回門, A: To come back home, P:
Rentrer chez-soi) cho cô dâu; Lễ Rước dâu đi từ nhà Giá về nhà trai; Lễ Thành hôn (hay Tân hôn): tổ chức tại
Hôn trường bên nhà Trai. Nhưng nhiều người không hiểu nên ở bên nhà gái cũng đề
chữ và mời khách dự “Lễ Thành hôn”, “Lễ Tân hôn”-người biết mà khó tính lại bảo
như vậy nhà gái “quỵt” cỗ!!!
1.4. Lễ lại mặt: có thể là Nhị hỉ (sau ngày cưới 2 hôm) hoặc Tứ hỉ (nếu sau 4 hôm) đôi vợ chồng trẻ về bên nhà bố mẹ vợ làm lễ gia
tiên, thăm hỏi và biếu quà cho họ hàng rồi dự bữa ăn với gia đình.
1.5. Kỷ niệm ngày cưới: thực hiện dịp 25 năm (đám cưới Đồng), 30 năm (đám
cưới Bạc), 40 năm (đám cưới Vàng),
50 năm (đám cưới Kim cương) sau ngày
cưới. Đây là lệ không bắt buộc, nhưng nên làm để giáo dục con cháu.
2. Bái yết cáo gia tiên ngày
con gái Xuất giá:
(thắp 3 nén nhang)
Hôm nay, ngày 24/8 năm Quý Tị, tức là vào ngày 28 tháng 09 năm 2013,
vào năm thứ 68 của nước CHXHCN Việt Nam,
Tại tư gia của Lương Đức Luân ở thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện
Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai,
Trong ngày lễ Vu quy của lệnh ái là
Lương Thị Minh Nguyệt, tín chủ chúng con tâm thành lạy, thỉnh:
- Chín phương Trời, mười phương Phật;
- Ngài Đương niên Quý Tị niên Chí đức Tôn thần: Từ giả Đại tướng Quân; Ngài Đương niên chi Thần: Ngô
Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan;
- Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh
Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân: Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, Thổ địa
Long mạch Tôn thần, Ngũ phương, Ngũ Thổ, Phúc đức Chính thần và Chư vị thần
linh cai quản xứ An Phong này.
- Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tôn, Chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu.
Chúng con tiếp kính thỉnh:
- Lịch đại tổ tiên Lương tộc, các vị Nội Ngoại tiên linh, Thúc, Bá,
Cô, Dì, Đệ, Huynh, Tỉ, Muội, các vong linh phụ thờ theo Tiên Tổ;
- Cùng hương linh tiền nhân đã khai hoang, mở ra vùng đất An Phong.
Kính nghe:
Vạn vật tạo thế gian, chuyện sắp đặt nhờ Thánh hiển linh;
Người sống trong trời đất, sự sinh tồn có Phật, Thần phù hộ.
Nước tự nguồn trôi kẻ uống nước phải tìm mạch chẩy ra;
Cây theo cội lớn người xuất giá cần báo ơn Tiền nhân, Tiên Tổ.
Lại biết rằng:
Vũ trụ có trời đất, phối hợp có âm dương. Thảo dân cho tới quân
vương, Nào ai qua khỏi cái vòng phu thê.
Vợ chồng là đạo tâm can, là
khởi nguồn chính nhân luân đạo giới.
Muốn nên vợ thành chồng bước Hôn lễ có lề có luật.
Mong cuộc sống hanh thông phải nhớ ơn người trước.
Bởi thế cho nên:
Kính cẩn khấn cầu:
Phúc tổ di lai, Sinh gái trưởng thành;
Nay Lễ Vu quy, Sau tuần Đính ước;
Lễ mọn kính dâng, Phật, Thần, Tiên tổ;
Cho gái lấy chồng, Chữ là Xuất giá.
Giai lão trăm năm, Vững bền Lương - Vũ;
Nghi thất nghi gia, Có con có của.
Cầm sắt giao hoà, Trông nhờ phúc Tổ.
Lễ bạc tâm thành, Kính xin phù hộ.
Nam mô a di Đà Phật
(3 lần)
(Cắm nhang.)
Nay Tân lang Vũ Tiến Duy, Tân
nương Lương Thị Minh Nguyệt trong lễ Vu quy cúi xin hứa nguyện: “Trăm năm nghĩa
thắm tình nồng, tròn duyên, trọn nợ, vẹn tình sắt son; Dù cho sông cạn đá mòn,
tình chồng nghĩa vợ mãi còn thủy chung”.
Chí thành khấn cầu: Hoàng Thiên Hậu Thổ chí linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão
thiên tiên, chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu: hiển linh chứng giám.
(Đồng vái lạy (2 cháu vái 2 cái))
Con nay Xuất giá, nguyện
mang theo truyền thống, quý chữ trinh
hậu, đảm đang, khéo thuận khéo tùy, vun vén cửa nhà, chăm lo công tác,
sự nghiệp hanh thông, không hổ danh gái đảm dâu hiền; Rể mới nhập gia hứa biết
cần kiệm, lo toan, nghề nghiệp phát tài, là trụ cột gia đình, giữ gìn gia đạo
sao cho xứng trai tài, rể thảo.
Nguyện cầu cho tứ thân phụ
mẫu bách niên giai lão, muôn sự cát tường; họ Lương họ Vũ trường tồn cùng trời
đất, mọi việc hanh thông, nghĩa thông gia mãi thắm nồng, tình hai họ ngày thêm
gắn bó.
Nguyện cầu chúng con sớm sinh quý tử, cuộc sống đủ đầy, an khang
trường thọ, trọn duyên cầm sắt, trăm năm hảo hiệp, vĩnh kết đồng tâm, hạnh phúc
trọn đời, không phụ công cha mẹ.
Luôn tâm niệm cùng nhau chung đắp xây tô điểm ngày thêm ấm cúng
vững bền, gia đình hòa thành, ngày thêm hưng vượng, phúc lộc gồm hai, sớm sinh
trai hiếu, gái hiền; vun bồi đức nghiệp cha ông, để tông đường họ Lương Phong
Niên, họ Vũ Kim Sơn đời đời rạng rỡ.
Nguyện cầu, cảm bái (vái, cắm nhang).
(đôi trẻ thắp hương, sau lạy tổ tiên 4 lạy rồi ra Hôn trường)
Lương Đức Mến (soạn
dùng trong gia tộc), mùa cưới 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!