Theo tập quán, nếu dân Âu Mỹ lấy ngày sinh làm trọng thì dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng. Do vậy, ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất “giầu làm kép, hẹp làm đơn” mà cúng giỗ lớn hay bé. Ðây cũng là dịp họp mặt những người thân trong gia đình trong dòng họ để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc đời, việc của người đang sống và giữ gìn gia phong. Việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái cũng như việc Giỗ vốn là truyền thống nhưng mấy ai đã hiểu sâu xa cội nguồn, ý nghĩa của nó.
1. Về ngữ nghĩa:
Tiên linh (H: 先靈, A: The souls of ancestors, P: Les âmes des ancêtres) là linh hồn của tổ tiên.
Vong hồn - Vong linh (H: 亡魂 - 亡靈, A: Soul of dead person, P: L'âme du mort) là linh hồn của người chết.
Tiểu Tường (H: 小祥, A: The small mourning, P: Le petit deuil) là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, nằm trong thời kỳ tang.
Đại Tường (H: 大祥, A: The great ceremony in the end of mourning, P: La grande cérémonie à la fin de deuil) là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm, vẫn nằm trong thời kỳ tang.
Trừ phục (H: 除服, A: To eliminate the mourning clothes, P: Éliminer les vêtements de deuil) là hủy bỏ khăn tang và quần áo tang vì đã hết thời kỳ để tang, tức mãn tang theo 5 hạng tang phục (H: 五服, A: The five kinds of mourning dress, P: Les cinq sortes d'habillement de deuil).
Tiên thường 先嘗 là lễ cúng trước ngày giỗ chính.
Kỵ nhật (H:忌日, A: Anniversary of a death, P: Jour anniversaire du mort) còn gọi là Chính kỵ là ngày giỗ, ngày kỷ niệm người chết theo Âm lịch.
Ăn giỗ : vào dịp cúng giỗ gia chủ thường làm cỗ (to là tam sinh, tức 3 đủ loại thịt của 3 con vật) để trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, tâm tình, bàn chuyện.
Tống giỗ 綜忌: Theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主 trong Gia lễ thì chỉ làm giỗ 4 đời: Cao 高, Tằng 曾, Tổ 祖, Phụ 父 tức là kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ. Đến năm đời thì lại đem chôn Thần chủ (H: 神主,A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort) của Cao Tổ đi mà nhấc lần Tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào chỗ đó. Do vậy Từ “Cao” trở lên gọi chung là Tiên Tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ Xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của Thuỷ tổ 始祖, ngày Giỗ Tổ.
2. Nghi lễ:
Ngày xưa, người ta coi ngày chết của cha mẹ là ngày kiêng kỵ, không được làm việc gì khác hơn là tụ họp nhau để lo cúng giỗ cha hay mẹ nên gọi là Kỵ nhật. Đó là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất cũng là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ với nhau.
Khách mời: Thân bằng, cố hữu của những người quá cố nếu thấy lưu luyến thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn từ trước, không cần phải đợi đến mời như tiệc cưới, lễ mừng, không nên có chuyện “hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (有请有来, 无请不到, nghĩa là mời thì đến, không thì thôi).
Sắm lễ: ngoài mâm lễ mặn (tùy gia cảnh) và hoa, quả, hương, phẩm oản... thì người ta thường mua sắm không chỉ là tiền, vàng, mã làm bằng giấy mà còn cả các vật dụng như quần, áo, nhà cửa, xe cộ, ngựa và có gia đình còn sắm cả hình nhân. Gia chủ sẽ đem những đồ lễ này lên bàn thờ để cúng. Cúng xong thì đem ra ngoài mộ để đốt.
Những đồ vàng mã trong ngày Tiểu Tường được gọi là mã biếu, gửi xuống cõi Âm ty thì người quá cố và Gia tiên không được dùng, mà đem những đồ lễ này đi biếu các Ác thần để tránh sự quấy nhiễu. Đến ngày Giỗ Hết vàng mã được đốt cho người quá cố nhiều hơn ngày Giỗ Đầu bởi đây mới chính thực là mã nhận, người mình cúng được sử dụng.
Ngày Cáo Giỗ còn được gọi là Tiên Thường là ngày giỗ trước ngày người quá cố qua đời (cúng sống), cúng trước ngày giỗ chính. Ngày cáo giỗ chỉ được áp dụng đối với giỗ trọng (tức những người hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em...) còn đối với giỗ mọn (tức những người hàng dưới trưởng gia như con, cháu, chắt, chít...) chỉ cúng ngày chính giỗ. Buổi sáng hôm đó những người nội trợ đi mua sắm nấu nướng; Gia chủ mang vàng hương ra khấn ở mộ yết cáo với Thổ thần, Long mạch xin Thổ công, Thổ địa xứ đồng nơi mộ phần cho phép vong hồn người được giỗ và nội ngoại cùng về hưởng giỗ cùng con cháu đồng thời sửa sang lại mộ phần cho ngay ngắn.
Ngày xưa, những nhà giầu mời thông gia, bà con làng xóm đến mời ăn giỗ cả hai lễ Tiên thường và Chính kỵ. Dần dần vì khách đông phải chia ra hai lượt; lại có những nhà hàng xóm mời cả hai vợ chồng nên luân phiên nhau, người đi lễ Tiên thường, người đi lễ Chính kỵ và ở nông thôn tuỳ theo thời vụ, muốn “Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ”, buổi chiều đi làm đồng về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ Tiên thường đông hơn là lễ Chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế eo hẹp hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Một vài nhà làm, những người khác thấy thuận tiện bắt chước, dần dần trở thành tục của địa phương.
Dù thế nào thì ngày này, bàn thờ được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ từ sáng sớm. Họ hàng nội ngoại, những người theo giỗ thường gửi giỗ và sửa soạn để làm giỗ hôm sau. Lễ cúng tuy đơn giản hơn Chính kỵ nhưng phải cúng Công thần Thổ Địa trước, Gia Tiên sau. Bàn thờ lúc nào cũng hương khói nghi ngút cho đến hết lễ Chính Kỵ vào buổi sáng hôm sau.
Tiến hành: Ngày Chính kỵ, sau khi đặt đủ lễ lên ban thờ, đốt hương, rót rượu, Gia chủ khăn áo chỉnh tề, bước vào khấn Tổ tiên. Khách đến dự giỗ thì đặt đồ lễ lên bàn thờ, cùng gia chủ vái 4 lạy 3 vái. Sau khi gia chủ, khách khứa, bạn bè thân hữu khấn lễ xong xuôi thì đợi hết ba tuần hương thì gia chủ đứng trước bàn thờ để lễ tạ bằng ba vái ngắn rồi lấy đồ vàng mã đem đi đốt.
Cách khấn trong cúng giỗ: Khi cúng, Gia chủ cần phải khấn mời người được hưởng giỗ trước, tiếp theo mới đến mời Gia tiên nội, ngoại từ bậc cao nhất đến thấp nhất và cáo thỉnh Gia thần cùng về đây để dự tiệc Giỗ.
Chú ý cách xưng hô sao cho đúng âm Hán Việt với người đã mất khi cúng giỗ: Nếu là Bố thì khấn là: Hiển khảo; là Mẹ khấn là: Hiển tỷ; là Ông khấn là: Tổ khảo; là Bà khấn là: Tổ tỷ; là Cụ Ông khấn là: Tằng Tổ Khảo; là Cụ Bà khấn là: Tằng Tổ Tỷ; là Anh hoặc Em trai khấn là: Thệ huynh, Thệ đệ; là Chị hoặc Em gái khấn là: Thể tỵ, Thể muội; là Cô, Dì, Thím, Mợ, Chú, Bác, Cậu đã chết thì phải khấn là: Bá, Thúc, Cô, Di, Tỷ, Muội. Hoặc có thể khấn chung là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ nội ngoại Gia Tiên.
Có điều kiện có thể soạn và đọc Văn tế, Sớ nêu rõ công đức người được cúng, báo cáo công việc đã làm được của con cháu cùng lời hứa, lời thỉnh xin.
Lễ tạ: Sau khi các nghi thức cúng giỗ xong, gia đình dọn thức ăn vừa cúng xong để mọi người dự cúng cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân nên mới gọi là đi “ăn giỗ”. Trước khi hạ xuống, chủ nhà phải vái 3 vái ngắn để tạ ơn gia tiên đã về thừa hưởng những lễ mà con cháu đã dâng lên.
Sau khi ăn giỗ xong, gia chủ hạ tất cả lễ vật trên bàn thờ, chia đều mỗi túi một hay nhiều thứ cho từng gia đình - thân khách gọi là lộc của Tổ tiên, bao gồm: hoa quả, bánh kẹo...
3. Trường hợp đặc biệt:
Những người đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp tự (乏嗣, không có con trai nối dõi). Những người đó có cúng giỗ và do người cháu (con trai anh hoặc em ruột) được lập làm thừa tự 承嗣 lo việc giỗ chạp. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự 接嗣.
Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ. Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Ðiều này không có trong gia lễ nhưng thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.
Một biến thể của việc cúng giỗ là tục thờ “hậu” do nhà chùa hay đình làng đảm nhiệm. Trong trường hợp này người quá cố đã cúng tiền hay ruộng vào chùa hay đình để được hưởng lễ vật vào những dịp kỵ nhật.
Kết luận: Trong thờ cúng tổ tiên, có 3 ngày giỗ: Giỗ Đầu, Giỗ Hết, Giỗ Thường. Đồng thời, theo đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ Tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ Chính kỵ) phải cúng buổi sáng kể cả chiều hôm đó mới chết.
Dù ngày Giỗ nào, tiến hành theo cái “Tâm” người cũng giỗ là chính, cốt đâu ở mâm cao cỗ đầy. Ngày nay, bên cạnh việc Cúng Giỗ tại nơi thờ tự cũng có thể thực hiện việc tưởng niệm bằng cách thắp hương trên mạng như tôi lập ở trang http://www.nhomai.vn/ hay những bài Kỷ niệm tôi viết trên chính trang này.
- Lương Đức Mến, ngày Tiên thường cô Lương Thị Thị (ST, BS từ nhiều nguồn, dùng trong Gia tộc) -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!