Tuy là vùng đất cổ nhưng địa danh “Kiến An” chỉ mới ra đời trong thời gần đây và vùng đất, cấp hành chính mà cái áo đó khoác cho cũng có một quãng đời khá lý thú. Nhưng dù thế nào “Kiến An” đã đi vào tâm thức bao người với “Đài Thiên văn”, với “sông Văn Úc”, với “Núi Voi” và nhất là với “Tương tư thảo” không đâu thay thế được!
Vùng Kiến An là nơi có địa hình đồng bằng phù sa ven biển do các con sông: Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình bồi đắp nên xen các đồi núi sót: Cựu Viên, Kha Lâm, Phù Liễn, Núi Voi.
Sự thay đổi địa dư, địa danh vùng này từ cổ, trung đại nằm trong mối liên quan đến lịch sử vùng xứ Đông 東处, sau là các huyện vùng Đông Nam của tỉnh Hải Dương 海陽省 rộng lớn (một trong 13 tỉnh ở Bắc Kỳ 北圻十三省 được thành lập năm 1831).
Thời cận đại, vùng đất này nằm trong tỉnh Hải Phòng lập ra vào tháng 1 năm 1898 cùng với thành phố Hải Phòng (trên cơ sở Nha Hải Phòng 海防衙 được tách ra từ tỉnh Hải Dương vào tháng 9 năm 1887). Sau đó, đến tháng 8 năm 1902 đổi tên thành tỉnh Phù Liễn và ngày 17 tháng 2 năm 1906 thành tỉnh Kiến An 建安省. Đây là tỉnh Bảo hộ (A: Protectorate, P: protectorat, H: 保護國) có bộ máy quan lại người Việt do Tuần phủ 巡撫 đứng đầu thuộc xứ Bắc Kỳ (Tonkin, theo Hòa ước Quý Mùi hay Hiệp ước Harmand, 25/8/1883) bên cạnh Tòa Công sứ do một người Pháp (Résident) nắm quyền. Danh xưng “Kiến An” có lẽ khởi xuất từ đây.
Chế độ bảo hộ chấm dứt sau Cách mạng tháng Tám 1945 và theo Hiến pháp năm 1946, Kiến An là một trong 27 tỉnh (bên dưới là huyện, xã) thuộc Bắc bộ. Đến tháng 11 năm 1946, chính quyền VNDCCH hợp nhất Kiến An với Hải Phòng thành liên tỉnh Hải-Kiến. Khi đó Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính nay hợp lại thành Uỷ ban Kháng chiến kiêm hành chính (theo Sắc lệnh số 91-SL ngày 01/10/1947). Sau đó, vào tháng 12/1948 lại tách riêng thành 2 đơn vị hành chính độc lập. Năm 1949, tỉnh Kiến An thuộc Liên khu 3 và có 5 huyện (Tiên Lãng, Hải An, An Lão, An Dương, Kiến Thụy) với 89 xã, trong đó chỉ còn vùng Tiên Lãng là địch không lấn chiếm được trọn vẹn, các làng xã khác hầu như thuộc vùng tề, chịu nhiều càn quét[1]. Ngày 4/3/1950, trả lại huyện Thủy Nguyên[2] từ tỉnh Quảng Yên về cho Kiến An bởi Sắc lệnh số 31/SL.
Trong các năm 1952-1953, sau trận càn “Con sứa” (Méduse) đánh và bình định các huyện Thụy Anh, Quỳnh Phụ của tỉnh Thái Bình, tháng 4/1951, Pháp lập tỉnh Vĩnh Ninh (gồm: Ninh Giang, Hà An, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Phủ Dực, Tứ Kỳ, Thuỵ Anh) nhằm tạo vành đai bảo vệ Tf Hải Phòng và khu quân sự miền Đông Bắc. Nhưng chính quyền VNDCCH vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính cũ.
Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm, vì là địa bàn cuối cùng tập trung để di cư 300 ngày theo Hiệp định Genève 1954 nên Kiến An giải phóng muộn hơn cấc vùng khác. Cụ thể ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An.
Hoà bình lập lại, ngày 26/9/1955, huyện Hải An của Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Khi cấp hành chính Liên khu kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1958 được bãi bỏ bởi Sắc lệnh số 92/SL ngày 24/11/1958 thì Kiến An là tỉnh trực thuộc trung ương (cấp dưới là huyện, xã). Năm 1960 Kiến An có thêm huyện Vĩnh Bảo永寳. Đây là huyện mới thành lập năm 1838 gồm 3 tổng Thượng Cam, Đông Am, Ngải Am thuộc Vĩnh Lại 永賴 và 5 tổng An Bồ, Bắc Tạ, Viên Lang, Hu Trì của Tứ Kỳ 四岐. Phần còn lại của Vĩnh Lại nay là huyện Ninh Giang, phần Tứ Kỳ còn lại nay là huyện Tứ Kỳ đều thuộc Hải Dương. Như vậy thời điểm này tỉnh Kiến An có Tx Kiến An và các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962 Quốc hội có Nghị quyết “Hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là thành phố Hải Phòng”. Từ đó không còn tỉnh Kiến An và địa danh này chỉ thị xã thuộc thành phố, rồi tiếp tục trải qua nhiều lần tách nhập nhưng không trở lại địa danh chỉ cấp tỉnh nữa.
Ngày 05/3/1980, thị xã Kiến An nhập với 16 xã của huyện An Thụy (đất An Lão hợp nhất với Kiến Thụy từ 1969) để thành lập huyện Kiến An, riêng phần nội thị của thị xã Kiến An trở thành thị trấn Kiến An, huyện lỵ của huyện cùng tên.
Trong thời kỳ đổi mới, ngày 06/6/1988, thị xã Kiến An, huyện An Lão tái lập thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện và từ ngày 29 tháng 8 năm 1994 thị xã Kiến An chính thức được chuyển thành quận Kiến An, trở thành quận nội thành thứ tư của thành phố Hải Phòng.
Bởi những việc “nhập”, “tách” như vậy mà nhiều người gặp khó khăn vì giấy tờ được xem là “thiếu thống nhất”!. Ví dụ như chúng tôi, hồ sơ gốc ghi quê quán: thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, tỉnh Kiến An. Sau đó tuy thôn, xã vẫn tên ấy, vẫn bên bờ sông Văn Úc có tỉnh lộ 354 chạy qua và cũng chẳng thiên dời đi đâu nhưng sau 1962 vẫn là huyện An Lão nhưng đã thuộc thành phố Hải Phòng; thời kỳ 1969-1980 thuộc huyện An Thụy, thời kỳ 1980-1988 thuộc huyện Kiến An và sau 06/1988 trở lại thuộc huyện An Lão.
Như vậy, địa danh “Kiến An” mãi 02/1906 mới xuất hiện chỉ tên một tỉnh ven biển Bắc bộ. Nhưng từ 10/1962 “Kiến An” không còn để chỉ tên tỉnh nữa mà có thời chỉ thị xã (từ 10/1962), rồi cấp huyện (Quyết định số 71/QĐ-CP ngày 05/3/1980 của HĐCP), trở lại thị xã (theo Quyết định số 100/HĐBT 06/6/1988 của Hội đồng Bộ trưởng) sau dùng chỉ quận (Nghị định số 100-CP ngày 29/8/1997 của Chính phủ).
Lịch sử đã chọn Kiến An đi đầu trong nhiều việc. Trong đó có công cuộc khai hoang miền núi. Ngay từ ngày 28/4/1961 Tỉnh uỷ Kiến An ra Quyết nghị số 4/QNN/TU lập bộ phận “Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động nhân dân đi khai hoang ở tỉnh Lào Cai” gồm 4 đ/c do đ/c Tụng (Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban công tác nông thôn) phụ trách. Bộ phận này đã xúc tiến nhiều việc để ngày 12/11/1961 Hội nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (Bí thư Lê Huy là Trưởng đoàn) và Lào Cai (Bí thư kiêm Chủ tịch Hoàng Trường Minh là trưởng đoàn) đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm 1961-1965 vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai. Đây là những khởi động ban đầu để Kiến An (từ 10/1962 là Hải Phòng) và các tỉnh Thái Bình, Nam Hà, Hải Dương đưa đồng bào lên xây dựng quê hương mới Lào Cai.
Trong 18 vạn đồng bào các tỉnh lên Lào Cai từ 1961-1975 có gia đình tôi, ra đi từ thôn Phương Lạp (nay là Phương Hạ) xã Chiến Thắng huyện An Lão vào ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức Thứ Sáu 28/02/1964.
-Lương Đức Mến (BS từ nhiều nguồn TK)-
[1] Tại vùng tạm chiếm, trong các năm 1952-1953, sau trận càn “Con sứa” (Méduse) đánh và bình định các huyện Thụy Anh, Quỳnh Phụ của tỉnh Thái Bình, tháng 4/1951, Pháp lập tỉnh Vĩnh Ninh gồm đất đai của Hải Dương (Ninh Giang, Hà An, Vĩnh Bảo), Thái Bình (Phủ Dực, Tứ Kỳ, Thuỵ Anh) và huyện phía nam Kiến An (Tiên Lãng) nhằm tạo vành đai bảo vệ Tf Hải Phòng và khu quân sự miền Đông Bắc.
[2] huyện Thuỷ Nguyên thuộc tỉnh Kiến An đã sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên bởi Sắc lệnh số 130-SL ngày 7 tháng 11 năm 1949 .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!