Năm 2012 Nhâm Thìn này là năm
“Nhuận kép” bởi cả Âm lịch và Dương lịch đều nhuận. Tưởng công việc cúng giỗ trong năm nhuận ai cũng rõ
và dễ thống nhất với nhau. Nhưng hóa ra không dễ chút nào.
1. Trước hết nhắc lại về “nhuận”:
Nhuận hay nhuần là sự bổ
sung thêm ngày, tuần hay tháng vào lịch để lịch phù hợp với các mùa thời tiết.
Phép tính thời gian định ra số ngày trong tháng, số tháng trong năm phải là con
số nguyên. Nhưng năm mặt trời hay năm thời tiết và chu kỳ trăng tròn, khuyết không
phải bao gồm số nguyên các ngày. Để giải quyết sai biệt giữa năm, tháng theo
chu kỳ tự nhiên với chu kỳ nhân tạo do con người đặt ra khi làm lịch người ta
đã đưa “ngày nhuận”, “tháng nhuận” vào và tạo ra “năm nhuận”.
Cái thường gọi là “lịch ta”
thực chất là “âm dương lịch” một năm thường có 12 tháng, nhưng cứ trong 19 năm như
vậy sẽ có 7 năm có 13 tháng. Tháng thêm vào được gọi là “tháng nhuận” và năm đó
gọi là “năm nhuận”.
2. Việc xác định tháng nhuận, tên tháng nhuận
Trong âm dương lịch tháng
được thêm vào theo các quy tắc rất phức tạp. Đó là: phải đảm bảo tháng Tý (Một) luôn luôn là tháng có ngày chứa
điểm khởi đầu tiết Đông chí ở nửa bán cầu Bắc; không được tính nhuận vào các
tháng Sửu (Chạp), tháng Dần (Giêng). Để xác định tháng nhuận cần phải
dựa vào các yếu tố có liên quan đến tiết khí do các nhà Thiên văn tính toán.
Trong cách đánh số thì tháng
nhuận có cùng cách đánh số và tên gọi như tháng trước đó, chỉ thêm chữ “nhuận”.
Trong hệ thống Can Chi thì tháng nhuận không có tên mà gọi theo tên tháng mà nó
“nhuận”.
Ví như năm Nhâm Thìn 2012 nhuận
2 tháng Tư thì: tháng Tư sau (từ thứ Hai ngày 21/5/2012 đến thứ Hai 18/6/2012) có tên:
-Theo số là “tháng Tư nhuận”, tức là tên số của tháng
nó nhuận, tháng trước nó (từ thứ Bẩy ngày
21/4/2012 đến Chủ nhật ngày 20/5/2012).
- Theo Can Chi là tháng “Ất Tỵ (nhuận)”, nó là tháng
thiếu chỉ có 29 ngày (từ ngày Nhâm Ngọ
壬午 trong Tiết: Tiểu mãn, kết thúc vào ngày Canh Tuất
庚戌 trong Tiết:
Mang chủng). Tức là tên tháng mà nó nhuận,
tháng Ất Tỵ (từ ngày Nhâm Tý 壬子 đến ngày Tân
Tị 辛巳, tháng đủ 30 ngày).
3. Việc cúng giỗ khi gặp tháng nhuận
Năm có tháng nhuận không có
hàm ý “tốt”, “xấu” gì về thời tiết, khí hậu. Do vậy cũng không thể ảnh hưởng
đến vận hạn của con người hay khu vực, quốc gia rộng ra là toàn thế giới.
Có điều đối với công việc
tính theo lịch âm thì Tết và ngày cúng giỗ nếu rơi vào tháng trước nhuận thì
bình thường, rơi vào sau tháng nhuận phải “chờ” thêm 1 tháng nữa. Trường hợp sự
kiện xẩy ra vào chính tháng nhuận thì:
- Với những nghi lễ tính
theo ngày, tuần thì phải tính từ ngày xẩy ra, tức là chú ý tới tháng nhuận.
- Với nghi lễ tính theo năm
thì vẫn phải tiến hành theo tháng chính
bởi thực ra năm khác làm gì còn tháng “nhuận” đó nữa!
Ví dụ:
1. Thím tôi mất lúc 3 giờ
sáng Thứ Tư ngày 15/6/1988, theo âm lịch đó là ngày 02 tháng 5 năm Mậu Thân.
Năm nay nhuận 2 tháng Tư âm nhưng không thể cúng vào 02/4 nhuận (22/5/2012 nhằm ngày Quý Mùi tháng Ất Tỵ
nhuận) được mà vẫn phải cúng vào tháng sau, 02/5 tức thứ Tư ngày 20/6/2012
nhằm ngày Nhâm Tý tháng Bính Ngọ.
2. Cháu rể tôi là Vũ Mạnh
Hưng[1]
(chồng Hoàng Thị Phương, con rể Lương Thị
Sinh[2])
vừa mất lúc 8 giờ 30 ngày Chủ nhật 20/5/2012, tức là ngày 30 tháng Tư âm lịch,
truy điệu và đưa tang từ 9 giờ thứ hai ngày 21/5/2012, tức là ngày 01 tháng Tư
nhuận thì:
- Việc cúng 3 ngày, cúng
tuần, cúng 49 ngày và 100 ngày tính từ 30/4 âm và trong cả tháng Tư nhuận. Cụ
thể lễ Tam ngu vào: 23/5 tức ngày 02/4 nhuận; cúng tuần đầu vào 27/5 tức ngày
07/4 nhuận; Thất thất lai tuần vào 01/7 nhằm ngày 13 tháng 5 âm…
- Giỗ đầu vào 01 tháng Tư
năm sau…
Nhớ Thím và thương cháu gái
sớm mồ côi cha mẹ từ năm 14 tuổi nay lại mất chồng khi tuổi còn trẻ, mới ngoài
30. Một nách 2 con dại, kèm 2 em chưa ổn định với điều kiện lương giáo viên
Tiểu học ở vùng cao…
Có lễ Trời chưa hẳn đã công
bằng!
[1]
Cháu quê ở Nam
Đinh, sinh năm 1977 đang là Phó Chi nhánh điện SiMaCai, mất do Ung thư Vòm
họng. Vợ vừa đẻ con trai thứ hai được 1 tháng rưỡi, em gái vợ là Thủy vừa cưới
được 3 ngày.
[2]
Lương Thị Sinh là con gái thứ hai của chú ruột tôi. Từng là giáo viên dạy ở xã Bản
Mế, huyện Bắc Hà (nay thuộc SiMaCai) sau bỏ việc. Trong một chuyến đi xe khách
từ Phong Niên lên bắc Hà, Sinh bị rơi từ
bậc tháng trên nóc xe khách xuống và
chết (ngày 19/4/1994, tức 09/3 Giáp Tuất).
Sau hơn 100 ngày (26/6, tức 03/8) chông
Sinh là Hoàng Công Phú (Chi cục trưởng chi cục Thuế Bắc Hà) cũng mất vì Xuất
huyết não.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!